Xét xử BS Lương: LS của BV Hòa Bình đề nghị xem xét trách nhiệm ông Trương Quý Dương

Nhóm PV |

LS Nguyễn Danh Huế (đại diện cho BV ĐK Hòa Bình) đặt câu hỏi với VKS: Tại sao hành lang pháp lý rõ ràng thế mà VKS không đề cập trách nhiệm với người đứng đầu?

Trong phiên xét xử các bị can liên quan đến vụ án chạy thận làm 9 người chết tại BV Đa khoa Hòa Bình chiều 28/5, ông Đỗ Đình Vận (đại diện BV Đa khoa Hòa Bình) thừa nhận những yếu kém trong quản lý và đề xuất những cơ quan cấp cao hỗ trợ xây dựng hành lang pháp lý, xây dựng quy trình để tránh những sự cố tương tự.

Cũng trong chiều nay, LS Nguyễn Danh Huế (đại diện pháp luật cho BV ĐK Hòa Bình tại tòa) đã trình bày luận điểm của mình.

1. Hành vi chuyển nhượng thầu trái pháp luật của Công ty Thiên Sơn là nguyên nhân chính gây chết người, phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho các nạn nhân.

Luật sư Huế cho rằng, Cty Thiên sơn sau khi ký Hợp đồng 315 với Bệnh viện Hòa Bình đã có hành vi bán trái pháp luật cho Cty Trâm Anh (do bị cáo Bùi Mạnh Quốc làm giám đốc - pv) để ăn chênh lệch tiền giá trị hợp đồng mà không xin phép, không thông báo cho BV Đa khoa Hòa Bình.

Việc chuyển thầu không xin phép BV Đa khoa Hòa Bình đã vi phạm quy định pháp luật về luật đấu thầu, gián tiếp dẫn đến sự cố y khoa làm chết 9 nạn nhân tại BV Đa khoa Hòa Bình ngày 9/5/2017.

"Chúng tôi kính đề nghị HĐXX buộc Công ty Thiên Sơn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại toàn bộ cho gia đình nạn nhân. Ngoài ra, hành vi bán thầu trái phép gián tiếp khiến 9 nạn nhân tử vong này đã gây ra sự bức xúc rất lớn trong nhân dân, xã hội, gây xói mòn niềm tin của nhân dân, dư luận. Hành vi này phải được xử lý nghiêm khắc để đảm bảo ngăn ngừa sự vi phạm pháp luật trong tương lai".

LS Huế cũng đề nghị giám đốc BV Hòa Bình gửi công văn lên Bộ Kế hoạch & Đầu tư về việc cấm đầu đấu thầu thiết bị ngành y tế trong vòng 3 năm đối với đối với Công ty Thiên Sơn trên phạm vi toàn quốc, đề nghị xem xét kiến nghị truy cứu trách nhiệm Giám đốc Công ty Thiên Sơn ông Đỗ Anh Tuấn để tạo ra sự công bằng trước pháp luật, giảm nỗi đau cho các gia đình nạn nhân.

2. Xem xét trách nhiệm dân sự của ông Trương Quý Dương - nguyên GĐ BV Đa khoa Hòa Bình

LS Huế cũng kiến nghị HĐXX làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân trong chuyện này này, trả lại công bằng, uy tín cho BV Đa khoa Hòa Bình.

"Ngoài ra, chúng tôi đề nghị HĐXX làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân. Đâu là lỗi của BV thì BV sẵn sàng chấp nhận", LS Huế nhấn mạnh.

Theo ông Huế, đó là lỗi rất lớn của nguyên GĐ BV Hòa Bình - ông Trương Quý Dương, cần phải làm rõ lỗi của các cá nhân; yêu cầu ông Trương Quý Dương bồi thường thay cho BV vì đây là lỗi của người đứng đầu.

Ông Trương Quý Dương là cán bộ công chức duy nhất của BV Đa khoa Hòa Bình, được Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình giao nhiệm vụ công vụ rất quan trọng là khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho toàn dân... trong khi các cán bộ khác đều chỉ được ký hợp đồng viên chức.

Có nghĩa là, với nhiệm vụ của mình, ông Dương phải thực hiện theo nguyên tắc quản lý tập trung dân chủ và chịu trách nhiệm cá nhân. Tại khoản 1 điều 9 của Luật cán bộ, công chức ghi rõ, nghĩa vụ của cán bộ công chức trong thi hành công vụ là thực hiện đúng, thực hiện đầy đủ chịu trách nhiệm về kết quả nhiệm vụ được giao.

Như vậy, với tư cách là một người công chức bình thường, ông Dương đã phải chịu trách nhiệm kết quả công việc được giao. Trong trường hợp này, đối với hành lang pháp lý đã được quy định rất rõ trong Luật cán bộ, công chức 2008, ông Dương hoàn toàn phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với công tác điều hành, quản lý, giám sát khi để xảy ra sự cố đặc biệt nghiêm trọng này tại Bệnh viện.

Từ đó LS Huế đặt câu hỏi với VKS: Tại sao hành lang pháp lý rõ ràng thế mà đại diện VKS không đề cập trách nhiệm với người đứng đầu mặc dù vụ án đã xảy ra từ rất lâu?

Video: Luật sư Nguyễn Danh Huế trình bày tại phiên tòa chiều 28/5

3. Giá chạy thận tại BV Đa khoa Hòa Bình đắt gấp đôi BV Bạch Mai

Cũng trong phần trình bày, LS Huế tiết lộ thông tin do ông thu thập: "Hòa Bình là một tỉnh nghèo, đa số người dân là dân tộc thiểu số, hàng năm phải nhận trợ cấp từ nhà nước mà tại sao mức giá chạy thận lại gấp đôi BV Bạch Mai?

Theo chúng tôi được biết, mức giá chạy thận trung bình trên toàn quốc dao động từ 3,5 - 4 USD/ca, riêng tại BV Hòa Bình từ 7,7 USD/ca.

Bệnh nhân chi trả cao nhưng lợi ích của Bệnh viện không có, đối tác lại được thu lợi nhuận cao. Tôi đề nghị HĐXX xem xét việc này, vấn đề của cựu giám đốc bệnh viện là rất lớn".

LS Huế cũng cho biết, với tinh thần khách quan, toàn diện, tuân theo pháp luật, căn cứ vào diễn biến tại phiên tòa, căn cứ vào các chứng cứ luật sư đưa ra. "Chúng tôi thấy rằng, những cáo buộc của vị đại diện VKS với BS Hoàng Công Lương là còn khiên cưỡng. Thủ tục tố tụng trong quá trình điều tra đều vi phạm nghiêm trọng. Những chứng cứ mà LS đưa ra đầy tính thuyết phục. Chúng tôi đề nghị HDXX tuyên BS Lương hoàn toàn vô tội.

Đối với bị cáo Sơn và bị cáo Quốc đều là những người còn trẻ, còn thiếu kinh nghiệm sống, họ thực ra cũng chỉ là nạn nhân của những người có chức vụ, nên đã vô hình đẩy họ vào vòng lao lý. Với tư cách là người bảo vệ quyền lợi cho BV Hòa Bình, chúng tôi đề nghị HĐXX xem xét một cách khách quan, toàn diện những tình tiết có lợi để họ nếu có lỗi có cơ hội được sớm trở lại cộng đồng, đóng góp cho xã hội", LS Huế trình bày.

Trong phiên xử ngày 17/5/2018, luật sư Hoàng Ngọc Biên (bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương) công bố nội dung ghi trong hồ sơ, trong đó có tỷ lệ ăn chia giữa bệnh viện và Công ty Thiên Sơn: "Thiên Sơn hưởng 90% tổng doanh thu trong tháng, bệnh viện hưởng 10% tổng doanh thu của tháng, số tiền này bệnh viện chi cho chi phí điện nước, ấn phẩm, phụ phí thủ thuật" (xem chi tiết tại đây).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại