Lặn lội “thân cò” mưu sinh tối mùng 1 tết

Lạc Trung |

(Soha.vn) - Rời gia đình và người thân, những người lao động bám trụ ở thủ đô để làm xe ôm, bán bóng bay... Họ chắt góp từng đồng gửi tiền về nuôi con, làm kinh tế và những mảnh đời ấy không biết đến ngày tết từ vài năm nay.

Dưới cái rét căm căm của tiết trời tối mùng 1 tết, trên các ngả đường ở thủ đô như Nguyễn Trãi, Bà Triệu, Trần Duy Hưng…có thể dễ dàng bắt gặp những người bán bán bắp rang bơ, bóng bay …Tại các ngã tư còn lác đác những xe ôm ngồi đợi khách để kiếm ít tiền đầu năm.  Dường như cái khắc nghiệt của thời tiết tối mùng 1 tết không làm cho người lao động nghèo quên đi gánh nặng mưu sinh.

Tối mùng 1 tết nhưng những người bán bóng vẫn có mặt trên các ngả đường.

 Ngày tết như ngày thường

Vì đồng tiền, chị Nguyễn Thị Hồng (Hà Nam) đành xa gia đình trong những ngày này. Chị làm nghề bán bóng nay đã được gần 3 năm, cứ mỗi dịp tết đến xuân về là chị lại đạp xe trên những tuyến phố để bán bóng bay. Chồng làm thợ xây, hai con đang tuổi ăn học khiến kinh tế gia đinh khó khăn. “ Những ngày này mọi người đi chơi nhiều, bóng bán được nhiều hơn ngày thường. Vì vậy không đi bán thì phí lắm. Mấy năm nay có được ở nhà vào dịp tết đâu…” chị Hồng tâm sự.

Những đợt tết hay lễ hội, những trái bóng bay chị nhập về cũng vì thế mà tăng so với ngày thường. Tuy vậy, bóng bán cho khách không dám tăng nhiều. Vì thế những dịp này chị chỉ hi vọng bán được nhiều để có thể kiếm được nhiều tiền từ số bóng mình bán ra.

Gần vườn hoa Hà Đông, anh Phạm Văn Thuấn (Thanh Oai, Hà Nội) bán bắp rang bơ trên chiếc xe của mình. Thời tiết giá lạnh nhưng anh ăn mặc rất phong phanh. Trò chuyện với chúng tôi nhưng ánh mắt anh vẫn không ngừng chú ý người đi đường với hi vọng có khách lại mua. Anh kể, ngày nào cũng vậy, bất kể giá rét hay mưa gió, anh đạp xe hàng đi bán từ 3h chiều đến 1h sáng hôm sau mới về.

Thời tiết giá lạnh nhưng anh Thuấn chỉ mặc chiếc áo mỏng khi làm việc.

Ở quê nhà chỉ trông chờ vào mấy vụ lúa thì không đủ ăn. Mỗi khi cần tiền đóng học phí cho hai đứa con đang tuổi ăn học, tiền sinh hoạt, tiền ốm đau, đều phải đắn đo suy nghĩ.  Nên ngoài công việc đồng án, anh  thuê nhà trọ để bán hàng rong cho có đồng ra đồng vào. “Tết là dịp kiếm tiền dễ hơn ngày thường, vì vậy phải ở lại bán. Vất vả nhưng phải chịu chứ biết làm thế nào…” anh tâm sự.

Mùng 1 tết, càng về đêm phố xá càng thêm vắng vẻ. Tuy vậy, anh vẫn đạp xe đi trên những tuyến phố bất chấp thời tiết lạnh giá.

Xe ôm kiên trì đợi khách

Ngồi thu mình trên chiếc xe ôm tại ngã ba Lương Thế Vinh - Nguyễn Trãi, khuôn mặt bịt kín khẩu trang tránh lạnh, anh Minh (Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội) cho biết “Năm nay khó khăn quá nên làm thêm để kiếm tiền tiêu tết…”

Là công nhân xây dựng nhưng đồng lương từ công việc ấy không khiến anh hài lòng. Nhân dịp tết, anh ra chạy xe ôm tại đây để có thêm thu nhập. Khi được hỏi. tại sao tối mùng 1 đã đi làm thì anh chia sẻ: “ Những ngày này mới có thể đứng đây một mình, chứ ngày thường nhiều xe ôm cạnh tranh nhau nên kiếm chỗ đứng còn khó…”.

Xe ôm đợi khách tối mùng 1 tết.

 Còn bác An, ở Nam Định, làm nghề xe ôm lâu năm ở Ngã Tư Sở  cho biết:”mỗi người một hoàn cảnh, những lúc như thế này lại dễ kiếm hơn ngày thường ấy…”.

Theo quan sát, ngày thường những xe ôm như bác sẽ phải cạnh tranh rất nhiều để giành khách. Vì thế, những ngày này bác sẽ dễ có việc hơn. Tuy vậy, số lượng người ra đường trong tối đầu tiên của tết nguyên đán không nhiều khiến bác cũng không có khách hàng nào trong quãng thời gian chuyện trò với chúng tôi.

Ở gần khu vực cầu Trắng(Hà Đông), vào tối mùng 1 tết có thể thấy nhiều xe ôm ngồi đợi khách.

Quả thật, Mặc thời tiết lạnh giá trong tối đầu tiền của năm mới, nhưng những thân phận nghèo từ khắp nơi, vì miếng cơm manh áo mà quên đi sự cực nhọc, vẫn mải miết mưu sinh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại