"Cần một ban đại diện của người dân làng cổ Đường Lâm"

Hoàng Đan |

(Soha.vn) - PGS.TS Đặng Văn Bài cho rằng, ngoài ban quản lý của Nhà nước cần phải có một ban đại diện làng cổ Đường Lâm của chính người dân.

Tiếng chuông cảnh báo từ làng cổ Đường Lâm

Phát biểu tại hội thảo Chung tay gìn giữ giá trị viên ngọc quý - Làng cổ Đường Lâm do Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch Bền vững (STDe) kết hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội tổ chức, PGS.TS Đặng Văn Bài (Phó Chủ tịch Hội đồng di sản văn hoá quốc gia) cho rằng, việc thời gian vừa qua, một số hộ dân đã ký vào đơn xin "trả lại" danh hiệu di sản, đó là một tiếng chuông cảnh báo cho các cơ quan quản lý, nhà khoa học.

"Chúng ta đã đặt ra cơ sở pháp lý, khoa học cho vấn đề bảo tồn làng cổ Đường Lâm nhưng chúng ta lại chưa tìm được cách để gắn bó về mặt thực chất giữa di sản đó với cộng đồng dân cư, cho nên họ có những bức xúc, xung đột. Nhưng cũng may việc gửi đơn xin trả lại di sản mới chỉ là một vài hộ bột phát còn nếu cả đại diện cộng đồng cùng ký vào đó thì đúng là rất nguy hiểm.

Đành rằng, việc bảo tồn di sản văn hoá nói chung hay những di sản có cấu trúc phức tạp như là phố cổ, làng cổ... thì xung đột với nhu cầu phát triển là tất yếu và trên thế giới cũng gặp phải nhưng có điều, họ nhanh phát hiện, cùng với đó, cộng đồng phải chung tay để tìm nối thoát.

Và lối thoát duy nhất mà theo kinh nghiệm, đó là biến tiềm năng di sản thành các sản phẩm du lịch. Điều này đã được chứng thực ở Hội An (Quảng Nam), Phước Tích (Huế)...", PGS. TS Đặng Văn Bài chia sẻ.

PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng di sản văn hoá Quốc gia.
PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng di sản văn hoá Quốc gia.

Tuy nhiên, PGS.TS Bài cũng thừa nhận, trong suốt gần chục năm qua, chúng ta vẫn chưa có biện pháp nào để biến làng cổ Đường Lâm thành biểu tượng tinh thần, nguồn lực phát triển kinh tế.

"Ngoài việc có trách nhiệm thì người dân ở đây họ có quyền con người, quyền văn hoá, mà quyền con người tức là quyền mưu cầu hạnh phúc mà không làm ảnh hưởng đến người khác, cộng đồng. Việc người dân cơi nới, xây dựng thêm nhà cửa đó cũng là thể hiện quyền con người của họ.

Nhưng trong khi đó, quy hoạch của làng chưa được duyệt nên chưa được cấp đất giãn dân, cộng với nhận thức của một bộ phận người dân chưa hiểu rõ ràng đã dẫn đến những mâu thuẫn, đòi trả lại di sản.

Vì thế, ở đây, cần phải tuyên truyền để cho người dân hiểu rõ di sản và đồng thời, cần phải đẩy nhanh công tác quy hoạch, đảm bảo lợi ích của người dân", PGS.TS Bài nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó cục trưởng Cục di sản văn hoá (Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch) cũng cho rằng, thực tế, hiện nay, trong tất cả các văn bản chưa có khái niệm cụ thể về làng cổ.

"Thực tế, trong Luật di sản chỉ có khái niệm về cổ vật còn không có khái niệm về làng cổ. Làng cổ là cách gọi của những làng có khả năng là trên 100 năm trở lên, vận dụng giống với cổ vật. Làng cổ Đường Lâm được xếp hạng là căn cứ theo tiêu chí của Luật di sản, ngoài các nhà dân, còn có đình, chùa, cảnh quan thiên nhiên...", ông Hùng cho hay.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục di sản văn hoá (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch).
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục di sản văn hoá (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch).

Ông Hùng cũng cho rằng, thực tế, việc một số hộ ở Đường Lâm ký đơn xin trả lại di sản vừa qua ngoài một số nguyên nhân thì cũng phải nói đến, việc nhận thức của người dân chưa đúng.

"Không phải Đường Lâm mới là di tích mà ở đây, chúng ta có rất nhiều di tích, với làng cổ tương tự còn có Hội An, Phước Tích và khu phố cổ Hà Nội. Nhưng ở, các nơi đó không xảy ra tình trạng như ở Đường Lâm bởi do nhiều nguyên nhân, trong đó là phong tục, tập quán, thói quen.

Ở khu phố cổ Hà Nội người dân đã quen với việc xây dựng phải xin phép nhưng ở Đường Lâm, người dân sống ở làng quen với việc tự do xây dựng rồi nên việc giờ đây xây dựng phải xin phép, cũng là một thay đổi mà không phải là dễ đối với một số người.

Việc được xếp hạng di tích là Nhà nước phải cho tiền tu bổ, cái đó là quan niệm không đúng và thực tế như ở khu phố cổ Hà Nội, không có ai có quan niệm đó cả và khi di chuyển . Tuy nhiên, ở đây, nhà nước vẫn có sự hỗ trợ cho một số di tích có giá trị, trong trường hợp cụ thể, ngân sách cân đối được...

Cũng phải nói là người ở Hội An, phố cổ Hà Nội không phải ai cũng được hưởng lợi từ di sản, du lịch nhưng người ta không có những phản ứng như ở Đường Lâm mà người ta điều chỉnh cuộc sống cho phù hợp. Còn lợi nhuận thu được từ đó thì nhà nước sẽ cân đối, phân bổ lại cho các vấn đề an sinh...", ông Hùng bày tỏ.

Cần một ban đại diện của người dân

Liên quan đến các giải pháp nhằm giữ gìn làng cổ Đường Lâm, đứng về phía nhà khoa học, PGS.TS Bài kiến nghị: "Tôi cũng đã có dịp được đi tham quan các làng cổ, phố cổ của Nhật Bản được công nhận di sản thì bên cạnh đơn vị quản lý nhà nước thì còn có một ban đại diện của cộng đồng dân cư tại đó. Và ngay tại đền Hùng, ngoài ban quản lý của tỉnh thì tại các làng gắn với các ngôi đền Thượng, Trung, Hạ có các ông từ được cắt cử và hai năm lại lựa chọn lại.

Và ở Đường Lâm cũng vậy, ngoài ban quản lý nhà nước cũng cần phải có một ban đại diện của người dân để ngoài việc cùng làm việc thì ban quản lý cộng đồng sẽ giúp cho định hướng của ban quản lý nhà nước đến gần với dân hơn.

Thêm vào đó, chúng ta cần phải tôn trọng các ý kiến từ dưới lên, đặc biệt là những nguyện vọng của người dân Đường Lâm chứ không nên có sự áp đặt từ trên xuống".

Đồng quan điểm đó, ông Vũ Chính Đông, Chánh văn phòng Hiệp hội du lịch Tp. Hà Nội cũng đề xuất thêm:

"Ngoài việc nên có ban đại diện của người dân để nói lên tiếng nói, quan điểm thì trong lúc này, để yên lòng dân thì chúng ta phải nghe người dân và trong việc bán vé vào làng cần phải có sự công khai, minh bạch, công bố rõ cho người dân biết số tiền bán vé là bao nhiêu, chi phí để trả lương, các khoản khác... Và các điểm là điểm tham quan thì nhất thiết phải được hưởng phần trăm nhất định từ giá vé đó...", ông Đông chia sẻ.

Ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm.
Ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm.

Về phía đơn vị quản lý trực tiếp làng cổ, ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng ban quản lý làng cổ Đường Lâm cho biết, năm 2012, số tiền phí thu được từ du lịch tại đây là 1,4 tỷ đồng và dự kiến năm 2013 số tiền này là 1,5 - 1,6 tỷ.

"Thực tế hiện nay, giá trị của Đường Lâm là rất lớn về lịch sử, cảnh quan nên chúng tôi đang tham mưu với HĐND - UBND thành phố và thị xã Sơn Tây về việc cho phép tăng giá thu phí du lịch hiện nay lên.

Trong thu phí như điều 3, quyết định 43 của HĐND -UBND thành phố là để lại 100% cho đơn vị phục vụ công tác thu nhưng chúng tôi đang tham mưu là sẽ chỉ để lại tỷ lệ cho ban quản lý chắc là nhỏ hơn về tỷ lệ hỗ trợ quay lại người dân tập trung chuyển đổi cơ cấu sang dịch vụ, du lịch", ông Sơn nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Sơn cũng cho biết, để giải quyết triệt để các vấn đề ở đây, trong thời gian tới, công tác chuyển đối cơ cấu kinh tế cũng như đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu di sản nhằm thu hút các công ty lữ hành, khách du lịch... tới Đường Lâm sẽ được đẩy mạnh để giúp đời sống người dân được nâng cao hơn nữa.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại