Bí thư Thành ủy Hà Nội xin lỗi người dân Đường Lâm

Hoàng Sơn |

(Soha.vn) - “Dù chỉ một ý kiến của người dân Đường Lâm cũng phải giải quyết. Tôi xin lỗi vì đã chậm trễ trong giải quyết vụ việc ở Đường Lâm”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã thẳng thắn chia sẻ tại buổi tiếp xúc với người dân làng cổ Đường Lâm sáng nay (21/5).

Tồn tại mâu thuẫn giữa bảo tồn di sản và vấn đề dân sinh

Đánh giá về giá trị văn hóa – lịch sử to lớn của làng cổ Đường Lâm, tại buổi tọa đàm sáng nay, hầu hết các ý kiến chuyên gia đều khẳng định: Làng cổ Đường Lâm (Thị xã Sơn Tây, Hà Nội) là nơi hội tụ những đặc điểm tiêu biểu của nền văn hóa đồng bằng Bắc Bộ và châu thổ sông Hồng với nền văn minh nông nghiệp lúa nước.

Đây cũng là một quần thể di tích có mật độ dày đặc với hơn 50 di tích có giá trị, trong đó có nhiều di tích đã được xếp hạng (7 di tích cấp quốc gia, 2 di tích và 10 ngôi nhà cổ cấp tỉnh/thành phố).

Theo báo cáo của Chủ tịch UBND xã Đường Lâm thì hiện nay Đường Lâm còn lưu giữ được 37 ngôi nhà cổ có giá trị đặc biệt (niên đại từ 200 – 400 năm), 74 ngôi nhà cổ loại 1 có niên đại trên 100 năm và gần 1000 ngôi nhà truyền thống nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Buổi tọa đàm về vấn đề bảo tồn làng cổ Đường Lâm có sự góp mặt của nhiều chuyên gia và đại diện các ban ngành, cơ quan chức năng.
Buổi tọa đàm về vấn đề bảo tồn làng cổ Đường Lâm có sự góp mặt của nhiều chuyên gia và đại diện các ban ngành, cơ quan chức năng.

Với những giá trị to lớn đó, ngày 28/11/2005, làng cổ Đường Lâm đã được xếp hạng “Di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp quốc gia”. Làng cổ Đường Lâm không chỉ là tài sản vật chất, tinh thần của người dân Đường Lâm, của thị xã Sơn Tây mà còn là giá trị to lớn của cả nước. Chính vì vậy, công tác bảo tồn làng cổ Đường Lâm không chỉ là trách nhiệm của cá nhân ai mà là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành, của toàn dân.

Tuy nhiên, cũng tại buổi tọa đàm sáng nay, nhiều ý kiến đã chỉ ra những hạn chế trong công tác quy hoạch, bảo tồn di tích làng cổ Đường Lâm, hạn chế lớn nhất chính là chưa kết hợp được hài hòa giữa công tác bảo tồn di tích với vấn đề đảm bảo dân sinh. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến mâu thuẫn, khiến một số người dân làng cổ Đường Lâm bức xúc đòi trả lại danh hiệu di tích.

Ông Nguyễn Văn Thành – Chủ tịch UBND xã Đường Lâm (Thị xã Sơn Tây, Hà Nội) thừa nhận: “Hiện nay, việc tổ chức giãn dân để phục vụ công tác bảo tồn di tích làng cổ Đường Lâm đang là vấn đề đặc biệt cấp thiết nhằm giải quyết các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân”.

Ông Thành đề nghị: “Để giải quyết vấn đề này, đề nghị UBND thành phố Hà Nội sớm phê duyệt khu tái định cư để tổ chức giãn các hộ dân trong khu vực di tích. Đồng thời, cần sớm xem xét ban hành cơ chế đặc thù về chính sách hỗ trợ tiền sử dụng đất khi nhà nước cấp đất giãn dân cho các hộ dân và hỗ trợ kinh phí tu bổ, sửa chữa nhà cho người dân Đường Lâm”.

Đồng quan điểm trên, ông Phạm Hồng Sơn – Trưởng Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm cũng cho rằng: “Hiện nay chúng tôi đang rơi vào thế “trên đe dưới búa”. Bên dưới thì áp lực từ phía người dân đòi sửa nhà, đòi cải thiện nơi ở, mà đó là nguyện vọng chính đáng; bên trên thì không được vì quy định của Luật Di sản chưa cho phép. Đó là những bất cập lớn cần phải tháo gỡ.

Chúng tôi thừa nhận đã sai và nhận lỗi vì đã không tham mưu kịp cho các cấp chính quyền trong thời gian qua dẫn đến vụ việc như vừa rồi, song đó cũng là lỗi do khách quan, do bất cập trong Luật Di sản khi đưa vào thực tế”.

Trong khi đó, ông Phạm Quang Long – Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hà Nội cũng bày tỏ: “Giữa công tác bảo tồn di tích làng cổ Đường Lâm và vấn đề đảm bảo dân sinh cho người dân trong thời gian qua chưa thực sự hài hòa, thậm chí phát sinh mâu thuẫn. Nhưng để giải quyết vấn đề này như thế nào thì quả thực là chúng tôi cũng… chưa tìm ra cách nào cả” (!).

Bí thư Thành ủy Hà Nội: “Tôi xin lỗi vì đã chậm trễ”

Tại buổi tọa đàm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đề nghị cần làm rõ hơn nữa khái niệm “di tích sống” và tính đặc thù của di tích làng cổ Đường Lâm để từ đó đề ra phương án giải quyết.

Bí thư Phạm Quang Nghị cho rằng:“Tôi đề nghị chúng ta cần làm rõ hơn nữa khái niệm “di tích sống” và chỉ rõ tính đặc thù của di tích làng cổ Đường Lâm để từ đó có sự linh hoạt trong công tác quản lý, bảo tồn di tích, giải quyết hài hòa giữa hai vấn đề bảo tồn và đảm bảo dân sinh. Làm thế nào để cho người dân có thể sống cùng di tích, thấy được giá trị của di tích và được hưởng những lợi ích từ di tích mang lại.

Ở đây, tôi cũng muốn nói sâu hơn một chút về cơ chế tài chính và cơ chế giãn dân mà UBND xã Đường Lâm đã báo cáo.

Về cơ chế tài chính, hiện nay phía UBND Thị xã Sơn Tây xin hơn 500 tỷ đồng để đầu tư vào công tác bảo tồn và triển khai dự án giãn dân ở di tích Đường Lâm, nhưng chúng ta phải thấy rằng vấn đề tài chính cũng có cái khó.

Hiện nay Hà Nội có hơn 5000 di tích, trong đó có 2500 di tích đã được xếp hạng, nếu 2500 di tích đó mà cũng “đề nghị” như Đường Lâm thì… lấy đâu ra tiền. Nên trong đầu tư bảo tồn di tích cũng cần phải có sự chọn lựa.

Về cơ chế giãn dân, tôi đề nghị các cấp chính quyền có liên quan cần làm rõ hơn vấn đề quy hoạch về quỹ đất, đối tượng được hưởng chính sách giãn dân. Ngoài ra, cần rút ngắn lại các quy trình thủ tục để tránh rườm rà cho người dân trong diện được hưởng chính sách này”.

Bí thư Phạm Quang Nghị tại buổi tọa đàm.
Bí thư Phạm Quang Nghị tại buổi tọa đàm.

Cũng tại buổi tọa đàm, Bí thư Phạm Quang Nghị cũng thẳng thắn nhận mình đã “có lỗi” vì đã “chậm trễ giải quyết vụ việc ở Đường Lâm”. Bí thư Phạm Quang Nghị nói: “Dù chỉ một ý kiến của người dân Đường Lâm phản ánh lên cũng phải giải quyết. Tôi xin lỗi vì đã chậm trễ trong giải quyết vụ việc ở Đường Lâm khiến vụ việc trở nên phức tạp”.

Về những giải pháp để giải quyết vụ việc, Bí thư Phạm Quang Nghị cho rằng: “Trước mắt, cần lắng nghe và tiếp thu ý kiến của người dân về vấn đề bảo tồn làng cổ và vấn đề dân sinh, bên cạnh đó cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến để giúp người dân hiểu ý nghĩa và giá trị của di tích.

Di tích phải gắn liền với dân, bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ Đường Lâm là của dân, do dân và cũng vì lợi ích của nhân dân. Nếu tách người dân ra khỏi làng thì di tích không còn ý nghĩa gì nữa.

Trong vấn đề bào tồn làng cổ Đường Lâm cần linh hoạt, không nên quá cứng nhắc bởi làng cổ là di tích mang tính đặc thù. Bên cạnh đó cũng cần phân quyền cho địa phương nhiều hơn để địa phương chủ động và linh hoạt trong xử lý vấn đề bảo tồn làng cổ.

Ngoài ra, những điều lệ, quy định, hương ước trước đây của Ban quản lý di tích, của làng cổ Đường Lâm cũng nên sửa lại cho “mềm” hơn để phù hợp với thực tế”.

Tồn tại bất cập trong Luật Di sản

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Khái niệm “làng cổ” được hiểu như thế nào cho đúng? Hiện nay chưa có bất kì một văn bản nào quy định hay giải thích rõ về khái niệm này. Trong Luật Di sản cũng không có. Mà khái niệm mập mờ, thiếu tính đặc thù thì thái độ cư xử đối với di sản cũng không thể phù hợp được.

Chính vì vậy, tôi đề nghị cần làm rõ khái niệm di tích “làng cổ”, đưa vào thành quy định cụ thể trong Luật Di sản để làm cơ sở cho việc bảo tồn di tích. Chứ như hiện nay khái niệm “làng cổ” còn rất mập mờ. Mà luật còn “mập mờ” thì thái độ ứng xử với di tích sẽ khó đạt chuẩn. Vấn đề này tôi đề nghị Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cần sớm hoàn thiện.

Bí thư Thành ủy Hà Nội tiếp xúc cử tri Đường Lâm

(Soha.vn) - Sáng nay (ngày 21/05), tại trụ sở Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây, ông Phạm Quang Nghị (Ủy biên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội) đã có buổi tiếp xúc cử tri với bà con xã Đường Lâm.

Người Đường Lâm – đất 2 vua – đang nổi giận: Vì sao?

Các đơn vị nhảy vào “khai thác” làng cổ Đường Lâm, trúng mánh lắm, mấy tháng đầu năm 2013, đã thu được ít nhất đôi tỉ đồng tiền bán vé. Đại đa số người Đường Lâm không được hưởng lợi gì, cái họ buộc phải nhận chỉ là bực mình, vô lý, và lối ứng xử nhẫn tâm.

Đường Lâm xin trả Nhà nước di tích quốc gia

78 người của gần 60 hộ dân ở làng cổ Đường Lâm vừa đồng loạt ký tên trên lá đơn gửi đến UBND thị xã Sơn Tây, UBND TP Hà Nội và Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) để xin trả lại danh hiệu (di tích quốc gia) làng cổ Đường Lâm cho Nhà nước.

Làng cổ Đường Lâm: Đình 300 tuổi nhếch nhác, xập xệ

Làng cổ Đường Lâm đang bị xáo trộn bởi sự xuống cấp tới tồi tàn của ngôi đình cổ 300 tuổi.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại