5 tháng, 7 vụ bạo động rung chuyển Trung Quốc

Hồng Anh |

(Soha.vn) - Bạo động liên tiếp tại Trung Quốc trong nhiều tháng qua đang khiến cho giới chức nước này "đau đầu". Chỉ trong vòng 5 tháng qua, có ít nhất 7 vụ việc chấn động dư luận.

Đánh bom tự chế trước cửa văn phòng tỉnh uỷ Sơn Tây

Ít nhất 1 người thiệt mạng và 8 người khác bị thương trong các vụ nổ xảy ra liên tiếp nhau vào 7 giờ 40 phút ngày 6/11 (theo giờ địa phương) ngay trước cửa toà nhà văn phòng Ủy ban Tỉnh uỷ Sơn Tây tại thành phố Thái Nguyên, Trung Quốc. 20 phương tiện cũng bị phá huỷ và nhiều cửa kính xe ô tô bị vỡ vụn, bắn xa hàng trăm mét.

Bưu điện Hoa nam Buổi sáng dẫn thông tin trên các mạng xã hội nước này cho biết có 7 tiếng nổ đã được nghe thấy.


	Khói đen bốc lên từ hiện trường vụ đánh bom tự chế.

Khói đen bốc lên từ hiện trường vụ đánh bom tự chế.

Tờ Nhân dân Nhật báo đã chính thức xác nhận, các vụ nổ này là do bom tự chế gây ra, đồng thời dẫn lời cảnh sát địa phương cho biết đã phát hiện một số viên bi thép và bảng mạch vương vãi trên hiện trường.

Trước đó, Đài phát thanh quốc gia Trung Quốc thì cho biết các thiết bị nổ được giấu dưới những luống hoa ven đường.

Đánh bom khủng bố tại trung tâm quyền lực của Trung Quốc

Trung Quốc mới đây đã rúng động bởi một vụ tấn công liều chết xảy ra gần đường chính dẫn vào Tử Cấm Thành tại quảng trường Thiên An Môn vào khoảng 12 giờ trưa ngày 28/10, nơi được coi là trung tâm quyền lực của Trung Quốc.

Cảnh sát Bắc Kinh cho biết một chiếc xe jeep trắng đã lao nhanh về phía đám đông người đi bộ, húc đổ rào chắn rồi bất ngờ phát nổ lớn. Ba nghi phạm bên trong chiếc xe, những kẻ đã châm lửa đốt xăng, cùng 2 người dân Trung Quốc đã thiệt mạng, 40 người khác bị thương.

Cảnh sát đã phát hiện dao, dây thép, lá cờ với nội dung tôn giáo cực đoan cùng 400 lít xăng trên chiếc xe gây án, đồng thời thu giữ được nhiều con dao, ít nhất một lá cờ "thánh chiến" tại nơi tạm trú của những nghi phạm.


	Hiện trường vụ nổ xe lớn ở quảng trường Thiên An Môn.

Hiện trường vụ nổ xe lớn ở quảng trường Thiên An Môn.

10 giờ đồng hồ sau khi xảy ra vụ việc, cảnh sát Bắc Kinh đã phối hợp với cảnh sát Tân Cương bắt giữ 5 nghi phạm khủng bố. Ngoại trừ 1 người Hán, tất cả các nghi phạm được cho là người Duy Ngô Nhĩ (Tân Cương).

Nhóm ly khai Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) bị cáo buộc đứng sau vụ tấn công. Tướng Bành Dũng, Tư lệnh quân khu Tân Cương đã bị cách chức Uỷ viên thường vụ Đảng uỷ quân khu - đây được cho là hình thức kỉ luật mà ông Bành phải nhận sau vụ khủng bố.

Đánh bom tự sát vì con không được nhập học

Vào khoảng 8 giờ sáng ngày 9/9, đúng thời điểm những phụ huynh đưa con đi học, một người đàn ông đã phi xe máy 3 bánh vào cổng một ngôi trường tiểu học ở thành phố Quế Lâm, Quảng Tây, Trung Quốc rồi cho châm lửa và làm chiếc xe phát nổ.

Theo điều tra, nghi phạm, một người đàn ông 30 tuổi được cho là dân từ một huyện gần đó tới thành phố làm việc, từng tranh cãi với ban giám hiệu trường này vì con ông ta không đủ điều kiện nhập học. Bức xúc vì việc con mình không được học tại trường đã khiến người đàn ông này có hành động liều lĩnh.


	Cổng trường tiểu học tan hoang vì xe máy phát nổ.

Cổng trường tiểu học tan hoang vì xe máy phát nổ.

Vụ nổ đã khiến 2 người thiệt mạng tại hiện trường, trong đó có cả người điều khiển xe máy và 44 người khác bị thương. Nhiều xe máy và xe ô tô tại hiện trường vụ nổ cũng bị hư hại.

Ngồi xe lăn đánh bom tại sân bay Bắc Kinh

Một người đàn ông ngồi xe lăn tên là Ji Zhongxing (34 tuổi, người Sơn Đông), đã gây ra vụ đánh bom tự sát sau khi cầm trên tay chiếc túi thuốc nổ màu trắng, thường được sử dụng làm pháo hoa rồi la hét và gây ra một vụ nổ lớn tại cửa số 3 của sân bay quốc tế Bắc Kinh vào khoảng 6 giờ 25 phút ngày 20/7 (theo giờ địa phương). Vụ nổ đã khiến Ji và một cảnh sát bị thương.


	Ji Zhongxing giơ cao túi thuốc nổ màu trắng tại sân bay quốc tế Bắc Kinh.

Ji Zhongxing giơ cao túi thuốc nổ màu trắng tại sân bay quốc tế Bắc Kinh.

Cảnh sát Bắc Kinh cho biết Ji đã kích hoạt thiết bị nổ tự chế sau khi bị ngăn phát tán các tờ rơi nhằm thu hút sự chú ý của những người có mặt tại sân bay về khiếu nại của anh ta đối với cách giải quyết vụ việc anh ta bị nhân viên an ninh Đông Quan đánh đập tới liệt nửa người vào năm 2005.

Ji đã gửi đơn khiếu nại và yêu cầu được bồi thường gần 340.000 nhân dân tệ (khoảng hơn 55.000 USD) tới Văn phòng tiếp nhận đơn kiến nghị ở Đông Quan, song đều bị từ chối suốt 8 năm qua vì lí do không có đủ bằng chứng.

Luật sư của Ji cũng khẳng định rằng chính vụ tranh cãi tại Đông Quan là yếu tố chủ chốt dẫn tới hành động của Ji. Người đàn ông này đã bị kết án 6 năm tù giam vì cố ý gây ra vụ nổ.

Ẩu đã vì cán bộ quản lý đô thị đánh chết người bán dưa hấu

Ngày 17/7, một vụ ẩu đả giữa người dân và cán bộ thành phố Sâm Châu, Hồ Nam đã xảy ra sau khi ông Đặng Chính Gia, 56 tuổi, bán dưa hấu gần một cây cầu trong thành phố, đã bị các nhân viên quản lý đô thị dùng gậy sắt đánh vào đầu tới chết.

Theo Sina, gia đình và nhiều người quen của nạn nhân đã giằng co với các cán bộ chính quyền địa phương vì cho rằng họ muốn đưa thi thể ông này đi phi tang.


	Ông Đặng Chính Gia bị nhân viên quản lý đô thị đánh tới chết

Ông Đặng Chính Gia bị nhân viên quản lý đô thị đánh tới chết

Phóng viên đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV tại hiện trường thuật lại vụ việc tại hiện trường cho hay "Chính quyền thành phố đã phải huy động hơn 200 cảnh sát vũ trang tới hiện trường và cuối cùng họ đưa được thi thể của nạn nhân đi”.

6 nhân viên quản lý đô thị liên quan tới vụ việc gây chấn động thành phố này đã bị bắt giữ để phục vụ điều tra.

Liên tiếp 2 vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Tân Cương

6 giờ sáng ngày 26/6 (theo giờ địa phương), một nhóm nổi loạn đã cầm dao, rựa, tấn công đồn cảnh sát, tòa nhà chính quyền và các công trường xây dựng ở huyện Thiện Thiện (Thổ Lỗ Phiên, Tân Cương) khiến 35 người - trong đó có 8 dân thường và 10 kẻ nổi loạn - thiệt mạng cùng nhiều người khác bị thương. Nhiều xe cảnh sát cũng bị đốt cháy rụi.

Nói về vụ bạo loạn tồi tệ nhất Trung Quốc trong vòng 4 năm qua này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định đây là "hành động tấn công khủng bố bạo lực". Truyền thông Trung Quốc cho hay, những kẻ chủ mưu là thành viên một nhóm khủng bố, được thành lập năm 2008 và có các hoạt động tôn giáo trái pháp, cổ vũ chủ nghĩa cực đoan.

Chỉ 2 ngày sau đó, vào ngày 28/6, hơn 100 kẻ bạo loạn lại tiến hành “tấn công một số người dân bằng vũ khí sau khi tụ tập tại các địa điểm tôn giáo" ở thành phố Hotan vào 2 giờ chiều, tuy nhiên, vụ bạo lực này đã nhanh chóng được kiểm soát.

Ba kẻ khủng bố gây ra vụ bạo loạn đẫm máu ngày 26/6 đã bị tuyên án tử hình, 1 kẻ khác phải thụ án 25 năm tù giam.

Tân Hoa Xã nhận định, các hành vi bạo loạn xảy ra liên tiếp nhau này không phải bị kích động bởi xung đột sắc tộc hay tôn giáo mà nhằm gây bất ổn xã hội, phá hoại nhà nước.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại