Xóa nợ 10 tỷ USD cho Triều Tiên, Nga tạo gọng kìm vây chặt TQ

Trung Phạm |

(Soha.vn) - Có nhiều dấu hiệu cho thấy Nga đang tìm cách cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực qua việc đẩy mạnh quan hệ với các nước láng giềng của Bắc Kinh.

Phát biểu trong chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc cuối tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nói rằng, quan hệ giữa hai nước là “mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”, cả trên danh nghĩa và thực chất.

Kết quả quan trọng nhất của chuyến thăm lần này chính là hợp tác năng lượng. Thủ tướng Medvedev cho biết, công ty dầu khí quốc gia Nga Rosneft sẽ cung cấp thêm cho Trung Quốc 10 triệu tấn dầu thô trong 10 năm tới. Hai nước cũng đã nhất trí cùng nhau xây dựng một nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc và tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân. Năm 2012, trao đổi thương mại Nga - Trung đạt 88 tỷ USD và hai bên đều bày tỏ hy vọng sẽ đưa con số này lên 100 tỷ USD vào 2015 và 200 tỷ USD vào 2020.

Những số liệu thống kê nêu trên là rất ấn tượng và không thể phủ nhận, xét trên bình diện kinh tế, quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh đang diễn ra khá tốt đẹp.

Thế nhưng, theo nhận định của một số chuyên gia quốc tế, trong khi nỗ lực mở rộng quan hệ với Trung Quốc thì Nga cũng đang rất tích cực thúc đẩy hợp tác với các quốc gia láng giềng của Bắc Kinh như Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc, Việt Nam và Ấn Độ.

Những động thái ngoại giao của Nga đang diễn ra đúng như tựa đề bài viết của Zachary Keck đăng tải trên Tạp chí The Diplomat: “Đặt cược trên cơ, Nga đang khép vòng vây Trung Quốc”.

Zachary Keck, trợ lý biên tập Tạp chí The Diplomat bình luận: “Xét tới lịch sử quan hệ cạnh tranh giữa hai nước, có nhiều dấu hiệu cho thấy Nga đang tìm cách cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc... Động thái này dường như nhằm mục đích mang lại cho Nga khả năng chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực”.

Thực vậy, cuối tuần qua, lần đầu tiên Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Nhật Bản đã tổ chức cuộc họp 2+2 với những người đồng cấp Nga. Hai bên đã nhất trí cùng tổ chức một cuộc tập trận hải quân chung để chống khủng bố và cướp biển, phối hợp giải quyết các vấn đề an ninh trên Bán đảo Triều Tiên cũng như vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

Quan hệ quốc phòng giữa Moscow và Tokyo được đẩy mạnh bất chấp trên thực tế, về mặt kỹ thuật, Nga và Nhật vẫn trong tình trạng chiến tranh vì hai nước chưa bao giờ ký hiệp định hòa bình chấm dứt tình trạng thù địch từ thời Chiến tranh Thế giới thứ Hai mà rào cản lớn nhất là những bất đồng liên quan tới chủ quyền lãnh thổ xung quanh quần đảo Kurile.

Nga cũng đang đẩy mạnh các quan hệ của mình với cả hai miền Triều Tiên. Tháng 9/2013, Bộ ngoại giao Nga tuyên bố Moscow đã đồng ý xóa tới 90% trong tổng số 11 tỷ USD mà Triều Tiên nợ nước này từ thời Liên Xô. 1 tỷ còn lại sẽ được tái cấu trúc thành chương trình “đổi nợ lấy viện trợ” và sẽ trả dần trong 20 năm tới.

Các chuyên gia cho rằng đây là thỏa thuận mở đường để Nga cung cấp tín dụng cho Bình Nhưỡng, giúp thúc đẩy các dự án xây dựng đường ống dẫn dầu, tàu hỏa và điện năng mà Nga đang theo đuổi tại Triều Tiên.

Từ lâu, Moscow luôn ủng hộ một đường ống dẫn khí tự nhiên kết nối giữa Nga và Hàn Quốc qua Triều Tiền. Các dự án này sẽ được bàn tới trong chuyến thăm Seoul của Tổng thống Putin từ ngày 12-13/11 tới đây. Trước chuyến thăm, truyền thông Hàn Quốc nhấn mạnh, Tổng thống Putin sẽ là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên trong số 4 cường quốc (Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ) tới Hàn Quốc kể từ khi bà Park Geun-hye nhậm chức.

Trước đó, trong cuộc gặp với bà Park tại Hội nghị thượng định G-20 tổ chức tại Nga, Tổng thống Putin đã tuyên bố: “Hàn Quốc là một trong những đối tác ưu tiên của chúng tôi trong khu vực. Chúng tôi duy trì mối quan hệ trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Thương mại giữa hai nước đã đạt 25 tỷ USD và sẽ tăng thêm 3% nữa trong 6 tháng đầu năm 2013”.

Trước khi tới Hàn Quốc, Tổng thống Nga Putin cũng sẽ có chuyến thăm chính thức Việt Nam vào ngày 12/11.


	Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh bắt tay Bộ trưởng Quốc phòng Liên bang Nga Sergei Shoigu

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh bắt tay Bộ trưởng Quốc phòng Liên bang Nga Sergei Shoigu

Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù thúc đẩy quan hệ sâu rộng với Bắc Kinh trong rất nhiều lĩnh vực nhưng Moscow vẫn coi Việt Nam như một đối tác tiền năng để cân bằng sức mạnh với Trung Quốc. Trong bài viết đăng tải trên Tạp chí The Diplomat ngày 19/9/2013, học giả Stephen Blank đã nhận xét: “Nga âm thầm nhưng công khai phản kháng sự xâm lấn của Trung Quốc, và đang đẩy mạnh quan hệ chính trị - quân sự sâu rộng hơn với Việt Nam để đạt được mục tiêu đó”.

Cùng với Việt Nam, Nga cũng duy trì mối quan hệ mạnh mẽ với Ấn Độ. Tháng trước, trong chuyến thăm Nga của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, hai bên đã ra tuyên bố chung sẽ nỗ lực thúc đẩy “hợp tác trong các lĩnh vực tên lửa, công nghệ hải quân và hệ thống vũ khí”.

Cuộc gặp quốc phòng song phương giữa Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng này tại Nga.

Trước thềm cuộc gặp gỡ này, ông Rogozin cho biết: “Chúng tôi đã soạn thảo một đề xuất trọn gói toàn diện trong lĩnh vực trực thăng và máy bay chiến đấu mà Ấn Độ quan tâm. Chúng tôi cũng sẽ thảo luận các kế hoạch phát triển tàu chiến, tàu ngầm mới”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại