Tác chiến Không-Biển trong tư duy quân sự Việt Nam

Do chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Hải quân từng quốc gia khác nhau cho nên tổ chức, bố trí lực lượng để tạo ra sức mạnh hoàn toàn khác nhau.

Việt Nam triệt để lợi dụng thế địa lý của mình đã và đang xây dựng một thế trận cho phòng thủ biển với một mục tiêu chiếm ưu thế cao với địch khi tác chiến.

Tác chiến không đối hạm-trụ cột sức mạnh Hải quân Việt Nam?

Phải công nhận rằng, hạm đội tàu sân bay (CSG) là biểu tượng sức mạnh quân sự của bất kì quốc gia nào sở hữu chúng. Đó là một “căn cứ quân sự” di động bao gồm các lực lượng đối không, đối hải, đối đất, chống ngầm có một sức công phá khủng khiếp, cơ động nhanh, ở bất cứ nơi đâu trên đại dương mà không phụ thuộc vào vị trí địa lý của quốc gia sử dụng nó.

Học thuyết tác chiến không-biển của Mỹ mà giới phân tích, bình luận quân sự tốn không ít giấy mực, cũng được xây dựng từ cơ sở, nòng cốt những CSG này.

Hơn ai hết, Việt Nam đã từng đối đầu với “nguyên bản” của học thuyết này của Mỹ trong cuộc chiến 1965-1973, chỉ khác mỗi điểm là ngày nay, thay vì pháo hạm, Mỹ sử dụng tên lửa hành trình Tomahawk.

Chẳng có gì nghi ngờ khi một chuyên gia quân sự Nga đã khẳng định rằng, tầm cỡ như Hải quân Trung Quốc, nếu tấn công để tiêu diệt 2 hạm đội tàu sân bay Mỹ thì hơn 80% lực lượng hải quân của họ cũng bị xóa sổ. (2 CSG=1 PLAN)

Việt Nam rút ra được điều gì?

 Đội hình của hạm đội tàu sân bay Mỹ
Đội hình của hạm đội tàu sân bay Mỹ

Hạm đội tàu sân bay của Mỹ (CSG), khối chiến đấu này có những đặc điểm chủ yếu sau:

Một là hướng tấn công chủ yếu là từ biển vào đất liền hoặc vào các hạm đội của đối phương.

Hai là có tính cơ động cao, do đó vị trí không cố định.

Ba là cơ cấu lực lượng. Cơ cấu chính của 1 hạm tàu sân bay gồm: 1 tàu sân bay, 2 tuần dương hạm, 2 khu trục hạm tên lửa, 1-2 khinh hạm săn ngầm, 1-2 tàu ngầm nguyên tử tấn công và các tàu hậu cần.

Là chiến hạm có trọng tải lớn nhất trong CSG, nhưng tàu sân bay chỉ đơn thuần là sân bay cho các đơn vị chiến đấu cơ F/A-18EF Super Hornet đa nhiệm (phòng thủ, tấn công…) và điều phối hoạt động hạm đội với khả năng phòng thủ tối thiểu.

Đảm bảo phòng không của CSG là các tuần dương hạm lớp Ticonderoga và khu trục hạm lớp Arleigh Burke thông qua sự kết hợp của các hệ thống điều phối hỏa lực Aegis, tổ hợp SM-2;3. Ngoài ra, các chiến hạm này cũng đảm bảo khả năng tấn công hải đối bờ thông qua tên lửa hành trình Tomahawk.

Nhiệm vụ chống ngầm, ngoài tàu ngầm nguyên tử lớp Virginia còn là trực thăng đa nhiệm MH-60 Seahawk và các hệ thống sonar thủy âm, thiết bị gây nhiễu, mồi bẫy trên các chiếm hạm trong CSG.

Trong cơ cấu này, có thể thấy, máy bay F/A-18EF Super Hornet thực sự được coi như là “lưỡi hái của thần chết” và do đó, tác chiến bằng không quân là phương án tác chiến chủ công mang tính quyết định kết thúc chiến dịch của khối chiến đấu này.

Vai trò của tàu sân bay, do đó, là máy bay, trong khối tấn công quân sự này quan trọng tới mức, ngay giới quân sự cũng sẽ không tưởng tượng được nếu không có tàu sân bay thì phương án tác chiến của Mỹ sẽ ra sao trong các cuộc tấn công vào Lybia, Syria, Apganixtan…dù không ai phủ nhận sức mạnh của các tàu tuần dương, khu trục và tàu ngầm.

Từ đặc điểm của khối chiến đấu có sức mạnh khủng khiếp này của Mỹ, Việt Nam rút ra một điều:

Lực lượng Không quân Hải quân là một mũi nhọn tấn công trên biển nguy hiểm nhất, có hiệu quả nhất, nó là “xương sống” sức mạnh của CSG.

Và, trong bất luận trường hợp nào thì tàu mặt nước vẫn luôn kém ưu thế khi phải đối đầu với Không quân Hải quân.

Các cuộc chiến tranh trước đây, uy lực và khả năng phòng không của các chiến hạm chưa có điều kiện để kiểm chứng, nhưng đòn tấn công của Không quân với chiến thuật thống trị bầu trời đã tỏ ra quá nguy hiểm với hệ thống phòng thủ trên bờ và các tàu mặt nước thì đã được chứng minh.

Ai cũng biết, tuần dương hạm lớp Ticonderoga hiện đại nhất thế giới, có thể phóng một loạt 122 quả tên lửa phòng không. Các chuyên gia Trung Quốc đã tính phải cần 150 đến 200 máy bay Su-27 của Trung Quốc đánh “hội đồng” mới diệt được chiến hạm này.

Nhưng với Su-35 hay T-50 hoặc máy bay thế hệ 5+ thì lại khác, nó sẽ trở thành kẻ bị săn ngay nếu như hoạt động độc lập, thiếu sự bảo vệ ngược lại của máy bay trên tàu sân bay.

Trên Biển Đông, giả sử một chiếc tàu khu trục hạm hiện đại đối đầu với Su-30MK2. Về kinh tế khu trục hạm sẽ đắt hơn ít nhất là 10 lần Su-30MK2, còn về tác chiến, không tính đến yếu tố chiến thuật, thì chỉ cần 10 chiếc Su-30MK2 với vũ khí mang theo như Kh-31P, Kh-59ME hay BrahMos là đã chiếm ưu thế để biến khu trục hạm thành kẻ bị săn.

Như vậy Việt Nam có cần phải cố và ưu tiên mua sắm nhiều tàu chiến hiện đại để đối đầu với khu trục hạm trên biển khi không đủ sức để “đua” về số lượng hay là mua sắm Su-30MK2?

Không khó trả lời điều này nhưng phải dựa trên cơ sở là Su-30MK2 và các loại máy bay khác như Su-27, Su-22… có đủ khả năng để tác chiến trên biển xa hay không khi Việt Nam không có tàu sân bay mới quan trọng.

Xây dựng “hạm đội tàu sân bay” kiểu Việt Nam

Nhiều người cho rằng “Việt Nam là một tàu sân bay không thể đánh chìm” là sự ví von của giới văn chương, nhưng trong tư duy của các nhà quân sự Việt Nam thì không. Việt Nam không giàu có để hoang phí đến mức từ Thanh Hóa trở vào mỗi tỉnh đều có một sân bay dân sự.

Với một chiều dài hơn 3000 km đường bờ biển, trong đó có quần đảo Trường Sa cách bờ 600 km, có thể nói, Việt Nam đã và đang cài đặt thế trận, xây dựng một đội hình tấn công (khối chiến đấu) với thành phần lực lượng gồm máy bay Su-30MK2, Su-22M4, Su-27…, tên lửa Bastion-P, tàu ngầm KILO, tàu khu trục Gepard 3.9, tàu tên lửa nhỏ Molnya, hệ thống trinh sát phát hiện từ xa… để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên biển của Việt Nam

Nhìn vào lực lượng có thể thấy, khối chiến đấu này so với cơ cấu lực lượng trong hạm đội tàu sân bay Mỹ, tuy tính năng kỹ, chiến thuật kém xa nhưng Mỹ có cái gì thì Việt Nam có cái đó, còn nhiệm vụ, tính chất, thì hoàn toàn theo kiểu Việt Nam. Đó là:

1- Chiều tấn công là từ bờ ra biển nhưng có nhiều hướng tấn công.

Hạm đội tàu sân bay Mỹ (CSG) chỉ có thể từ một hướng tấn công vào nhiều mục tiêu trong đất liền, thậm chí do hành quân theo đội hình hộ tống tàu sân bay nên tấn công vào hạm đội đối phương cũng vậy, một hướng.

Trong khi đó đòn tấn công của máy bay Việt Nam được xuất phát từ nhiều vị trí sân bay trên bờ và do các lực lượng trong đội hình không có nhiệm vụ hộ tống, bảo vệ máy bay mà chỉ hiệp đồng tác chiến cùng nhau với máy bay, tấn công mục tiêu đã định, cho nên, đội hình tấn công này có thế tấn công nhiều hướng vào một mục tiêu.

Tấn công từ một hướng vào nhiều mục tiêu và tấn công vào một mục tiêu từ nhiều hướng đã nói rõ khả năng, tính chất, tư tưởng học thuyết quân sự… kiểu Mỹ và kiểu Việt Nam trong khối chiến đấu này.

2- Mục tiêu tấn công là các chiến hạm địch trong đội hình hành quân, đội hình xuất phát đổ bộ…(cho nên cơ cấu chiến hạm mang tên lửa hành trình như Mỹ là xa xỉ)

3- Uy lực, sức mạnh chủ yếu của đòn tấn công là tác chiến không đối hạm. Tức là đòn tấn công của máy bay Su-30MK2, Su-27, Su-22M4…vào tàu mặt nước của địch.

Như vậy, nếu như khối chiến đấu hạm đội tàu sân bay Mỹ tạo ra một sức mạnh khủng khiếp trong đòn tấn công từ đại dương vào đất liền, có thể đánh sập hệ thống phòng thủ một quốc gia bằng phương thức tác chiến “thống trị bầu trời” kết hợp với sử dụng vũ khí công nghệ cao thì khối chiến đấu Việt Nam đang xây dựng không thể, không phải tạo ra sức mạnh đó.

Đây là khối chiến đấu của “con nhà giàu” mà chỉ dựa trên thế địa lý, “con nhà nghèo” Việt Nam mới xây dựng được khi không có tàu sân bay.

Với Việt Nam, có tàu sân bay hay không, ta không quan tâm vì thực tế, tàu sân bay chỉ đơn thuần là một sân bay trên biển cho máy bay cất cánh tấn công và hạ cánh khi hết năng lượng, vũ khí, mà sân bay ở trên bờ không cho phép.

Vấn đề chúng ta quan tâm là trong tình hình hiện nay, tác chiến không đối hạm (một nội dung của tác chiến không-biển) có vai trò vị trí quan trọng như thế nào trong hệ thống phòng thủ và tấn công trên biển để xác định việc bố trí, tổ chức xây dựng lực lượng phù hợp theo cách Việt Nam.

Thực tế hiện nay, lực lượng tàu mặt nước của HQVN là quá mỏng manh. Việc bổ sung thêm 6 tàu ngầm KILO, 2 tàu Gepard 3.9 “khu trục chống ngầm” và 10 chiếc Molnya…chỉ mới đảm bảo được một bộ khung tối thiểu.

Chính vì thế, Việt Nam tăng cường thêm 12 chiếc Su-30MK2 và tương lai sẽ còn nhiều loại nữa như máy bay chống ngầm P1 của Nhật Bản…là nhằm mục đích tăng cường sức mạnh, khả năng chiếm ưu thế của khối chiến đấu này trong tác chiến trên biển của Việt Nam ở giai đoạn hiện tại khi đối thủ chưa có tàu sân bay. Đó chính là biểu hiện tư duy quân sự mới về tác chiến không đối hạm của Hải quân Việt Nam trong tình hình mới.

Tuy nhiên bất luận trường hợp nào, dù đối phương có tàu sân bay hay chưa có thì việc ưu tiên tăng cường sức mạnh Không quân Hải quân, nhận thức đúng về vai trò, vị trí của tác chiến không đối hạm nói riêng và tác chiến không-biển nói chung trong hải chiến hiện đại để xây dựng lực lượng, xây dựng cách đánh là một sách lược cực đúng và thông minh rất phù hợp với Việt Nam.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại