Tác chiến không đối hạm - trụ cột sức mạnh Hải quân Việt Nam?

Tại sao tác chiến không đối hạm, tức là hoạt động chiến đấu của Không quân Hải quân đối đầu với tàu mặt nước của địch lại quan trọng, là trụ cột sức mạnh của Hải quân Việt Nam?

Tác chiến không-biển là hoạt động chiến đấu, phục vụ chiến đấu của lực lượng không quân hải quân trên biển như tấn công vào chiến hạm của địch (đối hạm), đối không, trinh sát chống ngầm, trinh sát cảnh báo sớm, vận chuyển quân, tiếp tế trang bị hậu cần kỹ thuật…

Tại sao tác chiến không đối hạm, tức là hoạt động chiến đấu của Không quân Hải quân đối đầu với tàu mặt nước của địch lại quan trọng, là trụ cột sức mạnh của Hải quân Việt Nam? Phải chăng dù cho các chiến hạm được trang bị vũ khí tối tân hiện đại đến bao nhiêu thì cũng luôn bị thất thế khi đối đầu với các loại tiêm kích trang bị tên lửa diệt hạm hiện đại?

Tác chiến không đối hạm có những đặc điểm rất quan trọng đáp ứng được yêu cầu chính của chiến tranh hiện đại lại rất phù hợp với vị trí địa lý Việt Nam, phù hợp với cách đánh mang tính sở trường sở đoản của Việt Nam.

Tình huống hải chiến Trường Sa

Có thể nói, khi địch có mưu đồ tấn công đánh chiếm Trường Sa thì nếu cảnh giác, chúng ta chẳng có gì là khó khăn để phát hiện, thậm chí phát hiện ngay từ khi địch tập kết lực lượng.

Bởi tấn công Trường Sa không phải chỉ dăm ba chiếc khu trục tên lửa, vài chiếc tàu ngầm là đủ và đặc biệt đội hình hành quân, hướng hành quân đến vị trí xuất phát tấn công thì không thể che giấu được đối phương là tử huyệt “bất khả kháng” hiện nay.

Cho nên, nếu đây là một đội hình hành quân tấn công mà không như hạm đội tàu sân bay Mỹ thì với khả năng hiện có của Việt Nam, ngoài Mỹ ra khó có quốc gia nào tấn công đánh chiếm Trường Sa của Việt Nam mà không trả giá đắt, thậm chí đắt không chịu nổi.

Tại sao?

Về sức mạnh. Vẫn biết dù không có tàu sân bay nhưng đội hình hành quân tấn công Trường Sa của địch rất mạnh bao gồm tàu ngầm, tàu khu trục tên lửa với hệ thống phòng không hiện đại với số lượng lớn, máy bay ném bom tầm xa…hành quân theo đội hình bảo vệ, hộ tống lực lượng đánh chiếm đảo (tàu đổ bộ) và lực lượng hậu cần, kỹ thuật.

Với sức mạnh này, lực lượng tàu chiến Việt Nam hiện nay khó “bóc vỏ” để giáng đòn tấn công vào trung tâm đội hình mà địch cần bảo vệ.

Tuy nhiên, đội hình hành quân tấn công này bộc lộ không ít điểm yếu chết người. Đó là đội hình hành quân dài và hẹp nên khả năng ngăn chặn, bảo vệ từ xa cho đội hình là hạn chế, dễ bị đánh “gãy xương sống”.

Cụ thể, nếu lấy Hoàng Sa của Việt Nam làm điểm xuất phát thì đường hàng hải hành quân đến Trường Sa là gần như song song với bờ biển Việt Nam khoảng cách trung bình từ 400 đến 600 km và đều trong tầm tác chiến của nhiều loại máy bay của Việt Nam.

Đội hình hành quân này của địch không được gần đất liền hơn 300 km (tránh Bastin-P) và muốn tránh xa tầm tác chiến của máy bay Việt Nam thì buộc phải tấn công từ hướng Đông, hướng Đông-Bắc Trường Sa. Lúc đó sẽ làm tăng đường hành quân lên hàng trăm hải lí, một điều rất, rất không đơn giản, không thể chấp nhận trong kế hoạch tác chiến.

Trong khi đó, cho đến thời điểm hiện tại, chưa thấy dấu hiệu nào để cho rằng sẽ có một lực lượng không quân bảo vệ đội hình hành quân tấn công đó với thời gian 24/24.

Không làm chủ được vùng trời khu vực tác chiến hay ít nhất là đội hình hành quân trên biển thì kế hoạch tác chiến mang tính khả thi nhất cho bất kỳ quốc gia nào là dừng cuộc hành quân.

Tác chiến không đối hạm-trụ cột sức mạnh Hải quân Việt Nam?
Máy bay Su-27 phóng tên lửa diệt hạm

Vai trò, uy lực của tác chiến không đối hạm

Phía Việt Nam. Sự thật là hiện tại chúng ta chưa có tàu ngầm, cho nên, lực lượng mà địch sợ nhất khi xảy ra xung đột trên Biển Đông, hiện tại không phải là khu trục tên lửa Gepard 3.9 hay tàu tên lửa Molnya mà chính là lực lượng không quân Việt Nam.

Thứ nhất là không những hầu hết máy bay Việt Nam đều có khả năng tham gia tấn công mà còn đòn tấn công của không quân được tổ chức từ nhiều hướng trên bờ, vừa chủ công, vừa che chắn, hỗ trợ, hiệp đồng với lực lượng tàu mặt nước vào một hay nhiều mục tiêu đã chọn.

Thứ hai là đòn tập kích luôn bất ngờ, nhanh, liên tục, nhiều hướng với độ chính xác cao.

Sự độc đáo và do đó rất nguy hiểm cho kẻ thù ở chỗ, máy bay Việt Nam luôn được mặt đất, hệ thống radar bờ chỉ thị mục tiêu, dẫn đường…nên không cần sục sạo mục tiêu gây lộ bí mật, mất thời gian, mà xuất kích từ bất kỳ vị trí nào có sân bay trên bờ (bí mật hay công khai), đúng thời điểm, đến đúng hướng, đúng mục tiêu, đúng tầm là nhấn nút.

Và, với trang bị vũ khí diệt hạm tiến tiến hiện đại như ngày nay thì tấn công theo chiến thuật đó là rất hiệu quả.

Đây là ưu thế hải chiến của các quốc gia có tàu sân bay hoặc các quốc gia có máy bay tác chiến được trên vùng biển cần được bảo vệ mà Việt Nam là một trong số đó.

Một đội hình hành quân có rất nhiều chiến hạm bảo vệ, hộ tống đối đầu với các loại SU của Việt Nam, không còn cách nào khác là phải thay đổi đội hình để đối phó buộc đội hình hành quân giãn ra ngoài ý muốn. Và, khai thác tình thế này như thế nào là nhiệm vụ của các tàu tên lửa của Việt Nam.

Trong đội hình hành quân đó nếu như tàu hậu cần, kỹ thuật bị tiêu diệt thì đội hình còn có thể chỉ đảm bảo đến được vị trí cần đến, nhưng nếu như không kết thúc nhanh chiến dịch được thì lực lượng tham gia cần phải có thời gian chờ đợi tiếp tế như xăng dầu, đạn dược…từ tuyến căn cứ. Khoảng thời gian đó coi như khoảng thời gian “bất tỉnh” cực kỳ nguy hiểm nếu đối phương nắm bắt, phát hiện và tổ chức phản công.

Còn nếu như trong đội hình đó, tàu đổ bộ LPD và tàu LCAC là lực lượng được bảo vệ như con ngươi của mắt mình, bị diệt gọn trước khi đến vị trí xuất phát tấn công thì mục đích của cuộc hành quân không còn ý nghĩa.

Xem ra, để bẻ gãy đội hình tấn công đánh chiếm Trường Sa của địch là không mấy khó khăn và khi Việt Nam có đủ 6 tàu ngầm KILO, 4 tàu khu trục Gepard 3.9 thì càng dễ dàng hơn. Chính vì thế mà phương án tác chiến này, thực tế lại không bao giờ xảy ra.

Không bao giờ địch lại sử dụng một phương án tác chiến mà Việt Nam có sở trường, có ưu thế hơn. Chắc chắn, địch sẽ sử dụng sức mạnh vượt trội về số lượng và cả tàu sân bay để rắp tâm thực hiện đánh chiếm theo phương án khác. Nhưng dù phương án nào thì khi chưa có khả năng làm chủ vùng trời khu vực tác chiến thì không có phương án nào là khả thi.

Khi nào khả năng đòn tấn công của không quân hải quân Việt Nam không có sức răn đe mạnh với hải quân địch?

Không khi nào, bởi vì bất luận địch có một hay nhiều tàu sân bay thì tình huống “địch ở ngoài sáng trong khi Việt Nam ở trong vùng tối” luôn xảy ra.

Nếu như khi Biển Đông rộng đủ cho các máy bay trên bờ hoạt động tốt, hiệu quả cao, thì tất yếu những tàu sân bay hoạt động trên đó sớm muộn gì cũng sẽ bị “thừa”. Đó là quy luật đấu tranh sinh tồn tự nhiên và xã hội.

Vậy, khi nào thì địch sẽ làm chủ vùng trời trên vùng biển của Việt Nam?

Điều này không tùy thuộc vào địch mà tùy thuộc vào Việt Nam.

Việt Nam có được một vị thế như ngày hôm nay không phải là dễ dàng, tự nó đến và muốn là được. Phải có rất nhiều yếu tố để tạo nên vị thế Việt Nam trong đó yếu tố quyết định nhất là khả năng quốc phòng.

Không có khả năng quốc phòng. Không có khả năng đương đầu, răn đe, với thế lực thách thức đến an ninh quốc gia thì chẳng ai thèm bắt tay anh, tôn trọng anh, anh chỉ là một quân cờ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại