[Nhật ký Blouse trắng] Cô gái 21 tuổi không còn phải mặc tã

BS Wynn Huynh Tran, MD BV ĐH Y khoa Keck, University of Southern California, Los Angeles, Hoa Kỳ |

Bằng tình yêu và sự kiên nhẫn, người cha đã giúp cô con gái liệt nửa người, không thể nói chuyện, và tiểu không kiểm soát được... không cần phải dùng bỉm.

LTS: "Nhật ký Blouse trắng" là tuyến bài ghi lại những câu chuyện, cảm xúc, suy tư của những nhân viên y tế, giúp độc giả hiểu hơn về những người ngày đêm tận tuỵ chăm sóc sức khoẻ cho người dân. BBT hân hạnh giới thiệu!

Johnson năm 21 không khác gì các cô gái Mỹ khác ở vóc dáng cao ráo, gương mặt tròn bầu bĩnh, dáng người hơi đẫy đà, thích uống Coke, là sinh viên đại học, sống chung với bạn trai và hút cần sa khi vui. Chỉ có một điểm cô Johnson khác với các cô bạn là cô bị hội chứng APS (Antiphospholipid syndrome). 

[Nhật ký Blouse trắng] Cô gái 21 tuổi không còn phải mặc tã - Ảnh 1.

BS Wynn Huynh Tran

Và nó đã thay đổi cuộc đời cô năm ấy...

Cô nhập viện vì đột quỵ, phát hiện tổn thương não nhiều nơi do máu đông, nói không ra tiếng (tổn thương vùng Broca) ra viện liệt nửa người trái và phải uống thuốc chống đông máu suốt đời.

Ông Johnson, cha cô, là gà trống nuôi con từ năm cô con gái lên 5 tuổi. Ông Johnson 42 tuổi trên giấy tờ nhưng nhìn bên ngoài giờ hơn nhiều do làm việc ngoài trời ở nông trại.

Ông tưởng cuộc sống mình đã tốt hơn khi cô con gái duy nhất trưởng thành, vào ĐH, và có cuộc sống riêng với bạn trai. Đùng một cái, cô trở về nhà trên chiếc xe lăn, liệt nửa người, không nói chuyện, và tiểu không kiểm soát được.

Ông Johnson chăm sóc cô lại từ miếng ăn, giấc ngủ, và mọi thứ hoàn toàn như như cô lúc còn bé.

Tôi gặp 2 cha con Johnson cách đây nửa năm, lúc ấy cô Johnson vẫn còn vất vả việc vệ sinh cá nhân vì tiểu không kiểm soát được. Hôm nay gặp lại tôi hỏi ông có gì thay đổi không.

- Con gái tôi hết thay tã rồi bác sĩ..

Thật vậy, cô Johnson đã bắt đầu kiểm soát được đường tiểu. Cô không cần mang tã nữa. Sau gần 3 năm liên tục phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, tâm lý trị liệu, và các phối hợp điều trị khác, cô đã có thể nói chậm và dần dần phục hồi một số chức năng.

Tôi chúc mừng hai cha con. Tôi siết chặt tay ông và nói "Chắc ít ai hiểu được những gì ông đã từng trải qua. Tôi thật sự khâm phục ông, môt người cha tuyệt vời" và quay sang bên kia "Cô biết không cô Johnson? Cô có một người cha tuyệt vời".

Ông Johnson cầm tay tôi bằng hai bàn tay thật chặt, mắt đỏ lên ngấn chút lệ:

- Cám ơn bác sĩ

Chuyên khoa phục hồi chức năng (Physiatry or Physical Medicine and Rehabilitation-PMR) và các chuyên ngành trị liệu liên quan là một phần cực kỳ quan trọng trong chăm sóc và chữa trị đột quỵ. Tuy nhiên, đây là chuyên khoa và chuyên viên thường ít được biết đến.

Báo chí và mọi người thường nhìn thấy các BS hồi sức cấp cứu và thần kinh khi chữa trị đột quỵ như những anh hùng mà quên đi vai trò của BS phục hồi chức năng và chuyên viên trị liệu.

Thế nhưng họ chính là những người hùng thầm lặng ngày đêm mang lại thay đổi cuộc đời cho từng bệnh nhân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại