Nguy hiểm: Bệnh nhân suy đa tạng, kháng tất cả các kháng sinh thông thường

Mai Thanh |

Khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai đang điều trị cho một bệnh nhân nam (47 tuổi) bị viêm tụy cấp gây suy đa tạng có nguy cơ tử vong cao. Tuy nhiên khi nhập viện, bệnh nhân này đã kháng tất cả các loại thuốc kháng sinh điều trị thông thường. Vì vậy bác sĩ buộc phải sử dụng kháng sinh thế hệ mới nhất để điều trị...

Trường hợp khác, một bệnh nhân bị nhiễm trùng bệnh viện sau khi bị suy tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Mặc dù đã phải sử dụng kháng sinh thế hệ mới để điều trị nhưng hy vọng khỏi bệnh lại rất mong manh do kháng thuốc.

Điều trị khó khăn...

GS.TS Nguyễn Gia Bình - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai cho biết, việc điều trị cho hai bệnh nhân này gặp nhiều khó khăn bởi thứ nhất là phải lựa chọn thuốc mới, thứ hai là phối hợp liều và thứ ba là phải tăng liều thuốc.

Tất cả những điều đó đều gây ra việc tốn kém về mặt tiền bạc, kéo dài thời gian điều trị, ảnh hưởng nhiều đến chức năng gan – thận. Đối với những bệnh nhân tổn thương nặng như tim, gan, phổi, thận sử dụng thuốc để tiêu diệt vi khuẩn, nhưng lại không như mong muốn, còn có thể dẫn đến suy thận, suy gan...

Đây là điều báo động, bởi Việt Nam được xếp vào một trong những quốc gia có tỷ lệ kháng thuốc cao trên thế giới.

Tình trạng kháng thuốc đang gây nên những hậu quả nặng nề mà một trong những nguyên nhân đó xuất phát từ việc sử dụng kháng sinh bừa bãi. Lời giải nào cho bài toán kháng kháng sinh vẫn chưa có đáp án và đang làm các chuyên gia y tế đau đầu.

GS. Nguyễn Gia Bình phân tích, nguyên nhân kháng kháng sinh có nhiều như: người dân mua thuốc, dùng thuốc kháng sinh vô tội vạ, không theo kê đơn của bác sĩ.

Cứ thấy người dân “kể bệnh” là người bán thuốc (không hẳn là dược sĩ) đã tư vấn người dân dùng kháng sinh dù bệnh không cần hoặc chưa đến mức dùng kháng sinh.

Thậm chí, họ còn khuyên người dân dùng các kháng sinh thế hệ mới, thế hệ cao. Lâu dần, người dân sẽ cần kháng sinh nặng hơn mới khỏi bệnh hoặc kháng kháng sinh…

Bên cạnh việc sử dụng kháng sinh bừa bãi trong cộng đồng thì tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng bệnh nặng hơn khiến các bác sỹ tại các tuyến trung ương buộc phải sử dụng kháng sinh thế hệ mới dẫn đến chi phí điều trị tăng, tỷ lệ tử vong cao hơn.

“Hậu quả của kháng kháng sinh chính là tính mạng của người bệnh, hoặc khiến bệnh nặng, thời gian điều trị kéo dài và chi phí cao gấp vài lần đến vài chục lần người không kháng kháng sinh.

Bệnh nhân kháng kháng sinh thì nguy cơ đối mặt với các bệnh hiểm nghèo không có thuốc chữa cao hơn và nguy hiểm hơn cả bệnh ung thư”- GS Bình nhấn mạnh.

Tìm ra vi khuẩn gây bệnh nhưng kháng sinh vô tác dụng

Hơn 30 năm trong nghề, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết ông đã từng đau xót nhìn bệnh nhân ra đi chỉ vì tìm ra vi khuẩn gây bệnh nhưng kháng sinh lại vô tác dụng.

"Từng trong vai người bệnh, tôi hỏi mua 2 viên kháng sinh (loại thuốc mà bắt buộc phải kê đơn), lập tức người bán thuốc cắt ra bán luôn. Khi tôi hỏi mua cả ngàn viên kháng sinh thì người bán hàng cũng nhanh nhảu bảo "chờ tí nữa có người mang thuốc đến"- PGS. Dũng nói.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, đây thật sự là điều cực kỳ nguy hiểm mà người bán lẫn người mua không nhìn thấy hậu quả. Chính sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của người bán đã vô tình đẩy người bệnh tới một thế hệ kháng các loại kháng sinh.

Là thầy thuốc, bác sĩ không khỏi đau lòng vì 90% bệnh nhân khi tìm tới bác sĩ đã được sử dụng thuốc từ trước. Họ nghĩ rằng uống tạm và nếu không đỡ mới tìm đến bác sĩ.

Tổ chức Y tế thế giới xếp Việt Nam vào nhóm các nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao nhất. Từ năm 2009 đến nay, số lượng thuốc kháng sinh ở Việt Nam bán ra ngoài cộng đồng đã tăng gấp 2 lần. Theo đó có tới 88% kháng sinh tại thành thị được bán ra mà không cần kê đơn, ở nông thôn tỉ lệ lên đến 91%.

Các chuyên gia cảnh báo một thực tế "ai cũng có thể mua kháng sinh mà không cần đơn; dù là loại thuốc buộc phải kê đơn nhưng mua chúng còn dễ hơn cả mớ rau".

Để khắc phục tình trạng bán thuốc không theo đơn, Bộ Y tế cho biết sẽ thí điểm giám sát tại nhà thuốc bằng hệ thống camera và đưa tiêu chí bán thuốc kháng sinh theo đơn vào tiêu chuẩn nhà thuốc đạt Thực hành tốt (GPP).

Tuy nhiên, với tỉ lệ kháng thuốc kháng sinh đang rất cao xuất phát từ việc tự ý sử dụng kháng sinh của người dân, giới chuyên môn lo ngại việc lạm dụng thuốc kháng sinh có lẽ vẫn còn là câu chuyện dài mà chưa có lời giải đáp thỏa đáng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại