Người Việt thiếu vi chất dinh dưỡng trầm trọng

Thùy Linh |

Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những thách thức như tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi vẫn còn ở mức cao, chiều cao trung bình còn ở mức khiêm tốn. Nguyên nhân quan trọng đó là bữa ăn của người Việt thiếu vi chất dinh dưỡng rất trầm trọng. Mới đây, đại diện tổ chức Unicef tại Việt Nam lên tiếng cảnh báo về tình trạng này.

Thiếu tất cả những vi chất dinh dưỡng quan trọng

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi tính chung cả nước mỗi năm giảm 1%, nhưng vẫn còn ở mức cao (24,3% năm 2016), chiều cao trung bình của nam và nữ của Việt Nam là 1,64m và 1,55m thấp hơn các nước phát triển như Trung quốc (1,70m và 1,59m), Nhật bản (1,72m và 1,58m), Singapore (1,71m và 1,60m).

“Thiếu VCDD còn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, tới sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em và khả năng sinh sản cũng như năng suất lao động của người lớn. 

Thiếu vi chất dinh dưỡng là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới chậm phát triển chiều cao ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam”- PGS.TS Lê Danh Tuyên- Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia nói.

Theo Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia: Thực trạng về thiếu vi chất dinh dưỡng ở Việt Nam cho thấy những con số đáng lo ngại. Về thiếu vitamin A, năm 1995, Việt Nam đã được Tổ chức y tế thế giới (TCYTTG) công nhận là đã thanh toán thiếu vitamin A thể lâm sàng nhưng thiếu vitamin A tiền lâm sàng vẫn còn ở mức ý nghĩa sự kiện cộng đồng. 

Kết quả điều tra tình trạng thiếu một số vi chất dinh dưỡng của phụ nữ và trẻ em 6 - 59 tháng tuổi tiến hành năm 2014 - 2015 cho thấy, tỉ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 13,0%, có sự chênh lệch giữa các vùng; thậm chí, một số địa phương miền núi, tỉ lệ này lên tới 16,1%, tỉ lệ vitamin A trong sữa mẹ thấp ở mức 34,8%.

Thiếu máu: Cũng theo kết quả điều tra toàn quốc năm 2014 - 2015 cho thấy 32,8% phụ nữ có thai; 25,5% phụ nữ tuổi sinh đẻ; 27,8% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu máu. 

Tỉ lệ thiếu máu cao nhất ở trẻ em 6 - 24 tháng tuổi (42,7% - 45%) và phụ nữ tuổi sinh đẻ khu vực miền núi (27,9%). Tỉ lệ thiếu máu ở phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ thấp hơn ở khu vực nông thôn và thành phố với tỉ lệ tương ứng là 26,3% và 20,8%. 

Tỉ lệ thiếu máu có xu hướng giảm, nhưng giảm ở mức chậm và hiện vẫn ở mức trung bình về YNSKCĐ. Thiếu máu do thiếu sắt chiếm tỉ lệ 63,6 % (ở trẻ em < 5 tuổi); 54,3% (phụ nữ có thai) và 37,7% (phụ nữ tuổi sinh đẻ) trong các trường hợp thiếu máu.

Thiếu kẽm: Theo kết quả của cuộc điều tra vi chất năm 2014 - 2015 cho thấy, có 80,3% phụ nữ có thai, 63,6% phụ nữ tuổi sinh đẻ và 69,4% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu kẽm và được đánh giá là ở mức nặng về YNSKCĐ. Tỉ lệ thiếu kẽm đặc biệt cao ở trẻ em dưới 5 tuổi đặc biệt cao ở miền núi (80,8%) và nông thôn (71,6%).

Thiếu vitamin D và can xi: Điều tra vi chất năm 2010 trên 19 tỉnh thành của Việt Nam cho thấy, tỉ lệ thiếu Vitamin D huyết thanh và tỉ lệ vitamin D thấp là 17% và 40% ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và là 21% và 37% ở trẻ em. 

Nếu sử dụng ngưỡng là 75 nmol/L thì tỉ lệ thiếu vitamin D tương ứng là 90% ở cả phụ nữ và trẻ em. Bên cạnh đó mức tiêu thụ vitamin D và canxi của phụ nữ và trẻ em Việt Nam cũng mới chỉ đạt 1% và dưới 43% nhu cầu khuyến nghị.

1 trong 19 nước thiếu I ốt trầm trọng nhất thế giới

Kết quả điều tra của Bệnh viện Nội tiết T.Ư năm 2013 - 2014 cho thấy, tỉ lệ bướu cổ trẻ em 8 -10 tuổi là 9,8%, tỉ lệ hộ gia đình sử dụng muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh khoảng 60%, mức trung vị iốt niệu là 8,4 mcg/dl. 

Đây là mức thấp nhất trong 10 năm qua, trong khi đó, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về thanh toán tình trạng thiếu iốt mà chúng ta đã đạt được năm 2005 thì tỉ lệ bướu cổ trẻ em 8 -10 tuổi <5% và mức trung vị iốt niệu ≥ 10 mcg/dl, tỉ lệ hộ gia đình sử dụng muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh > 90%.

Theo báo cáo của mạng lưới i ốt toàn cầu, Việt Nam vẫn nằm trong số 19 nước trên thế giới có tình trạng thiếu i ốt tồi tệ nhất trên thế giới. Đây là một thực tế đáng báo động về tình trạng thiếu hụt i ốt đã quay trở lại Việt Nam.

Theo Đại diện tổ chức UNICEF tại Việt Nam, trước đây, chương trình phòng chống rối loạn thiếu i ốt từ năm 1994 đến năm 2005 của Việt Nam đã mang lại nhiều kết quả tích cực khi thực hiện thành công chiến lược tăng cường cung cấp i ốt vào toàn bộ muối cho toàn dân. 

Kết quả là, hơn 90% các hộ gia đình được sử dụng muối i ốt đầy đủ trong giai đoạn 2005-2006. Tổng thể kết quả của chương trình đã giúp giảm tỉ lệ bệnh bướu cổ của trẻ em và tăng tỉ lệ i ốt trong cơ thể người Việt Nam trên mức tối thiểu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Tuy nhiên, kết quả khả quan này đã không được duy trì kể từ khi chương trình Quốc gia Phòng chống các rối loạn do thiếu i ốt bị rút khỏi chương trình Mục tiêu Quốc gia về Y tế vào năm 2005, việc thúc đẩy và hỗ trợ pháp lý cho muối tăng cường i ốt và các hoạt động liên quan cũng đã ngừng lại. Sau khi việc sử dụng muối i ốt mang tính tự nguyện thì sự thiếu hụt i ốt đã trở lại.

Theo ước tính, thực phẩm chế biến hiện nay cung cấp khoảng 75% tổng lượng muối ăn vào, chỉ 15% tổng lượng muối ăn vào là thông qua muối ăn trực tiếp. Do đó, ở những quốc gia mà muối i ốt không được sử dụng trong thực phẩm chế biến, sự chuyển đổi cách tiêu thụ hiện tại có thể làm giảm lượng muối i ốt vào.

Đại diện UNICEF khuyến nghị người dân nên bổ sung i ốt vào thực phẩm ăn hàng ngày. Bên cạnh đó, việc sản xuất thực phẩm của DN cũng nên bổ sung i ốt bởi nếu không về tương lai, điều này sẽ gây ra hệ lụy khôn lường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại