Không may bị rắn cắn: 4 điều tuyệt đối không nên làm nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng

Tiểu Nhã |

Các bác sĩ khoa A9, BV Bạch Mai vừa cấp cứu 1 trường hợp bị rắn cạp nong cắn sau khi bắt rắn ngâm rượu.

Suýt chết vì bắt rắn ngâm rượu cho bổ

Bệnh nhân vào cấp cứu trong tình trạng ngưng tim, các bác sĩ phải cấp cứu ngừng tuần hoàn và nhanh chóng mở nội khí quản để cứu người bệnh.

Theo người nhà bệnh nhân, bệnh nhân bắt rắn cạp nia để ngâm rượu uống cho khỏe người. Tuy nhiên, không cẩn thận đã bị rắn đã quay lại cắn. Sau khi, bị rắn cắn người bệnh đã đến nhà một lang y để chữa theo truyền thống.

Lang y này đã trích nặn nọc độc và đắp thuốc lá cho bệnh nhân. Đến tối bệnh nhân xuất hiện triệu chứng xấu, khó thở gia đình gọi xe tức tốc đưa thẳng lên Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.

Không may bị rắn cắn: 4 điều tuyệt đối không nên làm nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng - Ảnh 1.

Hình ảnh trích hút nọc rắn của bệnh nhân được bác sĩ chia sẻ

Tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được các bác sĩ cấp cứu kịp thời, sau nhiều ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.

Rắn cạp nong, cạp nia có màu khoang đen-trắng rõ (rắn cạp nia), khoang đen-vàng (rắn cạp nong), thường ở vùng trung du, đồng bằng, khu vực gần nước. Vết rắn cắn do rắn cạp nia, cạp nong cắn thường không có gì đặc biệt.

Triệu chứng toàn thân người bệnh thấy đau nhiều, nói khó, mờ mắt, yếu chân tay, khó thở, liệt toàn thân, loạn nhịp tim, đái ít,… dễ tử vong hoặc tàn phế. Nguyên nhân tử vong chủ yếu do liệt các cơ gây khó thở.

Cách sơ cứu đúng

Khi bị rắn cắn, sơ cứu không đúng cách có thể khiến tình trạng bệnh nhân nặng hơn. Theo TS TS.BS. Lê Xuân Dương - Khoa Cấp cứu – Bệnh viện TƯQĐ 108 khi bị rắn cắn, những người xung quanh cố gắng để nạn nhân bình tĩnh và tuyệt đối phải nhớ các điều sau:

Không được sử dụng phương pháp garô vì hành động này làm tắc nghẽn hoàn toàn động mạch (mạch máu vận chuyển máu từ tim đi nuôi dưỡng các bộ phận của cơ thể), gây đau, rất nguy hiểm và không thể duy trì lâu (không quá 40 phút), chân tay rất dễ bị thiếu máu nguy hiểm. Nhiều trường hợp sau đó phải cắt cụt chân tay vì garô.

Không trích, rạch, châm, chọc tại vùng vết cắn: Các nghiên cứu khoa học trên thế giới cho thấy các biện pháp này không có lợi ích, rõ ràng gây hại thêm cho bệnh nhân tổn thương thêm mạch máu, dây thần kinh,... nhiễm trùng nặng thêm.

Hút nọc độc: Không có lợi ích, các nhà sản xuất thiết bị hút đặc biệt ủng hộ việc dùng các sản phẩm của họ nhưng không đáng tin cậy. Các thiết bị hút này không có hiệu quả và thậm chí còn làm vết thương nặng thêm.

Không may bị rắn cắn: 4 điều tuyệt đối không nên làm nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng - Ảnh 2.

Sơ cứu rắn cắn nguy hiểm thế nào?

Tuyệt đối không chườm đá, không sử dụng các loại thuốc dân gian, cổ truyền, chữa bằng mẹo. Tất cả các phương pháp này không có ích lợi, nếu đắp tại vết cắn dễ gây nhiễm trùng thêm, khi uống có thể gây hại cho nạn nhân.

Nhiều thuốc y học dân tộc dùng dạng uống đặc biệt dễ gây nguy hiểm thêm cho nạn nhân: gây co giật vì có chứa mã tiền mặc dù không chữa được liệt, gây đau bụng, nôn, ỉa chảy rất nặng sau đó là mất nước, mất muối, bị sốc hoặc tắc ruột vì táo bón,... Những quảng cáo về sử dụng "hòn đá chữa rắn cắn" không có tác dụng.

Bác sĩ Dưỡng khuyến cáo, mục tiêu của sơ cứu không phải là chữa rắn cắn mà chỉ làm cho nọc độc của rắn từ vết cắn xâm nhập vào trong cơ thể chậm hơn và ít hơn, nhờ đó nạn nhân có đủ thời gian để kịp được vận chuyển đến cơ sở y tế khi chưa có biểu hiện ngộ độc.

Khi bị rắn cắn, không nên để bệnh nhân tự đi lại. Chỉ cần áp dụng biện pháp băng ép bất động với một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường): băng ép bất động để làm chậm sự xuất hiện triệu chứng liệt. Tuyệt đối không băng ép khi rắn lục cắn.

Cách ép dùng băng rộng khoảng 10 cm, nếu có điều kiện dài ít nhất khoảng 4,5 m. Có thể băng chun giãn, băng vải, hoặc tự tạo từ khăn, quần áo. Không cố cởi quần áo vì dễ làm chân, tay phải vận động, có thể băng đè lên quần áo băng chặt nhưng không được chặt quá.

Bắt đầu băng từ ngón chân, tay đến hết toàn bộ chân, tay bị cắn. Dùng nẹp cứng (nẹp, miếng gỗ, que, miếng bìa cứng,...) cố định chân, tay với nẹp.

Nếu vết cắn ở bàn tay, ngón tay, cẳng tay thì băng ép bàn tay, cẳng tay, dùng nẹp cố định cẳng tay và bàn tay, dùng khăn hoặc dây treo quàng lên cổ bệnh nhân.

Vết cắn ở thân mình thì ép lên vùng bị cắn nhưng không làm hạn chế cử động ngực nạn nhân. Nếu vết cắn ở vùng đầu, mặt, cổ: khẩn cấp vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại