Hy hữu: Cứu sống bệnh nhân ngừng tuần hoàn, mất ý thức hoàn toàn

Phương Linh |

Bệnh nhân là Ngô Kim H. (49 tuổi) trú tại phường Yết Kiêu, TP Hạ Long có tiền sử hen phế quản mãn tính.

Trước khoảng 30 phút vào viện, bà H. đột ngột khó thở dữ dội, người nhà cho thở khí dung tại nhà nhưng không đỡ, tình trạng chuyển biến ngày càng xấu nên gia đình lập tức đưa đi cấp cứu.

Khi vào viện, bệnh nhân đã trong tình trạng nguy kịch, toàn thân tím tái, mất ý thức hoàn toàn, đồng tử giãn, mạch và huyết áp bằng 0. Bệnh nhân H. được chẩn đoán là ngừng tuần hoàn ngoại viện.

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh khẩn trương tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn. Sau 15 phút có tuần hoàn tái lập, bệnh nhân được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực, Chống độc – Thận nhân tạo để điều trị thở máy, dùng kháng sinh và thuốc giãn phế quản phối hợp, tuy nhiên bà H. vẫn hôn mê.

Trước tình trạng tối khẩn cấp, các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực, chống độc – Thận nhân tạo đã áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy để bảo vệ não cho bệnh nhân ngay lập tức.

Các bác sĩ sử dụng một ống thông đưa vào mạch máu của bệnh nhân và tiến hành hạ thân nhiệt trung tâm của bệnh nhân xuống còn 33 độ, được duy trì trong vòng 24 giờ để tế bào não phục hồi và nâng dần nhiệt độ cơ thể về mức bình thường trong vòng 12 giờ tiếp theo.

Hy hữu: Cứu sống bệnh nhân ngừng tuần hoàn, mất ý thức hoàn toàn - Ảnh 1.

Sau 5 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã ổn định, rút ống nội khí quản, ngừng dùng các thuốc giãn phế quản, đường tĩnh mạch và chuyển sang đường uống. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, giao tiếp tốt, ăn uống được, phục hồi vận động và không có bất cứ di chứng thần kinh nào.

Ths. Bs Hà Mạnh Hùng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, chống độc – Thận nhân tạo cho biết, bệnh nhân bị ngừng tuần hoàn trước khi vào viện và được hồi phục hoàn toàn như trường hợp bệnh nhân H. là vô cùng may mắn, bởi thời gian ngừng tuần hoàn không được xác định chính xác.

Bác sĩ Hùng cho biết thêm, tình trạng người bình thường đột nhiên ngừng tuần hoàn, mạch không đập, mất ý thức dẫn đến hôn mê nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn tới tử vong. Với bệnh nhân bị ngừng tuần hoàn một thời gian dù cấp cứu thành công, tim đập trở lại, phục hồi được mạch huyết áp thì tỉ lệ sống sót cũng rất thấp (dưới 10%) do não đã tổn thương nặng.

Nếu cứu sống được bằng các biện pháp điều trị tích cực như: cấp cứu ngừng tim, thở máy, cung cấp oxy, sử dụng phối hợp các thuốc… thì bệnh nhân vẫn có nhiều nguy cơ bị mất trí nhớ, liệt, co giật, động kinh, hôn mê bởi di chứng tổn thương não nặng nề.

Nhờ kịp thời áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt trong khoảng thời gian "vàng" mà bệnh nhân ngừng tuần hoàn sẽ có nhiều cơ hội sống, tăng khả năng phục hồi ý thức và vận động tốt hơn như trường hợp của bệnh nhân H. là điển hình".

Phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy trong cấp cứu ngừng tuần hoàn đã được thực hiện thường quy trên thế giới và hiện triển khai chủ yếu ở một số bệnh viện tuyến trung ương.

Đây là lần đầu tiên các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực, chống độc – Thận nhân tạo áp dụng thành công phương pháp hạ thân nhiệt cho bệnh nhân ngừng tuần hoàn và đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng là bệnh viện đầu tiên và duy nhất của Quảng Ninh triển khai thành công kỹ thuật này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại