Hút thuốc từ năm 15 tuổi, đã bỏ thuốc 20 năm quý ông 57 tuổi ung thư phổi

K.Chi |

Ung thư phổi là bệnh lý ác tính phổ biến nhất, chiếm khoảng một phần ba số ca tử vong do ung thư và đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong liên quan đến ung thư ở cả nam và nữ.

Hút thuốc từ năm 15 tuổi, đã bỏ thuốc 20 năm quý ông 57 tuổi ung thư phổi - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Ung thư vì thuốc lá

Bệnh nhân nam tên là N.H.Đ, 57 tuổi, quê ở Nghệ An, nhập viện Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai ngày vì lý do ho, đau tức ngực.Trước vào viện, bệnh nhân đau nhức khớp gối 2 bên đang điều trị theo đơn của bệnh viện huyện 1 năm nay.

Cách vào viện 1 tháng, bệnh nhân thấy đau chân tăng lên, xuất hiện triệu chứng ho khan kèm theo đau tức ngực phải không thường xuyên, uống thuốc không đỡ, ho đau ngực tăng dần. Bệnh nhân ăn ngủ kém, sút 3kg trong 1 tháng, đi khám tại bệnh viện Tỉnh Nghệ An phát hiện khối u phổi phải, bệnh nhân nhập viện Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu điều trị tiếp.

Ông Đ. có tiền sử hút thuốc lá từ năm 15 tuổi, trung bình 1 bao/ngày trong 20 năm, đã bỏ thuốc cách đây 20 năm, uống rượu không thường xuyên. Đặc biệt, gia đình của ông Đ. có bố và anh trai đều mắc ung thư phổi.

Sau khi chụp scan CT, bác sĩ phát hiện có khối u thùy trên phổi phải giới hạn không rõ, bờ tua gai, thâm nhiễm đông đặc nhu mô xung quanh và xâm lấn màng phổi lân cận, kích thước 47x38mm, ngấm thuốc sau tiêm thuốc cản quang. Bệnh nhân được sinh thiết u phổi dưới hướng dẫn của chụp cắt lớp vi tính. Kết quả giải phẫu bệnh là ung thư biểu mô tuyến của phổi. Xét nghiệm không có đột biết gen EGFR, xét nghiệm PD-L1 âm tính. Chụp cộng hưởng từ sọ não: không phát hiện tổn thương bất thường.

Bệnh nhân đã được điều trị hóa chất và sau 3 liệu trình, khối u đã thu nhỏ, các triệu chứng đau, tức ngực, ho đã không còn.

Trường hợp bệnh nhân Đ.N.C., nam 67 tuổi, Hà Nội, vào viện vì đau ngực và ho. Cách vào viện 1 tháng bệnh nhân xuất hiện đau tức ngực phải âm ỉ, ho đờm trắng, không sốt, không khó thở. Bệnh nhân đi khám được chụp cắt lớp vi tính ngực phát hiện u phổi phải. Bản thân ông C. không mắc bệnh lý nội khoa nào nhưng ông C. có tiền sử hút thuốc lá nhiều năm, nửa bao/ ngày.

Sau khi làm các xét nghiệm lầm sàng, ông C. được chẩn đoán ung thư phổi phải di căn hạch trung thất, hạch thượng đòn hai bên, di căn hai phổi, tuyến thượng thận trái, giai đoạn T4N3M1 (giai đoạn IV). Bệnh nhân được chỉ định điều trị hóa chất, sau 6 chu kỳ hóa chất bệnh đáp ứng hoàn toàn.

Căn bệnh hàng đầu ở Việt Nam

Theo giáo sư Mai Trọng Khoa – nguyên Giám đốc trung tâm ung bướu và y học hạt nhân, Bệnh viện Bạch Mai ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư hàng đầu ở Việt Nam.

Theo Globocan năm 2018, ung thư phổi là loại ung thư phổ biến nhất (11,6%) và có tỷ lệ tử vong cao nhất (18,4%) trong các loại ung thư. Tại Việt Nam, ung thư phổi đứng thứ 2 sau ung thư gan cả về tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong. (Với tỷ lệ mắc 14,4% và tỷ lệ tử vong là 18% năm 2018).

Ung thư phổi thường gặp ở nam giới có độ tuổi từ 60- 75 tuổi, những người có tiền sử hút thuốc nhiều năm, gia đình có người bị ung thư phổi, phơi nhiễm phóng xạ uranium, khí Radon, Amiăng, ô nhiễm không khí … Bệnh nhân bị ung thư phổi thường có các dấu hiệu lâm sàng như ho khan, ho dây máu, khó thở, đau tức ngực…

Tuy nhiên các dấu hiệu này không đặc hiệu và có thể gặp trong một số bệnh lý lành tính khác. Khoảng 18% bệnh nhân được chẩn đoán ung thư phổi sống sau 5 năm.

Tuy nhiên, ngày nay với nhiều tiến bộ trong sàng lọc, chẩn đoán cũng như điều trị đã kéo dài cũng như nâng cao chất lượng sống cho người bệnh đặc biệt là những bệnh nhân ở giai đoạn muộn

Trong các yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi, thuốc lá là yếu tố quan trọng nhất. Hơn 90% trường hợp nam giới ung thư phổi có nghiện thuốc là và 80% nữ giới ung thư phổi có liên quan đến thuốc lá.

Triệu chứng sớm của ung thư phổi thường nghèo nàn và ít đặc hiệu.

Vì vậy phần lớn các trường hợp phát hiện ung thư phổi đều ở giai đoạn muộn với các triệu chứng như ho dai dẳng tăng dần, ho ra máu kèm theo đau ngực, khó thở, sụt cân nhanh và các triệu chứng ở các cơ quan bị di căn nếu có. Tuy nhiên hiện nay, với sự phát triển của y học, các bệnh nhân ung thư phổi đã được sàng lọc phát hiện bệnh sớm cũng như điều trị kéo dài và nâng cao chất lượng sống.

Tùy theo giai đoạn bệnh, kết quả mô bệnh học và thể trạng của từng bệnh nhân để đưa ra phác đồ điều trị thích hợp. Phác đồ điều trị ung thư phổi thường là sự kết hợp của nhiều phương pháp, các phương pháp được sử dụng trong điều trị ung thư phổi là phẫu thuật, xạ trị, hóa trị liệu, điều trị đích và liệu pháp miễn dịch.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại