Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nói gì sau khi Chính phủ có ý kiến về thực hiện tự chủ?

N.Dung |

PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, đề xuất được thực hiện tự chủ ở nhóm 2, tức là đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên.

Một ngày sau khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có ý kiến về việc thực hiện tự chủ của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K sau thời gian thí điểm tự chủ bệnh viện theo Nghị quyết 33, trưa 8-11, PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết theo văn bản này, Chính phủ cho phép hai bệnh viện Bạch Mai và K dừng tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33, thực hiện tự chủ theo Nghị định 60.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nói gì sau khi Chính phủ có ý kiến về thực hiện tự chủ? - Ảnh 1.

PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, đề xuất chuyển sang thực hiện tự chủ theo Nghị định 60, tức chỉ tự chủ chi thường xuyên.

PGS-TS Đào Xuân Cơ cho biết Bệnh viện Bạch Mai là 1 trong 4 bệnh viện đầu tiên của cả nước thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33 (nhóm một). Ba bệnh viện còn lại là: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện K. Tuy nhiên, đến nay chỉ có Bệnh viện Bạch Mai và K thực hiện tự chủ tài chính toàn diện.

Vừa qua, Bệnh viện Bạch Mai xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33 của Chính phủ, chuyển sang thực hiện tự chủ theo Nghị định 60, tức chỉ tự chủ chi thường xuyên.

Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho biết Nghị định 60 chia các bệnh viện thành 4 nhóm tự chủ, gồm: Nhóm 1 tự chủ toàn diện; nhóm 2 tự chủ chi thường xuyên; nhóm 3 tự chủ một phần chi thường xuyên; nhóm 4 nhà nước đảm bảo 100% chi thường xuyên.

"Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ rất linh hoạt, cho phép đơn vị sự nghiệp công lập xem xét thực hiện theo nhóm nào. Thời gian qua, chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ và trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện thí điểm tự chủ, xây dựng phương án tự chủ giai đoạn 2022-2026 Bệnh viện Bạch Mai kiến nghị được thực hiện tự chủ ở nhóm 2, tức là đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên. Sau này có điều kiện, có cơ sở hạ tầng tốt, có văn bản pháp quy rõ ràng bệnh viện sẽ tiến đến tự chủ toàn diện" - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đề xuất.

Ngày 7-11, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc báo cáo kết quả thí điểm tự chủ bệnh viện theo Nghị quyết 33.

Về việc tiếp tục thực hiện tự chủ của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K sau thời gian thí điểm, Bộ Y tế thực hiện theo quyết nghị của Chính phủ tại Nghị quyết số 33/NQ-CP.

Để có căn cứ đề xuất, bổ sung nội dung quy định về tự chủ bệnh viện công lập trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổng kết đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện Nghị quyết số 33.

Theo đó, báo cáo rõ nguyên nhân chưa thực hiện thí điểm tự chủ của Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Chợ Rẫy. Làm rõ bài học kinh nghiệm, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, vướng mắc cần phải khắc phục, điều chỉnh; nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với các tồn tại, hạn chế và đề xuất, kiến nghị cụ thể các cơ chế, chính sách cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện cơ chế tự chủ các bệnh viện công lập.

Tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến các bộ, ngành đối với nội dung đánh giá, khẩn trương hoàn thiện báo cáo, trình Chính phủ trước ngày 25-11-2022.

Ngày 19-5-2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33 về thí điểm tự chủ toàn diện tại 4 bệnh viện tuyến cuối thuộc Bộ Y tế là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện K. Thời gian thực hiện thí điểm là 2 năm.

Đến nay chỉ có 2 bệnh viện đã thực hiện thí điểm là Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai. Hai bệnh viện còn lại xin chưa thực hiện theo Nghị quyết 33 do chưa đủ điều kiện mà theo tự chủ chi thường xuyên nhóm 2.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại