Đừng sợ 6 loại mỡ động vật này vì chúng có thể trở thành 'thuốc' quý nếu dùng đúng cách

Ngọc Minh |

Mỡ động vật được dùng khá phổ biến trong ăn uống, tuy nhiên để làm thuốc bôi da thì không phải ai cũng biết.

Mỡ lợn (ảnh minh hoạ)

Mỡ lợn (ảnh minh hoạ)

BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết mỡ động vật được sử dụng làm thuốc bôi ngoài da theo kinh nghiệm dân gian và và y học cổ truyền. Đặc biệt, mỡ rắn, mỡ trăn, mỡ gà… thường được dùng cho các trường hợp bị bỏng, kích thích lên da non.

Mỡ trăn

Toàn bộ con trăn được dùng trong y học cổ truyền với tên thuốc là nhiễm xà - gồm thịt, máu, mật, mỡ, da và xương. Riêng mỡ trăn trong y học cổ truyền dùng để chữa nhiều bệnh.

Mỡ trăn được dùng để chữa bệnh trĩ bằng cách dùng 20g mỡ trăn, dấm, trộn đều phết lên giấy mỏng, dán vào chỗ đau. Cách làm này giúp giảm đau tại chỗ.

Y học cổ truyền dùng mỡ trăn kết hợp với phèn phi, xác rắn lột (tồn tính). Trộn với nhau dùng để chữa tổ đỉa.

Theo BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, mỡ trăn được dùng rất nhiều để chữa bỏng nhẹ, dùng mỡ trăn bôi lên vết bỏng sẽ làm dịu vết bỏng.

Mỡ trăn rất tốt để làm thuốc, tuy nhiên khi dùng cần lưu ý mỡ trăn để lâu có thể bị nhiễm vi sinh, không nên dùng. Đối với vết bỏng gây tổn thương rộng, sâu thì cần đến gặp bác sĩ da liễu hoặc bác sĩ chuyên ngành bỏng để được hướng dẫn điều trị.

Đừng sợ 6 loại mỡ động vật này vì chúng có thể trở thành thuốc quý nếu dùng đúng cách - Ảnh 1.

Nhiều loại mỡ động vật được sử dụng để điều trị các bệnh về da. (Ảnh minh họa)

Mỡ rắn

Bác sĩ Vũ cho biết mỡ rắn 'không kém gì mỡ trăn' khi được dùng làm thuốc. Trong Đông y, mỡ rắn có tác dụng dưỡng da đặc biệt - chữa bỏng lửa, chốc đầu, giúp nhanh lên da non bằng cách bôi xoa nhiều lần lên chỗ bỏng, chỗ chốc....

Lưu ý khi dùng mỡ rắn cần đảm bảo nguyên tắc vô trùng, có dụng cụ lấy mỡ trong hũ và dụng cụ riêng để bôi trên da.

Mỡ gà

Một loại mỡ động vật khá quen thuộc đó là mỡ gà cũng rất hiệu quả cho những trường hợp gặp vấn đề về da.

Bác sĩ Vũ cho biết mỡ gà được sử dụng để điều trị vết bỏng nhẹ. Nên thoa mỗi ngày từ 2 đến 3 lần, cần vệ sinh vết bỏng bằng bông gòn, khăn ẩm mềm trước mỗi lần thoa.

Mỡ gà không gây bọng nước nơi vết bỏng, ít hoặc không gây đau rát, không có mùi khó chịu, có thể không hoặc chỉ để lại sẹo mờ.

"Trong dân gian, mỡ gà thường được dùng để trị nẻ môi vào những ngày thời tiết lạnh giá, khô", bác sĩ Vũ nói.

Khi sử dụng mỡ gà làm thuốc, bác sĩ Vũ lưu ý mọi người cần dùng mỡ gà rán để nguội, sau đó cho vào bình thuỷ tinh dùng dần. Bảo quản trong tủ lạnh hoặc nơi thoáng mát, có thể sử dụng hiệu quả từ 6 tháng đến 1 năm.

Mỡ cá rô phi

Theo bác sĩ Vũ, mỡ cá rô phi là kem chống nẻ rất hiệu quả. Mỡ cá rô phi có tác dụng tương tự với mỡ gà, giúp cấp ẩm cho da, bảo vệ da. Cách bảo quản mỡ cá rô phi cũng tương tự với mỡ gà - để nơi khô ráo thoáng mát, nếu có tủ lạnh có thể bảo quản trong tủ.

Mỡ lợn

Mỡ lợn là loại mỡ quen thuộc và gần gũi với người dân Việt. Mỡ lợn cho thêm một chút rượu nóng, rửa chỗ nứt nẻ rất tốt. Mỡ lợn có thể được sử dụng trong ăn uống nhưng với lượng vừa đủ. Không sử dụng quá 25-30g/ngày để đảm bảo sức khoẻ.

Mỡ dê

Bác sĩ Vũ cho biết theo các sách Đông y ghi chép lại, mỡ dê có tác dụng bổ hư, nhuận táo, hoá độc, chữa khô da, nhọt độc. Mỡ dê có thể dùng bôi ngoài da.

Bác sĩ Vũ lưu ý thêm, các loại mỡ động vật dùng để làm thuốc không có nhiều. Khi sử dụng cần phải rất cẩn trọng bảo quản và sử dụng vì đặc tính của chúng là dễ ôi thiu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại