Trước đó, ngày 09/10/2019, khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi Thanh Hóa tiếp nhận bệnh nhân Trần Văn Anh T, 17 tháng tuổi, địa chỉ xã Hợp Thắng, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa trong tình trạng rất nặng: khó thở tím tái, phải hỗ trợ bóp bóng qua nội khí quản, ý thức hôn mê. Bệnh nhân nhanh chóng được hỗ trợ thở máy, thực hiện các xét nghiệm cấp cứu cần thiết.
Theo gia đình kể, 1 ngày trước khi vào viện, bệnh nhân biểu hiện ho, khó thở, không sốt. Tình trạng khó thở tăng lên khi nằm xuống, tím môi, chỉ cảm thấy đỡ hơn khi ngồi dậy hoặc bế vắt vai. Không rõ tình trạng hóc dị vật trước đó.
Qua thăm khám, xác định đây là một trường hợp khó khi bệnh nhân vào viện trong tình trạng bệnh rất nặng, đe dọa tử vong nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời.
Tại bệnh viện, bệnh nhân nhanh chóng được tiến hành nội soi phế quản cấp cứu ngay tại giường. Trong quá trình nội soi, phát hiện dị vật là hạt hướng dương gây che lấp gần hoàn toàn đường thở vị trí ở ngay phế quản gốc. Sau đó các bác sĩ đã tiến hành xử trí gắp dị vật qua nội soi phế quản, đưa hạt hướng dương ra khỏi đường thở bệnh nhân an toàn.
Bệnh nhân được cai thở máy sau 6 giờ, ý thức tỉnh táo hoàn toàn và được xuất viện sau 9 ngày điều trị do tổn thương viêm phổi sau sự cố hóc dị vật. Ngoài ra không có các biến chứng khác.
Theo ThS.BS. Ngô Việt Hưng, Khoa Hồi Sức Cấp cứu Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, dị vật đường thở là một tai nạn sinh hoạt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt ở trẻ từ 1-6 tuổi và có nhiều trường hợp dẫn tới hậu quả rất đau lòng.
Dị vật đường thở ở trẻ nhỏ thường do trẻ tò mò, thích nhét các vật lạ vào miệng hoặc mũi mà hay gặp là hạt lạc, hạt ngô, hạt dưa, hạt na, hạt hồng bì, mẩu xương, vỏ tôm, vỏ cua, đốt xương cá, mảnh đồ nhựa, kim, cặp tóc...
Và vì phản xạ đóng, mở thanh quản để bảo vệ đường thở chưa hoàn thiện nên những dị vật này rất dễ mắc vào thanh quản, khí quản hoặc phế quản của trẻ, gây khó thở, rất nguy hiểm với tính mạng.
Dị vật đường thở gặp khoảng 1% trong tổng số bệnh lý hô hấp ở trẻ em. Dị vật đường hô hấp trên thường dễ chẩn đoán và điều trị còn dị vật đường hô hấp dưới thường khó chẩn đoán, điều trị khó khăn và phức tạp, có nhiều biến chứng nguy hiểm dễ dẫn đến tử vong như tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất, thủng khí quản, chảy máu đường thở, abces phổi.
Dị vật đường hô hấp dưới thường chiếm khoảng 25% bệnh nhân và có đến 2 – 5 % bệnh nhân bị tử vong. Dị vật đường thở có thể giải quyết triệt để, không có tai biến hay để lại di chứng bằng phương pháp nội soi phế quản nếu được phát hiện và thực hiện sớm. Đây là kỹ thuật an toàn, được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Tiên lượng bệnh phụ thuộc vào tính chất của dị vật, vị trí và điều trị sớm hay muộn.
Do vậy, khi trẻ có các triệu chứng khó thở nghi ngờ dị vật đường thở cần phải bình tĩnh, tuyệt đối không kích thích trẻ, cần cố gắng móc gây nôn nhằm lấy dị vật ra ngoài và đảm bảo tư thế thông thoáng đường thở, tôn trọng tư thế của trẻ giúp cho trẻ có tư thế dễ chịu nhất.
Vận chuyển trẻ nhẹ nhàng, an toàn đến cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi hỗ trợ phương tiện cấp cứu để được chuyển đến bệnh viện chuyên khoa cấp cứu loại bỏ dị vật.