Bị gắn mác "gái độc", người phụ nữ trẻ quyết làm điều này để minh chứng thiên hạ sai

Ngọc Minh |

Mỗi đêm nhắm mắt lại, bên tai Nhung lại văng vẳng những lời đàm tiếu về mình: "Cây độc không trái, gái độc không con".

Tự ti không dám đi ra ngoài

5 năm kết hôn, chị Nguyễn Thị Nhung (sinh năm 1995) đã phải chịu bao lời cay độc của thiên hạ. Mỗi đêm nhắm mắt lại, bên tai Nhung lại văng vẳng những lời đàm tiếu về mình: "Cây độc không trái, gái độc không con".

Áp lực không có con khiến cho vợ chồng Nhung sợ phải tham gia cũng cuộc gặp gỡ đông người của gia đình, bạn bè, hàng xóm.

"Em chẳng dám bước chân ra khỏi nhà vì tự ti. Vì em luôn "sợ" những câu hỏi" bao giờ có con", sợ ánh mắt mọi người nhìn vào…", Nhung tâm sự.

Sau nhiều năm uống thuốc bắc, thuốc nam nhưng mãi chưa có tin vui, thêm nữa vì không muốn nghe những lời ác ý của thiên hạ, vợ chồng Nhung quyết định đi khám. Lúc này, Nhung mới biết vợ chồng cô không thể có con tự nhiên được.

Chồng Nhung bị teo tinh hoàn do biến chứng của căn bệnh quai bị. Trong tinh dịch của chồng Nhung không có tinh trùng. Nhung chỉ biết ôm mặt khóc nức nở, còn chồng cô lặng người khi nghe kết quả từ bác sĩ.

Bị mọi người gán mắc

Bác sĩ mổ tìm tinh trùng cho chồng chị Nhung, ảnh BSCC.

Sau đó, bác sĩ giải thích hai vợ chồng Nhung có thể làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) nếu như tìm được tinh trùng bằng phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn Micro-TESE, sau đó tiến hành thụ tinh với trứng của người vợ để tạo phôi.

Nghe theo lời tư vấn của bác sĩ, vợ chồng Nhung cũng quyết định làm Micro-TESE tìm tinh trùng để tạo phôi. Rất may mắn khi làm Micro-TESE, bác sĩ cũng tìm được tinh trùng để thụ tinh ống nghiệm cho vợ chồng Nhung.

Sau một chặng đường dài cố gắng, Nhung cũng đã tạo đủ phôi. Để toàn tâm toàn ý cho việc sinh con, Nhung đã xin nghỉ làm. Tưởng mọi việc đã "xuôi chèo mát mái", nhưng đến khi chuẩn bị niêm mạc để chuyển phôi thì bác sĩ siêu âm phát hiện Nhung có polyp tử cung có thể cản trở quá trình đậu thai. Nhung được bác sĩ chỉ định nội soi thăm dò buồng tử cung kết hợp cắt bỏ polyp, hạn chế tối đa chảy máu. Tuy nhiên, do cơ địa nhanh hình thành polyp, Nhung cần được các bác sĩ theo dõi chặt chẽ và xác định thời điểm chuyển phôi phù hợp trước khi polyp mới mọc lên.

Vượt qua những đợt điều trị vất vả, vợ chồng Nhung đã thành công đón bé gái đầu lòng vào tháng 4/2020.

Nhớ lại giây phút được bác sĩ cho nghe tim thai của con, Nhung đã không cầm được nước mắt. Cô kể lại: "Lúc bác sĩ cho em nghe tim thai của em bé, em đã khóc. Bác sĩ bảo bây giờ chúng ta đã có được bước khởi đầu tạm ổn rồi thì phải vui chứ sao lại khóc!".

"Giờ không còn ai nói em là cây độc không trái, gái độc không con nữa rồi", Nhung cười nói.

Đến tháng 7/2022, khi con gái đầu lòng được 3 tuổi, hai vợ chồng Nhung quyết định sinh thêm em bé nữa. Tưởng đâu mọi việc thuận lợi nhưng sau thăm khám, bác sĩ thông báo "niêm mạc tử cung của chị Nhung bị quá sản toàn bộ, polyp dày đặc buồng tử cung, tình trạng còn nhiều hơn cả lần đầu chuyển phôi". Cuộc chiến với polyp buồng tử cung một lần nữa lại bắt đầu với gia đình Nhung.

Cuộc phẫu thuật nội soi thành công tốt đẹp, bác sĩ thông báo chu kỳ sau có thể thực hiện chuyển phôi. May mắn đã đến với gia đình Nhung khi cô đã đậu song thai ở lần chuyển phôi này.

Hiếm muộn cần đi khám sớm

Với trường hợp của vợ chồng Nhung, cả 2 vợ chồng đều gặp vấn đề về sức khỏe sinh sản. Hai vợ chồng lấy nhau khi Nhung mới 19 tuổi, nhưng sau 5 năm không có con mới quyết định đi khám.

ThS.BS Đinh Hữu Việt, Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, chồng của bệnh nhân Nhung vô tinh do quai bị nên đã được chỉ định dùng phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng Micro-TESE. Phẫu thuật vi phẫu này cho kết quả tìm thấy tinh trùng rất cao, ít tổn thương mô tinh hoàn, ít biến chứng.

"Cụ thể, kĩ thuật này cho phép can thiệp vào mô tinh hoàn để tìm những ống sinh tinh có chứa tinh trùng thông qua kính vi phẫu có độ phóng đại lớn. Khi tìm tinh trùng trên những mẫu mô nhỏ, việc lọc tách cũng rất khó khăn, đòi hỏi sự tỉ mỉ; đôi khi chỉ có thể tìm được một vài tinh trùng hoặc vài chục con vừa đủ để làm thụ tinh ống nghiệm", bác sĩ Việt nói.

Còn đối với trường hợp của bệnh nhân Nhung, ThS.BS Trịnh Thị Thuý, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, polyp buồng tử cung chiếm khoảng 10 - 15% nguyên nhân gây vô sinh, hiếm muộn ở nữ giới và phẫu thuật nội soi thăm dò buồng tử cung được coi là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán kịp thời các bệnh lý buồng tử cung.

Các chuyên gia khuyến cáo, các cặp đôi sinh hoạt tình dục đều trong một năm chưa có con thì nên đi khám sớm để tìm nguyên nhân và điều trị sớm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại