Ấn Độ tiếp tục sử dụng vắc-xin AstraZeneca

Hải Yến (Theo Al Jazeera) |

Ấn Độ cho biết sẽ tiếp tục triển khai tiêm vắc-xin AstraZeneca trong chương trình tiêm chủng khổng lồ của mình sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo các quốc gia nên tiếp tục sử dụng loại vắc-xin này bởi lợi ích vẫn lớn hơn nguy cơ.

Ngay cả một số nước châu Âu như Pháp- quốc gia tạm đình chỉ sử dụng vắc-xin AstraZeneca, cũng đồng ý với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về vắc-xin này. Tuy nhiên Pháp vẫn chờ đợi kết luận của Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) rồi mới quyết định.

Trong khi đó, tại Ấn Độ, một quan chức cấp cao cho biết, Ấn Độ không lo lắng về việc một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) ngừng sử dụng vắc-xin AstraZeneca ngừa COVID-19 và sẽ tiếp tục triển khai vắc-xin này trong chương trình tiêm chủng khổng lồ của mình. Các mũi tiêm AstraZeneca được sản xuất bởi Viện Huyết thanh của Ấn Độ, được biết đến với tên gọi Covishield trong nước.

Cho đến nay, vắc-xin AstraZeneca chiếm phần lớn trong tổng số 35 triệu mũi tiêm ngừa COVID-19 ở nước này.

Mới đây, trước những động thái của một số nước EU và lo ngại từ nhiều quốc gia khác, WHO khuyến cáo, vắc-xin AstraZeneca an toàn và cơ quan quản lý thuốc của châu Âu -EMA- tin rằng tiêm chủng vắc-xin lợi ích vẫn lớn hơn nhiều so với nguy cơ gây tác dụng phụ.

Ấn Độ tiếp tục sử dụng vắc-xin AstraZeneca - Ảnh 1.

Vắc-xin được sử dụng tại Trung tâm y tế Mumbai, Ấn Độ

Một thành viên của cơ quan tư vấn của Chính phủ Ấn Độ Vinod K Paul cho biết, các nhà chức trách Ấn Độ đang xem xét dữ liệu nhưng chưa có gì cho thấy có “mối liên quan” giữa vắc-xin và tình trạng cục máu đông ở người được tiêm chủng.

“Tôi một lần nữa đảm bảo với bạn rằng chúng tôi lo ngại về vấn đề này, vì thế, chương trình tiêm chủng của chúng tôi sẽ tiếp tục” ông Paul nói với các phóng viên.

Viện Huyết thanh - nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới - đã cung cấp hàng chục triệu liều vắc xin AstraZeneca cho hàng chục quốc gia hầu hết là các nước nghèo trên thế giới.

Dịch bệnh ở Ấn Độ đã chạm “đỉnh thứ hai”, số ca mắc mới theo ngày tăng kỷ lục

Trong khi đó, ngày 17/3, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ra lệnh tăng cường giám sát và thử nghiệm để ngăn chặn dịch bệnh trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại quốc gia này đã chạm đỉnh dịch thứ hai.

Tổng số ca nhiễm bệnh tại Ấn Độ đã lên tới 11,47 triệu người, đứng thứ 3 thế giới sau Mỹ và Brazil về số người mắc COVID-19. Số liệu từ Bộ Y tế Ấn Độ cho thấy số ca tử vong tăng 172 người lên 159.216 người. Trước đó vào ngày 17/3, Ấn Độ công bố trải qua ngày có số ca nhiễm kỷ lục kể từ ngày 13/12.

Trong một cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo các bang của Ấn Độ, Thủ tướng Modi cảnh báo rằng dịch bệnh tại Ấn Độ có nguy cơ bùng phát trên toàn quốc nếu các nhà chức trách không hành động, nhằm kiềm chế sự gia tăng ở các địa phương đang có dịch. Số ca nhiễm COVID-19 đang gia tăng ở nhiều bang sau vài tuần giảm.

“Nếu chúng ta không ngăn chặn đại dịch này ngay bây giờ, thì chúng ta có thể đối mặt với tình trạng bùng phát dịch bệnh trên toàn quốc. Chúng tôi sẽ phải lập tức ngăn chặn đỉnh thứ hai các trường hợp nhiễm COVID-19 mới. Và để làm được như vậy, chúng ta cần phải có những bước đi nhanh chóng và dứt khoát ”, Thủ tướng Modi nói.

Sáng 18/3, Ấn Độ đã báo cáo 35.871 trường hợp nhiễm COVID-19 mới, cao nhất trong hơn 3 tháng, riêng bang Maharashtra- ở phía Tây - bị ảnh hưởng nặng nề nhất, chiếm 65% số trường hợp nhiễm bệnh. Bang Maharashtra đã áp đặt các lệnh hạn chế mới và phong tỏa thành phố Nagpur một tuần do mức tăng đột biến gần đây. Một số nơi khác cũng yêu cầu hạn chế di chuyển và tụ tập đông người.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại