'Xuống tiền' theo đám đông, đầu tư mã nào là sếp doanh nghiệp đó... đi tù

Hiền Anh (ghi) |

“Tôi từng bị bầm dập vì đầu tư vào những cổ phiếu như PVC, JVC, PVF, DVD, OGC,… Điều khiến tôi kinh ngạc là sau khi tôi bị thua lỗ bởi những cổ phiếu này thì lãnh đạo các doanh nghiệp trên cũng đều… đi tù”.

Từng “ăn chứng khoán, ngủ chứng khoán” và có những tháng ngày “lê la” khắp các sàn chứng khoán giai đoạn 2006-2010, chị Phạm Trà Giang – phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội – từng có tất cả nhờ chứng khoán, nhưng rồi cũng mất rất nhiều vì nó. 

Tuy nhiên đến nay, chị cảm thấy mình vẫn còn may mắn khi giữ lại được căn nhà duy nhất làm nơi trú ngụ cho 3 mẹ con.

Ám ảnh về việc thua lỗ do đầu tư cổ phiếu đến nỗi bây giờ, thỉnh thoảng, chị vẫn nhận được những cuộc gọi mời tham gia các khóa học về chứng khoán, mời đầu tư chứng khoán quốc tế,… và chị Giang thường buồn bã trả lời: “Cảm ơn, chị sợ lắm rồi!”.

“Tôi bắt đầu tìm hiểu về chứng khoán từ đầu năm 2006, đó là thời điểm thị trường nóng nhất kể từ ngày thành lập thị trường chứng khoán Việt Nam” – chị Phạm Trà Giang, một “cựu” nhà đầu tư chứng khoán bắt đầu câu chuyện của mình.

Chị Giang kể: “Tôi còn nhớ hồi đó đọc báo, xem tivi, tin tức nổi bật nhất trên thị trường tài chính thường là những thông tin về giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Nào là cổ phiếu mới niêm yết, nào là diễn biến giao dịch của các cổ phiếu lớn, khả năng lập đỉnh mới của VN-Index,… 

Thậm chí, có đài truyền hình còn có hẳn một chương trình phổ biến kiến thức cơ bản về chứng khoán, phát sóng vào khung giờ vàng mỗi tối. Rồi nhiều bài báo viết về những gương mặt trẻ mới nổi sớm sở hữu nhà lầu, xe hơi nhờ chứng khoán càng kích thích tôi sớm lao vào thị trường”.

Xuống tiền theo đám đông, đầu tư mã nào là sếp doanh nghiệp đó... đi tù - Ảnh 1.

Cảnh chen chúc một thời trên sàn chứng khoán (ảnh mang tính chất minh họa).

Theo lời chị Giang thì hồi đó, vào giai đoạn 2006-2007 là thời điểm thậm chí đến cả các bà nội trợ, hay những công chức đã nghỉ hưu cũng “lê la” trên sàn chứng khoán để tranh mua cổ phiếu, chỉ với một suy nghĩ: cứ mua là thắng!.

Thời điểm đó do chưa có nhiều công ty chứng khoán được thành lập, việc giao dịch trực tuyến lại chưa phổ biến, nên các sàn giao dịch gần như là nơi tập trung duy nhất của các “chứng sỹ” nếu không muốn ủy thác cho nhân viên môi giới.

Chị Giang quyết định mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại một chi nhánh của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) trên phố Thái Hà (quận Đống Đa, Hà Nội).

“Lúc đó có khoảng 500 triệu đồng, nên tôi chỉ mua một vài mã với số lượng nhỏ. Ở thời điểm chân ướt chân ráo bước vào “chứng trường”, kinh nghiệm bằng không, kiến thức học được cũng chẳng là bao nên kênh tham khảo có vẻ hữu dụng nhất là nghe các nhà đầu tư lên sàn rỉ tai nhau về việc “mua con nào, bán con nào”. 

Có những câu nói đánh giá chính xác về thị trường khi đó là “thị trường còn sơ khai”, hay người người đầu tư theo tâm lý bầy đàn”, chị Giang chia sẻ.

Dù không thể nhớ hết những mã cổ phiếu đầu tiên mình mua, nhưng dường như câu nói “cờ bạc đãi tay mới” lại rất phù hợp với hoàn cảnh của chị Giang lúc đó.

Sau khi mua bán chứng khoán qua kênh “rỉ tai nhau” và cũng kiếm được kha khá, chị Giang quyết định mình phải trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hơn. Chính vì thế, chị đã tham gia các buổi hội thảo do các công ty chứng khoán tổ chức để nghe giới chuyên môn phân tích, đánh giá từ đó tham khảo những khuyến nghị của họ.

Đều đặn cứ vào buổi sáng thứ Hai hàng tuần, chị và nhóm bạn mới quen trên sàn của mình lại hòa mình trong số hàng trăm người đến trụ sở Công ty chứng khoán SHS trên phố Đào Duy Anh để nghe các chuyên viên phân tích đưa ra những nhận định về thị trường. Và phần quan trọng nhất là những khuyến nghị nên mua/bán cổ phiếu nào.

Rồi cứ chiều thứ Sáu hàng tuần, nhóm các nhà đầu tư này lại có mặt tại hội thảo định kỳ của Công ty Đầu tư Trí Việt (tiền thân của Chứng khoán Trí Việt) để tham khảo những lời khuyên “quý báu” từ các chuyên viên phân tích.

“Đó là hai nơi tôi đến theo định kỳ hàng tuần, ngoài ra mỗi khi nghe tin công ty chứng khoán nào mở hội thảo là tôi lại… trốn việc để đi nghe. Nói chung các cuộc hội thảo này đều có nội dung na ná nhau, ban đầu là cho các nhà đầu tư nghe phân tích kỹ thuật này nọ, rồi phân tích vĩ mô, nhận định thị trường, và cuối cùng là khuyến nghị mua cổ phiếu. 

Thỉnh thoảng, có công ty chứng khoán chiều lòng nhà đầu tư bằng việc mời các chuyên gia kinh tế đến “chém gió” về kinh tế vĩ mô với những lời nhận định lạc quan về triển vọng cũng như thị trường chứng khoán”, chị Giang kể.

Xuống tiền theo đám đông, đầu tư mã nào là sếp doanh nghiệp đó... đi tù - Ảnh 2.

Hợp đồng mua bán cổ phiếu PVFC trên OTC và phiếu gửi chứng khoán tại CTCK.

Theo chị Giang, nhà đầu tư nào đã từng sống với thị trường chứng khoán giai đoạn 2008-2012 chắc chắn còn nhớ nền kinh tế bị ảnh hưởng trước những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Bong bóng chứng khoán, bong bóng bất động sản nhanh chóng vỡ, rồi lạm phát phi mã, tỷ giá không ổn định, giá vàng tăng phi mã,…

Và thời điểm đó, các chuyên gia kinh tế nổi tiếng trên các phương tiện truyền thông có thêm một việc, đó là đầu năm đưa ra nhận định, cuối năm quay lại giải thích tại sao… mình nhận định sai.

Việc quá tin vào khuyến nghị của các chuyên viên phân tích thị trường là một sai lầm trong số hàng loạt những sai lầm trong đầu tư của chị Giang, nhất là khi có không ít những công ty chứng khoán thao túng thị trường bằng việc đứng sau những phi vụ “đánh lên” hoặc “đánh xuống”.

Và trong một lần như thế, chị dốc hết vốn liếng để mua cổ phiếu PVX của CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và các mã cổ phiếu mang “họ” nhà PVC như PXS, PXM, PXT,...

Từ thị giá vài chục nghìn đồng/cổ phiếu, các mã này nhanh chóng rớt giá khiến nhà đầu tư này buộc phải bán đi cắt lỗ, chấp nhận thua lỗ hơn 300 triệu đồng đối với những mã cổ phiếu mang “họ” PVC của Trịnh Xuân Thanh, người đang phải chịu án tù về những sai phạm trong quá trình điều hành PVC.

“Tôi vẫn thấy mình may mắn bởi sau khi “xuống tàu”, những mã cổ phiếu trên đều nhanh chóng trở thành cổ phiếu “trà đá”. Khi hoàn hồn lại mới nhận ra, mình mua cổ phiếu theo lời khuyến nghị tại hội thảo của…. Công ty Chứng khoán Dầu khí, nên họ khuyên mua cổ phiếu trong ngành cũng là điều dễ hiểu”, chị Giang nói.

Trước đó, cũng với cổ phiếu “họ” Dầu khí, chị Giang “tranh mua” được mớ cổ phần của Công ty Tài chính Dầu khí (PVFC) khi công ty này IPO vào tháng 10/2007. Thời điểm đó, PVFC do ông Nguyễn Xuân Sơn làm Tổng Giám đốc (sau này ông Sơn bị tuyên mức án Tử hình vì những sai phạm xảy ra tại OceanBank).

“Thậm chí, tôi mua lại của một nhà đầu tư khác với giá 71.000 đồng/cp, và sau đó bán đi vào đầu năm 2012 với giá… 12.000 đồng/cp, đây cũng là mã cổ phiếu khiến tôi bị mắc kẹt lâu nhất với một niềm tin ngây thơ”, chị Giang ngậm ngùi kể.

Xuống tiền theo đám đông, đầu tư mã nào là sếp doanh nghiệp đó... đi tù - Ảnh 3.

Cổ phiếu ghi danh giờ chỉ là... giấy lộn.

Tuy nhiên, giao dịch khiến chị trắng tay hoàn toàn và là thất bại đau đớn nhất vẫn là việc mua cổ phần Ngân hàng OceanBank của ông Hà Văn Thắm, người cũng đang phải chịu án tù Chung thân về những sai phạm xảy ra khi còn làm Chủ tịch ngân hàng này.

Chị Giang cho rằng, “việc được ngân hàng cho vay 100 triệu đồng để mua cổ phần của chính ngân hàng này khiến tôi mờ mắt nghĩ rằng “mỡ nó rán nó, đi đâu mà thiệt”. Tuy nhiên sau đó, mỗi tháng, chị đã phải dành ra hơn 2 triệu đồng để trả gốc và lãi vay. 

Suốt 8 năm trời là cổ đông của ngân hàng này, lần duy nhất chị nhận được cổ tức là năm 2007, năm đầu tiên mua cổ phần của nhà băng này.

Đến năm 2015, OceanBank trở thành ngân hàng 0 đồng, các cổ đông lâm vào cảnh trắng tay. Mặc dù vậy, chị Giang cũng có những kỷ niệm đẹp với những cổ phiếu mang “họ” Ocean như OGC, OCH, và chị từng mua được nhà, xe hơi cũng nhờ những “kỷ niệm đẹp” đó.

Tuy nhiên, những sai lầm trong đầu tư sau đó đã cuốn sạch mọi thành quả, trong đó có cả những cú vấp với cổ phiếu ngành dược và thiết bị y tế, một ngành tưởng chừng như luôn bền vững. 

Việc mua cổ phiếu DVD của Dược Viễn Đông và JVC của Thiết bị Y tế Việt Nhật, sau đó lãnh đạo của hai công ty này lần lượt bị bắt và đi tù vào năm 2011 và 2015 khiến chị Giang bị sốc cho tới tận bây giờ bởi cổ phiếu lao dốc đến mức NĐT không kịp trở tay.

Chị Giang cho hay, hiện tại, tài khoản của mình tại công ty chứng khoán vẫn còn một vài mã cổ phiếu, nhưng chị coi như chúng không còn tồn tại.

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại