Xăng dầu tăng giá, doanh nghiệp vận tải "lãnh đủ"

Bảo Loan |

Thời gian qua, các doanh nghiệp vận tải đang phải loay hoay tìm bài toán "gỡ" khó bởi dịch COVID-19, thì nay, khi giá xăng dầu tăng, doanh nghiệp vận tải xác định sẽ "khó đủ đường".

Đó là tình cảnh của ông Đỗ Văn Bằng – Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (chủ thương hiệu xe Sao Việt) khi phải chịu khó khăn bởi dịch COVID-19 và giá nhiên liệu tăng cao.

Ông Bằng cho biết, thời gian qua, thực hiện các quy định về phòng, chống dịch, hạn chế số lượng hành khách di chuyển trên mỗi chuyến xe, doanh thu của doanh nghiệp giảm đến 70%, xe chạy phải giảm số chuyến vì không có khách, nay giá xăng dầu tăng, chẳng khác nào "cú đánh" đẩy doanh nghiệp bên bờ vực phá sản.

Xăng dầu tăng giá, doanh nghiệp vận tải lãnh đủ - Ảnh 1.

Tuyến xe Hà Nội - Sa Pa (Lào Cai) của hãng xe Sao Việt gặp muôn vàn khó khăn khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và giá nhiên liệu tăng cao. Ảnh: NVCC

"Chúng tôi không biết phải làm thế nào, anh em chúng tôi cũng chỉ biết an ủi nhau cố gắng qua thời gian khó khăn này. Bởi vì cố chạy, cố tăng chuyến thì chúng tôi sẽ tiếp tục thua lỗ, mà nếu nghỉ thì chúng tôi còn nợ ngân hàng. Nếu bán xe lúc này thì chắc chắn không phải là thời điểm để đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh vận tải", ông Bằng cho hay.

Tương tự ông Bằng, ông Khúc Hữu Thanh Hải – Chủ doanh nghiệp vận tải Đất Cảng (Hải Phòng) cũng đang chịu áp lực rất lớn từ việc kinh doanh vận tải trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và giá xăng dầu liên tục điều chỉnh theo hướng tăng.

Xăng dầu tăng giá, doanh nghiệp vận tải lãnh đủ - Ảnh 2.

Hãng xe Đất Cảng của ông Khúc Hữu Thanh Hải cũng từng có thời gian thất thu do chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ảnh: NVCC

Ông Hải cho biết, trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn, phương án tăng giá vé không phải là phương án khả thi để bù lỗ hay giảm lỗ. Bởi hầu hết, hành khách lưu chuyển giữa các địa phương rất hạn chế do dịch diễn biến phức tạp.

"Xăng dầu chiếm đến 40% đơn giá vận chuyển nên khi nguyên liệu tăng giá, chắc chắn những chi phí vận tải sẽ chịu ảnh hưởng và chúng tôi phải tìm cách cân đối. Tuy nhiên, tính đến đâu và tính thế nào để bù lỗ thì không phải dễ dàng, nên chỉ vài khách lác đác trên mỗi chuyến xe, thậm chí là không một bóng khách là nỗi ám ảnh của doanh nghiệp vận tải chúng tôi", ông Hải cho hay.

Xăng dầu tăng giá, doanh nghiệp vận tải lãnh đủ - Ảnh 3.

Thậm chí, nhiều chuyến xe phải xếp "kho" do dịch bệnh, số hành khách giảm.

Trước những khó khăn trên, trao đổi với phóng viên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết, trước hết, giá xăng dầu của Việt Nam chịu ảnh hưởng theo giá xăng dầu thế giới nên giá xăng dầu thế giới cao, giá tại Việt Nam cũng phải cao.

"Hơn nữa, thuế trên giá cơ sở xăng dầu của Việt Nam tương đối thấp, khoảng trên 40%. Nếu so với giá cơ sở giá xăng dầu của các nước xung quanh thì giá xăng dầu của chúng ta thấp so với Lào, Campuchia, Philippines, Trung Quốc…

Do đó, nếu Chính phủ hạ thuế thì khó. Thậm chí, một số chuyên gia, doanh nghiệp cũng đề nghị hạ thuế nhưng khó khả thi. Bởi hạ thuế sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước, nguồn thu ngân sách và tạo ra hệ lụy buôn lậu xăng dầu giữa Việt Nam với các quốc gia xung quanh", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho hay.

Cũng theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, hạ giá và thuế đều khó khả thi thì chỉ còn phương án doanh nghiệp chấp nhận chi phí tăng và có thể triển khai phương án tái cấu trúc lại hoạt động của doanh nghiệp để giảm thiểu chi phí sản xuất, kinh doanh, cũng như chi phí liên quan đến xăng dầu.

Đây là điều quan trọng và cần thiết để giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp. Đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải cần thực hiện vận tải hai chiều, làm sao để có các hợp đồng hai chiều một cách đầy đủ, tốt nhất, tránh tình trạng chạy xe rỗng.

Song song đó, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải có biện pháp hỗ trợ bằng việc giảm chi phí cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh có sử dụng nhiều xăng dầu.

Với doanh nghiệp vận tải thì liên quan đến các chi phí như: Lưu kho, lưu bãi, chi phí lăn bánh xe trên đường, chi phí về kiểm định xe…

"Do đó, nếu có thể giảm được cho doanh nghiệp thì các cơ quan quản lý nhà nước có thể xem xét giảm tối đa hỗ trợ cho doanh nghiệp trong giảm chi phí vận tải", ông Thịnh cho hay.

Theo ông Thịnh, cuối cùng là các doanh nghiệp nên tìm kiếm phương thức hiện đại hơn, tốt hơn như xe điện để về lâu dài, sẽ giảm thiểu sử dụng nhiên liệu xăng dầu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại