Vụ sập giàn giáo ở Hà Nội: "Ngày nào tôi cũng đưa 2 con đi qua"

Đại - Long - Chung |

Sau sự cố sập giàn giáo tại dự án đường cao tốc trên cao, nhiều người dân lo ngại về độ an toàn khi đi trên tuyến đường đang thi công dự án này.

Tuyến sắt trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây bởi chỉ trong chưa đầy 2 tháng đã xảy ra hai vụ tai nạn hi hữu đối với những người đi đường ở phía dưới công trình..

Dù sự cố xảy ra vào sáng sớm 28/12 không có người bị thương vong nhưng nhiều người dân vẫn tỏ ra lo ngại khi trên tuyến đường này còn không ít những điểm tương tự đang thi công.

Hàng trăm công nhân viên được huy động để tiến hành khắc phục sự cố.

Hàng trăm công nhân được huy động để tiến hành khắc phục sự cố.

Chị Nguyễn Thị Vân Anh, một người dân sinh sống gần khu vực xảy ra sự cố sập giàn giáo cho biết, một công trình lớn như thế mà chủ đầu tư không đảm bảo được an toàn cho người dân thì nên xem xét lại.

Lần trước có một vụ có người thiệt mạng, lần này may mà không có ai bị làm sao, nhưng nhìn thì biết, cả đống sắt thép kia mà đổ xuống vào giờ cao điểm thì không biết hậu quả sẽ thế nào.

Mọi người đi trên đường, dưới những dầm giàn giáo kia đều đinh ninh và hi vọng là không có chuyện gì xảy ra, nhưng rồi cũng không biết điều gì. Đấy…nhìn thì chắc chắn nhưng không biết nó sập lúc nào” - chị Anh lo lắng.

Nhưng công trình tiềm ẩn nguy cơ tai nạn khiến người dân lo ngại khi lưu thông qua đây

Nhưng công trình tiềm ẩn nguy cơ tai nạn khiến người dân lo ngại khi lưu thông qua đây.

Cùng trạng thái lo lắng trước sự việc xảy, anh Nguyễn Văn Lĩnh (trú tại Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội) cho biết: "Ngày nào tôi cũng đưa hai con đi học qua tuyến đường này và không tránh khỏi cảm giác sợ hãi khi đi dưới những đoạn đang thi công.

Tôi thấy trên tuyến đường này cũng đã có sự việc đơn vị thi công làm rơi thanh sắt khiến một người thiệt mạng. Sau sự việc đó, các lãnh đạo ngành cũng đã tuyên bố rầm rộ là sẽ đảm bảo an toàn.

Nhưng với tình trạng như thế này thì người dân thật sự rất hoang mang về mức độ an toàn của các hệ thống giàn giáo, cũng như những địa điểm đang thi công tuyến đường trên cao này”.

Ông Nguyễn Minh Long (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) nói: “Tôi không hiểu các chủ đầu tư, các đơn vị thi công làm ăn kiểu gì mà lại để xảy ra sự việc như vậy. Đây là tuyến đường rất nhiều người đi lại mà lại để xảy ra sự việc đáng tiếc thì cần phải xem lại”.

Theo ông Long, các nhà thầu, các đơn vị thi công cần có những biện pháp đảm bảo an toàn tuyết đối thì mới tiến hành thi công, chứ không thể để tình trạng này tiếp diễn.

“Tính mạng hàng trăm, thậm chí hàng nghìn con người lưu thông qua đây phải được đảm bảo” - ông Long nhấn mạnh.

Là một đại biểu Quốc hội của đoàn ĐBQH TP.Hà Nội, bà Trần Thị Quốc Khánh nói: “Tôi thấy sau vụ rơi bó sắt khiến 1 người thiệt mạng, các cơ quan chức năng cũng tăng cường xử lý để đảm bảo an toàn giao thông.

Nhưng thực tế, trong quá trình thi công thì cũng đã có sự việc đáng tiếc xảy ra. Điều đó cho thấy một vấn đề là rủi ro vẫn còn tiềm ẩn.

Sau khi xảy ra sự cố hồi đầu tháng 11/2014, nhiều người có khuyến cáo nên ngăn đường để cho người dân không đi vào nơi mà phía trên đang thi công.

Tôi cũng không hiểu tại sao mà người ta chưa làm việc ngăn đường ra như thế. Cần phải kiểm tra, kiểm điểm trách nhiệm và phải xử lý nghiêm”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Chu Sơn Hà - Phó đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu quốc hội Hà Nội cho biết, vụ sập giàn giáo tại tuyến đường sắt trên cao là sự cố thứ hai xảy ra trong thời gian qua.

"Sự cố lần trước đã khiến một người tử vong còn sự cố lần này, rất may đã không xảy ra thiệt hại về người.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, Bộ Giao thông vận tải đã nhanh chóng vào cuộc, chỉ đạo việc khắc phục sự cố đồng thời, đình chỉ, điều chuyển các cán bộ, đơn vị có liên quan.

Tôi đánh giá rất cao điều đó", ông Hà nói.

Theo ông Hà, ngoài việc xử lý các cá nhân, đơn vị gây ra sự cố, để đảm bảo công tác thi công an toàn, Bộ Giao thông vận tải cần chỉ đạo các đơn vị nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Vị này nhấn mạnh: "Tôi nghĩ rằng, với các quyết định xử lý kỷ luật kịp thời của Bộ Giao thông vận tải chắc chắn sẽ khiến những cán bộ, đơn vị sắp tới được điều về đây thi công phải có biện pháp khắc phục, đảm bảo việc thi công an toàn".

Quay trở lại với diễn biến sập giàn giáo tại khu vực đang thi công trên tuyến đường Nguyễn Trãi – Thanh Xuân, Hà Nội, đến khoảng 15h30 chiều cùng ngày, hàng trăm công nhân đang tiến hành khắc phục sự cố.

Hiện tại, hàng trăm tấn sắt thép đã được đưa ra khỏi khu vực sập giàn giáo. Những thanh sắt nặng hàng tấn tiếp nối các đầu cầu đường ray đã được cắt tách rời và đưa ra khỏi hiện trường.

Theo dự kiến, việc giải phóng mặt bằng nơi xảy ra vụ việc sẽ kéo dài hết đêm nay.

Một số hình ảnh được PV ghi lại tại hiện trường vụ sập giàn giáo xảy ra vào sáng nay (28/12):

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại