Tuyết rơi ở Hà Nội: Không phải lần đầu

Hoàng Đan |

Theo lãnh đạo vườn quốc gia Ba Vì thì trước đây đỉnh núi Ba Vì từng có tuyết, nhưng rơi vào ban đêm, mật độ thưa nên ít người biết.

Không phải lần đầu Ba Vì có tuyết rơi

Do ảnh hưởng của thời tiết xuống thấp nên ở vùng núi Ba Vì của thủ đô Hà Nội đã xuất hiện hiện tượng tuyết rơi phủ kín.

Theo ghi nhận, lượng tuyết ở đây rơi không dày như các khu vực ở Sapa hay Lạng Sơn nhưng đây là lần đầu trong lịch sử có hiện tượng tuyết rơi ở Thủ đô Hà Nội.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, đợt lạnh này ảnh hưởng đến Hà Nội và nhiều tỉnh phía Bắc, băng tuyết xuất hiện nhiều nơi hơn so với những đợt lạnh trước đây ghi lại được.

Về nhiệt độ của Hà Nội trong ngày 24/1, ông Hải cho hay, nhiệt độ được ghi nhận là 6.5 độ lúc 6 giờ lên 6,6 độ c lúc 13 giờ và 7,1 độ C lúc 19 giờ.

Tuy nhiên, nhiệt độ tại Hà Nội trong đợt rét này vẫn chưa đạt tới các mức lịch sử từng xảy ra.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương Hà Nội từng xuất hiện nhiệt độ 5,1 độ C vào ngày 31/12/1975; 5 độ C vào ngày 14-2-1968 và mức thấp nhất là 2,7 độ C được ghi nhận vào ngày 12/1/1955

"Vào ngày 31/1/1977, nhiệt độ khi đó thấp nhất là 5,4 độ C, còn sáng nay (24/1) ở Hà Nội nhiệt độ thấp nhất ghi nhận được mới 6,5 độ C, tính ra vẫn chưa bằng đợt lạnh cách đây 30 năm”, ông Hải nói.

Đối với việc tuyết rơi ở Ba Vì vào đêm, ngày 24/1, theo ông Hải, do đợt lạnh này rộng khắp, băng tuyết xuất hiện nhiều nơi hơn, trong đó, ở Ba Vì (Hà Nội) được ghi nhận. Tuy nhiên, đây không phải là lần tuyết rơi đâu tiên ở khu vực này.

"Theo lãnh đạo vườn quốc gia Ba Vì thì vào năm 2007 đỉnh núi Ba Vì từng có tuyết, nhưng rơi vào ban đêm, mật độ thưa nên ít người biết còn lần này thì do đợt lạnh mạnh nên tuyết rơi nhiều hơn và nhiều người biết hơn", ông Hải nói thêm.


Rét đậm rét hại khiến nhiều gia súc gia gia cầm bị chết. Ảnh: FB Lil Shady

Rét đậm rét hại khiến nhiều gia súc gia gia cầm bị chết. Ảnh: FB Lil Shady

Cũng theo ông Hải, đợt rét đậm, rét hại xảy ra cuối năm 2008 kéo dài 38 ngày đã khiến hàng vạn con trâu bò chết gây thiệt hại lớn.

"Đợt lạnh lần này ngắn hơn chỉ kéo dài 5 – 6 ngày và phía cơ quan chức năng cũng đã cảnh báo sớm hơn cho người dân chống rét cho gia súc, gia cầm cũng như cây trồng", ông Hải chia sẻ.

Về thiệt hại do đợt rét này gây ra, theo ông Hải, đến thời điểm này vẫn chưa có thống kê cụ thể.

Trước đó, ông Trần Ngọc Chính, Trạm trưởng trạm kiểm lâm cos 1.100, Hạt kiểm lâm Vườn Quốc gia Ba Vì cho biết trong 15 năm công tác tại đây, ông chưa bao giờ thấy tuyết rơi dày đặc như vậy.

Sáng sớm nay, các cán bộ tại Trạm thức dậy và giật mình khi thấy một màu trắng xoá đã bao phủ khắp nơi. Tuyết rơi thành bông, bám khắp mặt đất, lối đi và phủ lên các tán cây. Tại nhiều khu vực, tuyết rơi dày 2-3 cm.

Tuyết xuất hiện phủ trắng vùng núi Ba Vì, Hà Nội ngày 24/1
Tuyết xuất hiện phủ trắng vùng núi Ba Vì, Hà Nội ngày 24/1

Sapa rét nhất trong 60 năm qua

Cũng trao đổi với chúng tôi, ông Lưu Minh Hải, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai cho biết, Sa Pa và một số huyện, thị xã của tỉnh Lào Cai đang phải chịu đợt lạnh khủng khiếp nhất trong lịch sử suốt hơn 60 năm qua.

Theo ông Hải, nếu nói đúng ra đợt rét này đi vào lịch sử bởi sự hạ thấp của nhiệt độ ở Lào Cai. Như Sa Pa, lúc 13h trưa nay nhiệt độ đo được tại trạm khí tượng Sa Pa ghi nhận được là -4,2 độ C.

“Theo số liệu nhiều năm đo được từ năm 1956 đến nay mới nghi nhận được ở Sa Pa nhiệt độ thấp nhất là -3,2 độ C trong các mùa đông.

Tính ra 60 năm từ khi có quan trắc khí tượng thì ở Sa Pa nhiệt độ mới có đợt lạnh đi vào lịch sử thế này”, ông Hải cho hay.

Một vụ tai nạn giao thông xảy ra ở Lào Cai vì băng tuyết. Nguồn Facebook.
Một vụ tai nạn giao thông xảy ra ở Lào Cai vì băng tuyết. Nguồn Facebook.

Còn theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, sở dĩ băng tuyết xuất hiện nhiều nơi là do đợt không khí lạnh này hội tụ đủ 2 yếu tố để hình thành băng tuyết là nhiệt độ thấp cộng với mưa, độ ẩm cao.

Cụ thể, đã xuất hiện đới gió tây cao trên 5.000m kết hợp với gió đông bắc tầng thấp gây mưa ở các tỉnh phía Bắc đến ven biển miền Trung. Mưa, độ ẩm kết hợp nhiệt độ thấp ở vùng núi cao là điều kiện để hình thành mưa tuyết, băng giá.

Hiện các tỉnh miền núi phổ biến dưới 5 độ C, các tỉnh đồng bằng phổ biến 6 độ C. Tuyết, băng giá xuất hiện nhiều nơi.

Cũng theo dự báo ngày 25/1, các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có nhiệt độ  thấp nhất từ 16-19 độ C (các tỉnh phía Bắc) và 19-22 độ C ( các tỉnh phía Nam).

Tây Nguyên nhiệt độ thấp nhất từ 15 đến 18 độ. Còn Nam Bộ nhiệt độ thấp nhất từ 21 đến 24 độ, riêng miền Đông từ 18 đến 21 độ C.

Ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục duy trì rét đậm, rét hại diện rộng cho đến 27-1. Vùng núi vẫn có khả năng cao xảy ra băng giá và mưa tuyết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại