Tướng Lâm nêu nguyên nhân "cốt yếu" Triều Tiên thử bom nhiệt hạch

Hoàng Đan |

Theo tướng Lâm, Triều Tiên thử bom nhiệt hạch là muốn chứng tỏ cho thế giới và đặc biệt là Mỹ thấy họ có sức mạnh về quân sự, các nước phải quan tâm, ghi nhận ở mức độ nào.

Chọn thời cơ nhạy cảm

Kể từ khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân hôm 6/1, cộng đồng quốc tế đã lên án mạnh mẽ Bình Nhưỡng, trong khi Mỹ tiến hành các cuộc điện đàm khẩn với Hàn Quốc, Nhật bản, còn Hội đồng bảo an LHQ nhất trí gia tăng cấm vận Triều Tiên.

Trao đổi với chúng tôi, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân cho rằng, hiện thế giới vẫn đang tiếp tục điều tra, làm rõ xem có đúng Triều Tiên thử bom nhiệt hạch hay không, bởi trình độ bom nhiệt hạch và nguyên tử khác xa nhau.

Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm. Ảnh: Infonet
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm. Ảnh: Infonet

Các nước như Mỹ, Nga, Trung Quốc đều có bom nhiệt hạch còn bom nguyên tử, nếu như cả Triều Tiên là có 9 nước.

"Tôi cho rằng, thế kỷ này là thế kỷ của hợp tác và hội nhập thì tốt nhất lãnh đạo các nước nên suy nghĩ, tìm cách để đưa lại hạnh phúc cho nhân dân, được sống trong độc lập, tự do bằng con đường hợp tác, hội nhập.

Để được như vậy thì các nước cần tạo lòng tin, hiểu nhau để xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Triều Tiên là quốc gia độc lập, đứng về nguyên tắc thì họ có quyền phát triển mọi tiềm năng nhưng lại bị ràng buộc của Hội đồng Bảo an LHQ về cấm vũ khí hạt nhân nên chúng ta cần phải có cách nào để có được hiệp ước hòa bình, hữu nghị ở đây.

Còn đúng là vài quả bom nhiệt hạch như thế này rất trầm trọng nhưng nếu chiến tranh giữa Mỹ và Triều Tiên xảy ra thì sẽ có sức mạnh hủy diệt rất lớn với nhân dân Triều Tiên.

Chúng ta cần có biện pháp để nhân dân Triều Tiên được sống trong hòa bình, độc lập, tự do", tướng Lâm đưa quan điểm.

Tướng Lâm phân tích, việc Triều Tiên thử bom nhiệt hạch lần này cũng có khía cạnh là mong muốn thế giới chú ý đến mình hơn.

Bởi, trên thế giới có nhiều "lò lửa" có thể gây ra chiến tranh, ví dụ như nguyên tử của Iran với Liên Hợp Quốc nhưng đã có hiệp ước hòa bình hay Nhà nước tự xưng IS đã gây ra khủng bố, làm cho nhân dân Trung Đông khốn khổ, tuy nhiên cũng từng bước bị ngăn chặn...

Ông Kim Jong Un Ảnh: KCNA
Ông Kim Jong Un Ảnh: KCNA

"Quan hệ Mỹ - Cu ba cũng đã bớt căng thẳng và dần đi đến bình thường hóa quan hệ nên tôi nghĩ giờ chỉ còn lại có vấn đề Triều Tiên.

Thực tế, trong thời gian qua, thế giới cũng không quan tâm nhiều đến nước này mà tập trung cho các thứ khác, chính vì vậy, việc Triều Tiên thử bom nhiệt hạch lần này cũng nhằm nhắc nhở thế giới rằng, vẫn còn họ và họ có những khả năng gây chuyện động trời.

Do đó, khía cạnh này là có", tướng Lâm nhận định.

Đánh giá về thời điểm thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên, tướng Lâm cho hay, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un cũng đã tuyên bố Triều Tiên sẽ thử vũ khí nhiệt hạch từ cách đây vài tháng.

"Nhưng thời điểm họ chọn vào 6/1 là thời cơ tương đối nhạy cảm là vì tình hình A rập - Xê- út và Iran đang rất căng thẳng, rồi tình hình giữ EU, Mỹ - Nga vẫn chưa hòa giải được về vấn đề Ukraine, cùng với đó Mỹ đang tập trung cho vấn đề vận động tranh cử...

Thời cơ đó, nếu đúng Triều Tiên thử vũ khí nhiệt hạch thì cũng là tạo cho thế giới chú ý và cũng coi như việc đã rồi, khi nước này đã 4 lần thử", tướng Lâm nêu.

Căng thẳng leo thang

Về hệ quả của vụ việc này, theo tướng Lâm, trước hết, làm cho thế giới phản đối và tình hình Đông Bắc Á trở nên căng thẳng, trong đó, Nga, Trung Quốc đều phản đối.

"Hàn Quốc và Triều Tiên đã có được một vài bước hòa giải, nhân loại hy vọng hai miền sẽ ngồi lại với nhau tìm con đường thống nhất nhưng rồi, khi Triều Tiên thử vũ khí nhiệt hạch sẽ khiến tình hình thêm gay go, căng thẳng.

Và có lẽ không dễ gì giải quyết được vấn đề hòa hợp trong tương lai gần. Còn bản thân nhân dân Bắc Triều Tiên thì chúng ta cũng không nắm bắt được...", tướng Lâm đưa ý kiến.

Tướng Lâm cũng chia sẻ thêm, việc thử bom nhiệt hạch lần này cũng không loại trừ khả năng, ông Kim Jong Un muốn nâng cao vị thế, hình ảnh của mình trong mắt nhân dân:

"Xưa nay, Triều Tiên đều đưa lên một vấn đề là Mỹ phải ký hòa ước, hòa bình với họ và công nhận Bắc Triều Tiên là một quốc gia có vũ khí nguyên tử.

Cái đó, tôi nghĩ là then chốt, nguyên nhân cốt yếu. Triều Tiên thử lần này là muốn chứng tỏ cho thế giới và đặc biệt là Mỹ thấy họ có sức mạnh về quân sự, các nước phải quan tâm, ghi nhận ở mức độ nào.

Đó là mong muốn của Triều Tiên nhưng tôi nghĩ, kể cả Triều Tiên và Mỹ nên tìm một hướng hòa giải, để giải quyết vấn đề Triều Tiên theo hướng hòa bình, ổn định, hữu nghị, phát triển, tôn trọng lẫn nhau".

Cùng với đó, tướng Lâm nhìn nhận, sau hành động của Triều Tiên vừa qua, với Việt Nam cũng phải luôn luôn quan tâm đến tình hình chung, cần bình tĩnh quan sát, thận trọng trong phát biểu, đối xử, không nên vội vàng.

"Tôi cũng mong muốn làm sao, với sức mạnh của toàn dân, sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam nhanh chóng đưa đất nước phát triển thành một nước giàu mạnh, hòa bình, hợp tác", tướng Lâm mong muốn.

Cũng trao đổi với chúng tôi, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng cho rằng, việc Triều Tiên thử bom nhiệt hạch này đã khiến tình hình khu vực và hai miền thêm căng thẳng và đây là việc làm nguy hiểm.

Tướng Rinh cũng nhận định, Việt Nam cần phải tính táo, quan sát thật kỹ và có ý kiến nêu rõ quan điểm về vấn đề này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại