Từ ngày 15/4, người đội mũ bảo hiểm giả sẽ bị xử phạt: Quản lý thị trường vô can?

Theo PL&XH |

Sau khi Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia (UBATGTQG) cho biết, nhằm chấm dứt tình trạng đội mũ bảo hiểm (MBH) không bảo đảm chất lượng khi tham gia giao thông.

UBATGTQG sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền để người dân hiểu rõ tác hại của MBH giả, và đến ngày 15-4, những người tham gia giao thông nếu đội MBH giả sẽ bị xử phạt. Nhiều người dân đã lên tiếng vì chưa đảm bảo tính pháp lý.

MBH không rõ nguồn gốc vẫn được bày bán tràn lan trên các tuyến phố Hà Nội.

Hàng giả không dễ phân biệt

Trước những thông tin từ UBATGTQG đưa ra kế hoạch lập lại trật tự tình trạng chất lượng MBH, đồng thời đưa ra lộ trình sẽ xử phạt những người tham gia giao thông nếu đội MBH giả vào ngày 15-4, nhiều người dân tỏ ra băn khoăn lo lắng. 

Anh Vũ Văn Trung, công tác cho một Cty tư vấn luật cho biết: Việc UBATGTQG đưa ra biện pháp và chế tài xử phạt người đội MBH giả nhằm mục đích đảm bảo an toàn và tính mạng cho người dân. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi không thể phân biệt được đâu là MBH giả và đâu là MBH thật, lẽ nào khi chúng tôi tham gia giao thông sẽ bị xử phạt những lỗi mà mình không hề biết, mà giả sử nếu muốn biết cũng không thể biết được.

Không chỉ có anh Trung, mà rất nhiều người khác khi trao đổi với PV đều lo ngại về kế hoạch mà UBATGTQG đưa ra, nhiều người phân tích: Nếu các lực lượng chức năng khi ra quyết định xử phạt những người tham gia giao thông đội MBH giả thì dựa trên cơ sở pháp lý nào? 

Và cách thức để xử phạt người vi phạm sao cho hợp lý, tránh tình trạng bức xúc cho người dân. Bởi thực tế hiện nay, bản thân người mua MBH còn bị lừa, họ không thể phân biệt được đâu là MBH thật, đâu là MBH giả mà vẫn phải chấp nhận bỏ tiền ra mua.

“Để người dân sử dụng MBH thật, các cơ quan chức năng cần vào cuộc truy quét toàn bộ những MBH giả tràn lan trên thị trường. khi nào không còn MBH giả nữa thì khi ấy mới nên quyết đinh xử phạt người tham gia giao thông nếu đội MBH giả. Bởi nếu còn tồn tại các loại MBH giả thì người dân vẫn còn sử dụng, do không thể phân biệt được chất lượng và chủng loại các mũ”, anh Hùng, một kỹ sư CNTT đề xuất.

Cơ quan chức năng để hàng giả tồn tại có bị phạt?

Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đường bộ phân tích: Trước hết, cần phải quy trách nhiệm rõ ràng đối với những cá nhân, tổ chức, cơ quan quản lý trường khi để xảy ra tình trạng các loại MBH giả vẫn tràn lan ngoài thị trường.

Hàng trăm chiếc MBH được thu giữ tại Đội QLTT số 6.

Sau khi quét sạch được các loại mũ trôi nổi, không rõ nguồn gốc, khi ấy mới đưa ra hình thức xử phạt đối với những người tham gia giao thông mà sử dụng MBH giả. Còn hiện nay, chưa giải quyết được việc này thì chưa nên “làm khó” người dân.

“Trước hết, phải đẩy mạnh công tác thu hồi MBH giả trên thị trường, rồi tuyên truyền vận động đổi MBH giả lấy MBH thật có các thêm tiền, phân định rạch ròi trách nhiệm của ngành giao thông, công thương, CA và người tham gia giao thông để có cơ sở cụ thể cho việc xử phạt. MBH cũng giống như phương tiện, khi các thông số kỹ thuật không đảm bảo khiến người sử dụng phương tiện gặp rủi ro thì nhà sản xuất sẽ bị kiện.

Với MBH, muốn phạt MBH giả thì các cơ quan quản lý Nhà nước phải chắc chắn rằng chỉ có mũ thật được bán trên thị trường, khi đó việc xử phạt là có cơ sở và sẽ dễ dàng hơn. Trường hợp bị lực lượng chức năng phạt sai thì người đội MBH có thể kiện ngược lại và kiện cả nhà sản xuất MBH”, một chuyên gia chia sẻ.

Trao đổi với báo giới, ông Hoàng Văn Lương- Bác sĩ khoa chẩn đoán hình ảnh của một bệnh viện tại Hà Nội cho hay: Trước tiên, cần phải đặt câu hỏi ngược lại, tại sao lại có hiện tượng MBH giả tràn lan như hiện nay, nếu từ khi có Nghị định 32 của Chính phủ được ban hành, các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ thị trường MBH vào Việt Nam thì làm gì tồn tại MBH giả như hiện nay, để đến khi không kiểm soát được thị trường MBH thì lại quay sang xử phạt người dân”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại