Thực hư cây sanh có giá 14 tỷ đồng ở Huế

H.Lan |

Một cây sanh ở Huế từng được dân chơi cây cảnh đẩy giá lên 14 tỷ đồng khiến không ít người tò mò. Có thông tin cho rằng, cây sanh đó vốn là của Ngô Đình Cẩn nên dưới cây có cất giấu ngọc ngà, châu báu nên mới có giá cao ngất ngưởng như thế. Vậy, thực hư chuyện cây sanh có giá 14 tỷ đồng như thế nào? P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã vào cuộc tìm hiểu.

Ông Nguyễn Tuyết Tùng - Bí thư Đảng ủy P. Phước Vĩnh:“Chuyện có châu báu dưới cây sanh chỉ là đồn thổi”.

Một thời của Ngô Đình Cẩn

Cây sanh nói trên hiện do ông Trần Đình Sự, cán bộ quân đội nghỉ hưu sở hữu tại nhà ở kiệt 33-Nguyễn Trường Tộ (TP Huế).

Sau năm 1975, cây sanh được ông Sự tiếp quản và trồng ở phía trái căn nhà, trong một khuôn viên bọc toàn đá san hô.

Trải qua năm tháng, những rễ cây vươn dài găm xuống hồ nước, thân cây “ôm” đá với nét cổ kính, rêu phong tôn lên nét độc đáo, lạ mắt...

Nhiều người cho rằng, dưới cây sanh này có nhiều châu báu, vàng ngọc do chủ nhân của nó trước đây là Ngô Đình Cẩn cất giấu.

Ông L., một cán bộ hưu trí, sống gần nhà ông Sự kể: Cây sanh và khu nhà ông Sự cùng nhiều nhà cán bộ hưu trí đang sinh sống tại kiệt 33-Nguyễn Trường Tộ, trước đây là nơi Ngô Đình Cẩn sinh sống.

Sau đó, Nhà nước thu hồi và cấp cho cán bộ bộ đội. Khi nhà ông Sự và gia đình tôi dọn về đây sinh sống thì đã có cây sanh này rồi.

Ông Ngôn, cũng là hàng xóm của gia đình ông Sự cho biết thêm, cách đây vài năm, có ngày có hơn chục người ngoài Bắc đến hỏi mua cây sanh do gia đình ông Sự đang sở hữu nhưng ông ấy không bán.

“Tại thời điểm đó, giới chơi cây cảnh ai cũng nắm được thông tin về cây sanh của Ngô Đình Cẩn đang tọa lạc trong vườn nhà ông Sự.

Tui nhớ, có một tay chơi cây cảnh ở ngoài Bắc vào, trả giá cả cây sanh lẫn mảnh đất gia đình ông Sự đang ở 14 tỷ đồng nhưng gia đình ông Sự vẫn không bán” - ông Ngôn cho biết.

Ông Ngô Thanh Liêm, được mệnh danh là “vua” cây cảnh ở Huế cũng được nhiều dân chơi cây cảnh ở Hà Nam, Hà Nội nhờ móc nối để đến với cây sanh nhà ông Sự.

“Cách đây khoảng 4 năm, có người chơi cây ở Hà Nam khi biết cây sanh ông Sự đang sở hữu là của ông Ngô Đình Cẩn nên nhờ tôi hỏi mua cùng với khu đất 300m2 với giá 14 tỷ đồng.

Nếu không mua đất mà mua cây không thì khoảng 10 tỷ đồng. Tôi cũng nhiều lần dẫn người đến xem cây sanh nhà ông Sự. Qua thăm dò, tôi biết ông Sự chắc chắn không bán nên không đặt vấn đề”.


Bộ rễ của cây sanh vươn dài.

Bộ rễ của cây sanh vươn dài.

Chỉ là lời đồn thổi

Khi được hỏi, cây sanh đó có điều gì đặc biệt mà lại có giá cao ngất ngưởng như thế, ông Ngô Thanh Liêm lý giải: “Sở dĩ mấy người thích mua là vì cây đó có tiểu sử, có nguồn gốc lịch sử.

Như là cây của công chúa hoặc cây gắn với các phủ lớn hay các cây có tên tuổi (không phân biệt chính hay tà). Cây sanh ở nhà ông Sự có tuổi đời khoảng hơn 70 năm. Cây không có giá trị nhưng có tiểu sử, có tên tuổi của ông nào từng sử dụng”.

Ông Liêm nói rằng, ông không biết rõ thời điểm đó người có nhu cầu mua cây sanh này để chơi hay về bán lại cho người khác.

Đem thông tin nhiều người cho rằng, dưới cây sanh đó có châu báu, vàng bạc nên có giá cao thì ông Liêm gạt phăng: “Chuyện đó hoàn toàn không có căn cứ.

Một người đi xem về nhưng gia chủ không bán, rồi từ đó họ đẩy giá lên cao khiến nhiều người đồn thổi, thêu dệt thôi chứ làm chi có vàng bạc, châu báu ở đó.

Mà cây sanh 10 tỷ hay 14 tỷ đồng này là người mua cũng chỉ mới nói thôi, thực tế họ chưa bỏ tiền ra.

Nếu trả giá thì ai trả cũng được, thậm chí tôi trả 20 tỷ đồng cũng được, nhưng cơ bản là nếu gia chủ đồng ý bán thì liệu có ai dám bỏ tiền ra mua không mới là chuyện đáng nói”.

Khi nói về cây sanh đó linh thiêng nên có thể ông Sự không bán, ông Liêm khẳng định: “Cũng hoàn toàn không có chuyện đó.

Làm chi có chuyện cây mà cây linh thiêng với không linh thiêng”. Cũng theo ông Liêm, ở Huế có nhiều cây sanh rất tuyệt và từ trước đến nay cây sanh ở Huế có giá cao nhất chỉ 1,8 tỷ đồng.

Đem thông tin cây sanh có giá 14 tỷ đồng trao đổi với ông Nguyễn Tuyết Tùng - Bí thư Đảng ủy P. Phước Vĩnh, ông cho hay: “Đúng cây sanh mà ông Sự đang sở hữu là nguồn gốc nằm trong khuôn viên nhà của ông Ngô Đình Cẩn.

Còn bản thân cây sanh đó có phải của ông Cẩn hay không thì mình không biết”. Ông Tùng cho biết thêm: “Khi tôi về địa phương thì Nhà nước cắt đất, bán lại cho các hộ cán bộ bộ đội, ở đó vẫn còn một bể cá, hòn non bộ và 1 cây sanh.

Việc ai đó nói có châu báu dưới cây sanh chỉ là lời đồn thổi. Hồi trước, đó là nhà của ông Ngô Đình Cẩn, ông có thể cất giấu tài sản bất kỳ ở đâu nhưng nếu có tài sản thì họ cũng đào lâu rồi.

Cũng theo ông Tùng, trước đây có nghe chuyện có người muốn mua cây sanh đó với giá tương đối cao vì họ nói cây đó có tính lịch sử chứ không phải đẹp. Việc mua cây cũng là tùy nhu cầu của người sử dụng.

Tiếp tục trao đổi với chủ nhân của cây sanh - ông Trần Đình Sự cười: “Nếu có châu báu, vàng bạc thì việc chi vợ chồng bác nghỉ hưu rồi mà còn phải lên núi làm trang trại?”.

Ông Sự cho rằng, tất cả chỉ là những đồn thổi chứ thực tế cây sanh này không “ôm” ngọc ngà, châu báu gì cả. “Đã có lần bác tát cạn hồ nước nhưng chẳng thấy vàng bạc, châu báu đâu cả” - ông Sự nói.

Ông Sự cho biết thêm, từ đó đến nay vẫn chưa có người nào trực tiếp mua cây gặp ông để trao đổi.

Ông chỉ biết, cách đây mấy năm có người muốn mua cây sanh đó và cả khu đất của ông với giá trên chục tỷ đồng nhưng ông không bán. Ông Sự cũng không hiểu vì sao họ lại mua với giá cao như thế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại