Thăm gia đình có công dân đầu tiên chào đời trên đảo Sinh Tồn

Tiếng khóc chào đời của bé gái Ngọc Hân là minh chứng cho tình yêu của những công dân can trường, yêu Tổ quốc.

Ngày 2/5 này, bé gái Nguyễn Phan Ngọc Hân, công dân cất tiếng khóc chào đời tại xã đảo Sinh Tồn (huyện Trường Sa – Khánh Hòa) tròn một tháng tuổi. Cán bộ tư pháp hộ tịch Lê Văn Hải là người may mắn được “mở hàng” làm giấy khai sinh cho bé. Giấy khai sinh của bé Hân được Chủ tịch UBND xã đảo Sinh Tồn cấp ngày 3/4, kèm theo chữ ký của anh Lê Văn Hải, nằm trong quyển số 1, ban hành theo mẫu BTP/HT-2006-KS.1.

Cha mẹ đẻ của bé Ngọc Hân là anh Nguyễn Minh Châu và chị Phan Thị Thương, quê gốc ở xã Cam Hải Tây (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa). Trước bé Hân là người chị cả Nguyễn Ngọc Thùy Trang, sinh năm 2011, đang học lớp mẫu giáo lớn trên đảo Sinh Tồn.

Ông Trịnh Công Lý, Chủ tịch UBND xã đảo Sinh Tồn cho biết: Nguyễn Phan Ngọc Hân là công dân đầu tiên được sinh ra trên đảo và được cấp giấy khai sinh theo đúng các thủ tục hộ tịch hộ khẩu như trên đất liền. Nàng “công chúa” may mắn này không những là niềm vui, hạnh phúc của riêng ba mẹ bé, mà còn của cả bà con nhân dân và các cán bộ, chiến sỹ Hải quân trên xã đảo.

Trong ngôi nhà nhỏ xinh rợp bóng mát, mái ngói đỏ au dưới nền trời xanh thẫm và nắng tháng Tư rực rỡ hướng ra biển Đông đón những làn gió mát rượi, đón khách từ đất liền ra thăm, vợ chồng anh Châu cười tươi, vui mừng khôn xiết như gặp lại những người thân thiết trong gia đình.

Bé gái Nguyễn Phan Ngọc Hân

Nhóm phóng viên tới thăm gia đình anh Châu, chị Thương tại đảo Sinh Tồn

Anh Châu kể, biết cháu gái sắp đầy tháng, ông bà nội ngoại trong đất liền có gửi quà theo đoàn công tác ra cho cháu. Khi hay tin cháu gái chào đời trên xã đảo, những người thân của anh chị rất hạnh phúc và mong một ngày gần nhất được tận mắt “chiêm ngưỡng” và bế bồng thiên thần nhỏ tuổi đặc biệt này.

Giống như những hộ dân trên xã đảo, công việc chính của những người đàn ông như anh Châu là ra khơi giăng lưới đánh bắt thủy sản; chị Thương ở nhà nội trợ, trồng rau, chăn nuôi và chăm sóc con cái. Từ khi gia đình có thêm thành viên mới, anh chị suốt ngày quấn quýt bên con, nên việc chài lưới phải gác lại.

Người đàn ông trẻ tuổi, cha của hai cô công chúa nhỏ chia sẻ: “Nếu như ở đất liền, chúng tôi có ông bà ngoại hay các bác đỡ đần, thì ở đây, ngoài sự qua lại của các hộ dân, mọi công việc nhà cửa, chăm sóc bé đều do hai vợ chồng đảm nhiệm. Tôi thương vợ con nhiều lắm, nên thời gian này dành nhiều thời gian bên vợ con hơn”.

Đảo Sinh Tồn luôn ríu rít tiếng cười trẻ thơ

Với giọng nói nhỏ nhẹ của người Khánh Hòa gốc, Thương kể về chuỗi ngày “bầu bí” và vượt cạn của mình: “Khi mang bầu, em cũng rất lo lắng vì sinh nở tại xã đảo. Nhưng rất may mắn là được các y bác sỹ của Hải quân quan tâm và thường xuyên thăm khám, theo dõi, rồi các chị trong khu dân cư cũng động viên, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc thai nhi, bồi dưỡng sức khỏe. Khi em lâm bồn, các y bác sỹ rất mát tay, giúp em mẹ tròn con vuông. Chỉ một ngày sau sinh là em và bé đã có thể về nhà được rồi”.

Nằm ngủ ngoan trên võng, thiên thần nhỏ tuổi của xã đảo thi thoảng lại nhoẻn miệng cười nụ, khiến vợ chồng anh Châu và những người khách phương xa không khỏi vui sướng, hạnh phúc.

Cho dù cuộc sống của những hộ dân xã đảo còn nhiều thiếu thốn so với đất liền, song giờ đây, khu dân cư xã đảo luôn đầy ắp tiếng cười ríu rít của trẻ thơ. Cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành, những công dân tí hon chính là động lực, sức mạnh để những gia đình trẻ yên tâm lập nghiệp nơi đây.

Tiếng khóc chào đời của bé gái mang tên “công chúa Ngọc Hân” trên đảo Sinh Tồn là minh chứng cho tình yêu của những công dân can trường, yêu Tổ quốc, yêu biển đảo quê hương./.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại