Sinh viên Campuchia ăn Tết ở Việt Nam có gì khác?

Hướng Dương |

(Soha.vn) - Hãy cùng trải nghiệm với những sinh viên bạn Campuchia láng giềng ăn Tết cổ truyền ở Việt Nam như thế nào nhé!

Kí túc xá A2 - Tạ Quang Bửu là nơi ở của nhiều sinh viên Campuchia láng giềng đang sinh sống và theo học tại Việt Nam. Ngày cuối năm, khu ký túc xá trở nên vắng lẽ, tĩnh lặng hơn ngày thường. Nhiều bạn xa xứ không thể về quê, các bạn nước láng giềng có những kế hoạch ăn Tết khá thú vị, độc đáo tại Hà Nội.

Bánh chưng của Campuchia hình bầu dục

Đó là nhận xét của bạn sinh viên người Campuchia, Pheng Darorth (21 tuổi), Trường Đại Học Kinh Tế Quốc Dân.

Là một trong những sinh viên đã theo học khóa học tiếng Việt một năm tại Sơn Tây, Pheng Darorth đã trở về Hà Nội tiếp tục học chuyên ngành của mình.

Chia sẻ về không khí Tết bên Campuchia, Pheng nói: “Ở đất nước mình, Tết lại vào 13, 14, 15 tháng 4 hàng năm. Đây cũng là lễ hội để người dân đất nước mình có thể mừng mùa thu hoạch đã hoàn tất. Năm nay sẽ là lần đầu tiên đón Tết ở Hà Nội.

Thật sự thấy Hà Nội vắng vẻ quá. Không khí rất tĩnh lặng nhưng mình tin rằng vào thời điểm năm mới sẽ sôi động hơn. Mình sẽ tới Hồ Gươm để đón năm mới của những người bạn của mình.

Có một điều mình thấy rất hay là cả ở Việt Nam và Campuchia đều có bánh chưng. Nguyên liệu giống nhau và chỉ khác ở hình dáng. Bánh của các bạn hầu hết là hình vuông, còn bánh của người Campuchia sẽ là hình bầu dục.

Năm mới sắp tới rồi, mình chúc tất cả các bạn Campuchia cũng như mọi người ở đất nước Việt Nam sẽ thật hạnh phúc, thành công và ngày càng đoàn kết hơn.”

Pheng Darorth (người thứ 3 bên phải) nói rằng ở Campuchia và Việt Nam đều có bánh chưng đón Tết.

Pheng Darorth (người thứ 3 từ bên phải sang) nói rằng ở Campuchia và Việt Nam đều có bánh chưng đón Tết.

Háo hức đón giao thừa cùng bạn Việt

Là một trong những sinh viên không thể về quê ăn Tết, Son Chansovannanarith (26 tuổi), Trường Đại Học bách Khoa Hà Nội cho biết: “Thời điểm này, hầu hết những sinh viên Lào ở cùng khu kí túc với chúng tôi thì đã đi về quê vì đợt nghỉ Tết này cũng khá là dài. Nhưng Campuchia xa hơn nên chúng tôi ở lại đón Tết tại Việt Nam.

Tết của các bạn rất thú vị nhưng hình như năm nay thời tiết nóng quá nên tôi cảm nhận nó có vẻ khác so với ba năm qua tôi đã đón Tết ở Việt Nam. Tôi thích thời tiết lạnh một chút và chui vào chiếc áo thật ấm của mình chờ thời khắc giao thừa của đất nước các bạn.”

Và bạn Heng Sokrasmey (23 tuổi), đang theo học thạc sĩ tại trường Đại Học Dược Hà Nội có nhiều cảm xúc lạ, hồi hộp khi lần đầu tiên đón Tết xa quê hương. “Mình thấy rất háo hức và hồi hộp khi có một cái Tết xa nhà như thế này.

Mình rất thích đi du lịch và sẽ đi thăm quan thật nhiều thắng cảnh ở Việt Nam. Kế hoạch của mình sẽ là cùng nấu ăn cùng những người bạn của mình để bớt nhớ nhà và chào đón một năm mới thật vui vẻ!”, cô bạn này cho hay.

Heng Sokrasmey cùng những người bạn của mình trong một chuyến đi du lịch.

Heng Sokrasmey cùng những người bạn của mình trong một chuyến đi du lịch.

Và không chỉ thế, cô chia sẻ rằng, cô sẽ cùng các bạn chơi cầu lông vào mỗi buổi chiều để giảm bớt mệt mỏi và áp lực học hành.

Các bạn sinh viên Campuchia còn ở lại Việt Nam đang phá tan bầu không khí tĩnh lặng của kí túc xá cùng với môn thể thao yêu thích.

Các bạn sinh viên Campuchia còn ở lại Việt Nam đang phá tan bầu không khí tĩnh lặng của kí túc xá cùng với môn thể thao yêu thích.

Các bạn sinh viên Campuchia còn ở lại Việt Nam đang phá tan bầu không khí tĩnh lặng của kí túc xá cùng với môn thể thao yêu thích.

Còn đối với Yoeun Yous (25 tuổi), Viện Tin Học Pháp Ngữ thì lại có những cảm nhận thật khác. Cô bạn cảm thấy Tết này có đôi chút cô đơn, lạc lõng.

“Mình cảm thấy Tết này đôi chút cô đơn, lạc lõng khi ở Việt Nam. Không nhiều người nói được tiếng Anh và tất nhiên tiếng Campuchia lại càng không.

Nhiều lúc nói chuyện hay chia sẻ gì là mọi người không hiểu gì. Nhưng những người bạn ở cùng ký túc xá đang làm mình vui lên rất nhiều”, Yoeun Yous tâm sự.

Hàng quán đóng cửa và tăng giá chóng mặt

Phóng viên lại tiếp tục gặp một nhóm bạn đang chơi bóng rổ trên sân kí túc xá trường. Trò chuyện với các bạn Yi Streymon (20 tuổi), Đại Học Xây Dựng; Nhet Sreyleap (23 tuổi) Đại Học Xây Dựng, Thim Sreypov (Đại Học Kinh Tế Quốc Dân), Kong Sopheak ( Đại Học Xây Dựng), họ vui vẻ chia sẻ những khó khăn hiện tại khi ăn Tết tại Hà Nội.

Sinh viên Campuchia chung vui với món Kari truyền thống.

Sinh viên Campuchia chung vui với món Kari truyền thống.

“Hiện chúng mình đang khá khó khăn trong thời gian này. Quá nhiều hàng quán đóng cửa và hàng hóa đều tăng giá quá mạnh. Nhất là với mặt hàng thực phẩm, mọi thứ đều rất đắt và tốn kém hơn rất nhiều so với ngày thường.

Hình như mọi người đều về quê hết và đón Tết ở nhà của họ. Đôi chút buồn nhưng vì có những người bạn ở bên nên mọi thứ chắc sẽ rất thú vị trong những ngày sắp tới.

Một điều mình thấy lạ và cũng khá hay là người Việt Nam lại gọi là “ăn Tết” chứ không phải là vui Tết hay đón Tết. Mình nghĩ với các bạn, Tết đến mọi gia đình sẽ quây quần bên nhau và ăn thật nhiều.

Hầu như tất cả mọi người ở kí túc xá đang có dự định tới Hồ Gươm để xem pháo hoa đêm giao thừa. Nghe các bạn đã từng đón Tết ở Việt Nam thì pháo hoa trên đó rất đẹp. Ở đất nước mình, pháo hoa sẽ chỉ có vào những dịp lễ chứ không có trong dịp Tết.

Tết ở Campuchia gọi là Bon Chol Chnam và món ăn không thể thiếu được là món Kari. Đây cũng là một thông điệp may mắn cầu chúc cho một năm sắp tới.

Để những ngày này vui vẻ hơn, chúng mình đã tổ chức những bữa ăn liên hoan cùng với nhau tại sân kí túc xá. Giống như một gia đình vậy, chúng mình quây quần bên nhau thương thức mòn Kari thơm lừng truyền thống”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại