Showroom cấm khách Việt: Cần loại ngay cảnh "ngăn sông, cấm chợ"

Hoàng Đan |

Các luật sư cho rằng, hành động "cấm khách Việt" của một số cửa hàng ở Đà Nẵng chính là hành động "ngăn sông cấm chợ" và là câu chuyện lạ, có biểu hiện bất minh.

Quy định trái khoáy, cần gỡ bỏ!

Thông tin về một số cửa hàng ở Đà Nẵng mà người dân phản ánh chỉ bán hàng cho khách đi theo đoàn là người Trung Quốc, Hàn Quốc và “cấm cửa” người Việt đang khiến dư luận xôn xao mấy ngày gần đây.

Trong chiều 23/12, Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng cũng đã đồng loạt ra quân kiểm tra cửa hàng H.A (đường Xuân Thủy, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) và cửa hàng J.J Shop trên đường Võ Nguyên Giáp (quận Sơn Trà) về vấn đề trên.

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng VP Luật sư Chính Pháp (Hà Nội) đã gọi hành động "cấm cửa" khách Việt của các cửa hàng này không khác gì hành động "ngăn sông, cấm chợ" đã từng diễn ra trong lịch sử.

"Có thể nói rằng hành động "ngăn sông, cấm chợ" của cơ sở kinh doanh này là câu chuyện lạ, có biểu hiện bất minh. Vì vậy, cơ quan chức năng có thể kiểm tra để phát hiện sai phạm của cơ sở kinh doanh này.

Hiện nay, ở nước ta không có quy định pháp luật nào cho phép cơ sở kinh doanh chỉ bán hàng hóa cho người nước ngoài hoặc chỉ bán hàng cho một loại khách hàng nhất định (trừ Casino).

Vì vậy, hành động "ngăn sông, cấm chợ" chỉ bán hàng cho người Trung Quốc, cấm người Việt Nam vào cơ sở kinh doanh ngay trên lãnh thổ Việt Nam là một quy định trái khoáy, cần phải gỡ bỏ.

Ngay trên lãnh thổ Việt Nam mà người dân Việt Nam lại không được tự do đi lại, tự do mua bán, kinh doanh... là điều hết sức vô lý", luật sư Cường nhấn mạnh.

Biển quảng cáo bên trong showroom chỉ toàn tiếng Trung Quốc. Bảng quảng cáo này ghi nội dung: “Sản phẩm độc quyền của H.A được làm từ cao su nguyên chất Việt Nam. Sản phẩm của chúng tôi không có ở bất cứ đại lý nào khác và không bán trên mạng”.
Biển quảng cáo bên trong showroom chỉ toàn tiếng Trung Quốc. Bảng quảng cáo này ghi nội dung: “Sản phẩm độc quyền của H.A được làm từ cao su nguyên chất Việt Nam. Sản phẩm của chúng tôi không có ở bất cứ đại lý nào khác và không bán trên mạng”.

Cũng theo luật sư Cường, việc phóng viên, nhà báo yêu cầu trả lời những thắc mắc, yêu cầu gặp người đứng đầu cơ sở kinh doanh, chụp ảnh... theo quy định của luật báo chí cũng không được đáp ứng là dấu hiệu đáng ngờ về sự khuất tất sau câu chuyện này.

"Vì vậy, chính quyền địa phương nơi đây cần kiểm tra lại các thông tin này để có biện pháp xử lý cho phù hợp nếu phát hiện cơ sở kinh doanh này có hành vi vi phạm pháp luật", luật sư Cường nêu rõ.

Luật còn thiếu quy định?

Trong khi đó, theo luật sư Lê Văn Thiệp (Trưởng Văn phòng Luật sư Toàn Cầu, Hà Nội), vụ việc này ít có tiền lệ ở Việt Nam vì tất cả các thương nhân khi kinh doanh đều mong có khách hàng để tìm kiếm lợi nhuận.

"Vấn đề này thì phải xem Showroom này thuộc loại hình kinh doanh nào thì mới có thể kết luận có hay không việc vi phạm pháp luật.

Nếu là Dự án đầu tư 100% vốn được cấp Chứng nhận đầu tư thì đối chiếu nội dung của Giấy chứng nhận đầu tư và các nội dung khác của Dự án.

Dù cấp phép Đầu tư hay Chứng nhận Đầu tư thì Nhà đầu tư phải tuân thủ những cam kết của mình khi xin cấp Chúng nhận đầu tư hay Cấp phép đầu tư theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Còn nếu chỉ là cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ thì vẫn đề lại hoàn toàn khác vì quan hệ thương mại là tự do, tự nguyện, thỏa thuận, các chủ thể đều bình đẳng trước pháp luật", luật sư Thiệp cho hay.


Luật sư Lê Văn Thiệp. Ảnh: Hoàng Đan.

Luật sư Lê Văn Thiệp. Ảnh: Hoàng Đan.

Cũng theo luật sư Thiệp, căn cứ vào các quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng hay các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đều không có quy định về vấn đề cấm khách hàng như trên.

"Có lẽ đây cũng là những thiếu khuyết của pháp luật về vấn đề tương tự. Ở Việt Nam thì có nhiều cơ sở vui chơi, giải trí như Casino Đồ Sơn chẳng hạn, không cho người Việt Nam chơi bạc ở đó.

Tuy nhiên đây là dự án đầu tư được đăng ký phù hợp với pháp luật Việt Nam", luật sư Thiệp thông tin.

Luật sư Thiệp cũng cho biết thêm, về cơ bản, nếu được kinh doanh thì người bán có quyền cung cấp dịch vụ, hàng hóa cho các cá nhân, tổ chức mà họ lựa chọn.

"Đây là quyền của họ, chỉ trừ một số lĩnh vực như thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm đặc biệt hay trong những trường hợp thiên tai địch họa thì phải tuân theo quy định của pháp luật.

Còn trong điều kiện bình thường thì việc làm của họ không trái pháp luật vì đó là quyền của họ.

Tuy nhiên, với vụ việc ở đây, chắc chắn sẽ gây bức xúc dư luận nên theo tôi thì cũng cần có những quy định phù hợp hơn để đảm bảo lợi ích của thương nhân, nhà đầu tư cũng như đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng", luật sư Thiệp đề xuất.

Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng
ông Phan Văn Kha
Ở Đà Nẵng từ trước tới nay chưa bao giờ có chuyện này. Bán hàng ở đâu cũng vậy, khách nào cũng phải cho vào. Đà Nẵng không cần những doanh nghiệp như thế trong việc phục vụ khách hàng. Đây là thành phố du lịch và thành phố chúng tôi không giàu lên vì những doanh nghiệp như thế đâu. Chúng tôi đang kiểm tra, nếu chỉ bán cho người Trung Quốc thì phạt hành chính và nếu tái phạm thì rút giấy phép. Đây là việc làm không chấp nhận được.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại