PGS.TS Trần Đáng: "Không nên đề xuất Bộ trưởng Bộ Y tế từ chức"

BBT |

(Soha.vn) - "Nhiều ý kiến đề xuất Bộ trưởng nên từ chức, theo tôi không nên như vậy" - PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Bộ Y tế bày tỏ quan điểm.

Là một người từng làm "quan" trong ngành y tế nhưng PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Bộ Y tế đã thẳng thắn chỉ ra những yếu điểm cần khắc phục của ngành mình. PGS.TS Trần Đáng đã trao đổi thẳng thắn với độc giả báo Trí Thức Trẻ trong buổi giao lưu trực tuyến "Hiến kế ngăn chặn suy giảm y đức".

- Thưa PGS.TS Trần Đáng, nếu so sánh vấn đề nhức nhối của y đức và giáo dục thì cái nào nguy hiểm, cần gấp rút sửa chữa hơn?

- PGS.TS Trần Đáng: Theo tôi, vấn đề giáo dục là quan trọng, là cơ sở của mọi vấn đề. Nếu sự giáo dục không đầy đủ, hoặc lệch lạc thì sẽ dẫn tới vấn đề y đức. Cho nên vấn đề giáo dục cần gấp rút sửa chữa hơn.

	PGS, TS Trần Đáng và phóng viên kết nối câu hỏi trong buổi giao lưu trực tuyến.

PGS, TS Trần Đáng và phóng viên kết nối câu hỏi trong buổi giao lưu trực tuyến.

- Thưa ông, ông có nghĩ bà Tiến phải chịu nhiều áp lực không?

- PGS.TS Trần Đáng: Tôi cũng nghĩ rằng: bà Bộ trưởng Bộ Y tế hiện nay chịu rất nhiều áp lực vì thực tế vấn đề y tế hiện nay đang rất nhiều sóng gió. Cụ thể như vấn đề đầu tư vào ngành y tế, vấn đề ngộ độc thực phẩm, tổ chức y tế, cơ sở chính sách bảo hiểm…

Đó là vấn đề nhạy cảm không thể tránh khỏi sự cố xảy ra. Người đứng đầu ngành y tế càng chịu nhiều áp lực đặc biệt trong khi người dân chưa hiểu hết được những khó khăn mà ngành y tế đang phải gặp phải.

- Thưa ông, bây giờ liệu đã đến lúc phải thay đổi cái tôn chỉ của nghề y là "lương y như từ mẫu" bằng một cụm từ khác, phù hợp hơn, đúng bản chất hơn?

- PGS.TS Trần Đáng:  Đề xuất thay đổi tôn chỉ của câu nói “lương y như từ mẫu” là một sự điên rồ. Đây là lời dạy không chỉ của Bác Hồ chúng ta mà từ xa xưa, các cụ cũng đã dạy như vậy. Người thầy thuốc trước hết phải là người mẹ hiền.

- Thưa PGS.TS Trần Đáng, theo ông, căn bệnh nào nguy hiểm nhất đối với người thầy thuốc hiện nay?

- PGS.TS Trần Đáng: Có 2 bệnh nguy hiểm đối với người thầy thuốc. Một là thiếu đạo đức, thiếu lương tâm, thiếu trách nhiệm đối với bệnh nhân.

Thứ hai là thiếu chuyên môn, tay nghề, không chịu học, không chịu đọc, chịu rèn luyện để trở thành thầy thuốc giỏi.

Đó là 2 căn bệnh cơ bản nhất cần khắc phục.

- Thưa PGS, tôi được biết, trong các trường đào tại về ngành y đều có bộ môn về đạo đức nghề y. Tuy nhiên, dường như những lý thuyết này chỉ là sáo rống, không thực tế. Ông nghĩ sao về nhận định này?

- PGS.TS Trần Đáng:  Chương trình đào tạo về đạo đức trong trường y, tôi nghĩ là cần thiết nhưng những lý luận về đạo đức cần phải cho phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam và phải làm thế nào để mỗi sinh viên học tập có thể thấm nhuần vào đường gân thớ thịt để sau này trở thành bác sĩ vì dân, vì nước, tránh sáo rỗng và không thực tiễn.

- Được biết đến với rất nhiều phát ngôn thẳng thật về vấn đề y đức, ông có bao giờ sợ mình bị "ghen ghét" chưa?

- PGS.TS Trần Đáng: Bản thân tôi, nay đã nghỉ hưu, nghĩ lại cuộc đời công tác của mình trước đây ở quân đội cũng như khi sau này chuyển ra Bộ Y tế, tôi luôn tâm niệm là phải sống có tâm và làm việc với đúng chuyên môn, hết sức mình. Trong cuộc sống, luôn thẳng thắn, trung thực.

Tôi không bao giờ sợ mình bị “ghen ghét” hoặc bị trù dập mặc dù thực tế tôi đã gặp phải như vậy. Cho nên đến bây giờ, tôi càng cảm thấy tâm hồn sống của mình rất thanh thản.

- Theo ông, căn bệnh trầm kha về y đức lớn nhất của ngành y Việt Nam là gì?

- PGS.TS Trần Đáng: Căn bệnh trầm kha lớn nhất về y đức của ngành y tế, đó là: Vô trách nhiệm với người bệnh và tìm cách kiếm lợi trên người bệnh. Sự vô trách nhiệm này thể hiện không chỉ có y bác sỹ ở bệnh viện mà cả các bác sỹ, dược sỹ đang làm việc ở cơ quan Nhà nước, như giúp cho Bộ ban hành những nghị định nhưng liệu có nghĩ tới sức khỏe của người dân hay không, có nghĩ tới việc ảnh hưởng tới sức khỏe của hàng triệu con người hay không?!

Cụ thể như, trong ngành an toàn thực phẩm, khi mình cho phép một sản phẩm được lưu hành thì đã nghĩ tới sự an toàn sức khỏe cho người dân chưa, đặc biệt ảnh hưởng tới sức khỏe của phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh, người cao tuổi như thế nào?!.

- Quá nhiều sự việc tiêu cực xảy ra gần đây liên quan ngành y nói chung và vấn đề y đức nói riêng. Ông nghĩ như thế nào về vấn đề này? 

- PGS.TS Trần Đáng: Đúng là hiện nay có quá nhiều sự tiêu cực xảy ra ở ngành y tế nói chung và y đức nói riêng, theo tôi, đó là những vấn đề tiêu cực không thể tránh khỏi theo quy luật phát triển.

Trong xu thế nền kinh tế thị trường bung ra, việc đầu tư cho ngành y tế còn bị hạn hẹp, lương của cán bộ công chức còn chưa đủ sống, các chính sách chưa phù hợp… dẫn tới việc xảy ra nhiều hiện tượng tiêu cực.

Tuy nhiên, những tiêu cực này là những tiêu cực trong chăm sóc sức khỏe con người nên dễ bị xã hội nhận thấy và lên án.

Những tiêu cực của các ngành khác còn trầm trọng và phổ biến hơn rất nhiều như trong ngành xây dựng, giáo dục,… tuy nhiên, xã hội cũng như báo chí ít quan tâm hơn.

- Có sự tách biệt giữa những tiêu cực của ngành y và vấn đề y đức hay không, thưa ông?

- PGS.TS Trần Đáng:  Không có sự tách biệt, vì có sự liên quan chặt chẽ với nhau, do anh thiếu y đức nên mới xảy ra tiêu cực.

Nếu như ta có y đức, mặc dù hoàn cảnh vô cùng khó khăn thì cũng không thể xảy ra tiêu cực được. Điều này đã được chứng minh qua thực tiễn trong chiến tranh. Biết bao các bác sỹ phục vụ trên chiến tuyến, ở một đường hầm, mổ xẻ, chăm sóc hàng trăm bệnh binh, hoàn toàn không có một chút lợi nhuận nào, nhưng có thể nói, họ đã hết lòng phục vụ người bệnh, thậm chí sẵn sàng hi sinh cả tính mạng mình.

Như vậy, rõ ràng y đức là cái căn bản, là nền tảng của mỗi bác sỹ chân chính, có y đức thì không thể có tiêu cực.

- Y đức đáng lẽ phải được chú trọng ngay từ các cơ sở đào tạo của ngành y nhưng thực tế, vấn đề này lại chưa được quan tâm đúng mức. Theo ông, cần phải làm gì để đạo đức nghề y được cải thiện hơn?

- PGS.TS Trần Đáng: Y đức ngày nay cũng đã được chú ý trong các cơ sở đào tạo của ngành y, tuy nhiên, cần phải nghiên cứu hình thức đào tạo, nội dung đào tạo, phương pháp đào tạo để thực sự đi vào tâm khảm của mỗi sinh viên, học sinh để biến thành hành động cụ thể.

- Thưa ông, Cục An toàn thực phẩm đã có văn bản đề nghị chỉ đạo các đơn vị y tế địa phương và các đơn vị chức năng trên địa bàn quản lý tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh dịch ăn uống, bữa ăn tập trung đông người, bếp ăn tập thể... nhưng vẫn còn rất nhiều vụ ngộ độc tập thể.

Đặc biệt là việc sử dụng trái phép các chất hóa học cấm để sản xuất, xử lý, chế biến đồ ăn như việc luộc ngô bằng pin và muối diêm, xử lý thịt ôi thối bằng bột săm pết, giấm chuối, đu đủ bằng hóa chất độc hại… vẫn diễn ra thường xuyên, vậy thì do bộ y tế và đơn vị chức năng chưa làm chặt chẽ hay có lý do gì mà những vụ ngộ độ, sử dụng hóa chất độc hại cho thực phẩm gây nguy hiểm cho người sử dụng vẫn tồn tại như vậy, ông có biện pháp gì để chấm dứt tình trạng trên?

- PGS.TS Trần Đáng:  Đúng như sự phản ánh hiện nay, vấn đề ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là ngộ độc ở bếp ăn tập thể, vấn đề ngộ độc do sử dụng hóa chất cấm để tẩy trắng thực phẩm,… có nhiều nguyên nhân.

Để chấm dứt tình trạng này cần phải áp dụng các biện pháp: Có đầy đủ luật pháp và các quy định pháp luật trong đó có các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm phải phù hợp với thực tiễn Việt Nam cũng như quy định của thế giới. Đây là vấn đề cơ sở để kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm dù là hiện tượng nhỏ nhất trong chế biến thực phẩm, tiêu dùng thực phẩm cho đến các sự kiện, hoạt động lớn đều cần phải có tiêu chuẩn. Không có tiêu chuẩn thì không thể quản lý được.

Ví dụ như vấn đề chống hàng giả, thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm ô nhiễm,… thì phải có những tiêu chuẩn về chống hàng giả, tiêu chuẩn về chống ô nhiễm thì ta mới có thể quản lý, kiểm soát được.

Thứ hai là phải có đủ lực lượng để quản lý an toàn thực phẩm từ trung ương tới địa phương. Hiện nay, chúng ta mới chỉ có bộ máy quản lý nửa vời: Hình thành được các chi cục nhưng thiếu người, thiếu trình độ, thiếu đào tạo, thiếu trang bị, thiếu kinh phí để hoạt động… Ở tuyến huyện và tuyến xã là những tuyến cơ sở rất quan trọng thì chưa có lực lượng chuyên ngành quản lý về an toàn thực phẩm.

Như vậy, vấn đề quản lý là rất quan trọng trong vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm.

Thứ ba là phải có lực lượng thanh tra chuyên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm đủ mạnh.Hiện nay, lực lượng này cũng đang được tổ chức nửa vời nên vấn đề duy trì các tiêu chuẩn, các quy định đang còn rất nhiều khó khăn.

Nguyên nhân thứ 4 là hệ thống kiểm nghiệm an toàn thực phẩm phải đủ mạnh để phát hiện sớm, ngăn ngừa sớm, đồng thời thực hiện được chương trình và đánh giá nguy cơ về an toàn thực phẩm.

Điểm thứ 5 để khắc phục tình trạng trên phải có một chính sách, một quy định về kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm minh. Ví dụ những vụ làm hàng giả thực phẩm, tuy chưa gây chết người nhưng gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng cho hàng vạn người trên thị trường, trên đất nước.

Hoặc vụ đưa ra thị trường những sản phẩm không an toàn tuy chưa giết người nhưng ảnh hưởng tới giống nòi, ảnh hưởng tới sức khỏe hàng triệu người thì cần xử lý nghiêm minh.

Nếu đảm bảo thực hiện được 5 biện pháp trên thì dần dần sẽ hạn chế được các tình trạng ngộ độc và tiêu cực như đã xảy ra.

- Bộ y tế luôn luôn nói xử lý mạnh tay để loại trừ những thực phẩm, hóa chất độc hại để sản xuất bảo quản thực phẩm, nhưng vẫn còn nhiều cá nhân, cơ sở tồn tại, phải chăng bộ y tế và các cơ sở chức năng đang “bắt cóc bỏ đĩa”? 

- PGS.TS Trần Đáng:  Bộ Y tế luôn luôn có những biện pháp mạnh tay để loại trừ những thực phẩm hóa chất độc hại trong chuỗi thực phẩm cung cấp cho xã hội nhưng vẫn còn nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm, tôi nghĩ đây là cái tất yếu.

Bởi vì vấn đề quản lý an toàn thực phẩm không chỉ một sớm, một chiều chúng ta thực hiện được. An toàn thực phẩm là vấn đề nhạy cảm, ví dụ như nước Mỹ có luật an toàn thực phẩm từ 1906, từ cách đây hơn 100 năm, có lực lượng kiểm soát an toàn thực phẩm đầy đủ nhưng mỗi năm vẫn có 86 triệu ca ngộ độc thực phẩm với 5.000 người chết. Thỉnh thoảng vẫn xảy ra các sự cố trong an toàn thực phẩm.

Ví dụ gần đây xảy ra trong thực phẩm chức năng có chất DMAA đã gây ra 5 trường hợp tử vong và hàng trăm ca bị ảnh hưởng sức khỏe hoặc nhiều các sự cố khác.

Cho nên vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm phải thực hiện đồng bộ 5 biện pháp an toàn thực phẩm như tôi nói ở trên  thì mới hi vọng trong 1 vài chu kỳ quản lý, vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm mới đi vào ổn định.

PGS.TS Trần Đáng: Không nên đề xuất Bộ trưởng từ chức
 

- Thưa ông, dư luận hiện nay đang nói nhiều về y đức, nhưng không biết ngành y Việt Nam nói chung và các cơ sở y tế nói riêng có một bộ quy chuẩn nào về y đức hay không? Nếu có thì có chế tài nào quy định các hình thức xử phạt nếu vi phạm hay không? Còn nếu không có quy định cụ thể thì lấy căn cứ nào để phê phán việc nhân viên ngành y vi phạm y đức?

- PGS.TS Trần Đáng: Đúng là hiện nay dư luận đang bàn tán nhiều về vấn đề y đức nhưng quy định để xử phạt khi vi phạm về vấn đề y đức thì chưa được quy định cụ thể. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã ban hành các tiêu chí về y đức. Các cơ sở y tế cũng đã có những tiêu chuẩn quy định về y đức nhưng các nội dung, tiêu chí đó có đi vào thực tiễn hay không, hay chỉ là quy định trên giấy thì cần phải thảo luận thêm.

Theo tôi, cần phải có xử phạt khi vi phạm tiêu chí về y đức, tránh rút kinh nghiệm hay kiểm điểm chung chung. Cần phải quy định cụ thể, ví dụ, nếu anh để cho một sản phẩm không an toàn vi phạm các tiêu chuẩn được lưu thông ra ngoài thị trường thì anh phải xử phạt như thế nào thậm chí có phải cách chức hay không.

- Theo ông, Bộ Y tế hiện tại có cần một liều thuốc thật đắng để chữa những ung nhọt đang ngày một tràn lan trên cơ thể ngành hay không? Thành phần của liều thuốc này là gì?

- PGS.TS Trần Đáng: Theo tôi, hiện nay Bộ Y tế cũng đang có nhiều biện pháp để chữa tiêu cực đó là những liều thuốc đắng để chữa những u nhọt của ngành y tuy nhiên liều lượng của những loại thuốc đắng này chưa đủ để tiêu diệt các mầm bệnh ung nhọt tiêu cực và ngăn chặn chúng.

Người ta thường hay nhắc tới 2 từ "y đức" khi xảy ra những chuyện không hay liên quan tới những vị bác sĩ. Nhưng càng ngày, 2 từ này càng được nhắc tới nhiều, và những vụ việc không mấy hay ho của ngành y cũng theo đó mà tăng lên. Theo ông, nguyên nhân là vì đâu?

- PGS.TS Trần Đáng: Đúng là người ta hay nhắc tới từ “Y đức” khi có sự kiện gì xảy ra đối với các bác sỹ nhưng theo tôi nghĩ, chữ “Y đức” phải được nhắc tới không phải chỉ khi có hiện tượng xảy ra mà cần phải nhắc tới thường xuyên trong suốt ngày làm việc, trong suốt tuần làm việc, tháng làm việc và trong suốt những năm làm việc của người thầy thuốc.

- Có nhiều ý kiến cho rằng tình trạng y đức xuống cấp của một bộ phận y bác sĩ không thể đổ hết trách nhiệm quản lý lên Bộ trưởng y tế, mà tình trạng này xuất phát từ trong môi trường đào tạo, từ môi trương làm việc và cả những tác động động xung quanh. Ông có đồng tình không? ý kiến của ông là gì?

- PGS.TS Trần Đáng:  Đúng như vậy, vấn đề một số vi phạm về y đức và các hiện tượng tiêu cực xảy ra ở các cơ sở y tế, không thể đổ lên đầu Bộ trưởng được mà đó chính là trách nhiệm quản lý của những người đứng đầu tại cơ sở y tế đó. Điều này lại càng thấy rõ việc tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ đứng đầu của các cơ sở y tế cần phải có tiêu chuẩn.

- Từng là lãnh đạo của trong Bộ Y tế, đã lần nào GS chứng kiến của cấp dưới của mình có biểu hiện lệch lạc, suy thoái đạo đức nghề nghiệp chưa? Và có đã từng xử lý ai chưa?

- PGS.TS Trần Đáng: Tôi cũng đã từng công tác trong cơ quan Bộ Y tế, cũng đã gặp một vài hiện tượng lệch lạc, suy thoái đạo đức nghề nghiệp và cũng đã xử lý rất nghiêm khắc những trường hợp như thế.

- Ông đã bao giờ gặp trường hợp bác sĩ khi phẫu thuật, run sợ mà làm chết bệnh nhân chưa?

- PGS.TS Trần Đáng: Tôi cũng đã gặp trường hợp bác sỹ phẫu thuật do run sợ mà làm chết bệnh nhân, nhất là các bác sỹ còn trẻ chưa kinh qua phẫu thuật nhiều lần. Điều này phụ thuộc vào bản lĩnh của mỗi con người. Trong chiến tranh, chúng tôi cũng đã gặp những trường hợp như vậy.

- Con phạm tội, bố mẹ thường đứng ra xin lỗi, bồi thường cho gia đình bị hại. Tôi nghe nói BV Bạch Mai chỉ gọi điện chia buồn, gia đình bác sĩ Tường cũng không tới chia sẻ. Ông đánh giá thế nào về trường hợp này?

- PGS.TS Trần Đáng: Trường hợp vụ bác sỹ thẩm mỹ ở Bạch Mai theo tôi nghĩ đây là một trường hợp cá biệt.

Bệnh viện Bạch Mai cần phải đến gia đình chia buồn và xin lỗi – đấy cũng là y đức của một bệnh viện.

- Thưa ông, Tính trung thực của bác sĩ sẽ được kiểm tra như thế nào?

- PGS.TS Trần Đáng:  Tính trung thực của bác sỹ được kiểm tra thông qua thái độ phục vụ với bệnh nhân, kỹ thuật phục vụ chăm sóc sức khỏe và tính trung thực trong các quan hệ cũng như trong áp dụng kỹ thuật. Ví dụ như giá cả vật tư sử dụng cho bệnh nhân, thuốc, giá dịch vụ sử dụng cho bệnh nhân,…

Thậm chí nếu một bác sỹ có tâm, nhiều khi người ta cũng không cần phải thu lại những tiền bạc cho những chi phí ấy trong những trường hợp đặc biệt, điều này được thể hiện ở rất nhiều tấm gương ở các bậc cha anh bác sỹ đi trước, cũng như hiện nay ở các cơ sở khám chữa bệnh trong toàn quốc.

Trường hợp của bác sỹ thẩm mỹ Mạnh Tường đã khiến dư luận phẫn nộ. Cá nhân ông cảm thấy như thế nào khi biết được thông tin hành động đó của một bác sĩ từng làm việc cho BV Bạch Mai?

- GS.TS Trần Đáng: Trường hợp bác sỹ thẩm mỹ ở bệnh viện Bạch Mai, tôi nghĩ là một trường hợp thoái hóa, biến chất.

Theo thông lệ phản xạ thông thường của một bác sỹ, khi thấy nguy hiểm, nguy kịch là phải gọi cấp cứu, cầu viện tới các cơ sở tuyến trên nếu vượt khả năng cứu chữa của mình nhưng bác sỹ Tường lại không có ý thức thực hiện việc đó.

Đây không phải là việc rối trí mà là có chuẩn bị trong tư duy của bác sỹ. Đặc biệt còn đem vứt xác bệnh nhân để muốn phi tang, xóa đi những tội lỗi của mình.

Người bác sỹ có y đức là phải mạnh dạn nhận ra khuyết điểm thiếu xót của mình. Từ xa xưa trong lịch sử y học, những bậc thầy của chúng ta cũng đã dạy, người bác sỹ không thể tránh khỏi hiện tượng làm chết thương binh, bệnh binh nhưng có dám nhìn ra các sai sót của mình hay không mà thôi!

- Nhiều người đề xuất, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nên từ chức, quan điểm của ông về ý kiến này như thế nào sau hàng loạt bê bối của ngành y?

- PGS.TS Trần Đáng:  Nhiều ý kiến đề xuất Bộ trưởng nên từ chức, theo tôi không nên như vậy. Bởi vì những hiện tượng tiêu cực của ngành y tế hiện nay chỉ là cá biệt, rất nhỏ so với các vụ tiêu cực của ngành giáo dục, ngành giao thông vận tải cũng như nhiều ngành khác.

Cả hệ thống y tế đã có đóng góp rất quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của nhân dân hiện nay. Hãy nhìn vào những tích cực của ngành y như các ca mổ theo phương pháp hiện đại, các pháp đồ cấp cứu hàng trăm bệnh nhân hiểm nghèo, những biện pháp dự phòng dịch bệnh…. Rất nhiều các tấm gương, các hiện tượng, các thành công của ngành y thể hiện bằng các chỉ số sức khỏe của nhân dân VN cao hơn so với 10, 20, 30 năm trước.

Trong quá trình phát triển không thể tránh khỏi những hiện tượng tiêu cực, chỉ có điều phải mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật để có biện pháp khắc phục và ngăn chặn.

- Trước những vấn đề nhức nhối liên quan tới ngành y tế xảy ra thời gian gần đây, theo ông, vấn nạn lớn nhất của ngành y tế nước ta hiện nay có phải là vấn đề y đức?

- PGS.TS Trần Đáng: Đúng là vấn đề Y đức hiện nay nhiều người nói đó là vấn nạn, theo tôi nghĩ chưa đến mức như vậy. Tuy nhiên, nó là sự xuống cấp của vấn đề giáo dục và duy trì về y đức của người thầy thuốc. Để giải quyết vấn đề này, tôi thấy cần phải áp dụng những biện pháp cơ bản sau đây:

-         Tăng cường giáo dục ở các nhà trường một cách toàn diện và đầy đủ. Tránh thành lập các trường tư nhân, không đủ điều kiện để giáo dục.

-         Có chính sách đầu tư cho ngành y tế mạnh hơn nữa, để tạo ra một hệ thống khám chữa bệnh từ cơ sở tuyến xã cho tới tuyến trung ương một cách liên hoàn.

-         Cần phải có mức lương phù hợp cho các thầy thuốc để họ có đủ điều kiện sinh sống tối thiểu phải nuôi được 1 – 2 con và để phát triển kinh tế gia đình.

-         Có những quy định chính sách cụ thể về chuyên môn, trong đó có vấn đề y đức cho toàn bộ hệ thống y tế từ trung ương tới cơ sở và duy trì nó.

-         Phải có những chuyên gia đủ đức, đủ tài hay có những cán bộ đủ đức, đủ tài để bổ nhiệm những người đứng đầu tại các cơ sở y tế, tạo dựng bộ máy lãnh đạo, quản lý có đức có tài từ  trung ương tới cơ sở.

- Thưa PGS.TS Trần Đáng, đặt một tình huống thế này: Giả sử khi ông còn đương chức, có một gia đình 3 người vì ăn thực phẩm mua từ một cái chợ, bị ngộ độc sau đó vào bệnh viện cấp cứu nhưng vẫn tử vong. Chưa nói về trách nhiệm BV xử lý ra sao, riêng về trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm thì đã xác định rõ: Cái chợ đó có món ăn đó được Chi cục VSATTP Hà Nội đóng dấu an toàn. 

- PGS.TS Trần Đáng: Trường hợp bạn nêu ra về gia đình có 3 người ăn bị ngộ độc và tử vong do mua thực phẩm ở chợ mà sản phẩm đó đã được chi cục An toàn thực phẩm HN đóng dấu an toàn. Nếu đó là sự thật thì cần phải có một quy trình điều tra làm rõ vấn đề tử vong  xem có đúng tử vong do dùng sản phẩm do Chi cục đóng dấu chưa và quá trình hư hỏng, biến chất của sản phẩm sau khi đã được đóng dấu có vấn đề gì không.

Trường hợp tử vong đó nếu thực sự do sản phẩm đó thì phải xử lý nghiêm Chi cục đã cho phép sản phẩm lưu hành. Đó là y đức. Xử lý nghiêm có nghĩa là phải có biện pháp thích đáng chứ không phải chỉ rút kinh nghiệm, cảnh cáo và phạt tiền. Theo tôi, cần phải cách chức, thậm chí phải chém đầu nếu vô trách nhiệm để làm chết bệnh nhân.

- Những yếu tố về hoàn cảnh cá nhân (hoàn cảnh gia đình, học vấn, sự tác động từ phía cha mẹ, vợ/chồng...) có ảnh hưởng tới y đức của người thầy thuốc không? Liệu bệnh nhân và cách ứng xử của họ với bác sĩ có phải là một yếu tố khiến cho y đức của người thầy thuốc bị suy thoái?  

- PGS.TS Trần Đáng: Những yếu tố về hoàn cảnh như gia đình, học vấn, cha mẹ, vợ chồng, con cái cũng có ảnh hưởng tới vấn đề y đức của thầy thuốc. Song chỉ là những yếu tố ảnh hưởng, vấn đề là người thầy thuốc đó có bản lĩnh để không bị ảnh hưởng hay không mà thôi.

Đặc biệt hiện nay, tư tưởng làm giàu của các bác sỹ đang là vấn đề cần phải thảo luận. Đặc biệt là các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, cả vợ, cả chồng, thậm chí cả con cùng tham gia. Vấn đề y đức ở đó như thế nào, cần phải có các tiêu chí và biện pháp xử lý.

- Câu chuyện về VSATTP chưa bao giờ trở nên trầm trọng như thế này, mỗi một thứ đi vào trong cơ thể của người dân hiện nay đều ẩn chứa một mầm họa. Chẳng nhẽ không có cách nào để quản lý sao?

- PGS.TS Trần Đáng: Câu chuyện về an toàn thực phẩm đúng là có nhiều vấn đề tưởng như là rất trầm trọng. Theo tôi, để giải quyết vấn đề này, cần phải đồng bộ áp dụng các biện pháp sau đây mà người ta gọi là áp dụng thực hiện “tam giác cơ sở hạ tầng” vững chắc.

-         Thứ nhất, luật pháp về an toàn thực phẩm phải đầy đủ và toàn diện, phù hợp với thực tiễn và quốc tế.Tránh ban hành các văn bản trái ngược với quy luật. Phải có đủ lực lượng kiểm nghiệm, đánh giá nguy cơ về an toàn thực phẩm. Có đủ lực lượng thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm. Đấy là vấn đề cốt lõi, là cơ sở hạ tầng để đảm bảo an toàn thực phẩm.

-         Thứ hai là phải tăng cường giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm.

-         Thứ ba là phải áp dụng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm toàn bộ cho chuỗi cung cấp sản phẩm ra xã hội.

-         Thứ tư là phải đầu tư về nguồn lực, nhân lực, tài lực và trang thiết bị đầy đủ.

-         Thứ năm là phải có hoạt động liên ngành xã hội hóa và hợp tác quốc tế.

-         Thứ sáu là phải nghiên cứu, áp dụng các công nghệ mới trong sản xuất kinh doanh thực phẩm.

-         Thứ bảy phải có chế tài, xử lý nghiêm minh và thích hợp.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại