Ông Dương Trung Quốc: Cần quan tâm quy luật thị trường ở báo chí

Hoàng Đan |

Ông Quốc cho rằng, cần quan tâm đến quy luật thị trường khi đặt báo chí là những doanh nghiệp đặc biệt, tránh sự bất bình đẳng, giống như DN Nhà nước và DN tư nhân.

Nỗ lực hết sức thiện chí

Trao đổi với chúng tôi bên lề Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, nhu cầu sửa đổi Luật Báo chí xuất phát chính từ cuộc sống.

"Luật báo chí  được ban hành từ lâu, chúng  ta đã chứng kiến tất cả mặt khởi sắc, đồng thời không ít những vấn đề bức xúc đặt ra cho xã hội.

Đó chính là yêu cầu của cuộc sống đặt ra phải điều chỉnh lại, làm sao cho báo chí thực hiện đúng chức năng xã hội, phát huy hiệu quả.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay với Hiến pháp mới luôn đề cao quyền tự do ngôn luận, sự giám sát vì lợi ích của cộng đồng", ông Quốc nói.

Ông cũng nêu vấn đề, trong quy hoạch báo chí, nói về lãng phí nhưng có cần thiết mỗi địa phương có một đài thật lớn hay không, ngoài ra, tạo sự cạnh tranh chưa chắc là cần thiết.

"Về vấn đề làm sao mọi người được tự do nhưng tự do ấy không phương hại đến tự do của người khác, chúng ta đã thể hiện trong dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) là nỗ lực hết sức thiện chí.

Đi vào những vấn đề cụ thể, chắc chắn sẽ động chạm đến lợi ích, nhận thức của người này, người khác, địa phương này, địa phương khác, nhóm xã hội này, nhóm xã hội khác...

Ví dụ các tập đoàn tư nhân có được làm báo hay không khi rất có nhu cầu được quảng bá, nhưng đồng thời người ta e ngại sự quảng bá ấy tạo ra sự không công bằng giữa các tập đoàn khác nhau, thành phần kinh tế khác nhau.

Tôi nghĩ, điều quan trọng phải quan tâm đến là quy luật thị trường khi đặt báo chí là những doanh nghiệp đặc biệt, tránh sự bất bình đẳng, giống như doanh nghiệp (DN) Nhà nước và DN tư nhân.

Có những tờ báo được Nhà nước hỗ trợ, có những tờ báo hoàn toàn tự lo, phải thuận theo kinh tế thị trường với nhiều mặt trái", ĐBQH này nhấn mạnh.

Liên quan đến việc xử lý vi phạm của phóng viên thường trú ở các địa phương, ông Quốc nêu quan điểm, nếu anh vi phạm trên địa bàn thuộc quyền quản lý thì địa phương xử lý, còn thuộc ngành dọc thì ngành xử lý.

Về việc tiết lộ nguồn tin được quy định trong Luật Báo chí mới, ông Quốc cho hay, báo chí có chức năng xã hội và trong vấn đề chống tham nhũng, chính Nhà nước đã nhấn mạnh báo chí đóng vai trò quan trọng.

"Ở đây, Luật Báo chí cần đi cùng Luật Tiếp cận thông tin thì mới tạo thành một tổng thể. Mỗi luật có những đặc thù riêng, nhưng đòi hỏi phải liên thông, tương thích với luật khác", ông cho hay.

Về tuổi của Tổng Biên tập theo quy định trong Luật Báo chí sửa đổi là 60 tuổi hoặc thêm 5 tuổi, theo ông Quốc, nếu các nhà báo nằm trong hệ thống công chức thì phải chấp nhận.

"Nhưng đâu có phải tất cả. Các tờ báo của các hội nghề nghiệp, tổ chức... thì không ràng buộc về chuyện đó. Đương nhiên, nếu của Nhà nước thì Nhà nước phải quy định điều đó", ông Quốc nói thêm.

Nghi ngại thông tin trên Facebook

Đại biểu Hà Minh Huệ (tỉnh Bình Thuận) cũng đánh giá, đây là dự thảo tương đối đầy đủ, đảm bảo quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận không chỉ của báo chí mà còn cả của công dân báo chí.

Cái khó hiện nay của chúng ta là xây dựng làm sao để luật đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí nhưng phải đảm bảo tự do trong khuôn khổ”, ĐB Hà Minh Huệ nói.

Đồng thời, ông Huệ cũng nêu quan điểm: “Dự luật lần này nêu rõ báo chí được quyền làm cái gì, không được làm cái gì, nội dung hành vi và thông tin bị cấm. Nói như thế, nhiều người lại cho rằng, đó là hạn chế chăng?

Nhưng tôi cho rằng, các nhà báo cũng phải suy nghĩ làm thế nào để thông tin một cách đầy đủ nhất, nhưng đảm bảo lợi ích Quốc gia, lợi ích của trật tự xã hội".

Đồng thời, đại biểu này cũng đưa ra một thực tế là có hiện tượng, phóng viên viết chính thức trên báo chí một chuyện nhưng đưa thông tin trên mạng xã hội lại theo hướng khác.

"Điều đó vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp. Một số cơ quan báo chí đưa thông tin trên mạng xã hội như Facebook, nhưng nhiều cá nhân sử dụng Facebook sai mục đích.

Tôi thấy bên Mỹ, người ta sử dụng Facebook ít hơn. Còn mình dùng Facebook để truyền đạt thông tin hoạt động như là một cơ quan báo chí tư nhân là vấn đề hết sức đáng quan tâm và đáng ngại”, ĐB Hà Minh Huệ nói thêm.

Đánh giá về dự án Luật Báo chí sửa đổi, Đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng: “Dự thảo lần này rất bám sát bổ sung sửa đổi của Hiến pháp.

Con người, quyền tự do ngôn luận đã thể hiện đầy đủ rõ ràng trong Chương II của dự thảo. Điều này đã tạo nên sự phấn khởi của cử tri khi tôi đi tiếp xúc cử tri trong thời gian vừa rồi”.

Qua đây, ĐBDH này cũng bày tỏ kỳ vọng việc sửa đổi Luật Báo chí sẽ tiếp tục tạo ra hành lang pháp lý để báo chí Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối của nhân dân với Đảng với Nhà nước, đồng thời góp phần thúc đẩy xã hội phát triển.

“Tôi cũng mong muốn Luật Báo chí lần này cần phải quan tâm nhiều hơn nữa đến loại hình báo chí điện tử và tác dụng mặt trái của báo chí điện tử.

Để căn cứ vào đó xây dựng hành lang pháp lý, nhằm giảm thiểu được những mặt trái của việc phát triển công nghệ, áp dụng vào báo chí điện tử”, đại biểu Hải thông tin.

Trước đó, chiều 4/11, Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình về dự án Luật Báo chí (sửa đổi) trước QH.

Trong Tờ trình về Dự thảo Luật Báo chí, Chính phủ khẳng định: Việc sửa đổi và ban hành Luật Báo chí trong thời điểm hiện nay là cần thiết để triển khai thi hành Hiến pháp 2013;  

Luật Báo chí cần được sửa đổi, bổ sung toàn diện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và quản lý hoạt động báo chí trong tình hình mới.

Dự thảo Luật Báo chí lần này gồm 6 chương với 59 điều, trong đó có 30 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại