Nữ thiếu úy xinh đẹp dạy võ cho cảnh sát đặc nhiệm

Thiên Vũ |

(Soha.vn) - Không phải “con nhà nòi” nhưng thiếu úy Nguyễn Thị Hà đam mê võ thuật từ nhỏ, am hiểu thành thục 4 môn võ và đang dạy võ cho hơn 2000 cảnh sát đặc nhiệm.

Một ngày đầu tháng ba, chúng tôi đến Trường Trung cấp Cảnh sát Vũ trang ở thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội để gặp cô gái võ thuật - một trong những nữ giảng viên hiếm hoi “dám lăn xả” dạy võ trong môi trường cảnh sát, quân đội.

Để gặp chị, tôi được dẫn ra thao trường nơi chị đang giảng dạy học viên. Nhìn dáng người nhỏ nhắn, mảnh khảnh, tôi bất ngờ khi chị tung quyền nhanh vun vút, dứt khoát với đôi mắt sắc đầy nghiêm khắc.

Nhịn cơm 3 ngày để được học võ thuật

Ngồi đợi chị, tôi thấy hơn 50 học viên đều là nam giới nhiều lứa tuổi (học viên trẻ và học viên là cán bộ đi học), thậm chí có người còn hơn chị đến chục tuổi nhưng vẫn răm rắp nghe theo sự chỉ huy. Gặp chị trong giờ giải lao, tôi gọi chị là “thiếu úy”, chị cười xòa: “Gọi chị em cho thân mật nhé!”.

Tôi ấn tượng bởi cách nói chuyện thật thà, vui vẻ, nhẹ nhàng chứ không như lúc đánh võ trên thao trường. Chị niềm nở chia sẻ về thời gian theo môn võ, khó khăn khi giảng dạy ở môi trường nền nếp, quân lệnh, quy tắc… và niềm hạnh phúc riêng của người phụ nữ.

Chị kể, chị sinh năm 1985, từng là kiện tướng Wushu, đoạt Huy chương vàng quốc gia năm 2003 và tham gia đội tuyển Wushu Việt Nam. Sau khi kết thúc sự nghiệp, năm 2004 được chuyển thẳng vào Trường Đại học Thể dục thể thao với chuyên ngành võ karate.

Thiếu úy Nguyễn Thị Hà - là một trong hai giảng viên

Thiếu úy Nguyễn Thị Hà - là một trong hai nữ giáo viên giảng dạy bộ môn võ thuật tại Trường Trung cấp Cảnh sát đặc nhiệm.

Nhớ lại thời gian đầu học võ, tình cờ đọc được bài báo nói về kiện tướng Nguyễn Thúy Hiền 14 tuổi là vận động viên đầu tiên của Việt Nam giành huy chương vàng Wushu thế giới, cô bé Hà 12 tuổi ước ao có một ngày được học môn võ này.

Không cưỡng lại được sự thích thú ấy, Hà giấu bố mẹ, nói dối qua nhà bạn chơi vào các buổi chiều và những ngày cuối tuần để đi học võ cổ truyền. Một lần, không may bị bố phát hiện bộ đồ võ ở trong cặp, Hà bị ngăn cấm đi tập, bị phản đối kịch liệt vì cho rằng “con gái võ vẽ gì, nên tập trung vào học tập”. Để thuyết phục bố mẹ, Hà khóc lóc nhịn ăn để chứng tỏ sự quyết tâm theo nghề võ.

Học võ cổ truyền được 2 năm, trong một lần tình cờ ra Hà Đông, thấy Nhà thi đấu Hà Đông tuyển vận động viên Wushu, mặc dù chưa hình dung được đó là môn võ như thế nào nhưng Hà liều lĩnh vào đăng ký thi. Sau hơn 1 tháng, Hà được vào đội tuyển Hà Tây khi cô mới đang học lớp 8. Đến với môn võ này như cái duyên, lớp 11 Hà giành giải Vàng Wushu toàn quốc.

“Đến bây giờ bố mẹ vẫn luôn ủng hộ mình mặc dù theo nghề này xác định con gái sẽ rất vất vả. Càng đi học mình càng thấy yêu, đam mê môn võ, càng quyết tâm theo đến cùng. Thực sự học võ mình nhận thấy tâm và đức”, thiếu úy Hà khẳng định.

Khóc trên thao trường

Hà nhớ có một lần khóc trong khi luyện tập chuẩn bị giải đấu lớn khi còn trong đội tuyển Hà Tây. Hà không được thầy cho phép tập trên thảm đỏ mà phải tập trên nền đất. Mặc dù chỉ còn 2,3 tháng nữa đấu nhưng thầy không chỉ dạy, để cho tự tập.

“Mình vẫn miệt mài tập để khẳng định rằng không tập trên thảm đỏ mình vẫn được đi thi. Sau này mình ngẫm nghĩ lại mới nhận ra rằng đấy là thử thách của thầy để mình vượt qua được. Đó là kỷ niệm theo mình suốt cuộc đời”, nữ võ sư bùi ngùi nhớ lại.

Dù khó khăn, gian nan tập luyện ngày đêm, nhưng Hà vẫn không bao giờ nản lòng bởi đó là đam mê lớn nhất của cuộc đời. Hà kể, thời gian tập luyện tại đội tuyển Wushu, Hà say mê luyện tập từ 7h sáng đến 11h trưa rồi từ 1h30 đến 4h30 chiều. Thậm chí, nhiều đêm, cô trằn trọc không ngủ được, trong đầu luôn hình dung những động tác khó phải tập như thế nào.

Thiếu úy Nguyễn Thị Hà trong một tiết dạy trên thao trường.

Thiếu úy Nguyễn Thị Hà trong một tiết dạy trên thao trường.

Về công tác tại Trường Trung cấp Cảnh sát Vũ trang được 8 tháng, môi trường công an kỷ luật, nghiêm khắc đã tôi luyện thêm tính cách và tài năng cho nữ võ sư trẻ tuổi. Với sự quyết tâm của mình, đến giờ Hà am hiểu thuần thục 4 môn võ: Wushu, Võ Lâm Sơn động, Karatedo và Võ ngành công an.

“Mình phải quen dần, thích nghi một thời gian với môi trường mới. Việc dạy học viên cảnh sát đặc nhiệm cũng khác hẳn so với dạy ở các trường phổ thông, cao đẳng, đại học. Ngày đầu tiên đứng lớp ở thao trường, mình có chút hồi hộp nhưng sau đó lấy lại cân bằng luôn vì đó là cái nghề và cái nghiệp của mình nên không có gì ngại”, Hà tâm sự.

Chị tâm sự rằng, mặc dù không phải

Chị tâm sự rằng, mặc dù không phải "con nhà võ" nhưng với sự đam mê của mình chị đã vượt lên tất cả khó khăn. Ảnh chụp thiếu úy Hà với học viên.

Mặc dù hàng ngày tiếp xúc với “rừng” nam giới, cái nghề “đấm đá” khô cứng, không được nhẹ nhàng nhưng khi cởi bỏ bộ võ phục, trông cô thiếu úy rất nhẹ nhàng, dịu dàng và đằm thắm.

Hà dẫn chứng: “Nhìn chị không ai bảo mình học võ nhưng khi thấy mình tập luyện mọi người đều bảo đúng là con nhà võ. Đối với giảng dạy, mình quan niệm “chơi ra chơi học ra học”, khi vào lớp thì nghiêm khắc, còn lúc chơi thì thoải mái, vui vẻ như những câu nói bông đùa rất vui, gần gũi giữa thầy – trò”.

Nhận xét về chị - một trong 2 giảng viên nữ dạy võ của trường, Thượng tá Nguyễn Xuân Quang (phụ trách bộ môn Võ thuật thể dục, thể thao của Trường trung cấp Cảnh sát vũ trang T45) tự hào khi Hà là một trong ít người là nữ có nhiều thành tích trong sự nghiệp đào tạo võ cho giáo viên toàn ngành Công an trên toàn quốc.

Niềm hạnh phúc riêng của người phụ nữ

Ở thao trường, chị là một người mạnh mẽ, nghiêm khắc nhưng khi trở về với tổ ấm của mình, chị Hà là một người vợ, người mẹ hiền với niềm hạnh phúc riêng. Chị tự hào và cảm thấy may mắn vì lấy được người chồng kỹ sư nông nghiệp tâm lý, biết chia sẻ, thông cảm, luôn ủng hộ mình.

Gia đình hạnh phúc của chị. Cởi bỏ bộ võ phục, trở về tổ ấm, chị là một người vợ, người mẹ hiền.

Gia đình hạnh phúc của chị. Cởi bỏ bộ võ phục, trở về tổ ấm, chị là một người vợ, người mẹ hiền.

Chị Hà tâm sự rằng, chị hài lòng về cuộc sống hiện tại. Chị nói với ánh mắt hạnh phúc: “Mình nghĩ, mình đã làm gì, đang có cái gì thì hãy trân trọng và yêu quý nó. Đằng sau mình là chồng và cô con gái bé bỏng 3 tuổi. Sau một ngày ở thao trường, nghe được tiếng con gọi mẹ ơi, thấy con biết nói thì mọi mệt mỏi đều tan biến hết”.

Là phụ nữ, chị rất háo hức mong chờ đến ngày 8/3. Nhớ lại kỷ niệm năm 2009 mà chị ấn tượng nhất, đó là sự xuất hiện bất ngờ của người yêu (giờ là chồng chị) ngồi trên khán đài, tay cầm bó hoa, lặng nhìn chị dạy võ suốt cả buổi.

Khi hỏi về điều ước ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, chị không mong gì cho mình mà chỉ dồn hết tình cảm cho chồng cho con. “Chị muốn nhiều lắm. Nhưng, đối với chị, gia đình là tài sản quý giá nhất mà chị có bởi hạnh phúc gia đình của người phụ nữ là nền tảng phấn đấu trong cuộc sống”, chị bộc bạch.

Cùng ngắm lại những hình ảnh về thiếu úy Nguyễn Thị Hà trên thao trường:

Mạnh mẽ, dứt khoát trong lúc ra đòn tấn công đối phương.

Đòn khóa tay.

Hướng dẫn tận tình học viên từng động tác, thế võ.

Thiếu úy Nguyễn Thị Hà quan niệm rằng: "Học ra học, chơi ra chơi". Nên
trong giờ đứng lớp, mặc dù có học viên hơn cô gần chục tuổi nhưng vẫn
răm rắp nghe theo sự chỉ huy.

Thúy úy Hà tâm sự rằng, mình có đôi mắt sắc lạnh, nghiêm khắc khi dạy võ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại