Nơi đầu tiên xóa bỏ quan niệm "toàn thây" sau khi chết

Thế Long |

(Soha.vn) -Với nghĩa cử cao đẹp trong việc hiến tặng giác mạc, Phó Chủ tịch nước coi Kim Sơn là nơi đầu tiên của cả nước vượt qua quan niệm về sự "toàn thây" sau khi có người chết.

"Tôi đã bị sốc khi nhìn thấy ánh sáng"

Ở Việt Nam, người đầu tiên tự hiến giác mạc sau khi qua đời là bà Nguyễn Thị Hoa (82 tuổi, xóm 8A, xã Cồn Thoi, Kim Sơn, Ninh Bình). Trong lúc sắp qua đời, bà Hoa được linh mục Đoàn Minh Hải đến “sức dầu” theo nghi thức tín ngưỡng tôn giáo, chính vị linh mục này đã vận động bà Hoa hiến giác mạc để đem cơ hội có ánh sáng cho những người còn sống bị mù lòa vì bệnh lý.

Được các con cháu và chính bà Hoa đồng ý hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, Bệnh viện Mắt Trung ương đã tiếp nhận theo chuyên môn.

Kể từ đó, một phong trào hiến tặng giác mạc trong cộng đồng khu dân cư huyện Kim Sơn, đã lan rộng ra toàn quốc.

Bà Vũ Thị Lùng (68 tuổi) quê Hải Phòng, là người đầu tiên nhận được giác mạc từ người hiến là bà Nguyễn Thị Hoa, đã xúc động trong lời tri ân người quá cố.

Bà Lùng chia sẻ: “Tôi bị mù mắt do bệnh lý vào năm 2007, khi khám ở Bệnh viện Mắt Trung ương. Được các bác sỹ cấy ghép giác mạc từ người hiến tặng, một điều kỳ diệu đã đến với tôi. Sau khi mở cánh cửa ở phòng phẫu thuật ra, lúc đó trờ còn tối, tôi đã có thể nhìn thấy mọi thứ. Tôi muốn hét lên nhưng sợ mất giấc ngủ của mọi người nên tôi ngồi lại để thư giãn. Tôi đã bị sốc khi nhìn thấy ánh sáng…”.

Những thông tin trên được chia sẻ trong buổi lễ tôn vinh nghĩa cử cao đẹp hiến tặng giác mạc do Bộ Y tế, Bện viện Mắt Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Ninh Bình tổ chức hôm nay (22/2).

Cả nước có 35.000 người đăng ký hiến tặng giác mạc

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, cùng lãnh đạo các Bộ, ngành tỉnh Ninh Bình và đại diện 144 gia đình có người hiến giác mạc đã tới dự. Đây là hoạt động được Bệnh viện Mắt Trung ương tổ chức thường niên, bắt đầu từ năm 2007. Huyện Kim Sơn, Ninh Bình là nơi đầu tiên có người tự hiến giác mạc, từ đó đã mở ra cơ hội cho hàng trăm nghìn người tìm lại ánh sáng. Đến nay toàn tỉnh Ninh Bình có 150 người hiến tặng giác mạc, riêng huyện Kim Sơn có 144 người hiến.

Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, phát biểu tại buổi lễ.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu khai mạc tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế mong rằng trong thời gian tới, phong trào hiến tặng giác mạc ở Kim Sơn, Ninh Bình sẽ được nhân rộng hơn để có nhiều người mù được nhìn lại ánh sáng, đồng thời đề nghị các cấp chính quyền, ngành y tế tiếp tục ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động hết sức nhân đạo này trở thành hoạt động thường xuyên.

"Nếu như trong cả nước có nhiều Kim Sơn hơn nữa, chắc chắn nhiều người được nhìn thấy ánh sáng", Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Sau khi lắng nghe ý kiến của của các gia đình có người hiến tặng giác mạc, những người tham gia vận động hiến tặng giác mạc, cũng như những người được ghép giác mạc từ những người hiến tặng chia sẻ về niềm vui, hạnh phúc khi được thấy lại ánh sáng..., thay mặt lãnh đạo Đảng Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan hoan nghênh huyện Kim Sơn và tỉnh Ninh Bình đã sớm nhận thức và đi đầu trong phong trào vận động nhân dân hiến giác mạc. Phó chủ tịch cũng đánh giá cao nhận thức, coi người dân Kim Sơn là nơi đầu tiên của cả nước vượt qua quan niệm về sự "toàn thây" sau khi chết. Chính giác mạc của người hiến tặng khi qua đời đã đem đến biết bao niềm vui cho người còn sống bị mù lòa vì bệnh lý... 

Phó Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, nhu cầu được ghép giác mạc của người dân còn rất lớn, nên Bộ Y tế, các địa phương và toàn thể nhân dân nâng cao nhận thức về phong trào hiến giác mạc, đồng thời phải tăng cường các trang thiết bị hiện đại, hiệu quả phục vụ tốt nhất cho công tác thu nhận giác mạc của người hiến tặng.

Trong dịp này, 17 gia đình đi đầu trong phong trào hiến giác mạc ở Ninh Bình đã được Phó Chủ tịch nước trao quà. 2 tập thể, 5 cá nhân và 3 gia đình đã được Bộ trưởng Bộ Y tế tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào hiến tặng giác mạc.

Bà Vũ Thị Lùng,quê Hải Phòng là người đầu tiên được nhận giác mạc từ người hiến, đã ngạc nhiên về sự kỳ diệu khi nhìn thấy ánh sáng.

Bà Vũ Thị Lùng, quê Hải Phòng là người đầu tiên được nhận giác mạc từ người hiến, đã ngạc nhiên về sự kỳ diệu khi nhìn thấy ánh sáng.

 

Theo thống kê từ Ngân hàng Mắt Trung ương, trong 7 năm qua từ năm 2007 đến 2014, cả nước đã có trên 35.000 người đăng ký hiến tặng giác mạc. Trong đó có 204 người tại 13 tỉnh, thành trong nước tặng giác mạc sau khi qua đời. Bệnh viện Mắt Trung ương đã thu nhận và ghép cho hàng trăm bệnh nhân mù do bệnh lý giác mạc giúp họ tìm lại được ánh sáng.

 

Dưới đây là một số hình ảnh tại buổi lễ:

17 gia đình đi đầu trong phong trào hiến giác mạc ở Ninh Bình đã được Phó Chủ tịch nước trao quà, vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào hiến tặng giác mạc.
17 gia đình đi đầu trong phong trào hiến giác mạc ở Ninh Bình đã được Phó Chủ tịch nước trao quà, vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào hiến tặng giác mạc.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chúc mừng các công tác viên trong phong trào vận động, tuyên truyền về hiến giác mạc, (Ảnh: Bộ trưởng Tiến tặng hoa chúc mừng sau bài tham luận của Linh mục Nguyễn Hồng Phúc).

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chúc mừng các cộng tác viên trong phong trào vận động, tuyên truyền về hiến giác mạc. (Ảnh: Bộ trưởng Tiến tặng hoa chúc mừng sau bài tham luận của Linh mục Nguyễn Hồng Phúc).

Linh mục Đoàn Minh Hải, chánh xứ Cồn Thoi, người đầu tiên vận động bà Nguyễn Thị Hoa hiến giác mạc.

Bộ trưởng Bộ Y tế trao tặng bằng khen cho các cá nhân, trong đó có Linh mục Đoàn Minh Hải (đứng giữa), chánh xứ Cồn Thoi, là người có công vận động người đầu tiên hiến giác mạc.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại