Luật sư của Dương Tự Trọng đề nghị điều tra lại vụ án

Tuệ Minh |

(Soha.vn) - Vị luật sư này lập luận, nếu trong vụ án này, người trốn không phải Dương Chí Dũng mà là bất cứ bị cáo nào khác thì mức độ nghiêm trọng không được nhìn nhận như thế…

Nửa cuối buổi chiều 7/1, tại phiên xét xử Dương Tự Trọng và 6 đồng phạm, sau khi vị đại diện VKSND TP. Hà Nội đề nghị mức án đối với các bị cáo, các luật sư đã tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ của mình.

Phát biểu tại phiên tòa, luật sư Đặng Việt Hùng bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Vũ Tiến Sơn cho rằng, việc đánh giá vụ án có tính chất nghiêm trọng là khiên cưỡng. “Việc bị cáo dùng sim rác, thường xuyên thay đổi địa điểm, phương tiện di chuyển không phải là biện pháp tinh vi mà là tâm lý thông thường của người phạm tội, đã trốn thì phải như vậy. Việc này đều đã có tiền lệ, là điều bình thường chứ không nên coi là thủ đoạn tinh vi. Đó là quan trọng hóa vấn đề”, luật sư này nói.

Dương Chí Dũng tại phiên xét xử buổi chiều 7/1/2014

Ông Đặng Việt Hùng cho rằng việc vi phạm của Dương Chí Dũng là trách nhiệm của Dương Chí Dũng

Luật sư Hùng cũng cho rằng, một số bị cáo khi đưa Dương Chí Dũng đi trốn chỉ biết Dương Chí Dũng có thể bị khởi tố, cũng không biết khởi tố tội gì, mức độ ra sao. Nhiều bị cáo khác thậm chí không biết gì.

“Việc vi phạm của Dương Chí Dũng là trách nhiệm của Dương Chí Dũng còn các bị cáo trong vụ án này chỉ biết Dũng là anh của Dương Tự Trọng. Vậy việc các bị cáo không hề biết Dũng phạm tội thế nào mà bị coi là phạm tội đặc biệt nghiêm trọng có phải là khiên cưỡng?”, ông Đặng Việt Hùng trình bày.

Theo vị luật sư này, việc truy tố các bị cáo ở tội che giấu tội phạm và không tố giác tội phạm, nếu ở tình huống nghiêm trọng khung hình phạt mới đến 7 năm tù. Còn ở đây các bị cáo chưa biết Dương Chí Dũng phạm tội ở mức độ như nào mà coi người tổ chức trốn đi nước ngoài thành tội đặc biệt nghiêm trọng là chưa hợp lý.

Phát biểu trước vành móng ngựa, bị cáo Dương Tự Trọng cho rằng, vị đại diện VKSND giữ quyền công tố đánh giá hậu quả vụ án là gây dư luận xấu, ảnh hưởng uy tín cơ quan pháp luật mang tính ước định và khó đo đếm. Do đó, việc vận dụng nội dung này để kết tội các bị cáo là bất hợp lý.

Bị cáo Dương Tự Trọng trước vành móng ngựa
Bị cáo Dương Tự Trọng trước vành móng ngựa

Đến phần phát biểu bào chữa cho thân chủ của mình tại phiên xét xử, luật sư Trần Đình Hưng – người bào chữa cho bị cáo Dương Tự Trọng thể hiện sự không đồng tình khi đại diện VKSND đánh giá đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng do Dương Tự Trọng cầm đầu với thủ đoạn tinh vi để che giấu hành vi.

Luật sư Hưng lập luận, nếu trong vụ án này, người trốn không phải Dương Chí Dũng mà là bất cứ bị cáo nào khác thì mức độ nghiêm trọng không được nhìn nhận như thế. Vì lẽ đó, ông Hưng đã đề nghị HĐXX trả hồ sơ vụ án đề điều tra lại, đánh giá đúng mức độ vi phạm của các bị cáo để có quyết định chính xác, đúng đắn.

Trước đó, mở đầu phần tranh luận tại phiên xét xử, vị đại diện VKSND TP. Hà Nội đã đọc bản luận tội đối với các bị cáo. Theo đó, hành vi của các bị cáo được đánh giá là gây nguy hiểm cho xã hội, gây khó khăn cho công tác điều tra của cơ quan chức năng trong vụ Dương Chí Dũng. Trong số 7 bị cáo, có những bị cáo vốn là công an nên việc phạm tội thể hiện sự coi thường pháp luật và cần phải có hình phạt nghiêm khác đối với các bị cáo.

Theo đề nghị của công tố viên, bị cáo Dương Tự Trọng bị đề nghị 18 – 20 năm tù; Vũ Tiến Sơn bị đề nghị từ 17 – 18 năm tù; các bị cáo Hoàng Văn Thắng, Đồng Xuân Phong, Trần Văn Dũng, Nguyễn Trọng Ánh bị đề nghị từ 6-7 năm tù; bị cáo Phạm Minh Tuấn bị đề nghị từ 5-6 năm tù cùng về tội Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài.

Đúng 17h, phiên xét xử tạm dừng. Vào lúc 8h ngày 8/1, phiên xét xử tiếp tục với phần tranh luận tại phiên tòa. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về phiên xử này.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại