Lấy chồng là công nhân người TQ: “Tôi mất con gái rồi” (Kỳ 3)

Hoàng Sơn |

(Soha.vn) - Được xem là có phần may mắn hơn những người phụ nữ khác khi có đăng ký kết hôn đàng hoàng, nhưng số phận những người phụ nữ ở Yên Khánh (Ninh Bình) lấy chồng là công nhân TQ cũng không mấy ai được hạnh phúc.

Lấy chồng TQ vì ‘quá lứa lỡ thì’

Theo số liệu thống kê của UBND xã Khánh Phú (Yên Khánh, Ninh Bình) thì hiện tại cả xã chỉ có 7 trường hợp phụ nữ là người địa phương có đăng ký kết hôn với người TQ và có đăng ký đúng thủ tục. Tuy nhiên, đây cũng không phải là con số thực sự ‘chuẩn’, bởi con số thực có lẽ còn lớn hơn nhiều.

Ông Vũ Văn Lưu - cán bộ tư pháp UBND xã Khánh Phú (Yên Khánh, Ninh Bình):
Ông Vũ Văn Lưu - cán bộ tư pháp UBND xã Khánh Phú (Yên Khánh, Ninh Bình): "Những trường hợp kết hôn với người TQ nhưng người dân họ giấu, không đăng ký, chúng tôi không thể quản lý hết được".

Ông Vũ Văn Lưu – cán bộ tư pháp xã Khánh Phú cho biết: “7 trường hợp này là những trường hợp mà họ có đăng ký kết hôn theo đúng trình tự thủ tục đàng hoàng, cả về phía Việt Nam lẫn phía TQ và cũng là những trường hợp mà chúng tôi nắm được.

Còn những trường hợp lấy chồng TQ mà không có đăng ký kết hôn do nhiều yếu tố như chưa đủ tuổi, cưới chui… thì vẫn có, song những trường hợp này người dân họ giấu, không đăng ký, chúng tôi không thể quản lý hết được”.

Theo hồ sơ đăng ký tại UBND xã, hiện toàn xã Khánh Phú chỉ có 7 trường hợp phụ nữ là người địa phương lấy chồng là công nhân TQ có đăng ký kết hôn đúng với trình tự thủ tục.
Theo hồ sơ đăng ký tại UBND xã, hiện toàn xã Khánh Phú chỉ có 7 trường hợp phụ nữ là người địa phương lấy chồng là công nhân TQ có đăng ký kết hôn đúng với trình tự thủ tục.

Cũng theo ông Lưu, hầu hết những trường hợp phụ nữ ở xã Khánh Phú lấy chồng là người TQ đều là những ‘chị em quá lứa lỡ thì’. “Hầu hết những chị em lấy chồng TQ đều là những chị em ‘quá lứa lỡ thì’ hoặc… thiếu tự tin về nhan sắc bản thân.

Cực chẳng đã thì họ buộc lòng phải lấy để có tấm chồng thôi, trong thâm tâm không ai muốn đi lấy chồng ngoại quốc để rồi phải chịu cảnh sống xa gia đình, quê hương bản quán cả”, ông Lưu nói.

Qua tìm hiểu được biết, những trường hợp phụ nữ ở Khánh Phú kết hôn với người TQ chỉ diễn ra trong vài ba năm trở lại đây, kể từ khi triển khai xây dựng nhà máy điện đạm Ninh Bình và có lao động là công nhân TQ sang làm việc, còn trước kia, toàn xã Khánh Phú là xã thuần nông, tuyệt nhiên không có những trường hợp này.

‘Vô phước lấy phải chồng xa…’

Trao đổi với PV, đại diện ban quản lý tư pháp UBND xã Khánh Phú cho biết, những trường hợp phụ nữ địa phương kết hôn với người TQ đến nay đều đã theo chồng sang TQ sinh sống và ‘rất ít khi về nước’.

Chị Lê Thị Thu Trang – chánh văn phòng UBND xã Khánh Phú cho biết: “Tôi có một cô bạn rất thân cũng lấy chồng là người TQ. Từ khi sang TQ với chồng đến nay chưa hề quay lại Việt Nam. Thỉnh thoảng cô ấy cũng gọi điện và nhắn tin cho tôi, có lần cô ấy khóc bảo nhớ nhà, nhớ quê lắm mà không có điều kiện để về thăm.

Chị Lê Thị Thu Trang - chánh văn phòng UBND xã Khánh Phú:
Chị Lê Thị Thu Trang - chánh văn phòng UBND xã Khánh Phú: "Nhiều chị em ở Khánh Phú khi lấy chồng là công nhân TQ và theo họ về nước thì cũng thường phải chịu những cuộc sống không lấy gì là đầy đủ, nhiều khi cuộc sống bên đó còn khó khăn hơn Việt Nam rất nhiều".

Gia đình chồng cô ấy ở tận Hồ Bắc, gia đình làm nghề nông, lại đông anh em nên điều kiện kinh tế cũng rất khó khăn, cô ấy bảo "ở đây người nông dân họ còn khổ hơn quê mình nhiều’. Chồng thì đi làm công nhân, vợ ở nhà làm ruộng, kinh tế eo hẹp nên để về Việt Nam thăm nhà là cả một vấn đề”.

“Trừ một số chuyên gia kỹ thuật, hầu hết những công nhân TQ sang đây làm đều là những trường hợp xuất thân từ nông dân, từ những vùng quê nghèo của TQ. Vì ở TQ họ không có việc làm nên họ bắt buộc mới phải sang Việt Nam để làm thuê.

Nhiều chị em ở Khánh Phú khi lấy họ và theo họ về nước thì cũng thường phải chịu những cuộc sống không lấy gì là đầy đủ, nhiều khi cuộc sống bên đó còn khó khăn hơn Việt Nam rất nhiều”, chị Trang nói.

Hầu hết những trường hợp phụ nữ ở Khánh Phú lấy chồng là công nhân TQ đều là những phụ nữ 'quá lứa lỡ thì' hoặc vì điều kiện kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn.
Hầu hết những trường hợp phụ nữ ở Khánh Phú lấy chồng là công nhân TQ đều là những phụ nữ 'quá lứa lỡ thì' hoặc vì điều kiện kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn.

Có con gái út là chị L lấy chồng là công nhân TQ, ông Nguyễn Văn H (thôn Phú Bình, xã Khánh Phú, Yên Khánh) khi trò chuyện với chúng tôi đã không kìm được nước mắt. Với ông, khi con gái lấy chồng là người TQ cũng đồng nghĩa với việc ông bà đã ‘mất con gái’.

“Khi tôi nghe nó nói là sẽ lấy chồng là công nhân TQ và sang quê chồng sinh sống tôi đã hết lời can ngăn, phân tích phải trái, thiệt hơn cho nó hiểu.

Rằng bố mẹ không có đông con, chỉ có ba đứa thôi, anh với chị con thì đã có gia đình rồi, giờ còn có mỗi con nữa thôi. Không lấy chồng ở quê thì lấy chồng ở đâu cũng được, miễn là người Việt Nam, chứ đừng lấy chồng TQ, xa xôi cách trở lắm, nhỡ bố mẹ có chẳng may ốm đau, lúc sắp qua đời cũng chẳng được nhìn mặt con lần cuối.

Nhưng rồi nó có chịu nghe đâu. Thực ra nó cũng tội chú ạ, cũng gần ba mươi tuổi đầu rồi, ở quê cũng khó lấy chồng…”, ông H tâm sự.

Chị Nguyễn Thị L (con gái ông H), trú tại thôn Phú Bình, xã Khánh Phú là một trong 7 trường hợp kết hôn với người TQ có gồ sơ đăng ký kết hôn đúng thủ tục.

Chị Nguyễn Thị L (con gái ông H), trú tại thôn Phú Bình, xã Khánh Phú là một trong 7 trường hợp kết hôn với người TQ có hồ sơ đăng ký kết hôn đúng thủ tục.

Ông H cho biết, kể từ khi lấy chồng và theo chồng sang TQ đến nay đã được hơn 3 năm nhưng chị L vẫn chưa lần nào về thăm quê. “Nó đã về lần nào đâu chú, cũng hơn 3 năm rồi đấy. Điện thoại thì thỉnh thoảng nó mới gọi thôi.

Nó bảo ở bên đó khổ lắm, gia đình nhà chồng làm nghề nông, lại ở vùng núi của tỉnh Tứ Xuyên nên đất đai cũng cằn cỗi, trồng trọt hay chăn nuôi cũng đều khó khăn cả. Họ vẫn thuộc diện hộ nghèo của TQ đấy.

Tháng trước nó gọi điện về bảo ở bên này mùa đông lạnh lắm, tuyết rơi phủ trắng xóa, không ra ngoài để đi chợ búa gì được, chợ lại xa hàng năm sáu cây số.

Mùa đông, mỗi nhà ở đấy họ thường mổ một con lợn rồi lấy thịt treo lên gác bếp để làm thực phẩm của cả tháng”.

“Cũng may là nó bảo chồng nó yêu thương vợ, không đánh đập hắt hủi. Chứ tôi nghe nói nhiều trường hợp lấy chồng là người TQ, khi về nước họ, một phần vì chưa thông thạo ngôn ngữ, một phần lại do ‘chênh’ về văn hóa, nhiều khi vợ chồng dẫn đến mâu thuẫn, rồi vợ bị chồng đánh đập, khổ lắm.

Các cụ xưa nói cũng đúng "Có phước con lấy chồng gần/ Có bát canh cần nó cũng đem cho/ Vô phước con lấy chồng xa/ Mất cửa mất nhà lại mất cả con". Ở đây chúng tôi không mất cửa mất nhà nhưng mà… mất con gái rồi chú ạ”, ông H ngậm ngùi.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại