Lần sau, gặp "Võ Văn Minh khác", Tân Hiệp phát nên làm gì?

Phương Nhi |

Tại sao xu hướng dư luận lại có vẻ thương cảm cho anh Minh, dù cho đến giờ anh vẫn bị khép tội và dấu hiệu vi phạm pháp luật?

Vì sao dân "bênh" Võ Văn Minh và tẩy chay Tân Hiệp Phát?

Sau vụ xử kỳ án “con ruồi giá 500 triệu”, một làn sóng tẩy chay sản phẩm của Tân Hiệp Phát lan rộng một cách chóng mặt trên cộng đồng mạng xã hội.

Cũng giống như làn sóng bất bình đã dấy lên khi Võ Văn Minh (Cái Bè, Tiền Giang) bị bắt, một lần nữa, người tiêu dùng lại bày tỏ sự phẫn nộ đối với Tân Hiệp Phát – một doanh nghiệp đã đẩy người tiêu dùng vào con đường tù tội.

Nhiều nhà hàng, quán ăn tại Tp.HCM đã nói “không” với việc phục vụ đồ uống của Tân Hiệp Phát.

Một quán ăn tại Tp.HCM nói không với đồ uống sản xuất từ Tân Hiệp Phát (Ảnh: Internet).
Một quán ăn tại Tp.HCM nói "không" với đồ uống sản xuất từ Tân Hiệp Phát (Ảnh: Internet).

Bà Đặng Thanh Vân, Sáng lập viên và Giám đốc điều hành Công ty Thanhs cho rằng: "Về khía cạnh luật pháp, tòa án đã tuyên án.

Sự việc tưởng như đã khép lại (về lý), anh Minh thực sự đã phạm vào tội cưỡng đoạt tài sản (bất thành) và nhận bản án 7 năm tù.

Đây là một kết cục có thể quá “sốc” đối với công chúng nhưng cũng là một bài học cảnh tỉnh với những ai có ý định "kiếm lời" từ sai sót của doanh nghiệp".

Tuy nhiên, theo bà Vân, quy luật nhận thức của con người lại cho ta biết một kết quả khác: Công chúng luôn ủng hộ người yếu thế.

“Tâm trí con người sẽ chủ động bỏ qua các phân tích lý lẽ mà thúc đẩy họ hành động bởi cảm xúc.

Công chúng chẳng hề quan tâm ai đúng, sai, chẳng cần biết liệu Tân Hiệp Phát có tác động được vào quá trình xét xử hay thời điểm xét xử...

Họ chỉ thấy có một việc duy nhất: Một thương hiệu lớn đã đẩy một con người nhỏ bé vào tù” – bà Vân nhấn mạnh.

Đó có lẽ là lý do lý giải cho việc: Tại sao xu hướng dư luận lại có vẻ thương cảm cho anh Minh, dù cho đến giờ anh vẫn bị khép tội và dấu hiệu vi phạm pháp luật?!

Trong khi, Tân Hiệp Phát luôn khẳng định: Họ tuân thủ pháp luật và không thỏa hiệp với bất cứ hành vi trái luật nào.

Đứng ở một góc nhìn khác, là người đã từng 20 năm giữ vai trò thẩm phán, LS Phạm Công Út – Trưởng VP LS Phạm Nghiêm (Đoàn LS Tp.HCM) nhận xét:

"Người dân ở nước mình, đặc biệt là dân miền Nam, vốn từng tiếp cận với những sự kiện trong văn hóa kinh doanh từ rất lâu, trước ngày giải phóng.

Khi một sản phẩm hàng hóa bị lỗi hoặc phương cách kinh doanh của một "hãng" nào đó có lỗi, bị thưa kiện hoặc đưa lên báo chí, doanh nghiệp đó có thể bị phá sản.

Nên các yêu sách của khách hàng thường được các hãng sản xuất “mua sự im lặng” bằng một cái giá rất đắt.

Nhưng luật pháp thì không chiều chuộng những sự thông đồng đó. Vì thế, các hãng lớn phải chọn cách thu hồi toàn bộ lô hàng đã sản xuất và đã tung ra thị trường".

Những ngày qua, Tân Hiệp Phát bị dư luận “chĩa mũi dùi” và đả kích một cách gay gắt dù doanh nghiệp này làm đúng luật, theo LS.Út vì: “Người ta có thể liên tưởng đến chính mình sẽ là nạn nhân tiếp theo nếu mình là người tiêu dùng gặp phải sản phẩm lỗi”.

Ông Đỗ, cố vấn tiếp thị cho một thương hiệu có tiếng tại Việt Nam, chia sẻ: Bản thân ông đã từng đối mặt với cả trăm trường hợp rình tống tiền như trường hợp của Tân Hiệp Phát.

“Khi xử trí một sự việc đe dọa tống tiền, bản thân tôi cũng rất nhiều lần cảm thấy sôi máu và muốn làm theo hướng dẫn của cơ quan hỗ trợ là để sự việc giao nhận tiền xảy ra, để có thể bắt quả tang cùng đầy đủ chứng cứ.

Nếu làm vậy thì hầu hết người có ý đồ xấu đều sẽ phải ra tòa giống như trường hợp anh Võ Văn Minh, vì không mấy người có đủ hiểu biết pháp luật mà nhận ra họ đối mặt với điều gì” – ông Đỗ nói.

Tuy nhiên, cách làm đúng của một người giải quyết sự cố ở đây, theo ông Đỗ là phải chứng minh rõ, kiên quyết cho kẻ xấu biết mối nguy của bản thân họ.

Đồng thời trong mọi tình huống không bao giờ thỏa hiệp chuyện mang tiền ra để bẫy người vi phạm kể cả khi nó giúp cho chuyện kết thúc mọi rắc rối và tống người đó vào tù.

Bài học đắt giá cho Tân Hiệp Phát

Bàn luận về câu chuyện “con ruồi giá 500 triệu”, chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang - người đã đặt nền móng cho marketing và Branding ở Việt Nam cho rằng:

Khách hàng Minh có quyền yêu cầu bồi thường rủi ro về an toàn sức khoẻ và tính mạng của một người tiêu dùng khi anh mua phải sản phẩm lỗi.

“Cái giá bồi thường 500 triệu đồng nhiều hay ít? Chỉ là 10 spots quảng cáo truyền hình cho 1 ngày thôi…

Với sự nguy hiểm tính mạng và sức khoẻ, liệu mức bồi thường 500 triệu có đủ cho tính mạng con người hay không?” – ông Quang đặt dấu chấm hỏi.


Theo chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang: Vụ việc càng kéo dài thương hiệu Tân Hiệp Phát càng đi xuống, không chỉ dừng lại ở con số thiệt hại 2.000 tỷ đồng, mà còn tệ hơn nhiều.

Theo chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang: Vụ việc càng kéo dài thương hiệu Tân Hiệp Phát càng đi xuống, không chỉ dừng lại ở con số thiệt hại 2.000 tỷ đồng, mà còn tệ hơn nhiều.

Là người đã 3 lần từ chối lời mời của Tân Hiệp Phát tham gia Ban điều hành Marketing và từ kinh nghiệm xử lý sự cố “con gián trong chai bia”, chuyên gia Quang đã “chỉ giáo” cho Tân Hiệp Phát cách xử lý kinh điển để doanh nghiệp này rút kinh nghiệm:

Cách xử lý này, theo ông Quang là có lý, có tình, tuân thủ chân lý kinh doanh mọi thời đại “'khách hàng luôn luôn đúng”:

"1. Cám ơn anh/chị đã phát hiện ra lỗi sản phẩm, chúng tôi chưa biết chắc là do dây chuyền sản xuất hay nguyên nhân khác, chúng tôi sẽ nghiêm túc điều tra...

Trước tiên chúng tôi xin trân trọng kính mời anh/chị tham quan nhà máy và dây chuyền sản xuất của công ty để cầu mong sự nhận xét khách quan hơn.

2. Chúng tôi xin lỗi và xin “'bồi thường” anh/chị về rủi ro đã có thể tổn hại đến sức khoẻ (tính mạng) của anh/chị và đây là mức bồi thường của công ty (bằng tiền mặt và hiện vật là chính sản phẩm “chất lượng tốt” để chứng minh anh/chị có thể dùng 1 năm miễn phí).

Hy vọng sẽ thay đổi nhận xét của anh/chị về chất lượng sản phẩm của công ty, lời nhận xét công tâm của anh/chị quý giá hơn rất nhiều quảng cáo của chúng tôi.

3. Kính mong quý anh/chị và người thân nhìn nhận đây là một trường hợp hết sức hiếm hoi, và không nên tiết lộ cho người khác biết, vì như đã trình bày, xác suất xảy ra là rất rất nhỏ.

Vậy nên việc công khai có thể làm ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng mà công ty chúng tôi luôn luôn theo đuổi...

Chúng ta đều là những người kinh doanh có đạo đức, có lẽ chính bản thân anh/chị cũng không mong muốn sự việc tương tự và ngoài ý muốn đó xảy ra với mình", ông cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại