Hỗn chiến ở đền Gióng: Tục cầu may đã biến thành cơn cuồng nộ

Nguyễn Huệ |

Những hình ảnh ẩu đả của nhiều thanh niên tại lễ hội đền Gióng với người bảo vệ kiệu để tranh cướp hoa tre xảy ra vào sáng 24/2 được cho là không bình thường.

Chuyện không bình thường ở lễ hội đền Gióng

Những hình ảnh ẩu đả của nhiều thanh niên tại lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội) với người bảo vệ kiệu để tranh cướp hoa tre xảy ra vào sáng 24/2 gây cảm giác phản cảm về 1 lễ hội có truyền thống lâu đời.

Ông Lê Hữu Mạnh, Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho rằng, sự việc trên là bình thường, bởi đây là phong tục của hội.

Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội
Ông Nguyễn Khắc Lợi
Tôi và các Thứ trưởng Văn hóa, Thứ trưởng Giao thông có mặt ở hội Gióng rất lâu nhưng không thấy hỗn chiến, đánh nhau nào. Những người cầm gậy chỉ là dân làng đi bảo vệ kiệu.

Nói về cái được cho là “bình thường” này, GS. TSKH. Trần Ngọc Thêm, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng (ĐHQG-HCM) cho biết:

Chuyện xin lộc, lấy lộc để cầu may, cầu phước tại các lễ hội dưới hình thức phát hoặc cướp là chuyện bình thường.

Nhưng chuyện xảy ra ở đền Gióng ngày 24/2 mà các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh, tôi thấy không bình thường chút nào” – GS. TSKH Trần Ngọc Thêm khẳng định.

Trước hết theo GS. Thêm, bản chất của lễ hội, phạm vi của lễ hội bao giờ khởi điểm cũng diễn ra trong một làng cụ thể.

Sau đó có thể mở rộng ra thu hút người tham dự từ các làng xung quanh để trở thành lễ hội liên làng, lễ hội vùng, nhưng vẫn luôn được giới hạn trong một phạm vi cụ thể, do vậy người tham dự đều phải biết và tuân thủ luật lệ truyền thống của lễ hội.

“Nhưng những lễ hội truyền thống diễn ra trong thời gian gần đây bắt đầu trở nên không bình thường do sự phát triển vượt bậc của truyền thông, giao thông, du lịch…

Số lượng người tham dự không còn chỉ là những thành viên “truyền thống” mà có nhiều du khách. Mà lễ hội truyền thống không bao giờ có mục đích chính là phục vụ du khách.

Mục đích chính của lễ hội truyền thống luôn là phục vụ cho cư dân địa phương; vì tương lai, sự thịnh vượng của dân làng.

Tôi dám chắc rằng tất cả những người tranh cướp lộc bằng những biện pháp thô bạo đã diễn ra ở đền Gióng ngày 24/2 như dùng gậy đánh người để giành giật đều là khách thập phương từ nơi khác đến chứ không phải dân địa phương.

Việc cướp lộc (ở đây là hoa tre) trong lễ hội truyền thống sẽ chỉ là bình thường khi nó được tiến hành vào thời điểm cho phép (khi việc rước, cúng đã làm xong) và theo cách thức cho phép.

Cách thức cho phép là khi hoa tre được tung ra thì người tham dự sẽ ùa vào “cướp”, nhưng chỉ là “cướp” những lộc còn “vô chủ”. Người không “cướp”được hoa tre nào sẽ phải chấp nhận mình là người không may mắn trong năm đó” - đó là ý kiến của GS. Thêm.

Một pha dùng chân đối phó với gậy. Tuy nhiên, anh chàng áo kẻ này sau đó bị đòn đau (Ảnh:Zing)
Một pha dùng chân đối phó với gậy. Tuy nhiên, anh chàng áo kẻ này sau đó bị đòn đau (Ảnh:Zing)

“Bên cạnh việc cướp lộc, ở các lễ hội có thể tổ chức đua tài (như đấu vật, đấu võ), nhưng không có phong tục của một lễ hội truyền thống nào lại cho phép ai đó tranh cướp lộc từ trên tay của người khác.

Càng không thể cho phép dùng gậy đánh những người mặc áo đỏ đang làm nhiệm vụ để giành lấy lộc.

Nhất là khi kiệu hoa tre mới chỉ tới đền Thượng, chưa tới đền Hạ. Nếu nghi lễ chưa kết thúc, các vật phẩm  chưa được tung ra thì chúng sẽ chưa có tính thiêng và do vậy chưa thành “lộc”!.

“Việc ẩu đả xô xát rõ ràng là thuộc về phạm trù an toàn, an ninh lễ hội. Sự việc xảy ra cho thấy Ban tổ chức lễ hội đã chưa dự kiến hết sự phức tạp và những công việc cần làm để đảm bảo sự ổn định, an toàn cho lễ hội và những người tham dự.

Điều này thường nảy sinh khi lễ hội truyền thống được tiến hành trong bối cảnh mới mà trước đây chưa có. Ban tổ chức lễ hội ở các địa phương khác đều nên lấy đây làm bài học kinh nghiệm cho mình” – GS. Thêm chia sẻ.

Tục "cướp" đồ vật trong lễ hội bị biến thái tiêu cực

Cùng chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, giảng viên khoa Văn học (ĐH KHXH&NV-ĐHQGHN) Nguyễn Hùng Vỹ cho hay:

Trong lễ hội đền Gióng có tục cướp hoa tre. Tục này có từ xưa, nó cũng như nhiều tục cướp vật tế ở nhiều lễ hội khác.

Tuy nhiên, ngày nay, các tục cướp này đã bị lạm dụng và biến thái tiêu cực, bất thường. Biến thái rõ ràng nhất là phát triển theo xu hướng bạo lực.

Tục cướp để cầu may trở thành các cuộc hỗn chiến cuồng nộ. Các "hung khí" như gậy gộc đã được dùng đến, mục tiêu là gây thương tích cho những người hành lễ và cho cả người tham gia lễ hội và đạt mục tiêu cướp hoa cho mình.

“Không chỉ là bất thường mà còn là hành vi gây mất trật tự an ninh xã hội. Mỗi lễ hội trong sự bảo tồn truyền thống còn phải phù hợp với điều kiện xã hội và phải phát huy yếu tố thuần phong mĩ tục và đặc biệt là phải thượng tôn pháp luật.

Mất trật tự an ninh là vi phạm pháp luật. Tâm lí xã hội hiện nay dễ bùng phát hành vi bạo lực” – chuyên gia Nguyễn Hùng Vỹ chia sẻ.

Sau khi xảy ra hỗn chiến chừng vài phút lực lượng công an bảo vệ lễ hội đã phải can thiệp (Ảnh:Zing)
Sau khi xảy ra hỗn chiến chừng vài phút lực lượng công an bảo vệ lễ hội đã phải can thiệp (Ảnh:Zing)

Qua đây, chuyên gia Vỹ cũng đưa ra con số thống kê với 6.500 người nhập viện, 11 người chết vì "đánh nhau" trong dịp Tết cho thấy sự báo động đầy xót xa về tâm lí ưa bạo hành trong người Việt hiện nay.

Thực tế đó làm cho xã hội bất an, làm cho hình ảnh nhân phẩm Việt xấu đi trong cộng đồng nhân loại.

“Không được để tình trạng bạo lực đó tái diễn trong lễ hội. Tâm lí xã hội không phải thời nào cũng như thời nào. Có thứ ngày xưa làm thì hiền hoà vui vẻ, nay làm thì bất ổn tranh giành.

Trên thế giới người ta nghiên cứu nhiều về việc chống bùng phát bạo lực trong sinh hoạt cộng đồng, chúng ta cần nghiên cứu, tiếp thu và ứng dụng để vấn đề phát huy phát triển di sản văn hoá chân thiện mĩ hơn” – chuyên gia Vỹ nhấn mạnh.

Coi chuyện ẩu đả ở lễ hội đền Gióng là bình thường thì rất nguy hiểm

Hay nói như GS. TS. Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Folklore châu Á, người đã từng trải nghiệm tục cướp hoa tre cầu may tại lễ hội đền Gióng thì:

Hoa tre là vũ khí của Thánh Gióng khi đánh giặc, ngựa sắt gẫy, ông nhổ cả bụi tre để làm vũ khí và đánh tan giặc Ân.

Lớp ý nghĩa vũ khí của Thánh Gióng chỉ là 1 phần, trong đó còn là hình tượng của sinh dục khí. Ai cướp được sẽ may mắn trong con đường con cái.

Nhưng hiện nay, lớp ý nghĩa đó mất đi, chỉ có những nhà nghiên cứu đang phục dựng lại và đưa ra thông tin để người dân hiểu sâu hơn về ý nghĩa đó.

Tại lễ hội đền Gióng, có chuyện người dân tranh giành, xô đẩy nhau có khi là sự lộn xộn để cướp hoa tre. Đó là phong tục lâu năm của làng. Nhưng hoàn toàn không phải là đánh nhau dẫn tới xô xát để có được sự “may mắn” đó.

“Sau khi xem xong đoạn video-clip ghi lại cảnh ẩu đả giữa 1 nhóm thanh niên và bảo vệ đám rước, có thể khẳng định đó không phải là chuyện bình thường. Nếu coi đó là chuyện bình thường thì rất nguy hiểm.

Lợi dụng xô bồ lúc cướp hoa tre để trả thù nhau, đánh nhau kịch liệt đó không phải phong tục mà cần có biện pháp ngăn chặn". GS. Thịnh nói.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại