“Học tài thi phận” - sĩ tử dễ vào viện tâm thần

Hà Thu |

(Soha.vn) - Việc “học tài thi phận” dễ khiến sĩ tử gặp những sang chấn tâm lý, mâu thuẫn, u uất, rối loạn cảm xúc, rối loạn trầm cảm, rối loạn tâm thần, loạn thần… phải nhập viện.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013 đang cận kề, hàng triệu học sinh lớp 12 trên cả nước đang chuẩn bị đối mặt với một trong những kỳ thi quan trọng nhất của đời người. Đứng trước những áp lực tâm lý, sự kỳ vọng thái quá của gia đình, thầy cô, bạn bè không ít học sinh phải bước vào phòng thi với một tâm trạng nặng nề.

Tâm trạng lo lắng, bất an, áp lực thi cử nặng nề đã khiến không ít học sinh giỏi đi vào vết xe đổ của việc “học tài thi phận”. Kết quả thi cử không như mong đợi và phản ánh đúng khả năng  thật của học sinh như một cú sốc tâm lý nặng với trẻ.

Theo các chuyên gia về tâm thần kinh, chuyện học sinh “học tài thi phận” đã và đang là một trong những nguyên nhân khiến số sĩ tử phải nhập viện điều trị các rối loạn về tâm thần kinh trước và sau các kỳ thi gia tăng trong những năm gần đây.

Bên thềm kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bác sĩ CK II Dương Đình Phúc – Chủ nhiệm khoa Nội Tâm thần kinh, Bệnh viện 354 xung quanh câu chuyện “học tài thi phận” và những sang chấn tâm sinh lý đi kèm.


	Bác sĩ CK II Dương Đình Phúc – Chủ nhiệm khoa Nội Tâm thần kinh, Bệnh viện 354

Bác sĩ CK II Dương Đình Phúc – Chủ nhiệm khoa Nội Tâm thần kinh, Bệnh viện 354

- Thưa bác sĩ Dương Đình Phúc, đứng trước các kỳ thi, đặc biệt là những kỳ thi quan trọng, áp lực thi cử luôn đè nặng lên vai các bạn học sinh. Để có một lượng vốn kiến thức đủ đầy, một sức khỏe tốt, một tâm trạng thoải mái tự tin  bước vào phòng thi, các bạn học sinh cần có một kế hoạch học tập, nghỉ ngơi, giải trí như thế nào là phù hợp?

Bác sĩ Dương Đình Phúc: Đứng trước một kỳ thi quan trọng, các bạn học sinh thường phải đối diện với tâm trạng lo lắng, bất an, sự căng thẳng thần kinh kéo dài, áp lực thi cử từ gia đình, thầy cô và bạn bè.

Để có một kỳ thi tốt, học sinh cần cả một quá trình tự chuẩn bị, trang bị cho mình từ trước đó. Tất nhiên, sự trợ giúp, động viên, chia sẻ của gia đình, thầy cô, bạn bè đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Một kế học học tập khoa học kết hợp nghỉ ngơi điều độ, giải trí lành mạnh, dinh dưỡng đủ đầy là yếu tố giúp học sinh “đi qua” các kỳ thi một cách hiệu quả và an toàn.

Việc học, việc nghỉ phải được kết hợp, xen kẽ hài hòa. Trong quá trình ôn tập, học sinh không nên học quá khuya, không nên học quá 4 tiếng liên tiếp. Các bạn trẻ nên biết chọn cho mình những thời điểm ôn tập nào thấy hiệu quả nhất trong ngày. Khi học quá căng thẳng và không thấy hiệu quả thì nên dừng việc ôn tập thay bằng những giải trí nhẹ nhàng, thể dục – thể thao.

Chế độ dinh dưỡng tăng cường hơn, đảm bảo đủ 4 nhóm chất, chất đạm, chất béo, gluxit và chất khoáng – vitamin. Mỗi nhóm thực phẩm có 1 ưu thế về nhóm chất. Không nên cho trẻ ăn quá đà bất cứ nhóm chất nào, phải hài hòa. Các bữa ăn nên chia nhỏ. Ăn theo nhu cầu nhưng không ăn rải rác khắp cả ngày, ăn không ra bữa.

- Áp lực thi cử căng thẳng dễ đẩy sĩ tử vào trạng thái rối loạn tâm thần kinh. Bác sĩ có thể cho biết những biểu hiện cụ thể của những rối loạn này?

Bác sĩ Dương Đình Phúc: Dung lượng lưu trữ thông tin của mỗi con người đều có giới hạn. Khi lượng kiến thức nạp vào quá nhiều trong một thời gian quá ngắn ắt sẽ xuất hiện “quá tải”

Khi học tập trở nên quá tải, học sinh dễ bị những sang chấn tâm lý, căng thẳng, stress kéo dài. Những stress kéo dài này nếu không được giải quyết sẽ dẫn đến những rối loạn tiếp theo như: Rối loạn cảm xúc, rối loạn trầm cảm nặng hơn là rối loạn tâm thần, rối loạn trầm cảm có loạn thần đi kèm,… nguy hiểm hơn là xuất hiện ý tưởng và hành vi tự sát.

Biểu hiện hiện cụ thể của những rối loạn này là, rối loạn giấc ngủ, rối loạn bữa ăn, mệt mỏi, dễ cáu gắt, suy giảm trí nhớ, suy giảm khả năng tập trung, kết quả học tập thấp kém. Bên cạnh đó, các bạn trẻ còn dễ có những hành vi tiêu cực trong ứng xử, gia đình, thầy cô, bạn bè. Thiên hướng khuếch đại, quan trọng hóa mọi sự việc…

- Phải chăng do đặc tính tâm sinh lý của trẻ trong độ tuổi này chưa phát triển biệt hóa hoàn toàn như người trưởng thành nên dễ gặp phải những rối loạn tâm thần kinh trước những yếu tố ngoại cảnh tác động, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Dương Đình Phúc:  Đó là điều không ai phủ nhận. Những người có tuýp thần kinh yếu, kém chịu đựng dễ bị sang chấn và ảnh hưởng khi gặp những cú sốc, những chuyện không như mong đợi từ ngoại cảnh.

Tuy nhiên, không phải người trẻ nào cũng dễ gặp những rối loạn tâm sinh lý trước những tác động của các yếu tố bên ngoài. Nó phụ thuộc vào khả năng chịu đựng, nhận thức của mỗi người.

- Bác sĩ suy nghĩ gì về chuyện “học tài thi phận”? Việc “học tài thi phận” đã và đang có những tác động, ảnh hưởng tâm sinh lý như thế nào với học sinh?

Bác sĩ Dương Đình Phúc: Học tài thi phận đến bây giờ không phải là không có. Đó là câu chuyện của những học sinh, sinh viên, học viên giỏi nhưng lại “kém may mắn” trong phòng thi. Vì một yếu tố ngoại cảnh nào đó, họ bước vào phòng thi với một sức khỏe không tốt, một cái đầu không tỉnh táo, một tâm trạng bất ổn…

Bên cạnh kiến thức, tài năng, sự “may – rủi” cũng là yếu tố chi phối kết quả của bài thi. Thực tế đã có không ít học sinh trong quá trình học rất tốt nhưng kết quả thi lại không tương xứng.

Các bạn trẻ, các bậc phụ huynh, thầy cô giáo đừng lấy đó là quá buồn và trách móc con trẻ!

Việc “học tài thi phận” dễ khiến học sinh bị sang chấn tâm lý, mâu thuẫn, u uất… Khi các em không nhận được sự động viên, chia sẻ kịp thời dễ dẫn đến những suy nghĩ, hành động tiêu cực. Rối loạn cảm xúc, rối loạn trầm cảm, rối loạn tâm thần, loạn thần rất dễ xảy ra…

- Với những trường hợp này, chúng ta cần có những giải pháp gì thưa bác sĩ?

Bác sĩ Dương Đình Phúc: Chuẩn bị tâm lý tốt, động viên, khích lệ kịp thời, không trách móc, trì triết để trẻ thoát ra khỏi tâm trạng nặng nề, u uất.

Các bạn trẻ nên tự biết chấp nhận thất bại và vươn lên từ những thất bại để trưởng thành. Phụ huynh cần động viên để con cái biết rằng, phía trước còn rất nhiều kỳ thi khác, rất nhiều những cơ hội khác.

-Trân trọng cảm ơn bác sĩ!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại