Hàng Bạc - đất tổ nghề kim hoàn của Hà Nội

Theo VOV |

Hàng Bạc, đất tổ nghề kim hoàn đất Hà thành xưa, qua nhiều biến cố lịch sử, dấu tích 1 thời vẫn được lưu giữ trên con phố sầm uất nhất Hà Nội...

Phố Hàng Bạc nằm ở phía Đông Bắc thành Thăng Long xưa, được hình thành từ thế kỷ thứ 18 nơi tập trung những người thợ kim hoàn giỏi làm ra những sản phẩm kim hoàn tinh sảo, nét hoa văn sinh động nổi tiếng.

Phố thời xưa có 3 nghề chính: nghề đúc bạc nén, nghề kim hoàn và nghề đổi tiền. Người dân phố hầu hết xuất thân từ làng Châu Khê (tỉnh Hưng Yên), làng Ðồng Xâm (tỉnh Thái Bình) và làng Định Công (Hà Nội).

Phố Hàng Bạc những năm đầu thế kỷ 20, nằm ở phía Đông Bắc thành Thăng Long xưa, là khu phố tập trung sinh sống nhiều người thợ kim hoàn tinh sảo. Ảnh: Khiếu Minh (trái), tư liệu (phải)

Phố Hàng Bạc bây giờ nhiều nét khác xưa nhưng lòng đường vẫn hẹp thế, những mái nhà vẫn san sát hình ống liền kề. Ảnh: Khiếu Minh.


Hoạt động buôn bán diễn ra tấp nập trên phố Hàng Bạc xưa. Ảnh tư liệu
... Và bây giờ vẫn tấp nập người mua kẻ bán. Ảnh: Khiếu Minh

Trải qua thời gian lịch sử thăng trầm, con phố đã có nhiều đổi thay nhưng những nét kiến trúc đặc trưng được lưu giữ với mặt phố nhỏ, mái nhà nhấp nhô liền kề…

Ngày nay, Hàng Bạc là 1 trong những con phố sầm uất nhất Hà Nội. Dọc hai bên đường là các cửa hàng, cửa hiệu buôn bán vàng bạc, trang sức thu hút khá đông khách qua lại.

Số nhà cũ kỹ đã han rỉ phủ bóng thời gian trên phố Hàng Bạc. Ảnh: Khiếu Minh

Đất nước đổi mới nghề thủ công truyền thống nói chung và nghề vàng bạc kim hoàn ở Hàng Bạc nói riêng đã có đầy đủ điều kiện phát triển, bảo tồn nghề và mức sống của người thợ kim hoàn vẫn đảm bảo. Đặc biệt, nghề truyền thống theo phong tục "cha truyền con nối" vẫn còn được lưu giữ.

Những người thợ với đôi tay tài hoa, khéo léo tạo nên những sản phẩm tinh sảo. Tới nay, nghề kim hoàn vẫn lưu giữ theo truyền thống “cha truyền con nối” . Ảnh: Khiếu Minh (trái), tư liệu (phải)

Điều kiện cho phố nghề được bảo tồn và phát triển hơn xưa. Ảnh: Khiếu Minh
Một cửa hiệu trên Hàng Bạc xưa và nay các cửa hiệu nối dài san sát vẫn với mặt hàng chính là những sản phẩn chế tác từ bạc. Ảnh: Khiếu Minh
Người bán hàng trên phố xưa. Ảnh tư liệu
...Và nay, những cửa hàng vẫn bận rộn với những cuocj mua bán thế này... Ảnh: Khiếu Minh

Ngoài dấu ấn phố nghề, Hàng Bạc còn là nơi kết tinh giá trị kiến trúc đặc trưng Hà Nội xưa. Những ngôi nhà chồng diêm hình ống, mái ngói rêu phong “thanh lịch, yên bình và cổ kính”.

Ngày nay, Hàng Bạc nằm trong khu bảo vệ tôn tạo cấp 1, những nét kiến trúc Thăng Long 1 thời được gìn giữ, tôn tạo.

Hàng Bạc còn là con phố có nhiều di tích lịch sử nhất trong khu phố cổ của Hà Nội, với những ngôi đình cổ như đình Dũng Hãn, đình Thượng (đình Thượng Thị), đình Hạ (đình Kim Ngân).

Cổng đình Kim Ngân ngày ấy và bây giờ. Ảnh: Khiếu Minh (trái); tư liệu (phải)

Đình Kim Ngân, nằm ở số nhà 42 Hàng Bạc đã được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Được xây dựng từ cuối thế kỷ 15, đầu thế kỷ 16, thờ Hoàng đế Hiên Viên, một nhân vật có tính chất thần thoại được coi là ông tổ của bách nghệ.

Đầu đời Nguyễn, đình Kim Ngân có diện tích 566,1m2 và được coi là một trong những đình cổ kính, rộng nhất trên khu phố cổ Hà Nội. Đình Kim Ngân không chỉ là “nhân chứng sống” lâu đời, mà còn là địa danh làm ngời nên nét đẹp, nét cổ kính của phố Hàng Bạc.

Ngoài giá trị kiến trúc, Hàng Bạc còn là con phố có nhiều di tích lịch sử nhất trong khu phố cổ của Hà Nội. Ảnh: Thu Trang

Đình Kim Ngân là công trình có giá trị kiến trúc, nghệ thuật tiêu biểu mang dấu ấn làng nghề, phố nghề của khu phố cổ Hà Nội. Ảnh: Khiếu Minh

Với những họa tiết chạm khắc tinh xảo, đình Kim Ngân đã tạo nên giá trị lịch sử và kiến trúc cổ kính rất đặc trưng của đình. Ngày nay, đình Kim Ngân trên phố Hàng Bạc luôn là điểm dừng chân yêu thích của những vị khách trong và ngoài nước khi đến Hà Nội.

Đình Kim Ngân thu hút sự quan tâm của du khách quốc tế khi đến với phố cổ Hà Nội. Ảnh: Thu Trang


Hàng Bạc điểm đến thu hút nhiều du khách quốc tế. Ảnh: Khiếu Minh

Rạp Chuông Vàng, 1 rạp hát cổ xưa nhất đất Hà Thành, được xây dựng trên phố Hàng Bạc vào những năm đầu thế kỷ 20, đồng thời cũng là nơi gắn với nhiều biến cố thăng trầm lịch sử của thủ đô Hà Nội.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, năm 1947, rạp được chọn là nơi diễn ra lễ tuyên thệ Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh của cảm tử quân Hà Nội.  Mang nhiều ý nghĩa lịch sử và tinh thần với người dân thủ đô nhưng 1 thực tế Chuông Vàng đang dần bị lãng quên trong bối cảnh các loại hình giải trí truyền thông hiện đại lấn át.

Rạp Chuông Vàng gắn liền và chứng kiến nhiều biến cố thăng trầm của thủ đô Hà Nội. Ảnh tư liệu


Rạp được chọn là nơi diễn ra lễ tuyên thệ Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh của cảm tử quân Hà Nội năm 1947. Ảnh: Khiếu Minh

Hàng Bạc, đất tổ nghề kim hoàn Hà thành, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử những dấu tích ghi dấu 1 thời vẫn còn được lưu giữ trên con phố sầm uất nhất 36 phố phường Hà Nội.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại