Giếng cổ ngàn năm không cạn tại ngôi làng đá ong hàng trăm năm tuổi

Nguyễn Khang |

Tất cả những ngôi nhà trong làng đều được xây dựng bằng loại đá ong được đẽo gọt vuông vức, tồn tại đã hàng trăm năm. Ở trong những ngôi nhà đó, mùa đông cũng như mùa hè, nhiệt độ hầu như không thay đổi. Tại ngôi làng bằng đá ong này, còn có chiếc giếng cổ đã tồn tại gần nghìn năm chưa bao giờ cạn nước…

Ngôi làng “đá ong” độc đáo

Tới thăm ngôi làng cổ Thích Chung, thuộc xã Bá Hiến, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, chắc chắn nhiều người sẽ rất bỡ ngỡ và thích thú trước những ngôi nhà được làm bằng đá ong, màu vàng sẫm như màu mật, trông rất cổ kính.

Thích Chung trước kia thuộc Tổng Bá Hạ, bao gồm bốn thôn là: Quang Vinh, Thiện Chi, Thích Chung và Bá Hương.

Trong đó, chỉ làng Thích Chung có lối kiến trúc đặc biệt nhất thời bấy giờ.

Tất cả những ngôi nhà trong làng đều được xây bằng đá ong, một loại đá rất bền và rắn chắc. Điều đặc biệt, ngôi làng này có tuổi đời khoảng 5- 6 thế kỷ.

Đá ong là một loại đá đặc biệt, được hình thành bởi oxit sắt và nhôm.

Với đặc tính rắn chắc, không dẫn nhiệt, nhà cổ làm bằng đá ong luôn được hưởng không khí mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.

Theo cụ Đoàn Văn Lãng (85 tuổi), nghệ nhân làm đá ong cuối cùng của làng Thích Chung:

“Ngôi làng đã có tuổi đời hàng trăm năm và những ngôi nhà bằng đá ong được xây dựng từ thời kì ấy còn lại cho đến ngày nay cũng đã có tuổi đời ngót nghét hơn trăm năm là ít”.

Đó là minh chứng cho một chặng đường lịch sử, đổi thay và phát triển của cả làng.

Cũng theo cụ Lãng, “sở dĩ làng Thích Chung toàn những ngôi nhà bằng đá ong là bởi phía sau ngôi làng có một ngọn đồi, còn gọi là đồi đá ong.

Đây cũng chính là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu đá ong cho toàn bộ ngôi làng thời trước.

Ở tỉnh Vĩnh Phúc, chỉ riêng làng Thích Chung mới có nhà làm bằng đá ong”.

Điều này được cụ Lãng lý giải rất cặn kẽ rằng, ngày xưa, cuộc sống người dân ở đây nghèo nàn, cơm không đủ ăn, nói gì đến việc xây nhà dựng cửa.

May mắn là ở Thích Chung có đồi đá ong, thế nên những người xưa đã nhanh trí, khai thác đá ong để xây nhà”.

Nhà xây bằng loại đá này rất vững chãi, nhiệt độ trong nhà, mùa đông cũng như mùa hè, lúc nào cũng ở tầm trung nên ở rất thoải mái.

Anh Đoàn Văn Sáu - trưởng thôn Thích Chung, cũng là con trai cụ Đoàn Văn Lãng - cho hay, khi còn nhỏ, anh đã thấy những ngôi nhà trong làng được xây chủ yếu bằng đá ong.

Những viên đá ong được gắn kết với nhau bằng một chất kết dính làm từ đất trộn với cát.

Những viên đá ong vuông vắn, ngay ngắn, xếp chồng lên nhau, trở thành những bức tường kiên cố và vững chắc, tồn tại cho tới tận ngày nay.

Đến đời anh Sáu - con trai út của cụ Lãng, cái nghề đó dường như không còn tồn tại, phần vì không còn gò đá ong, phần vì công việc làm đá, xây nhà vất vả, lời lãi chẳng được bao nhiêu, thế là những người dân trong thôn chẳng ai xây nhà bằng đá ong nữa.

Những ngôi nhà bằng đá ong.

Giếng cổ ngàn năm không cạn

Ở Thích Chung còn tồn tại một chiếc giếng cổ có tuổi đời còn lớn hơn cả ngôi làng.

Theo cụ Lãng, trước kia làng có tới 4 chiếc giếng, nhưng người ta lấp dần đi hết, hiện tại chỉ còn sót lại một chiếc ven cánh đồng rìa làng.

Chiếc giếng này chưa ai rõ là sâu đến đâu, nhưng cũng khoảng hơn chục mét. Xung quanh thành giếng có những tảng đá khắc chữ Hán.

Theo cụ Lãng, giếng được truyền nhiều đời lắm rồi. Ngay từ lúc còn nhỏ, cụ đã được nghe những người già truyền tai nhau là giếng có từ ngàn năm trước.

Nước trong giếng quanh năm trong vắt, nhìn xuống xanh ngắt, mát rượi.

Có điều lạ là quanh năm, mực nước của giếng đều không suy chuyển đi chút nào.

Dù trời mưa to đến mức nào thì mực nước cũng không dâng cao quá, hoặc gặp khi trời hạn dù kéo dài đến đâu thì mực nước vẫn không hề suy giảm.

Theo các bậc cao niên trong làng, ngày trước có những năm trời đại hạn, ao hồ nứt nẻ, ruộng đồng khô trắng nhưng nước của chiếc giếng này vẫn vậy.

Dân làng những thôn bên cạnh Thích Chung cũng tới giếng nước lấy nước về sinh hoạt.

Cách đây vài chục năm, một năm trời hạn hán, lúa có nguy cơ chết khô. Dân làng đã phải bơm nước từ giếng lên tưới tiêu cho đồng ruộng.

Lạ thay, chạy máy cả chục ngày trời liên tục mà mực nước giếng vẫn như nguyên. Năm đó, cánh đồng lúa thoát được hạn hán là nhờ chiếc giếng cổ này.

Cách đây vài năm, ban văn hoá xã đã mời các đoàn cán bộ của Viện Hán Nôm tới khai quật và nghiên cứu, dịch nghĩa những hàng chữ Hán thì mới biết, giếng được làm từ thời Hồng Đức Nhị thập nhất niên (năm 1491), tính đến nay, giếng đã có tuổi đời hơn 600 năm.

Trước kia, làng có nhiều giếng như vậy, nhưng trải qua không ít thăng trầm, đặc biệt là thời kỳ xã viên vào hợp tác xã, người ta đã vận động dân làng lấp các giếng cổ vì cho rằng đó là tàn tích của chế độ phong kiến để đào giếng mới. Còn duy nhất chiếc giếng này không bị lấp.

Làng đá ong và giếng cổ sắp biến mất hoàn toàn?

Tuy nhiên, một điều đáng tiếc là những ngôi nhà bằng đá ong hiện tại còn quá ít, chỉ còn khoảng vài chục căn.

Theo dòng chảy của xã hội, trào lưu của thời đại, những ngôi nhà làm bằng đá ong được thay thế dần bằng những ngôi nhà ximăng, gạch nung rắn chắc.

Khi được hỏi tại sao người dân trong thôn quyết định đập phá những ngôi nhà đá ong, thay vào đó bằng những ngôi nhà xây bằng bêtông, xicăng, gạch đá, trưởng thôn Sáu ngậm ngùi nói:

“Dẫu biết là nhà cổ, nhưng không thể sống cả đời mình, đời con, đời cháu trong những ngôi nhà làm bằng đá ong được. Khi có điều kiện về kinh tế, người ta quyết định xây nhà mới cũng là lẽ thường”.

Được biết, còn một nguyên nhân khách quan khiến việc xây nhà bằng đá ong hiện nay trở nên khó khăn.

Đó là nguồn nguyên liệu của ngọn đồi đá ong sau thôn đã cạn, muốn lấy được đá để xây nhà, người ta phải bỏ ra một khoản tiền rất lớn để đào sâu xuống lòng đất, mới mong tìm thấy đá.

Làng Thích Chung hiện nay có tổng cộng gần 470 hộ gia đình nhưng giờ chỉ còn trên dưới 40 hộ giữ lại những ngôi nhà bằng đá ong.

Chưa tính từ đầu năm 2015 đến nay, có khoảng 15 hộ gia đình làm lại nhà. Những ngôi nhà làm bằng đá ong bị phá dỡ hoàn toàn, thay vào đó những ngôi nhà mới được xây lên, khang trang, đẹp đẽ.

Cũng có những ngôi nhà vì tường đá ong còn tốt, người ta chỉ sơn sửa lại, cạo qua một lớp đá ong lâu năm, rồi dùng ximăng, vôi vữa trát lên, tạo thành “lớp áo” mới cho bức tường.

Vậy là những bức tường đá ong vẫn còn, nhưng được khoác trên mình một “lớp áo” ximăng, bền hơn và tinh tươm hơn.

Anh Sáu cho biết: “ Chính quyền địa phương chưa có bất kỳ quy định cụ thể nào nhằm bảo tồn những ngôi nhà cổ.

Lý do là quyền sở hữu những ngôi nhà thuộc về người dân. Nếu họ có nhu cầu muốn sửa sang lại thì họ hoàn toàn có quyền quyết định.

Vậy nên, việc những ngôi nhà cổ làm bằng đá ong có nguy cơ biến mất là chỉ là chuyện sớm muộn mà thôi”.

Anh cũng cho biết thêm, hiện gò đá ong đã được phân chia, cấp đất cho dân. Không còn gò đá ong, thì việc bảo tồn, tôn tạo những ngôi nhà cổ bằng đá ong càng không phải là chuyện dễ dàng.

Nói về tương lai của ngôi làng cổ, anh Sáu cho rằng, không sớm thì muộn, khoảng chục năm nữa thôi, những ngôi nhà cổ bằng đá ong sẽ biến mất hoàn toàn.

Điều này là không thể tránh khỏi, nếu các cơ quan chức năng không có những kế hoạch, phương pháp trùng tu, tôn tạo, bảo tồn những ngôi nhà cổ.

Ngay cả giếng cổ cũng vậy, bây giờ chẳng ai dùng nước giếng nữa vì nhà ai cũng có giếng khoan nên chiếc giếng này cũng chẳng ai ngó ngàng tới, bị bỏ hoang.

Không được tôn tạo, bảo vệ, chiếc giếng đang bị xuống cấp và có nguy cơ đổ nát.

Ông Nguyễn Văn Thảo - Phó Chủ tịch UBND xã Bá Hiến - cho biết, hiện nay, chưa có bất cứ kế hoạch hay dự tính nào để bảo tồn những ngôi nhà cổ làm bằng đá ong, một phần cũng bởi nguồn nguyên liệu đá ong đã cạn kiệt.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại