Giao lưu trực tuyến: "NHIỀU TRẺ EM CHẾT VÌ SỞI - LỖI TẠI AI?"

Ban thời sự |

(Soha.vn) - Tham gia buổi GLTT có các chuyên gia uy tín từ 2 đầu cầu Việt Nam và Úc: GS Nguyễn Văn Tuấn, TS Trần Bắc Hải, ông Nguyễn Trọng An, PGS.TS Trịnh Hòa Bình, TS Trần Tuấn.

Nhà báo Nguyễn Thắng - Phó tổng thư ký tòa soạn Báo điện tử Trí Thức Trẻ:

"Kính thưa các vị khách quý!

Trong những ngày này, bệnh sởi đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của người dân Việt Nam, đặc biệt là những gia đình có trẻ nhỏ. Bùng phát từ tháng 12.2013, tính đến nay đã có hơn 8.500 ca sốt phát ban dạng sởi trên cả nước, trong đó có 3.136 ca dương tính với sởi. 25 trường hợp tử vong do sởi đã xác định trên 112 trường hợp tử vong và nặng xin về liên quan tới sởi trong chưa đầy 3 tháng. Đáng chú ý là Thủ đô Hà Nội chiếm tới một nửa số ca tử vong đã khiến cho dư luận hết sức hoang mang và lo lắng.

Nhà báo Nguyễn Thắng phát biểu khai mạc buổi giao lưu trực tuyến.

Nhà báo Nguyễn Thắng phát biểu khai mạc buổi giao lưu trực tuyến.

Rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra. Vì sao căn bệnh vốn được cho là lành tính này lại bỗng trở nên nguy hiểm như vậy? Phải tiêm phòng vắc xin phòng sởi ra sao? Có nên đưa trẻ bị bệnh vào viện không khi chính bệnh viện cũng bị nhiễm trùng vì quá tải? Vì sao Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội đến thời điểm này vẫn chưa công bố dịch? Việc chậm trễ công bố dịch có phải là nguyên nhân dẫn đến số ca mắc sởi và số lượng trẻ tử vong tăng vọt? Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Y tế ra sao?

Trước nhu cầu thông tin vô cùng lớn của người dân cả nước về căn bệnh đang được coi là dịch này, báo điện tử Trí Thức Trẻ tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề: "NHIỀU TRẺ EM CHẾT VÌ SỞI - LỖI TẠI AI?". Tham gia buổi giao lưu có các vị khách mời:

I. Từ đầu cầu Hà Nội:

- ThS.BS Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em - Bộ Lao động, thương binh và xã hội. 

- TS Trịnh Hòa Bình - chuyên gia xã hội học, Phó tổng thư ký Hội Xã hội học.

- TS Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam.

II. Từ đầu cầu Úc:

- GS Nguyễn Văn Tuấn - Giảng viên cao cấp tại Đại học New South Wales.

- TS miễn dịch học Trần Bắc Hải - hiện đang sống và làm việc tại Úc.

NỘI DUNG BUỔI GIAO LƯU:

- Thưa TS Trịnh Hòa Bình, ông đánh giá thế nào về việc cho đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa công bố dịch sởi? Phải chăng ở đây là sự tắc trách, quan liêu hay “căn bệnh thành tích”? (Dương Thị Yến - Cầu Giấy, Hà Nội).

TS Trịnh Hòa Bình: Tôi chia sẻ về câu hỏi này. Bản thân câu hỏi cũng đã nêu lên một nhận định. Tôi nghĩ rằng, có lẽ cơ quan y tế chưa làm hết trách nhiệm của mình trong việc công bố dịch sởi. Điều này xuất phát từ quan điểm của ngành đối với thực tiễn tình hình dịch bệnh đó (về quy mô, mức độ, tính quyết liệt gay gắt…). Nhưng một khi thực trạng tình hình đã được các hệ thống báo cáo cố tình làm giảm đi mức độ, tính chất lây lan nguy hiểm…thì tôi nghĩ rằng đấy không phải là chủ quan nữa.

- Thưa ông An, dịch sởi bùng phát trong những ngày qua đã khiến hơn 8.000 trẻ nhiễm, gây tử vong cho hơn 100 trẻ em. Với tư cách là người từng làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, ông nhìn nhận thế nào về những con số này? (Thu Trang - Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội).

BS Nguyễn Trọng An: Quả là rất đau xót khi rất nhiều trẻ em đã bị mắc và chết do 1 căn bệnh thông thường mà chúng ta có thể chắc chắn phòng tránh được. Trong vòng hơn 3 tháng, hơn 8.500 người mắc, hơn 112 trẻ em tử vong được ngành y tế thông báo.

Còn bao nhiêu em bé nữa bệnh nặng quá gia đình xin về rồi tử vong tại nhà mà chúng ta không ghi nhận được?

Tại sao Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long phát biểu trong chuyến công tác tại Ninh Bình tháng 9/2013 là đang trên đà hân hoan công bố sẽ tiến tới thanh toán bệnh sởi ở Việt Nam vào 2015 mà lại để xảy ra tình trạng thương tâm thế này?

- Thưa GS Nguyễn Văn Tuấn, bệnh sởi đang có nhiều chuyển biến khó lường, vậy giáo sư và các đồng nghiệp đã tìm ra được căn nguyên và phương pháp để phòng ngừa hay chưa? Làm thế nào để kiểm soát dịch bệnh, tránh những biến thể gây hậu quả nghiêm trọng? (Tạ Anh Tuấn - Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội)

GS Nguyễn Văn Tuấn: Thật ra, những biến chứng được ghi nhận nằm trong con đường tấn công của virus sởi. Đầu tiên, virus tấn công vào hệ thống hô hấp, họng, mắt mũi. Đối với trẻ yếu hay có bệnh khác thì có thể có biến chứng nguy hiểm khác. Nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy khoảng 20-30% ca sởi sẽ bị viêm phổi hoặc viêm tai giữa. Với bệnh sởi, phòng bệnh là chính. Phòng bệnh kể cả giảm khả năng lây lan. Người mắc bệnh sởi phải được “cô lập” không tiếp xúc cơ thể với người không mắc bệnh ít nhất là 4 ngày sau khi mắc bệnh. Tuy nhiên, nhìn qua hình ảnh ở bệnh viện, tôi ngạc nhiên là thân nhân được tiếp xúc với nhiều bệnh nhân nằm gần nhau trong môi trường quá chật hẹp, và đây là một yếu tố nguy cơ lây lan rất cao.

Các vị khách mời tại buổi giao lưu trực tuyến tại tòa soạn.

Các vị khách mời tại buổi giao lưu trực tuyến tại tòa soạn.

- Với tình trạng bệnh sởi như hiện nay, theo ông nó có ảnh hưởng thế nào tới tâm lý người dân và chúng ta nên dùng biện pháp nào để giảm thiểu sự hoang mang trong người dân nhưng vẫn đạt yêu cầu về tính phổ cập thông tin, thưa ông Bình? (Thùy Dung - Bỉm Sơn, Thanh Hóa).

TS. Trịnh Hòa Bình: Tình trạng bệnh sởi như hiện nay (như cơ quan truyền thông đã đưa) thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của người dân tại cộng đồng. Đó là sự lo lắng, hoang mang, mất lòng tin vào hệ thống phòng chống dịch bệnh của chúng ta, vào cơ quan quản lý ngành.

Biện pháp để giảm thiểu sự hoang mang đó? Đương nhiên trên bình diện phổ cập thông tin, cơ quan quản lý ở Trung ương phải lên tiếng, phải có ngay các phương án để tẩy trừ một cách hữu hiệu, nhanh nhất có thể. Và thông điệp đó, hành động đó phải được phổ quát trong các phương tiện truyền thông.

TS Trịnh Hòa Bình giao lưu cùng độc giả Trí Thức Trẻ.

- Thưa TS Trần Tuấn, theo ông nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng dịch sởi khẩn cấp như hiện nay là gì? Trách nhiệm lớn nhất thuộc về Bộ Y tế hay thuộc về người dân? (Nguyễn Mạnh - Hà Nội)

TS Trần Tuấn: Với những thông tin giải phóng trên mạng xã hội, bệnh viện, và Bộ Y tế trong vài ngày gần đây, có thể đưa ra nhận đinh sau:

1. Để xảy ra tình trạng lây chéo trong Bệnh viện Nhi là một trong số những nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng số ca mắc và số người chết vì sởi trong thời gian vừa qua.

2. Bộ Y tế chưa giải phỏng được các thông tin cơ bản về tỷ lệ mắc, tỷ lệ chết, bản đồ dịch lưu hành, diễn biến theo thời gian trong 4 tháng qua; chưa có thông tin về điều tra các trường hợp mắc và chết để xác định đặc điểm vụ dịch này. Do vậy, có thể nói, tình trạng hoang mang, lo lắng trước tình trạng dịch hiện nay do bởi Bộ Y tế chưa công khai thông tin một cách khoa học cho công chúng biết. Đồng thời, do xã hội thiếu cơ chế để các tổ chức khoa học độc lập tham gia điều tra dịch, nên hậu quả là chúng ta không nắm rõ thực trạng dịch ra sao, ngoài những thông tin từ phía những bác sĩ trực tiếp giải quyết điều trị bệnh nhân sởi thuộc các bệnh viện lớn của Hà Nội và TP.HCM.

- Thưa TS Trần Bắc Hải, những trẻ bị bệnh sởi sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe sau này thưa ông? (Thu Huyền - Bắc Ninh)

Bệnh sởi nếu không có biến chứng thì qua đi không để lại di chứng gì, hay chính xác hơn là để lại cho trẻ khả năng miễn nhiễm bệnh sởi trong tương lai. Ngày xửa ngày xưa khi chưa có vacxin phòng sởi, hầu như trẻ nào cũng bị nhiễm sởi trong tuổi đầu tiên sau khi cai sữa mẹ. Số sống sót thì khi lớn lên đều miễn nhiễm với sởi.

Tại Úc, cứ khoảng 1.000 trường hợp bị sởi mới có 1 trường hợp biến chứng não, và khoảng 10 trường hợp biến chứng não thì có 1 trường hợp nhiều năm sau mới phát triển một chứng bệnh rất hiếm, gọi là bệnh viêm xơ toàn não bán cấp (SSPE). Bệnh này hiện nay chưa có cách chữa.

- Nhiều ý kiến phản hồi lại rằng các bệnh viện bưng bít thông tin, cấm phóng viên tác nghiệp, ghi nhận bệnh dịch khiến người nhà bệnh nhân bức xúc. Là một tiến sĩ tâm lý, ông Bình có thể lý giải phản ứng của phía bệnh viện và người nhà bệnh nhân? (Hoàng Huyền - Hải Dương).

TS Trịnh Hòa Bình: Việc ở bệnh viện này, bệnh viện kia bưng bít thông tin (nếu có thể gọi được như thế), ngăn cản hoặc cấm phóng viên tác nghiệp, ghi nhận dịch bệnh khiến người nhà bệnh nhân bức xúc… thể hiện “phản ứng” có tính chất tự nhiên, nghề nghiệp. Tức là họ không muốn làm phức tạp thêm tình hình cũng như hình ảnh của ngành, đơn vị. Người nhà bệnh nhân đương nhiên cũng tăng thêm phần lo lắng và bức xúc. Bởi họ có quyền nghĩ vì sao phải ngăn cản báo chí và bưng bít thông tin. Kèm theo sự suy diễn ấy còn là sự nghi ngờ ngay chính cả kết quả của quá trình điều trị.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình đang trả lời câu hỏi của độc giả báo điện tử Trí Thức Trẻ.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình đang trả lời câu hỏi của độc giả báo điện tử Trí Thức Trẻ.

- Trước đây, khi còn đương chức, ông Nguyễn Trọng An có gặp phải nhiều tình huống tương tự không và trong trường hợp như trên, Bộ Y tế thường đưa ra giải pháp gì? Đối với tình trạng hiện nay, ông có lời khuyên gì cho các ông bố bà mẹ cũng như "kế sách" cho Bộ Y tế? (Lan Anh - TP. Việt Trì, Phú Thọ).

BS Nguyễn Trọng An: Chúng ta đã có kinh nghiệm về dịch sởi bùng phát vào mùa xuân năm 1992 và sau đó 2009, trẻ em cũng mắc nhiều, tử vong ít hơn hiện nay... nhưng được ngành y tế công bố có dịch ngay và toàn bộ hệ thống chính trị của cả nước, các ngành và các địa phương đã vào cuộc tích cực, và chúng ta đã sớm khống chế được dịch.

Với Bộ Y tế, tôi không dám đưa ra kế sách vì bộ có một đội ngũ tham mưu "tài ba", tôi đưa ra thì khác gì "múa rìu qua mắt thợ".

Nhưng với tư cách của một chuyên gia cao cấp về bảo vệ chăm sóc trẻ em, tôi khuyên các bậc cha mẹ có con nhỏ, nếu chưa tiêm đủ 2 mũi vacxin phòng sởi thì phải khẩn trương đi tiêm ngay.

Nếu cháu bé có biểu hiện sốt hoặc có dấu hiệu mắc sởi, hãy bình tĩnh, tin tưởng và tuân thủ hướng dẫn của các thầy thuốc, khám và điều trị theo tuyến của địa phương, không nên đem con chạy lên các bệnh viện Trung ương tại Hà Nội, vì ở đây đã rất đông bệnh nhân rồi, nguy cơ lây chéo cho trẻ là rất cao.

- Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân trẻ em tử vong nhiều trong dịch sởi năm nay ở Việt Nam là do biến chứng và dịch sởi năm nay độc hơn mọi năm. Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn đánh giá thế nào về điều này? (Nguyễn Huệ - TP. Thanh Hóa).

GS Nguyễn Văn Tuấn: Vì chưa có dữ liệu khoa học nên tôi không thể kết luận. Tuy nhiên, qua theo dõi báo chí, các chuyên gia dịch tễ học trong nước cho biết virus sởi vẫn có cấu trúc gen như virus sởi mấy năm trước. Nói gì thì nói, nguy cơ tử vong vì sởi năm nay quá cao so với dịch sởi năm 2009 - 2010. Đã có hơn 100 trẻ em tử vong, và đó là một qui mô rất lớn, rất đáng quan tâm.

GS Nguyễn Văn Tuấn.

GS Nguyễn Văn Tuấn.

- Nhiều luồng thông tin cho rằng số trẻ tử vong do sởi thực tế còn cao hơn số liệu được công bố. TS Trịnh Hòa Bình có bình luận gì về điều này? (Mai Phương - Phủ Lý, Hà Nam)

TS Trịnh Hòa Bình: Tôi cho rằng từ trước đến nay, điều này vẫn thường xảy ra và dường như chúng ta đã quen. Sợ rằng tới đây, với những việc tương tự thì cộng đồng sẽ không tin vào những thông tin chính thống, chính thức.

- Thưa TS Trần Bắc Hải, hiện nay ở Việt Nam rất nhiều ông bố, bà mẹ mua những cây dược liệu về tắm cho con như hạt mùi, tía tô... nhằm phòng dịch sởi, theo ông những dược liệu này có làm hệ miễn dịch của trẻ kháng lại được dịch sởi không? (Thu Hòa - Gia Lâm - Hà Nội)

TS Trần Bắc Hải: Giữ gìn vệ sinh thân thể, da dẻ sạch sẽ, thông thoáng, dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý, tránh những tiếp xúc đông người không cần thiết trong mùa dịch... đều góp phần phòng bệnh nói chung. Tuy nhiên đây không phải là biện pháp đặc hiệu chống virus sởi. Nhất là khi đã nhiễm virus rồi thì việc tắm lá thơm có thể còn gây nguy hại.

- Thưa TS Trần Tuấn, ông đã bao giờ thấy ở Việt Nam dịch sởi rộ lên như lần này chưa? Bộ Y tế "đổ" cho các tỉnh thành phải tự công bố dịch rồi họ mới căn cứ vào đó để công bố. Việc này tôi nhận thấy đúng như là Bộ (lãnh đạo) đang phủi tay, đổ hết tội cho nhân viên của mình vậy. Theo ông, trong vụ này, Bộ Y tế do ai trực tiếp chịu trách nhiệm? (Thành Chung - Văn Giang, Hưng Yên).

TS Trần Tuấn: Người chịu trách nhiệm trực tiếp là Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, các Viện trưởng Viện vệ sịnh dịch tễ. Bởi họ vận hành hệ thống phòng chống dịch bệnh của đất nước, trực tiếp tổ chức giám sát thu thập thông tin, xử lý thông tin hàng ngày, làm cơ sở  đề ra được các biên pháp kiểm soạt dịch một cách khoa học và thực tế.

- Khi chứng kiến dịch sởi bùng phát mạnh mẽ và gây hậu quả nghiêm trọng như hiện nay, BS An có suy nghĩ gì? (Đức Giang - Văn Yên, Yên Bái).

BS Nguyễn Trọng An: Mấy ngày trước thì tôi băn khoăn và bức xúc vì sao ngành y tế phản ứng chậm trễ, đưa thông tin mập mờ có vẻ như không được minh bạch cho lắm. Tôi nói điều này vì thông tin do ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng y tế dự phòng đưa ra tối 13/4 là 25 em tử vong đến tối 15/4 đã là108 em tử vong?

Tại sao? Phải chăng do chiều 15/4 phó TT Vũ Đức Đam đã "vi hành" viện Nhi TƯ và biết được sự thật?

Hai ngày nay tôi thấy yên tâm hơn vì Thủ tướng đã rất sáng suốt và kịp thời khi ban hành Công điện khẩn, chỉ đạo toàn hệ thống chính trị vào cuộc như Bộ Tài chính sung tiền cho máy thở, trang thiết bị thù lao cho cán bộ y tế theo chế độ chống dịch.

Bộ Thông tin - Truyền thông thì tuyên truyền cho người dân tránh gây hoang mang...

Bộ Y tế tập trung thầy thuốc giỏi, thuốc men và các phương tiện để điều trị có hiệu quả. Tiến hành tiêm vắc-xin phòng sởi và tiêm mũi 2 cho toàn bộ trẻ em tại cộng đồng.

BS Nguyễn Trọng An đang trả lời câu hỏi của độc giả.

BS Nguyễn Trọng An đang trả lời câu hỏi của độc giả.

- Thưa TS Trần Bắc Hải, theo ông, môi trường không vô trùng, không đủ an toàn ở bệnh viện Việt Nam có phải là nhân tố chính tác động lên bệnh nhi khiến các em mắc phải dịch sởi hay không? Những môi trường dễ lây lan sởi nhất là gì? Trẻ như thế nào thì dễ mắc sởi nhất? (Nguyễn Tâm - Lý Sơn, Quảng Ngãi)

TS Trần Bắc Hải: Môi trường tự nhiên thì không thể vô trùng. Ở các bệnh viện thì cũng vậy thôi. Trong hoàn cảnh hiện tại của nước mình thì đừng đổ lỗi đầu tiên cho bệnh viện mà hãy tự cứu con mình. Trong mùa dịch thì nên cân nhắc kỹ có nên đưa con đến ngay tuyến trung ương hay chưa vì ở đó đã quá tải, có khi con mình chưa được chữa chạy thì đã nhiễm thêm bệnh mới. Bệnh viện, nhà trẻ, trường học... là những môi trường dễ lây lan dịch nhất.

Trẻ chưa đươc tiêm chủng thì dễ mắc sởi nhất. Với trẻ trước tuổi tiêm chủng (ở ta quy định là 9 tháng tuổi), sữa mẹ là nguồn kháng thể giúp trẻ phòng bệnh sởi (trừ khi mẹ không có miễn dịch). Chế độ dinh dưỡng đầy đủ, chống thiếu vitamin A (có nhiều trong khoai lang, cà rốt, bí đỏ, các loại rau lá xanh như súp lơ xanh, dầu cá, trứng...) cũng tăng đề kháng với các biến chứng do sởi.

- Nếu Bộ trưởng Tiến bị stress do nhận quá nhiều chỉ trích vì chậm công bố dịch sởi, TS Trịnh Hòa Bình sẽ tư vấn cho bà Tiến thế nào? (Độc giả Nguyễn Khánh Duy, 50 tuổi, ngõ 6, thôn Lộc, Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội).

TS Trịnh Hòa Bình: Chắc chắn là lời khuyên về việc giải stress rồi! Giải như thế nào? Đó là phải lần lượt khắc phục sự tác động của những chỉ trích đó mà không gì hơn, đó là tìm về ngọn nguồn từ từng những lời chỉ trích mà xử lý.

- Thưa BS Nguyễn Trọng An, số trẻ tử vong do sởi tăng cao chứng tỏ các giải pháp vừa qua là chưa hiệu quả hoặc hiệu quả chưa cao có phải không, thưa ông? (Thanh Thảo - TX Tam Điệp, Ninh Bình).

- Đúng là chưa có hiệu quả vì lẽ ra giải pháp phải đồng bộ, các bộ ngành, các cấp phải vào cuộc, nhưng muốn làm như vậy thì Bộ Y tế phải công bố có dịch.

Tuy nhiên do sự chần chừ, chậm trễ vì 1 lý do nào đó, ngành y tế quay cuồng với việc cấp cứu và điều trị. Đồng thời bệnh nhân lại dồn tất cả lên tuyến trên như Bệnh viện Nhi TƯ nên mặc dù thầy thuốc rất giỏi, phương tiện hiện đại, nhưng quá tải, (phòng bệnh Khoa Truyền nhiễm 50 giường mà chứa tới 230 bệnh nhân), chính vì thế không đáp ứng kịp, dẫn đến bệnh viện trở thành ổ dịch, lây chéo sang các bênh nhân khác, và số trẻ em tử vong cao.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An trả lời độc giả báo điện tử Trí Thức Trẻ trong buổi Giao lưu trực tuyến.

- Thưa BS An, ông đã nhìn thấy hình ảnh những ông bố, bà mẹ bồng xác con ra khỏi viện chưa? Cảm giác của ông thế nào? (Nguyễn Văn Song - Thanh Hóa)

BS Nguyễn Trọng An: Tôi cảm thấy rất đau xót, thương cảm, và mong muốn được chia sẻ với các gia đình. Trước đây khi tôi còn là bác sĩ ở Bệnh viện Nhi, tôi đã từng trải qua và chứng kiến những hình ảnh thương tâm này, mong rằng những hình ảnh này ở bệnh viện sẽ giảm dần và không xảy ra nữa để các em bé, những thiên thần của tương lai, được sống an toàn và phát triển khoẻ mạnh.

- Hiện nay, dịch bệnh diễn biến rất phức tạp gây tâm lý lo lắng cho tất cả các bậc phụ huynh, theo ông có nên đóng cửa các trường mầm non 1 thời gian để tránh lây nhiễm? (Anh Đỗ Văn Thành, 39 tuổi, ngõ 22, Trung Kính, Hà Nội).

TS Trịnh Hòa Bình: Không! Không có chuyện đóng cửa các trường mầm non để tránh lây nhiễm cho trẻ nhỏ tại học đường. Bởi lẽ, đã có việc công bố dịch một cách chính thức trên diện rộng đâu!

- Thưa TS Trần Tuấn, giả sử ông là người có thẩm quyền công bố dịch sởi hay không, ông sẽ nói: Có hay chưa có dịch? Căn cứ nào để ông khẳng định như thế?  (Giang Nam - Thanh Xuân - Hà Nội)

TS Trần Tuấn: Nếu tôi là người đang lãnh trách nhiệm điều hành hệ thống phòng chống dịch bệnh có vaccine phòng chống (mà sởi là một trong số đó), thì tối thiểu nhất, 3 việc phải làm và phải làm tốt để có thể đi đến công bố có dịch hay không: ,

-          Việc thứ nhất, mọi nỗ lực ban đầu phải dành vào việc tổ chức tốt việc cung ứng vaccine có chất lượng và việc tiêm chủng cho trẻ em trong diện bảo vệ theo đúng yêu cầu khoa học hiện nay.

-          Việc tiếp theo, phải tổ chức được hệ thống giám sát dịch bệnh đúng yêu cầu hkoa học dịch tễ học và y tế công cộng. Đảm bảo hệ thống này vận hành trơn tru, cung cấp số liệu chính xác khi tôi yêu cầu. Chính hệ thống này sẽ cho phép tôi có được thông tin cập nhật hàng tuần ,và thậm chí hàng ngày khi cần thiết, về diễn biến của vụ dịch, số mắc, số chết, nơi xẩy ra ,độ tuổi…

-          Việc thứ ba, là phải tổ chức tối thiểu 2  nhóm chuyên gia: (1) Nhóm phân tích thông tin từ hệ thống báo cáo thường xuyên và viết báo cáo cập nhật tình hình chung của hai hệ thống trên;  (2) Nhóm điều tra đánh giá độc lập các trường hợp tai biến liên quan đến vaccine, trường hợp mắc, chết liên quan đến bệnh có vaccine phòng chống, nhằm cung cấp thông tin khách quan về diễn biến bệnh dịch.

Làm tốt 3 việc ấy rồi, thì chắc chắn tôi luôn có bên mình thông tin cập nhật cơ bản và khoa học về tình hình tiêm chủng, số mắc, số chết, tỷ lệ mắc, chết theo địa phương, theo nhóm tuổi…và do vậy  cho phép tôi đưa ra nhận định một cách khoa học có dịch hay không. Nếu tỷ lệ mắc, tỷ lệ chết tăng vượt quá con số dự báo cho thời gian này, thõa mãn định nghĩa “dịch” theo khoa học dịch tễ học và y tế công cộng, thì tất nhiên, trong quyền hạn cho phép, tô sẽ công bố dịch và khởi động bộ máy phòng chống dịch theo quy trình khoa học đã định.

TS Trần Tuấn.

TS Trần Tuấn.

- Theo TS Trịnh Hòa Bình, việc Bộ Y tế vẫn chưa chính thức công bố dịch sởi trên toàn quốc có phải vì sợ gây hoang mang trong người dân không? Nếu là như vậy thì lợi nhiều hay hại nhiều hơn? (Ông Lê Hữu Tiến, 60 tuổi, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội).

TS Trịnh Hòa Bình: Vâng, tôi cho rằng cơ quan quản lý ngành chưa chính thức công bố dịch sởi, sợ gây hoang mang cho người dân. Bên cạnh đó, cũng bởi vì trong khả năng hiện có, người ta nghĩ có thể dập được dịch ngay trước khi quy mô, tính chất của dịch bệnh vượt qua ngưỡng.

Tôi nghĩ rằng, chắc chắn là không có lợi. Bởi vì khi chúng ta công bố, thừa nhận có tình trạng dịch bệnh xảy ra không hề có nghĩa là phủ định năng lực của ngành phòng chống hữu hiệu dịch bệnh này. Còn khi mà dịch bệnh đáng phải công bố rồi mà anh không công bố mới chỉ rõ ra yếu kém của ngành.

- Thưa GS Nguyễn Văn Tuấn, đã có quá nhiều trẻ chết do sởi. Xin ông cho biết những phương pháp hạn chế biến chứng khi mắc sởi? (Tiến Thanh - Hà Tĩnh).

GS Nguyễn Văn Tuấn: Thật ra, không có thuốc đặc trị cho bệnh sởi. Điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, như giảm sốt, uống nhiều nước, nghỉ ngơi trong phòng tối để giảm sự phơi nhiễm của mắt. Nhiều bệnh nhân sởi, nhất là trẻ em, thiếu vitamin A. Thiếu vitamin A là một trong những yếu tố nguy cơ của sởi. Do đó, nhiều chuyên gia khuyến cáo rằng bổ sung vitamin A trong khi điều trị bệnh sởi có thể giảm nguy cơ tử vong.

- Xin cho tôi được hỏi ông Nguyễn Trọng An, tại sao để trẻ em tử vong nhiều vậy mà chưa công bố đại dịch. Trách nhiệm này thuộc về ai, giờ hậu quả nghiêm trọng như vậy thì cách khắc phục như thế nào? (Độc giả Nguyễn Hồng Bảo Quân, Hà Nội).

BS Nguyễn Trọng An: Việc công bố dịch phải tuân thủ theo quyết định số 64, ngày 25/10/2010 của Thủ tướng đối với dịch sởi hiện nay.

Theo Bộ Y tế là chưa đảm bảo 3 yếu tố mà Thủ tướng quy định, đó là:

1. Số người mắc bệnh phải vượt quá số người mắc mà cơ quan y tế dự tính (có lẽ ngành y tế dự tính cao hơn con số 8.500 hiện nay?)

2. Có ít nhất 1 trong các yếu tố như quy mô, tính chất của bệnh vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế tuyến tỉnh (59/63 tỉnh có người mắc sởi, bệnh viện tỉnh và TƯ quá tải do bệnh viện nhập viện nhiều, rất nặng, trong 3 tháng số người tử vong rất cao, 120 trẻ. Phải chăng vẫn đang trong tầm kiểm soát?)

3. Bộ trưởng Bộ Y tế phải xác định là có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, nguy cơ tăng tỷ lệ tử vongg. Năm nay các chuyên gia y tế đều nhận định dịch sởi rất nguy hiểm và biến chứng rất nhanh phưng bộ y tế vẫn cho là virut đợt này chưa bằng lần trước?.

Cách khắc phục: Mặc dù Bộ Y tế không công bố dịch nhưng Thủ tướng đã ban hành ngay công điện khẩn và chỉ đạo giao nhiệm vụ cho các bộ ngành phải vào cuộc. Tôi tin tưởng rằng với sự chỉ đạo quyết liệt này dịch sởi sẽ được khống chế trong thời gian gần.

Những hình ảnh ghi nhận về bệnh sởi ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

- Thưa ông Trịnh Hòa Bình, ông đánh giá thế nào về nền y tế Việt Nam, đặc biệt là công tác chăm sóc trẻ em khi để xảy ra tình trạng dịch sởi tràn lan như hiện nay? (Anh Hoàng Sơn, 40 tuổi, Gia Lai)

TS Trịnh Hòa Bình: Thực ra, chỉ qua một sự kiện cụ thể phát dịch như lần này mà đưa ra kết luận, đánh giá chung về chất lượng cả ngành y tế Việt Nam không đạt được cái ngưỡng là tùy tiện, không chín chắn. Nói thực, chẳng thầy thuốc nào mong muốn xảy ra bệnh dịch để khẳng định bản lĩnh của ngành cả. Nhưng rõ ràng, tính sẵn sàng và thích ứng để đáp ứng được những biến động như vậy là chưa tốt. Bằng chứng là ngay ở bệnh viện chuyên khoa lớn nhất đất nước còn thiếu máy thở, xảy ra tình trạng lây chéo…

- Theo BS Nguyễn Trọng An, dịch sởi bùng phát như hiện nay ngoài những yếu tố chủ quan như trong quá trình chăm sóc, ăn uống, tiêm phòng... liệu yếu tố thời tiết có tác động đến dịch sởi không? (Hồng Hà - Vĩnh Phúc)

BS Nguyễn Trọng An: Tất nhiền là yếu tố thời tiết lạnh, ẩm là yếu tố quan trọng gây mắc và lây lan sởi. Ở nước ta, hầu hết dịch sởi đều xảy ra vào những tháng sau Tết nguyên đán, khí hậu lạnh, mưa phùn ẩm ướt, ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ và là cơ hội để virut sởi phát triển và lây lan.

- Thưa TS Trần Bắc Hải, tôi có nghe bác sĩ điều trị sởi giải thích với người nhà bệnh nhân rằng do chủng sởi biến chứng, 40 năm nay chưa từng có nên mới xảy ra nhiều trường hợp trẻ tử vong như hiện nay. Ông có đánh giá thế nào về vấn đề này? Sởi có phải là bệnh dễ gây tử vong không? (Trần Trung - Nga Sơn, Thanh Hóa).

TS Trần Bắc Hải: Bệnh sởi ở trẻ có dinh dưỡng đầy đủ, không bị mắc chứng suy giảm miễn dịch (AIDS) và trong điều kiện được chăm sóc y tế hiệu quả thì tỷ lệ tử vong rất thấp. Chẳng hạn ở Úc tỷ lệ này là dưới 1/1000. Về  tử vong do dịch sởi hiện nay ở Việt Nam, có thể vì năm nay chứng kiến con số tử vong cao mà có người suy diễn rằng nguyên nhân là do một chủng mới có độc lực mạnh hơn.

Tuy nhiên tổng số mắc bệnh là bao nhiêu thì vẫn chưa có con số thống kê chính thức, do vậy chúng ta chưa thể kết luận tỷ lệ gây ra biến chứng là bao nhiêu, tỷ lệ tử vong là bao nhiêu, chủng mới có độc lực cao hơn trước hay không. Là người làm nghề nghiên cứu y học, tôi nghĩ rằng ngành y của chúng ta còn nợ xã hội một (hoặc nhiều) công trình khoa học, khách quan về câu hỏi này. Những công trình có ý nghĩa thiết thực cho xã hội như vậy chắc chắn cũng được giới khoa học quốc tế quan tâm.

TS Trần Bắc Hải.

TS Trần Bắc Hải.

- Hiện nay, dư luận người dân đang nóng lên về dịch sởi, nhưng Bộ Y tế có vẻ "thờ ơ", không công bố chính xác thông tin dịch bệnh. Là một TS tâm lý học, theo ông Trịnh Hòa Bình, Bộ Y tế và các ban ngành liên quan cần phải làm để người dân yên tâm hơn là gì? (Chị Tạ Thị Mai, 29 tuổi, Q. 1, TP.HCM)

TS Trịnh Hòa Bình: Không, tôi không cho rằng Bộ Y tế thờ ơ. Nói thế oan cho họ! Vấn đề là ở chỗ quan điểm của ngành đối với mức độ phổ quát, nguy hiểm, khả năng lây lan, tính rủi ro cao hay gay gắt đến mức nào của dịch bệnh mà thôi. Như trên kia tôi đã nói, đó là cách tiếp cận, quan điểm đối hiện trạng chứ không phải thờ ơ.

- Theo ông Nguyễn Trọng An, tình trạng bệnh sởi diễn biến trong thời gian qua đã được gọi là dịch chưa? Và dự đoán của ông về diễn biến tiếp theo của dịch bệnh? (Thăng Chiến - Cà Mau)

BS Nguyễn Trọng An: Theo tôi đây đúng là dịch, xứng đáng phải công bố dịch theo quy định của tổ chức Y tế thế giới WHO năm 1981. Ông trưởng đại diện WHO tại Việt Nam phát biểu trong cuộc họp với Bộ trưởng Y tế chiều 16/4 chỉ cần 3 ca tử vong do sởi có thể công bố là dịch.

Tuy nhiên, ở nước ta muốn công bố là dịch thì phải tuân thủ theo quyết định 64/2010/QĐ-TTg ngày 25/10/2010 của Thủ tướng

- Mặc dù Bộ Y tế không công bố là dịch, nhưng bây giờ toàn bộ hệ thống chính trị của Việt Nam đang trong tình trạng chống dịch theo đúng công điện khẩn chỉ đạo của Thủ tướng vừa mới ban hành, do vậy tôi tin tưởng rằng dịch sẽ được khống chế trong thời gian gần.

- Trước những sự việc liên quan đến ngành y tế không mấy tốt đẹp như trẻ tử vong do tiêm vacxin, trẻ tử vong do sởi, dư luận đều có những ý kiến cho rằng Bộ trưởng Tiến nên từ chức. Thưa TS Trịnh Hòa Bình, dưới góc độ của một nhà tâm lý, ông nhìn nhận hiện tượng này như thế nào? Nguyên nhân sâu xa nằm ở đâu, phải chăng dư luận đã có cái nhìn quá khắt khe với một vị Bộ trưởng nữ như vậy? (Cao Bá Trung, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội)

TS Trịnh Hòa Bình: Tôi cho rằng, những sự việc liên quan đến ngành y không mấy lạc quan như chúng ta vừa thấy thì không khỏi có những ý kiến khác nhau xung quanh việc tại vị của nhà quản lý cao nhất của ngành. Theo đó, ý kiến nào cũng có lý của mình, đương nhiên, ý kiến cần thiết nhất, xứng đáng nhất phải thuộc về chính nhà lãnh đạo đó.

Vì sao nhiều người có cái nhìn khắt khe với vị trí công tác đó? Như chúng ta đã thấy, cùng với giáo dục, y tế là những thiết chế mà gắn liền nhất với mối quan tâm với sự âu lo của toàn xã hội. Cho nên, hai ngành đó từ trước đến nay vẫn đón nhận những ý kiến đặc biệt là ý kiến phản biện. Y tế vừa như một thiết chế, tổ chức của một lĩnh vực nhạy cảm nhất trong xã hội nhưng đồng thời đó còn là một hệ thống dịch vụ liên quan đến sức khỏe của toàn xã hội….Thành thử, cộng đồng đã không khỏi có những sự “săm soi”, “chú mục”, theo dõi mọi hoạt động, ứng xử đặc biệt là các phát ngôn của người đứng đầu trước những sự kiện, biến cố liên quan đến “sứ mệnh”, lĩnh vực quản lý của mình. Trong tình hình đó, sự “khắt khe” trong đánh giá có đến chăng sẽ là đương nhiên.

- Thưa TS Trần Bắc Hải, ông có thể phân tích cho người dân hiểu do về loại virus sởi cũng như cơ cấu gây bệnh của loại virus này được không ạ? (Hải Trung - quận 1 TP.HCM)

TS Trần Bắc Hải: Virus sởi được John Endes (giải Nobel 1954 do các nghiên cứu trước đó) và Thomas Peeble phân lập lần đầu tiên năm 1954. Virus lây lan rất mạnh qua đường hô hấp, nếu bạn chưa được tiêm chủng mà lại sống cùng một bệnh nhân sởi thì khả năng nhiễm bệnh của bạn là 9/10. Phần lớn bệnh nhẹ tự khỏi, nhưng có một tỷ lệ biến chứng nguy hiểm qua phổi và não.

TS Trịnh Hòa Bình giao lưu trực tuyến với độc giả tại tòa soạn báo điện tử Trí Thức Trẻ.

- Thưa GS Nguyễn Văn Tuấn, kinh nghiệm xử lý khi dịch sởi đột ngột bùng phát là gì? Bộ Y tế nói do tính trung bình 5 năm chưa "đủ" con số để công bố dịch, như vậy có đúng không? Ở Úc người ta công bố dịch khi có bao nhiêu ca mắc bệnh? (Tuấn Nam - Thuận Thành, Bắc Ninh)

GS Nguyễn Văn Tuấn: Tôi thấy lí giải của Bộ Y tế về con số 5 năm không được thuyết phục mấy. Thật ra, dịch sởi mới xảy ra vào năm 2009 - 2010 và cũng gần 8.000 ca bệnh được ghi nhận, với nhiều đặc điểm giống như dịch sởi năm nay.

Ở Úc, bệnh sởi rất hiếm. Mỗi năm có vài ca bệnh, nhưng do “du nhập” từ nước ngoài. Do đó, họ không có nhu cầu để tuyên bố dịch. Tuy nhiên, ở Úc, bất cứ bệnh truyền nhiễm nào mà gây vài cái chết cho trẻ em thì cả hệ thống y tế vào cuộc một cách nghiêm chỉnh.

- Theo TS Trịnh Hòa Bình, đã đến lúc Việt Nam cần công bố dịch sởi hay chưa? (Nguyễn Văn Thanh, Q. Đống Đa, Hà Nội)

TS Trịnh Hòa Bình: Vâng. Nếu công bố thì trước tiên là từ Hà Nội. Bởi căn cứ vào số lượng trẻ tử vong, nhập viện tại các bệnh viện, Hà Nội dẫn đầu mà. Hà Nội có số mắc, nghi mắc và số tử vong với tất cả các quận huyện (30/30) đều có bệnh nhân mắc sởi. Và chăng, theo quan điểm của đại diện WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) với tình trạng như của Hà Nội thì cần thiết công bố dịch.

- Việc chia sẻ thông tin tới toàn dân là một việc làm thiết thực. Tôi vẫn băn khoăn tại sao Bộ trưởng cùng các chuyên gia Bộ y tế không tập hợp lại cùng trả lời tất cả những vướng mắc của người dân qua kênh báo chí, truyền hình. Chúng ta chỉ cần một buổi họp báo là mọi chuyện thông tin có thể rõ ràng và đó cũng là hình thức tuyên truyền hiệu quả nhất. Những khó khăn ngành y tế cần trợ giúp từ chính phủ cũng có thể được đưa ra. Tôi vẫn tự hỏi sao hôm Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tới Viện Nhi TƯ thị sát sao Bộ trưởng không đi cùng để đưa ra giải pháp luôn mà hôm sau mới cùng đoàn tới? Sự phối hợp như vậy càng tăng tính hiệu quả trong công việc và tính truyền thông càng cao. (Bùi Sơn - Long Thành, Đồng Nai).

BS Nguyễn Trọng An: Tôi tưởng chuyện đó bạn đã biết rồi, vì trước khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đi vi hành ở Viện Nhi TƯ, Bộ Y tế vẫn nói rằng bệnh sởi trong tầm kiểm soát và chỉ có 25 bé tử vong. Tuy nhiên khi Phó Thủ tướng nói là ông không tưởng tượng được là tình trạng lại trầm trọng và số tử vong lại cao như vậy (108 trẻ), thì lúc đó Bộ Y tế mới có các động thái tích cực như bạn đã thấy.

- Thưa ông Trịnh Hòa Bình, hiện nay do bệnh sởi biến tướng gây nguy hiểm cho nhiều trẻ nhỏ, đặc biệt cả nước đã có hơn 7.000 ca mắc sởi trong đó hơn 100 trẻ tử vong (đó là con số được công bố). Trên các trang mạng xã hội, các diễn đàn tràn ngập thông tin phòng ngừa bệnh sởi bằng lá cây, hạt mùi khô... Ông có thấy người dân đang quá hoang mang và lo lắng. Là TS tâm lý, ông có lời khuyên gì cho họ? (Cô giáo Hoàng Minh Hà, Q. Thủ Đức, TP.HCM)

TS Trịnh Hòa Bình: Các kinh nghiệm dân gian truyền thống đương nhiên có giá trị của nó và đã được tổng kết trong đời sống cộng đồng. Nhưng trong tình hình phức tạp như hiện nay, người dân cần phải kiếm tìm thông tin từ những cơ quan có trách nhiệm, cụ thể là y tế cơ sở cho đến các thầy thuốc chuyên khoa.

- Thưa ông Nguyễn Trọng An, đa số các trường hợp tử vong do sởi rơi vào trẻ em. Theo ông, trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc này cần được xem xét như thế nào khi đã có đến 112 trẻ tử vong do sởi và các bệnh liên quan đến sởi? Có ý kiến cho rằng, Sở Y tế Hà Nội cần phải chịu trách nhiệm trước nhất về việc này. Ông có nghĩ như vậy? (Tuấn Tú - Thị trấn Sapa, Lào Cai)

BS Nguyễn Trọng An: Tôi không nghĩ là Sở Y tế Hà Nội phải chịu trách nhiệm về trường hợp 112 trẻ tử vong, vì số tử vong của trẻ em Hà Nội chỉ chiếm 30% trong con số trên. Tuy nhiên Hà Nội cần phải sớm công bố dịch và triển khai chống dịch quyết liệt hơn vì Hà Nội tập trung rất nhiều các bệnh viện lớn về nhi khoa, đặc biệt là viện Nhi TƯ đóng trên địa bàn Hà Nội.

Bệnh nhân của tất cả các bệnh viện tỉnh khi nặng thì sẽ được chuyển về Viện Nhi TƯ, thậm chí là các trường hợp vượt tuyến cũng đổ về Viện Nhi TƯ. Do vậy Hà Nội có nguy cơ cao, dịch bùng phát mạnh và số tử vong cao.

- Theo ông Trịnh Hòa Bình, sự việc lần này ảnh hưởng như thế nào tới tâm lý của người Việt và phải mất bao lâu Bộ Y tế mới có thể trấn an tinh thần của người dân? (Hồng Trang - Sài Đồng, Gia Lâm, Hà Nội)

TS Trịnh Hòa Bình: Như trên tôi đã nói, tâm lý người Việt sẽ tiếp tục suy giảm niềm tin vào lĩnh vực ngành này. Muốn lượng hóa thời gian để có thể trấn an tinh thần của người dân là không đơn giản và chỉ có thể nói được rằng là không nhanh đâu!

- Đối với tình hình nghiêm trọng của dịch sởi hiện nay, Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em cần có trách nhiệm và động thái gì thưa ông Nguyễn Trọng An? (Hà Quân Dương - Móng Cái, Quảng Ninh)

BS Nguyễn Trọng An: Tôi nghĩ rằng cục đã có động thái phối hợp với Bộ Y tế để can thiệp với tình hình của dịch sởi này, ví dụ như gửi công văn chỉ đạo các Sở LĐ,TB&XH các tỉnh, thành phố, phối hợp với ngành y tế trong tuyên truyền phòng dịch, vận động các bậc cha mẹ tiêm chủng cho con đầy đủ, hỗ trợ cán bộ làm công tác phòng dịch ở cộng đồng, huy động nguồn lực hỗ trợ cho gia đình nghèo có con em bị sởi...

- GS Nguyễn Văn Tuấn đánh giá thế nào về cách ứng phó với dịch bệnh của Bộ Y tế Việt Nam? Là người nghiên cứu y học nhiều năm, theo ông thì biện pháp ngăn chặn sự lan tràn bệnh dịch hữu hiệu nhất trong giai đoạn hiện tại là gì?  (Nguyễn Thị Khanh - TP. Cần Thơ)

GS Nguyễn Văn Tuấn: Khách quan mà nói, hình như Bộ Y tế bị động và lúng túng trước tình trạng quá nhiều ca bệnh. Theo tôi thì không nên vin vào những con số như cao/thấp hơn 1% thì mới công bố, vì đối với gia đình có người tử vong những con số như thế rất phản cảm.

Ở Việt Nam, bệnh sởi mấy năm gần đây cứ “đến hẹn lại lên” theo chu kì 5 - 7 năm. Nhiều đặc điểm dịch sởi cho chúng ta vài bài học. Chẳng hạn như bệnh nhân sởi càng ngày càng cao tuổi hơn (khoảng 60% bệnh nhân tuổi 14 trở lên), và dịch thường xuất phát từ các tỉnh phía Bắc vùng biên giới. Những đặc điểm này cho thấy cần phải tập trung vào các “ổ dịch” và mở rộng chương trình chích ngừa cho các trẻ đến 14 tuổi (chứ không phải từ 9 tháng đến 9 tuổi như hiện nay).

BS Nguyễn Trọng An giao lưu tại tòa soạn.

- Có những ý kiến cho rằng người dân đã mắc lỗi tâm lý đám đông khi trước đây chưa đưa con đi tiêm phòng ở thời điểm vắc xin có vấn đề, rồi lại đưa con đi tiêm phòng bổ sung ồ ạt gây ra nhiều bất cập. Theo TS Trịnh Hòa Bình thì nên làm thế nào để tránh lặp lại vấn đề này? (Thu Nga, Q. Hoàng Mai, Hà Nội)

TS Trịnh Hòa Bình: Hội chứng tâm lý đám đông trong việc theo nhau từ bỏ tiêm phòng vào thời điểm được coi là “vac-xin có vấn đề”, rồi lại lũ lượt đưa con trẻ đi tiêm phòng bổ sung một cách ồ ạt gây ra không ít bất cập sẽ được giải quyết bằng những hoạt động y tế và phi y tế. Về y tế, đó là chất lượng cung cấp dịch vụ của tiêm chủng thật sự tốt, hiệu lực, hiệu quả cao…Về phi y tế, đó là trách nhiệm của truyền thông vận động xã hội.

- Con tôi 11,5 tháng tuổi cháu mới được tiêm vắc-xin phòng 3 bệnh "Sởi - quai bị- Rubella" 2 ngày nay vì khi cháu được 9 tháng tuổi tôi có cho cháu đi tiêm nhưng trung tâm y tế dự phòng hết thuốc. Bản thân tôi khi chưa bị sởi vậy tôi muốn hỏi hiện nay tôi có thể tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi được không vì hiện tại tôi đang cho con bú. Tôi xin trân trọng cảm ơn! (Trần Phương Loan - Biên Hòa, Đồng Nai).

BS Nguyễn Trọng An: Trường hợp của bạn nên tiêm phòng sớm, vì sởi không chỉ xảy ra ở trẻ em mà có thể nhiễm vào và gây bệnh ở tất cả mọi lứa tuổi, nếu chưa được phòng ngừa bằng vắc-xin.

- Thưa TS Trịnh Hòa Bình, ông nghĩ thế nào về phản ứng gay gắt của rất nhiều người với Bộ trưởng Tiến? (Phạm Thị Thu - Phú Xuyên, Hà Nội)

TS Trịnh Hòa Bình: Những phản ứng đó cũng giống như hiệu ứng cộng dồn từ không ít các sự kiện, biến cố liên quan đến ngành y lâu nay, như “bệnh lạ” (hội chứng nhiễm khuẩn dày sừng bàn tay bàn chân); tiêm vacxin gây chết người ở Quảng Trị; nhân bản xét nghiệm (Bệnh viện Hoài Đức); gây chết người ở Thiệu Hóa (Thanh Hóa)…

- Thưa TS Trần Tuấn, Bộ trưởng Tiến là người đứng đầu ngành y tế mà lại đến Bệnh viện Nhi TƯ khảo sát tình hình bệnh sởi sau Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, hơn nữa con số tử vong vì bệnh sởi do Bộ Y tế công bố chỉ là 25 trường hợp, trong thực tế con số này lớn hơn nhiều lần. Ông có nhận xét gì về cách làm việc này của bà Bộ trưởng và con số thiệt mạng vì bệnh sởi do bộ y tế công bố? (Ánh Tuyết - Hà Đông, Hà Nội)

TS Trần Tuấn: Về toàn cảnh, tôi thấy khi có bất kỳ một chuyện gì xảy ra đưa lên thông tin đại chúng, lãnh đạo Bộ Y tế , các cục, vụ , viện, đều trả lời ở thế bị động, thiếu chứng cứ khoa học.

Trong câu chuyện về sởi đang diễn ra, trả lời của lãnh đạo Cục Y tế dự phòng và Bộ trưởng thể hiện rõ điều đó. Sở dĩ như vậy, tôi cho rằng, cần xem xét tổ chức lại hệ thống thu thập thông tin, phân tích thông tin y tế của ngành. Thông tin không đầy đủ, không khách quan, thiếu chính xác, thì làm sao ra được quyết sách đúng.

- Dịch sởi bùng phát trong những ngày qua đã khiến hơn 8.000 trẻ nhiễm, gây tử vong cho hơn 100 trẻ em. Nhưng tới thời điểm này, Bộ Y tế vẫn chưa công bố dịch sởi. Vậy, những trẻ em đã, đang và sẽ bị nhiễm sẽ được cơ quan nào bảo vệ quyền lợi cho các em, thưa ông Nguyễn Trọng An? (Hoàng Long, Thái Bình)

BS Nguyễn Trọng An: Ngành y tế sẽ là cơ quan chịu trách nhiệm chăm sóc sức khoẻ cho các cháu, cháu chưa bị bệnh sẽ được ngành y tế tiêm phòng và đề nghị các gia đình phải tuân thủ tiêm phòng.

Cháu đang nhiễm bệnh sẽ được ngành y tế điều trị tích cực, tuy nhiên các gia đình nên điều trị ngay tại tuyến y tế của tỉnh mình vì đã có phác đồ điều trị chung của toàn ngành, không nên đưa trẻ lên thẳng tuyến TƯ, gây ùn tắc và nguy cơ lây nhiễm chéo cao, tăng sự nguy hiểm cho chính con mình.

- Nếu ông là Bộ trưởng Bộ Y tế, trong trường hợp này, ông có xin lỗi nhân dân hay từ chức không thưa bác sĩ An? (Lê Nguyễn My - Lai Châu)

BS Nguyễn Trọng An: Tôi rất ấn tượng với hình ảnh 1 quan chức Hàn Quốc cúi đầu vái nhân dân xin lỗi vì để xảy ra vụ đắm phà chở học sinh. Còn ở nước ta, hình như chưa có văn hoá này!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại