Giám đốc bác bỏ chuyện bớt xén tiền ăn của bệnh nhân tâm thần

Hoàng Đan |

Ông Phú khẳng định, mức trợ cấp theo quy định mới hiện vẫn chưa được thực hiện và với mức ăn của các đối tượng tại đây thì không thể có chuyện thất thoát hay bớt xén được.

Thêm nhiều nghi vấn

Cách đây không lâu, hình ảnh bệnh nhân tâm thần ở Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An không mặc quần áo, ngồi bốc bát cơm trắng chỉ có 3 miếng thịt mỡ, khiến dư luận xôn xao.

Mấy ngày qua, dư luận lại tiếp tục chú ý trước thông tin về từ Facebook cá nhân của chị Lan Đàm, được biết đến là người tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, đưa lên thêm một số thông tin liên quan đến Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Nghệ An.

Theo đó, chị Lan Đàm đưa ra một bản danh sách, trong đó, nêu chi tiết mức hưởng chế độ khác nhau của các đối tượng tại trung tâm này.

Ngoài mức 360.000 đồng và 450.000 đồng/ tháng/ đối tượng, trong bản danh sách này, còn thống kê rõ có 10 đối tượng được hưởng mức 540.000 đồng/ tháng, 8 đối tượng được hưởng mức 810.000 đồng/ tháng và 1 đối tượng được hưởng mức 1.080.000 đồng/ tháng (?).

Cũng theo danh sách này, mức ăn 15.000 đồng/ ngày (đối tượng hưởng mức 450.000 đồng/ tháng), mức ăn 18.000 đồng/ngày (đối tượng hưởng mức 540.000 đồng/ tháng), 27.000 đồng/ ngày (đối tượng hưởng mức 810.000 đồng/ tháng).

Tuy nhiên, theo chị Lan Đàm thì tất cả các đối tượng này lại vẫn ăn giống nhau (?).

Bữa cơm của các đối tượng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội chỉ có cơm, 3-4 miếng thịt hoặc cá, trứng, kèm theo cơm canh.
Bữa cơm của các đối tượng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội chỉ có cơm, 3-4 miếng thịt hoặc cá, trứng, kèm theo cơm canh.

Cùng với đó, chị Lan Đàm còn đưa ra một số con số về tổng số chi một ngày cho các bữa ăn của những đối tượng ở đây và số chi thực tế, đồng thời đưa ra nghi vấn có sự "thất thoát"?.

Cùng với đó, chị Lan Đàm cũng đưa thông tin, theo chế độ của nhà nước, mỗi năm 1 bệnh nhân được nhận: 4 bộ quần áo ( 2 hè - 2 đông ), 1 đôi dép, 1 cái chăn, 1 cái chiếu, 1 cái khăn.

"Nhưng 5 năm nay các đối tượng chưa hề nhận được thứ gì" (?), chị Lan Đàm viết.

Không thể có chuyện "thất thoát" (!?)

Để làm rõ hơn những thông tin này và rộng đường dư luận, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Phú, Giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Nghệ An.

Theo ông Phú, hiện ngoài 122 người tâm thần, Trung tâm còn đang nuôi dưỡng, chăm sóc 18 người già cô đơn, không nơi nương tựa.

Thời gian qua cũng có nhiều thông tin khác nhau về việc hưởng các mức trợ cấp mới của những đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại trung tâm nhưng thực tế, hiện việc này vẫn chưa được thực hiện.

"Căn cứ Nghị định 136 thì từ 1.1.2015, các đối tượng người già tại Trung tâm được hưởng sinh hoạt phí 1.080.000 đồng/tháng và người tâm thần được 810.000 đồng/tháng.

Nhưng thực tế, hiện tại, việc thực hiện theo Nghị định mới này mới đang ở bước lập danh sách, tổng hợp để tỉnh cấp ngân sách còn chưa thực hiện và không phải chỉ ở Trung tâm mà các nơi khác cũng chưa được nhận", ông Phú nói.

Cũng theo ông Phú, hiện Trung tâm cũng đã lập danh sách tiền chênh lệch giữa mức trợ cấp cũ và mới gửi về tỉnh để khi có ngân sách được cấp, các đối tượng sẽ được truy lĩnh.

Đối với trường hợp của một số người trong danh sách của chị Lan Đàm đưa ra được hưởng mức 810.000 đồng/ tháng và 1.080.000 đồng/ tháng, theo ông Phú, danh sách đúng là vậy nhưng thực tế, những người này chưa được hưởng mức trợ cấp đó.

"Những trường hợp này là họ vào trung tâm khi Nghị định 136 đã có hiệu lực, do đó, trong quyết định tiếp nhận, ghi là được trợ cấp theo mức của Nghị định này. Tuy nhiên, quyết định là vậy nhưng thực tế, tiền vẫn chưa có và vẫn phải thực hiện theo mức cũ.

Hiện chúng tôi đã lập danh sách và đang chờ kinh phí của tỉnh đưa về", ông Phú cho biết thêm.


Suất cơm của các bệnh nhân ở đây.

Suất cơm của các bệnh nhân ở đây.

Với một số đối tượng được nhận mức 540.000 đồng/ tháng, ông Phú xác nhận là có, tuy nhiên, chỉ có một số và đây là tùy theo mức độ khuyết tật, hoàn cảnh, sức khỏe của đối tượng này nên được nhận mức đó.

Trả lời về việc chị Lan Đàm cho rằng, các đối tượng hưởng mức trợ cấp khác nhau nhưng suất ăn lại giống nhau, ông Phú cho rằng, thông tin đó là không chính xác.

"Ở đây, các đối tượng được hưởng trợ cấp khác nhau sẽ có những suất ăn khác nhau và được chia ra rõ ràng từ trước đó cho 29 hoặc 30 hay 31 ngày.

Tuy nhiên, nếu nấu riêng thành các bếp dựa trên mức trợ cấp thì sẽ thấy rõ ràng nhưng ở đây là nấu cùng một bếp nên cũng có cái khó và ai không hiểu hoặc cố tình không hiểu thì có thể đưa ra thông tin gây hiểu nhầm.

Còn khi nấu xong, các nhân viên đã chia rất rõ, đối với đối tượng hưởng mức 360.000 đồng/ tháng thì một mức, đối tượng 450.000 đồng/ tháng thì nhỉnh hơn và đối tượng 540.000 đồng/ tháng thì hơn nữa...", ông Phú nói thêm.

Ông Phú cũng khẳng định, với mức ăn của các đối tượng ở Trung tâm như hiện nay thì việc "thất thoát" là không thể có được.

"Về khẩu phần ăn, với số tiền đó, chúng tôi chia khẩu phần ăn của các đối tượng với bữa sáng từ 2.000 - 3.000 đồng, 2 bữa chính mỗi bữa trên 5.000 đến 6.000 đồng. Tất cả các bữa ăn đều ghi thực đơn rõ ràng, bao gồm cả cơm và thức ăn.

Do đó, cán bộ Trung tâm đã phải rất đau đầu để cân đối khẩu phần cho các đối tượng. Khi thức ăn mua về đều cân nhập qua kho rồi xuất kho, các bộ phận thủ kho, nhà bếp phải ký vào đó chứ không phải ai muốn làm gì thì làm được.

Và việc thất thoát là không thể có được", ông Phú nhấn mạnh.

Ông Phú cũng thông tin thêm, mỗi năm các bệnh nhân tâm thần ở trung tâm được nhận hai bộ quần áo nhưng có khi vừa mặc vào, họ đã xé nát nên phần lớn thời gian các đối tượng đều mặc quần áo rách, cá biệt có những người còn ở truồng quanh năm.

Vị Giám đốc Trung tâm cũng chia sẻ thêm, không chỉ phục vụ từ ăn uống, tắm rửa, cắt tóc, đến lúc lâm chung, chính cán bộ Trung tâm cũng phải tự tay đào huyệt, khâm liệm và chôn cất.

Người nhà các đối tượng tâm thần khi gửi được con em họ vào đây là bỏ mặc, không đến thăm một lần nào. Cá biệt, có trường hợp khi đối tượng mất đi, cán bộ báo tin cũng chẳng ai đến.

Với các bệnh nhân tâm thần, ngoài chuyện đập phá, hành hung nhau, chuyện đối tượng tâm thần kinh đánh hội đồng, hành hạ cán bộ cũng diễn ra như cơm bữa.

Đó cũng là một phần lý do mà Trung tâm không cho họ dùng đũa, thìa hay các dụng cụ bắt sắt, nhọn khác.

Về công tác từ thiện, theo ông Phú, hàng năm, Trung tâm cũng đã đón nhiều đoàn từ thiện xã hội về với nhiều hình thức như chăm sóc, ủng hộ các đối tượng và số tiền này đều được ưu tiên vào mua thêm khẩu phần trong từng bữa ăn cho các đối tượng.

"Chúng tôi rất cảm ơn các tấm lòng từ thiện đối với bệnh nhân và các đối tượng khác của trung tâm. Đó là nghĩa cử hết sức cao đẹp.

Thực sự là chúng tôi rất áy náy khi nhìn thấy các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội phải ăn uống trong điều kiện kham khổ như vậy nhưng không còn cách nào khác.

Bởi, chính cán bộ, nhân viên ở đây cũng rất vất vả, khó khăn nhưng ai cũng cố gắng làm việc, chăm sóc các đối tượng vì tình thương yêu.

Chúng tôi mong rằng, mọi người sẽ có sự nhìn nhận thấu đáo, khách quan, thấu hiểu với Trung tâm và hy vọng khi chế độ mới được thực hiện, tin rằng đời sống của các đối tượng sẽ được nâng lên.

Từ đó góp phần an ủi họ trong những ngày cuối đời, sống xa người thân, gia đình và phải dựa vào sự trợ cấp, chăm sóc của xã hội", ông Phú nhấn mạnh thêm.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này. Mời bạn đọc theo dõi...

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại