“Giải oan” cho ngôi đền từng bị nghi có “thánh vật” ở Hà Nội (kỳ 1)

H.Sơn |

(Soha.vn) - Đã nhiều năm trôi qua, câu chuyện “thánh vật” sông Tô Lịch đã lắng xuống. Tuy nhiên, gần đây, hiện tượng nhiều người từ các nơi kéo đến cúng bái, tế lễ ở đền Quán Đôi vào các ngày sóc, vọng đang có xu hướng tăng lên, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh trật tự. Nhiều người trong số đó vẫn ngộ nhận rằng câu chuyện “thánh vật” là có thực và lôi kéo, thuyết phục nhiều người khác.

Quán Đôi là đền hay là miếu?

Trước hiện tượng trên, PV đã tìm hiểu và một lần nữa, toàn bộ sự thực về cái gọi là câu chuyện “thánh vật” sông Tô Lịch đã được phơi bày ra trước ánh sáng.

Nằm bên bờ sông Tô Lịch, đền Quán Đôi thuộc địa phận làng An Phú, phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội) một thời từng được xem là “nhân chứng quan trọng” không thể thiếu trong kịch bản câu chuyện về “thánh vật” ở dòng sông Tô.

Đền Quán Đôi nằm ở địa phận làng An Phú, phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội), bên cạnh bờ sông Tô Lịch.
Đền Quán Đôi nằm ở địa phận làng An Phú, phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội), bên cạnh bờ sông Tô Lịch.

Sau khi câu chuyện “thánh vật” ở sông Tô Lịch được đăng tải lên báo, nơi đây đã trở thành một “thánh địa”, một “xứ thiêng” để từng dòng người ùn ùn kéo đến làm lễ cúng bái.

Thậm chí, khi chúng tôi đến thăm đền Quán Đôi, dù là ngày bình thường nhưng bên trong đền vẫn có nhiều người đang hành lễ, xì sụp khấn vái.

Cụ Nguyễn Thị Điển, năm nay đã hơn 80 tuổi, là người đang trông coi ngôi đền Quán Đôi hiện nay. Cụ Điểm cũng là một trong bốn cụ cao tuổi nhất của làng An Phú (gồm các cụ Đặng Thị Xe, Đặng Thị Thạch, Nguyễn Thị Điển và Nguyễn Thị Chiển) đã tự nguyện đứng ra ủng hộ tiền để trùng tu, xây dựng lại đền Quán Đôi, cho biết:

“Khi xưa đoạn sông Tô Lịch chảy qua làng An Phú không chảy thẳng mà có một khúc cua. Khúc cua đó chính là vị trí trước đền Quán Đôi. Đối diện với làng An Phú, phía bên kia bờ sông Tô Lịch kéo dài cho đến Dốc Bưởi bây giờ khi đó gọi là Trại Đoài Môn, còn có tên gọi là Đường Thành vì là một phần của thành Đông Quan xưa.

Đoạn sông Tô Lịch chảy qua địa phận làng An Phú.
Đoạn sông Tô Lịch chảy qua địa phận làng An Phú.

“Sông Tô Lịch chảy từ phía chợ Bưởi xuống dưới này, dưới lòng sông khi đó chỉ trồng toàn sen và rau muống. Một phần nhỏ diện tích hai bên bờ sông người dân trồng rau thơm, còn lại đều là ruộng lúa. Chỗ gần gốc cây đa to đầu làng An Phú sát với bờ sông Tô Lịch khi ấy có một cái miếu nhỏ gọi là miếu Quán Đôi, tức đền Quán Đôi bây giờ”.

Về lịch sử của đền Quán Đôi, cụ Điển cho rằng: “Trong sử sách không thấy ghi chép về ngôi đền này, nhiều nhà văn hóa và sử học gần đây cũng cố công đi tìm hiểu nhưng không thấy tư liệu nào ghi chép lại, chỉ có truyền thuyết còn lưu lại trong dân gian thôi.

Hiện nay trước đền Quán Đôi còn có tấm văn bia bằng đá niên hiệu Bảo Đại thứ 16. Nội dung văn bia ghi: Sắc phong cho xã Dịch Vọng, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông, vốn thờ Dục Bảo Trung Hưng, hậu Lý Nam Đế Hoàng Thái Hậu bảo vệ nước che chở cho dân có nhiều công đức, đã được ban cấp sắc chỉ cho phép dân thờ phụng – phải kính tuân theo”.

Nhiều người dân quá mê tín

Theo cụ Điển, truyền thuyết dân gian còn lưu lại kể rằng: Vào thời vua Lý Nam Đế, ở Hải Dương có vị tộc trưởng họ Trần tên là Lữ, vợ là Nguyễn Thị Hoàn. Hai người sinh hạ được một người con gái xinh đẹp, đặt tên là Phương Nương. 

Năm nàng 18 tuổi, có viên quan nhà Lý tên là Lý Công Trinh đến xin hỏi nàng về làm vợ và được ông bà họ Lã đồng ý. Nàng sinh hạ được một người con trai đặt tên là Thống.

18 năm sau, giặc Ma Na xâm phạm bờ cõi, triều đình lệnh cho quan Bộ chủ Lý Công Trinh đi dẹp giặc. Nhưng thế giặc mạnh, quan Bộ chủ bị tướng giặc giết hại, xác đem bêu ở Bàng Châu. Hay tin dữ, mẹ com nàng Phương Nương đến Bàng Châu nhận xác quan Bộ chủ về mai táng.

Nhìn điện thờ hoành tráng thế này, ít ai nghĩ rằng trước kia nó chỉ là một cái miếu nhỏ.
Nhìn điện thờ hoành tráng thế này, ít ai nghĩ rằng trước kia nó chỉ là một cái miếu nhỏ.

Tướng giặc thấy Phương Nương là người có nhan sắc nên ép nàng phải lấy mình nhưng Phương Nương không chịu, cùng con trai bỏ trốn tới ngôi quán ở trang Dịch Vọng Tiền (nay là làng An Phú) và chết ở đây. 

Khi dân làng phát hiện ra thì mối đã đùn lên thành hai ngôi mộ, dân làng bèn lập miếu để phụng thờ. Từ đó nơi này rất linh thiêng, ai có việc gì khó khăn, trắc trở đến cầu khấn đều linh ứng…

Khi được hỏi về di tích đền Quán Đôi có liên quan gì đến câu chuyện “thánh vật” sông Tô Lịch mà một thời dư luận từng đồn đại, cụ Điển khẳng định: “Đền Quán Đôi hoàn toàn không liên quan gì đến câu chuyện “thánh vật” sông Tô Lịch.

Đây là ngôi đền đã có từ rất lâu và dân làng An Phú trước nay vẫn thường xuyên hương khói, lễ chính của đền được tổ chức vào ngày 21/5 âm lịch hằng năm. 

Sau khi có dự án cải tạo sông Tô Lịch cùng với câu chuyện “thánh vật” thì rất nhiều người từ khắp nơi đổ về đây làm lễ, thắp hương khấn vái…”.

Những ngày cuối năm, đền Quán Đôi tấp nập khách thập phương đến thắp hương hành lễ.
Những ngày cuối năm, đền Quán Đôi tấp nập khách thập phương đến thắp hương hành lễ.

“Nhiều người khi đến đây còn hỏi tôi rằng có phải từ khi “trận đồ bát quái” ở sông Tô Lịch bị phá vỡ và ngôi đền được xây mới thì cây đa ở trước cửa đền cũng “bỗng nhiên” xanh tốt lạ thường không, tôi bảo làm gì có chuyện đó. 

Cho đến những năm cuối của thập kỷ 70 thế kỷ trước, cả làng An Phú vẫn còn làm nghề nông là chủ yếu, gốc đa khi đó là nơi người làng dừng chân nghỉ mát mỗi khi làm đồng về.

Ngoài ra, người dân thường buộc trâu bò vào dưới gốc đa. Cây cối mà buộc trâu bò thì làm sao mà xanh tốt được, trâu bò sẽ giày xéo làm đén hết gốc, chẳng riêng gì cây đa, mà cây nào cũng vậy. Nay cây đa không bị buộc trâu bò, được bảo vệ và chăm sóc thì xanh tốt hơn trước kia là lẽ đương nhiên rồi. Chẳng có gì lạ lùng hay khó hiểu cả”, cụ Điển giải thích.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại