Đổ xô đi đào đãi vàng trong rét đậm ở Sơn La

Theo Infonet |

Vì lợi nhuận từ vàng cao nên nhiều năm nay ở xã Pi Toong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, người dân lợi dụng diện tích đất canh tác, đất ao, đất vườn, đất ven suối Toong... để đào đãi vàng sa khoáng.

Thực trạng diễn ra đã lâu nhưng chính quyền lại chưa mạnh tay vào cuộc nên vẫn chưa xử lý triệt để. Nạn khai thác vàng tại xã Pi Toong tập trung ở một số bản như bản Cang, bản Phiêng, bản Ten, bản Chộc, bản Lứa Hua, bản Nà Phìa…

Đã thành thông lệ sau mỗi mùa thu hoạch lúa, người dân lại đi đãi vàng trên các diện tích canh tác lúa, riêng đất ao, đất vườn, đất đồi, ven suối Toong, người dân làm vàng quanh năm.

Phần lớn những người tham gia làm vàng là phụ nữ và trẻ em.

Vào ngày cao điểm có tới hàng trăm người tham gia. Trong thời tiết rét đậm, nhiều người phải mặc áo đơn áo kép thì những người đào vàng lại ăn mặc rất phong phanh.

Cần mẫn, cặm cụi tìm vàng.

Và niềm vui khi đãi được vàng.

Lượng vàng này trị giá từ 350 đến 400 ngàn đồng.

Trong số này có những em đang còn mặc áo hoc sinh.

Vì sức hút của vàng có người buộc cả con nhỏ vào người để đi làm vàng.

Em Tà Văn Bảo, 15 tuổi cúm rúm sưởi ấm vì rét.

Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết mấy năm trở lại đây giá vàng lên cao nên hàng trăm người dân các bản đã đổ xô đi đào vàng để tìm lợi nhuận, thời điểm cao con số này lên tới hàng trăm người cùng với dàn máy móc thi nhau đào bới.

Trung bình mỗi ngày người dân khai thác được từ 50 ngàn đồng đến 1,5 triệu/ngày, có người may mắn số tiền kiếm được hàng chục triệu.

Đào vàng mang lại lợi nhuận cao nên nhiều hộ gia đình đã thuê cả máy xúc, máy sàng về đào đãi, không ít người ở nơi khác cũng tìm tới đây để thực hiện ước mơ làm giàu của mình.

Trong số những người này có không ít các em đang là học sinh cũng theo bố mẹ đi làm vàng. Đặc biệt, vì sức hút tìm vàng, một cháu bé mới sinh được chừng 5 tháng tuổi cũng được người mẹ buộc trên lưng để đi tìm vàng.

Đứng trên quả đồi cạnh núi Mốc, chúng tôi phóng tầm mắt thì thấy nơi đây là những moong sâu hun hút, đất đá lổn nhổn, kênh dẫn nước về suối Toong nước đục ngầu, dòng người đi khai thác vàng kéo về ngày một đông...

Nhiều người còn đưa cả máy xúc vào đào bới.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Sáng, Bí thư Đảng ủy xã Pi Toong cho biết: “Việc người dân trong xã tranh thủ thời gian sau khi thu hoạch lúa xong để đào đãi vàng đã có hàng trăm năm này. Trước kia giá vàng còn thấp người dân ít đi làm, mấy năm gần đây giá vàng cao nên người dân tham gia nhiều.

Xã có 18 bản, trong đó 7 bản có vàng nên ở các bản này có người dân làm vàng. Xã đã mạnh tay nhưng không triệt để được, bởi xử lý không thường xuyên, cái khó ở đây là tình người, họ đều là người dân trong xã, anh em đều quen biết nhau nên không thể “ra tay” xử phạt”.

Thực trạng khai thác vàng trái phép ở xã Pi Toong không chỉ ảnh hưởng tới diện tích đất canh tác của nhân dân mà còn làm thay đổi hệ sinh thái, ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là nguồn nước sinh hoạt, đe dọa đến tính mạng người mỗi khi khai thác .

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại