"Đại diện Bộ CA trả lời chưa chuẩn về Thông tư 45"

Hoàng Sơn |

(Soha.vn) - “Việc Bộ Công an ban hành Thông tư 45 là không thực sự cần thiết, nếu có thì còn phải bổ sung thêm một số nội dung nữa thì mới phù hợp với thực tế được. Theo tôi, Thông tư 45 đã làm yếu chức năng, thẩm quyền của lực lượng cảnh sát giao thông” – Luật sư Trương Anh Tú (Trưởng Văn phòng luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết.

“Thông tư 45 chỉ mang tính hình thức”

Nhận xét về Thông tư 45 do Bộ Công an ban hành có hiệu lực từ ngày 1/1/2013, trong đó có điều khoản quy định áp dụng đối với lực lượng CSGT, Luật sư Trương Anh Tú cho rằng: “Việc Bộ Công an ban hành Thông tư 45 là không thực sự cần thiết, nếu có thì còn phải bổ sung thêm một số nội dung nữa thì mới phù hợp với thực tế được. Theo tôi, Thông tư 45 đã làm yếu chức năng, thẩm quyền của lực lượng cảnh sát giao thông.

“Trong Thông tư 45, nhiều điều khoản có quy định nội dung không rõ ràng, dẫn đến nhập nhằng trong cách hiểu, mỗi người hiểu mỗi cách. Trong luật pháp, điều “tối kị” nhất là việc ban hành ra các điều, khoản, sử dụng từ ngữ, khái niệm không rõ ràng, gây nên sự hiểu lầm, hiểu sai, hiểu không đúng với bản chất nội dung quy định. Ở đây, Thông tư 45 đã vấp phải hạn chế này”.

LS Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư Hà Nội):
LS Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư Hà Nội): "Thông tư 45 chỉ mang tính hình thức và không hiệu quả".

LS Trương Anh Tú phân tích: “Một nội dung trong Thông tư 45 khiến dư luận quan tâm nhất chính là quy định chỉ Cảnh sát giao thông (CSGT) mang biển hiệu tuần tra kiểm soát màu xanh (thẻ xanh) mới có quyền dừng phương tiện khi đang lưu thông để xử lý. Tuy nhiên, xét cho cùng thì đây cũng là quy định mang tính hình thức, không rõ ràng và khi áp dụng vào thực tế sẽ nảy sinh những bất cập.

Ví dụ như những trường hợp xảy ra tai nạn giao thông hoặc có sự vụ đột xuất liên quan đến giao thông thì phải đợi CSGT có thẻ xanh đến giải quyết, trong khi có thể CSGT khác vẫn đang có mặt tại đấy nhưng vẫn không giải quyết được vì… không có đủ thẩm quyền”.

“Trách nhiệm về đảm bảo an toàn giao thông và thẩm quyền về xử phạt vi phạm giao thông nên quy định cho tất cả cảnh sát giao thông, không nên phân chia ra cho bất cứ một bên nào. Việc kiểm soát những tiêu cực có thể xảy ra khi CSGT làm nhiệm vụ nên có cơ chế khác, biện pháp khác đơn giản và hiệu quả hơn”, LS Trương Anh Tú cho biết thêm.

“Đại diện Bộ Công an trả lời cũng… chưa chuẩn”

Liên quan đến ý kiến trả lời của đại diện Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt về một số vấn đề chưa rõ ràng trong nội dung quy định của Thông tư 45, LS Trương Anh Tú cho rằng đại diện Bộ Công an trả lời cũng “chưa chuẩn” và “thiếu rõ ràng”.

LS Trương Anh Tú cho rằng: “Trong Bộ Luật Giao thông đường bộ đã quy định rất rõ rằng: lực lượng dân phòng và công an phường cũng như một số lực lượng khác chỉ có trách nhiệm phối hợp cùng CSGT khi có đề nghị yêu cầu từ phía cơ quan chức năng có thẩm quyền. Nếu không có đề nghị yêu cầu thì các lực lượng này không có quyền yêu cầu dừng phương tiện giao thông hay kiểm tra, bắt giữ phương tiện vi phạm giao thông.

Lối xử phạt không giống ai, thậm chí không đúng luật của lực lượng dân phòng và công an phường hiện nay trong việc xử lý vi phạm giao thông đang khiến nhiều người dân bức xúc.
Lối xử phạt không giống ai, thậm chí không đúng luật của lực lượng dân phòng và công an phường hiện nay trong việc xử lý vi phạm giao thông đang khiến nhiều người dân bức xúc.

Công an phường, dân phòng ngang nhiên yêu cầu người tham gia giao thông dừng xe và đòi kiểm tra giấy tờ, bắt giữ hay xử phạt là sai hoàn toàn vì không có văn bản luật hay dưới luật nào quy định cho phép thực hiện điều này. Cái gì không có trong văn bản quy phạm của pháp luật mà anh vẫn làm thì rõ ràng là anh sai, dù có biện hộ thế nào đi chăng nữa”.

LS Trương Anh Tú khẳng định: “Vừa qua, ngay cả đại diện Bộ Công an khi trả lời những thắc mắc của người dân liên quan đến một số nội dung của quy định trong Thông tư 45 đang gây khó hiểu cũng chưa chuẩn, nếu không muốn nói là chưa đúng với quy định của pháp luật.

Ở đây, theo cách trả lời của đại diện Bộ Công an thì ngoài CSGT, các lực lượng khác như công an phường, dân phòng, CSCĐ vẫn được dừng xe và xử lý vi phạm giao thông, nghĩa là Thông tư 45 không áp dụng đối với nhóm đối tượng này.

Nếu thế thì ban hành Thông tư 45 để làm gì? Vô hình chung tất cả vẫn như cũ, tình trạng “lạm quyền” của lực lượng khác ngoài CSGT không những không được kiểm soát mà chính CSGT – lực lượng nòng cốt để đảm nhận trách nhiệm giữ gìn trật tự an toàn giao thông và xử lý vi phạm giao thông lại bị phân chia, làm cho “suy yếu” về chức năng thẩm quyền”.

Tốn kém và không hiệu quả

Theo LS Trương Anh Tú, việc ban hành Thông tư 45 là tốn kém và không đạt được hiệu quả như mong muốn. Cụ thể, khi ban hành Thông tư 45, sẽ “mất” một khoản chi phí vào việc thông báo, tuyên truyền, phổ biến nội dung thông tư, in ấn thẻ, rồi những chi phí phát sinh khác,… Trong khi đó, về bản chất, Thông tư 45 chỉ nặng về hình thức, nội dung quy định còn nhiều hạn chế nên khi thực hiện sẽ gặp những bất cập.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại