Chuyện tình cổ tích của đôi vợ chồng bỏ làng ra sống giữa đảo hoang

Hồng Thanh – Phong Thu |

(Soha.vn) - Bất chấp sự ngăn cấm của gia đình, hai anh chị một mình gây dựng sự nghiệp trên đảo hoang và giờ họ rất hạnh phúc.

Chuyện tình vượt trên mọi cấm đoán

Khi đặt chân đến lòng hồ Cấm Sơn, chúng tôi may mắn được gặp những con người với tình cảm gắn bó, chân thật và giản dị đến mức đáng để ngưỡng mộ. Đó là những phận đời gắn bó với cái lênh đênh sóng nước, lâu dần thành quen và không còn cảm giác muốn lên bờ cho dù cuộc sống nơi đảo hoang vô cùng khó khăn, gian nan.

Trên đường tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Trưởng (SN 1973) và chị Vi Thị Thuyền, chúng tôi rất háo hức. Háo hức bởi không phải mở sách để đọc truyện cổ tích như cái lẽ thông thường mà là ngồi đợi đò để được chạm tay vào những điều khó tin nhưng có thật. Họ cùng lớn lên ở khu vực lòng hồ, và rồi như duyên nợ, họ đến với nhau, đem lòng yêu thương nhau như sự trùng hợp ghép đôi của hai cái tên. Cặp vợ chồng cùng tuổi. Sự ghép đôi của họ như là một cặp bài trùng của số phận mà nhắc đến những con người một lòng với đảo, một lòng với hồ ở Cấm Sơn này.

Người dân xã Cấm Sơn ai ai cũng yêu mến mà nói rằng “Phải gặp vợ chồng Thuyền Trưởng mới biết thế nào là cuộc đời lênh đênh nhưng lại hạnh phúc vô bờ”.

Đôi vợ chồng hạnh phúc viết lên chuyện tình cổ tích giữa đảo hoang
Đôi vợ chồng hạnh phúc viết lên chuyện tình cổ tích giữa đảo hoang

Chúng tôi phải đợi khoảng hơn ba tiếng đồng hồ mới có đò của anh Trưởng vào làng đón ra đảo nhà anh vì theo thói quen hàng ngày, anh vẫn đi rải lưới đánh bắt để mưu sinh. Cuộc sống vất vả nơi sông nước đã hằn lên từng nếp nhăn trên khuôn mặt anh và những vết thâm quầng trên đôi mắt chị. Khi đặt chân lên đảo, chúng tôi thực sự bị choáng ngợp bởi và vô cũng ngưỡng mộ trước cơ ngơi của anh chị. Đó là một ngôi nhà mái bằng rộng, sạch, tiện nghi ti vi, tủ lạnh… trong nhà đầy đủ. Mọi thư đều gọn gàng, ngăn nắp. Chợt nghĩ, một đôi vợ chồng mưu sinh từ hai bàn tay trắng với bao nhọc nhằn vất vả mà gây dựng được một cái vốn như vậy, cùng hai đứa con ngoan ngoãn học giỏi cũng coi như tình yêu đã nở hoa hạnh phúc.

Rót chén trà nóng mời những vị khách lạ đường xa tới, chị Thuyền kể như chẳng có chút phân biệt khoảng cách gì với chúng tôi: “Đời hai vợ chồng là cái duyên cái phận ở lòng hồ này, các cháu lớn lên đã cho lên bờ theo học. Vợ chồng mình đã có một cô con gái lớn đang theo học Cao đẳng Sư phạm Văn tại Hải Dương, còn cậu con trai học bán trú lớp 11 ở trường huyện. Nếu không có cái lòng hồ này với những ngày chèo thuyền đánh cá thì có khi anh chị chẳng là vợ chồng của nhau.

Xưa ở xóm Mấn, chị cũng là gái có sắc, lại ăn nói có duyên nên khá nhiều người để ý đến. Nhưng mỗi ngày chèo thuyền buông lưới, chị đều gặp anh Trưởng đánh cá chặn đầu đường kiếm ăn của mình. Lúc đầu thấy bực mình lắm vì có kẻ cứ thích “chanh chòi”. Nhưng lâu lâu thấy anh chèo thuyền một mình lọ mọ, mà rất chịu khó, ngày nắng ngày mưa đều có người buông lưới chặn đầu đánh bắt nên chị thấy thương dần. Anh Trưởng lúc đó, bản tính nhút nhát mà khá lì lợm, dù không dám tỏ ý gì nhưng không bao giờ chịu nhường địa bàn đánh bắt. Trong một lần giáp mặt, anh Trưởng lấy hết can đảm “tỏ tình”: Chỗ nhiều tôm cá ai chẳng mong thả lưới. Hay về làm người một nhà đi, đỡ lo của cải chui vào túi thiên hạ. Không ngờ từ lúc ấy, chị dần dần có tình cảm. Và dần dần anh chị yêu nhau.

“Lúc yêu nhau rồi, hai đứa mới biết gia đình hai bên có họ hàng xa. Nhưng ở quê, mọi người rất quan trọng việc lễ giáo, tập tục, cứ dính đến họ hàng dù đã qua 5 đời vẫn bị ngăn cản. Thế rồi gia đình hai bên công khai ngăn cấm tình cảm của hai đưa khi biết chuyện càng làm chúng tôi thấy cần phải gắn bó với nhau và yêu thương nhiều hơn. Rồi chúng tôi quyết định về sống với nhau cho dù hai bên gia đình kịch liệt phản đối. Nghĩ thương vợ, lại không bỏ được gia đình, chúng tôi bàn nhau ra xã xin được lập nghiệp ở đảo Kỉn này”

Hạnh phúc sưởi ấm đảo hoang

Chị Thuyền rưng rưng nhớ lại: “Những ngày đầu khi bước chân lên đảo, chỉ duy nhất có chiếc thuyền là của hồi môn. Đảo Kỉn ngày ấy là một khu cỏ mọc um tùm, hoang vu, bốn bên là nước hồ mênh mông. Anh chị đã ngồi thẫn thờ một ngày, không ai nói với nhau câu nào vì sợ nói ra sẽ làm người kia nhụt chí. Nhưng rồi chúng tôi đã quyết định phạt cỏ, dựng tạm căn lều, trồng cây, nuôi gà. Mọi vốn liếng tiền của là vay bạn vay bè mà ra, nghiễm nhiên không có bất cứ sự giúp đỡ nào của gia đình. Tôi ở đảo cả tuần mới vào làng một lần mua mấy thứ cần dùng rồi lại ra ngay. Đi qua hai gia đình, bước chân muốn vào lắm mà đành gạt nước mắt bước qua. Nhiều lần lên bờ phải chọn trời chiều nhập nhoạng hoặc đi vào buổi trưa vì sợ cha mẹ trông thấy lại buông lời nhiếc móc khiến mình tủi thân”.

Sau này, mất cả năm trời bố mẹ hai gia đình phản đối ngăn cấm, nhưng thấy anh chị vẫn yêu thương gắn bó với nhau, vẫn quyết tâm và gây dựng cơ nghiệp nơi đảo hoang thì họ cũng xuôi lòng. Chị Thuyền kể: “Người ta sinh con thì bệnh viện này bệnh viện khác, mình sinh cả hai đứa con đều ở ngay tại đảo hoang này, chẳng đi đâu cả mà con cái vẫn khỏe mạnh, ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành”.

Mỗi buổi sáng anh Trưởng đi nhấc lưới bát quái bắt của và thu được khoảng 4-6kg cua/ngày. Tùy mỗi mùa chị lại có thu nhập từ nguồn thủy sản dưới lòng hồ
Mỗi buổi sáng anh Trưởng đi nhấc lưới bát quái bắt của và thu được khoảng 4-6kg cua/ngày. Tùy mỗi mùa chị lại có thu nhập từ nguồn thủy sản dưới lòng hồ

“Ở cái vùng sông nước này, mất cả nửa tiếng đi đò chúng tôi mới vào đến làng. Hơn nữa, từ làng lên đến trạm xá cũng cả hơn chục cây số, đường vô cùng khó đi. Cách đây mười mấy năm, con đường đất do dân quân và bộ đội tự phá rừng để lưu thông. Vì thế, đường đất, hẹp, lại dốc lên dốc xuống, quanh co gấp khúc. Cứ ở nhà mà sinh con thì còn được, chứ đau đẻ mà đợi cả mấy tiếng đồng hồ như thế thì nguy hiểm lắm, đi đường không may xảy ra chuyện cả mẹ cả con lại ân hận cả đời”. Chị Thuyền chia sẻ.

Cứ như thế, cuộc sống của đôi vợ chồng ấy đã trở thành một biểu tượng cho ý chí, cho sự kiên cường bám hồ mà sống, hạnh phúc với những gì thiên nhiên ban tặng ở lòng hồ Cấm Sơn này.

Chị Thuyền nhớ lại: “Ngày ấy, cuộc sống nghèo khó, có những lúc tôi cũng bi quan tưởng không vượt qua được. Khi con bé, một mình giữa đảo, chồng đi thả lưới cả ngày cả đêm vì bớt đi một lao động lại phải nuôi thêm miệng ăn. Sau này các cháu lớn lên, 4 - 5 tuổi đã phải theo bố mẹ lênh đênh trên thuyền vì ở đảo không có ai, vợ chồng đi đánh bắt mà để các cháu ở nhà không yên tâm. Đến tuổi các cháu đi học thì cực trăm đường. Ngày nào anh cũng phải đi lại 4 chuyến đưa đón các cháu lên bờ, rồi lại đưa các cháu đi mười mấy cây số lên trường học. Có những năm, đứa học buổi sáng, đứa học buổi chiều, nghĩ sự vất vả thì không ai ở Cấm Sơn này bằng. Bây giờ đứa lớn đã vào được cao đẳng, đứa bé cũng đỗ trường bán trú, chúng tôi cảm thấy đó là một điều đáng mừng mà các con đã thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của cha mẹ mà phấn đấu”.

Anh Trưởng thả lưới từ đêm hôm trước và đi nhấc lưới vào 5h mỗi buổi sáng
Anh Trưởng thả lưới từ đêm hôm trước và đi nhấc lưới vào 5h mỗi buổi sáng

Ngôi nhà mái bằng khang trang trên đảo cũng là thành quả lao động hàng năm trời của anh chị. Phải mất hơn hai tháng trời anh chị mới có thể chuyển được vật liệu xây dựng lên đảo. Sau đó, anh mượn bà con họ hàng trong làng ra giúp. Anh chị đã mất gần 1 năm mới hoàn thành được ngôi nhà ấy.

Nhìn cơ ngơi của anh chị bây giờ, và nhớ về những ngày xưa qua lời kể, chúng tôi cũng cảm thấy lòng dâng lên một cảm giác ấm áp lạ thường. Đôi vợ chồng ấy đã là những người tiên phong cho cuộc sống nơi đảo hoang của người dân khu vực lòng hồ Cấm Sơn. Bây giờ, buổi tối, từ phía làng trong nhìn ra khu vực giữa lòng hồ, lốm đốm những nguồn ánh sáng nhỏ li ti lập lòe qua từng lùm cây hắt ra từ phía các đảo. Đó là sự sống mới nơi lòng hồ này, sự sống bất diệt của những đảo hoang.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại