Chuyện của những phi công đi tìm máy bay Malaysia mất tích

Công việc tuy vất vả nhưng tổ bay luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và sẵn sàng cất cánh khi có lệnh.

 Cập nhật thông tin, hình ảnh, clip vụ MÁY BAY MẤT TÍCH

Những ngày qua, cùng 2 tổ bay của máy bay trực thăng MI -171 có số hiệu 02 và 04 của Trung đoàn 917, Sư đoàn 370 Quân chủng Phòng không không quân ra hiện trường tìm kiếm máy bay của Malaysia mất tích, chúng tôi càng hiểu nỗi vất vả và sự tận tụy vì nhiệm vụ của những phi công làm công tác cứu hộ, cứu nạn trong những ngày này.

Thượng tá Phạm Văn Tuấn- thành phần tổ bay cơ giới trên không tâm sự, các anh sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ với mong muốn cứu được càng nhiều người càng tốt.

Để trở thành một phi công, họ phải trải qua thời gian học 3-4 năm ở trường Không quân Nha Trang, sau đó được về các đơn vị để luyện tập và bay. Vừa bay, vừa tích lũy kinh nghiệm.

Trong lúc đang từ Tân bay Tân Sơn Nhất xuống Cần Thơ huấn luyện trong vòng 2 tháng thì các anh nhận được nhiệm vụ tham gia vào công tác tìm kiếm cứu nạn máy bay của Malaysia bị mất tích. Và từ hôm qua đến nay, họ đã thực hiện 3 chuyến bay ra hiện trường.

Anh Tuấn cho biết: Hiện nay, từ sân bay Cà Mau bay mất 1 giờ 35 phút sẽ tiếp cận tọa độ vùng biển nghi có máy bay nước bạn. Khi phát hiện có vật thể khả nghi, phi công sẽ hạ độ cao từ 100-150 m so với mặt biển để quan sát; nếu muốn vớt các vật dụng này, tổ lái sẽ cho máy bay bay vòng lại hạ thấp xuống 30 m để dùng 2 cẩu là 300 kg hoặc 150 kg, đưa nhân viên cứu hộ xuống để vớt.

Trường hợp phát hiện người bị nạn, bằng phương pháp nghiệp vụ treo móc, tổ sẽ đưa người bị nạn lên máy bay. Trên máy bay có các bác sĩ Quân y sơ cứu. Thời gian tìm kiếm chiếc máy bay mất tích hôm qua là hơn 1h30 phút. Máy bay thông thường bay ở độ cao dưới 500 m so với mặt nước biển.

Theo các anh, điều khó nhất trong công tác tìm kiếm, cứu nạn là gió to, sóng lớn, gây khó khăn cho việc tiếp cận. Tuy nhiên, với những kinh nghiệm dày dạn, nếu phát hiện điều bất thường, tổ bay cùng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Thượng tá Phạm Văn Tuấn không thể nhớ hết mình đã bay bao nhiêu chuyến bay, song có thể kể ra những chuyến bay điển hình như tìm kiếm cứu nạn tàu cánh ngầm ở Cần Giờ, đi Trường Sa cứu nạn; cứu nạn nhân vùng bão lụt… Giông tố, mưa bão có sét luôn rình rập tổ bay.

Những ngày qua, tần suất các chuyến bay cũng được đẩy cao nhất. Do có các máy bay trong nước và quốc tế cùng hoạt động trong khu vực đông, để tuân thủ quy trình an toàn bay, phi công sẽ phải vừa quan sát tìm kiếm máy bay mất tích; đồng thời đẻ ý máy bay bạn cùng bay để bảo đảm không xảy ra bất cứ sự cố nào. Theo đó tổ bay phải liên lạc với các máy bay của nước bạn để chia ra từng tầng và từng thời gian tìm kiếm.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại