Chiến sĩ PCCC chưa hết bàng hoàng khi bị hóa chất bắn vào người

Việt Văn |

(Soha.vn) - Trong sáng nay, nhiều cán bộ chiến sĩ PCCC đang được điều trị và theo dõi tại bệnh viện vẫn chưa hết bàng hoàng khi bị hóa chất bắn trúng vào người.

Hóa chất bắn tung té

Sáng nay, tại hiện trường vụ cháy kho hóa chất của Công ty TNHH Tân Hùng Thái ( thuộc KCN Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh, TP.HCM) vẫn còn nhiều dấu vết hóa chất bắn tung té khắp nơi.

Một số người dân ở đây cho biết, đã nghe nhiều tiếng nổ lớn phát ra liên tiếp, kèm theo khói và lửa từ phía nhà kho công ty. Ban đầu, đám cháy xuất phát từ khi vực một chiếc xe tải chở container chứa nhiều hóa chất đang đậu trong khuôn viên công ty. Sau đó, nhiều hóa chất liên tiếp bắn tung té khắp nơi. Người dân không dám đến gần hiện trường vì sợ hóa chất bắn trúng.

Sau khi nhận được tin báo, lực lượng chữa cháy tại chỗ của khu công nghiệp Lê Minh Xuân gần đó đã có mặt tại hiện trường để dập lửa, Phòng Cảnh sát PCCC huyện Bình Chánh cũng điều thêm 6 xe cùng 40 CBCS đến ứng cứu. Tuy nhiên, đám cháy diễn ra nhanh và nhiều hóa chất bắn tung té kèm theo tiếng nổ lớn, buộc lực lượng tại đây báo cáo về sở chỉ huy.

Hàng loạt hóa chất bắn tung té khiến nhiều cán bộ chiến sĩ PCCC bị bỏng phải nhập viện cấp cứu.

Hàng loạt hóa chất bắn tung té khiến nhiều cán bộ chiến sĩ PCCC bị bỏng phải nhập viện cấp cứu.

Ngay lập tức, Thiếu tướng Trần Triều Dương, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM đã điều động gần 25 xe và 200 cán bộ chiến sĩ của các Phòng Cảnh sát PCCC lân cận như quận 3, 6, 12, Bình Tân, Bình Chánh, Tân Phú… đến hiện trường để dập lửa.

Một trong số cán bộ chiến sĩ có mặt tại hiện trường tham gia dập đám cháy, anh Nguyễn Văn Thông (sinh năm 1990, ngụ TP.HCM) bị thương ở cổ chân phải kể lại: “Lúc đó, đám cháy lớn nên tôi chạy đi lấy vòi rồng tiếp nước, đang cố gắng kéo ống nước chữa cháy vào thì bị trượt té, trật cổ chân không thể di chuyển ra. Các đồng đội đã nhanh chóng đưa tôi ra ngoài nên không bị hóa chất bắn trúng”.

Anh Thông bị thương ở chân nhưng vẫn cố gắng hỏi thăm các đồng đội bị bỏng.

Anh Thông bị thương ở chân nhưng vẫn cố gắng hỏi thăm các đồng đội bị bỏng.

Mặc dù đang bị thương nhưng anh Thông vẫn thường xuyên hỏi thăm tình hình sức khỏe đồng đội đang điều trị cùng phòng. Anh Thông nói: "Mình chỉ bị thương ở chân không đáng lo, chỉ lo cho các đồng chí bị bỏng hóa chất. Thấy các anh ấy không dám nằm nghỉ, mình cũng lo vì cả đêm phải chiến đấu với đám cháy, không ai được ngủ cả".

Một số cán bộ chiến sĩ đang điều trị tại bệnh viện cho biết, do bị bỏng hóa chất rất đau và rát nên không thể nằm được, phải thường xuyên ngồi để tránh tiếp xúc vết thương với giường bệnh. Từ lúc nhập viện đến giờ, nhiều cán bộ chiến sĩ PCCC không dám nằm ngủ, vì vết thương bỏng gây cảm giác khó chịu.

 

Sau gần 9 giờ chữa cháy, đến rạng sáng ngày 17/4, đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn. Tuy nhiên, đã có 15 cán bộ chiến sĩ tham gia chữa cháy bị bỏng phải nhập viện cấp cứu ngay trong đêm.

Bị bỏng nặng ở chân và lưng

Trong sáng ngày 17/4, tại Bệnh viện huyện Bình Chánh, bác sĩ Hồ Trúc Lệ, Giám đốc bệnh viện cho biết: “Bệnh viện đã nhanh chóng đều 2 xe cứu thương, 2 bác sĩ cùng 15 y tá đến hiện trường vụ cháy. Tại đây, có 15 các bộ chiến sĩ PCCC bị bỏng, đội ngũ y bác sĩ đã cấp cứu sơ bộ tại hiện trường và nhanh chóng đưa đến Bệnh viện Bình Chánh để cấp cứu ngay trong đêm 17/4”.

Bác sĩ Lệ cũng cho biết thêm: “Sau khi cấp cứu, một số cán bộ chiến sĩ PCCC bị bỏng nhẹ, đã được đưa về nhà điều dưỡng. Riêng 8 ca bị bỏng mức độ 1,2 thì vẫn tiếp tục theo dõi tại khoa cấp cứu. Đến sáng ngày 17/4, chúng tôi đã chuyển 7 ca bị bỏng nhập viện tại khoa Ngoại để theo dõi và điều trị”.

Nhiều cán bộ chiến sĩ PCCC bị bỏng độ 2 không dám nằm nghỉ vì sợ vết bỏng tiếp xúc với giường bệnh gây đau rát.

Nhiều cán bộ chiến sĩ PCCC bị bỏng độ 2 không dám nằm nghỉ vì sợ vết bỏng tiếp xúc với giường bệnh gây đau rát.

“Các trường hợp nhập viện điều trị đều bị bỏng hóa chất, do đó cần tiếp tục theo dõi mức độ bỏng của từng ca. Vì bỏng hóa chất có thể gây tổn thương sâu, mức độ xâm lấn của vết thương có thể lớn. Do đó, chúng tôi vẫn phải tiếp tục đánh giá và theo dõi thường xuyên”, bác sĩ Lệ nói.

Người theo dõi và điều trị cho các cán bộ chiến sĩ trong sáng nay, bác sĩ Nguyễn Văn Út, chuyên khoa Ngoại tổng quát, cho biết: “Hiện tại, tình hình sức khỏe của các trường hợp bị bỏng không có gì đáng lo ngại, chúng tôi vẫn đang theo dõi và đánh giá mức độ bỏng từng ca để có hướng điều trị thích hợp. Các ca bị bỏng do hóa chất nhập viện điều trị có diện tích bỏng từ 6 – 7%, hiện vẫn tiến hành rửa vết bỏng và thay băng thường xuyên. Nếu tình hình tiến triển tốt, có thể 1, 2 nữa sẽ cho các ca bỏng này xuất viện. Riêng trường hợp anh Nguyễn Văn Thông bị chặt cổ chân thì đang theo dõi và đánh giá mức độ”.

Danh sách cán bộ chiến sĩ nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện huyện Bình Chánh:

1.    Bùi Công Phượng (sinh năm 1990, TP.HCM) bị bỏng độ 2 ở cẳng chân phải.

2.    Lê Vũ Thái (sinh năm 1993, Bình Dương) bị bỏng độ 2, cũng ở cẳng chân phải.

3.    Nguyễn Minh Chí (sinh năm 1992, TP.HCM) bị bỏng độ 1 ở tay phải và chân trái.

4.    Nguyễn Trung Quân (sinh năm 1986, TP.HCM) bị bỏng độ 2 ở 2 cẳng chân, gối và đùi. Đây là trường hợp bị nặng nhất trong các chiến sĩ bị bỏng được điều trị tại bệnh viện.

5.    Hồ Minh Nhật (sinh năm 1982, TP.HCM) bị bỏng độ 1 ở 2 cẳng chân.

6.    Nguyễn Văn Thông (sinh năm 1990, TP.HCM) bị thương ở cổ chân phải, hiện đang dùng kẹp cố định vết thương.

7.    Phạm Tiến Hùng (sinh năm 1994, TP.HCM) vừa nhập viện vào sáng ngày 17/4 sau khi chữa cháy xong, anh phát hiện mình bị bỏng ở lưng nên nhanh chóng được đồng đội đưa đến bệnh viện cấp cứu.

8.    Hùng Quốc Cường (sinh năm 1995) đã được đưa lên Bệnh viện 30/4 để điều trị

9.    Riêng anh Nguyễn Nhật Linh đã về nhà sau khi sơ cứu tại bệnh viện.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại