Mong công dân thứ 90 triệu không phải gánh hậu tham nhũng

Phương Nhi |

(Soha.vn) - Nhà thơ Vũ Quần Phương, cha đẻ của GS Vũ Hà Văn, nhà toán học VN xuất sắc hàng đầu thế giới hi vọng: Công dân thứ 90 triệu này sẽ không phải gánh vác hậu... tham nhũng.

"Việt Nam phải nghĩ xa hơn, dài hơi hơn”

Khi nghe chúng tôi nhắc tới sự kiện ngày 1/11/2013, công dân thứ 90 triệu ra đời, nhà thơ Vũ Quần Phương – nguyên Đại biểu Quốc hội khóa IX, nguyên Chủ tịch Hội văn nghệ Hà Nội giọng đầy buồn bã, ông nhớ lại câu thơ của Tản Đà hồi nước ta mới có 25 triệu dân. Khi ấy, Tản Đà đã hỏi:

“Dân 25 triệu, ai người lớn

Nước 4.000 năm vẫn trẻ con”.

Tính tới thời điểm 2h45h ngày 1/11/2013, nước Việt Nam đã chính thức cán mốc 90 triệu người, trở thành nước đông dân thứ 14 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, gần gấp 4 lần số dân thời Tản Đà, điều này đặt ra nhiều vấn đề lớn. Nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng: “Mỗi chúng ta, với tư cách là công dân của một nước có dân số lớn như vậy, cũng chịu một gánh nặng lớn. Đặc biệt, đối với những người quản lý đất nước, gánh nặng này còn nặng nề đến chừng nào!”.

Trao đổi với chúng tôi, nhà thơ Vũ Quần Phương chia sẻ: “Cảm xúc của tôi khi đón nhận công dân thứ 90 triệu là lo nhiều hơn vui”. Bởi lẽ, cả thế giới đang rất quan tâm tới việc nâng cao chất lượng sống của mỗi công dân, của cả hành tinh, ở những nước tiên tiến có xu hướng giảm sinh trong khi đó những nước tăng dân số nhanh thường là những nước chậm phát triển.

Giải thích về nỗi lo của mình, ông Phương bày tỏ: “Trong đời sống có quy luật lượng biến thành chất. Dân số của nước ta ở mức 20 – 30 triệu người như hồi chiến tranh, giải quyết mọi vấn đề rất dễ. Ví dụ, nếu đói ăn, khi dân số thấp, nhà nước chỉ cần mấy tàu gạo được viện trợ hoặc mua chịu, vẫn có thể giải quyết được nạn đói, nhưng với con số 90 triệu mà đứt bữa thì đây lại là vấn đề rất nan giải. Hoặc một thành phố dưới 2 triệu người sẽ khác nhưng nếu bùng nổ dân số như Hà Nội hay TP.HCM, hàng loạt vấn nạn sẽ xảy ra như xử lý rác thải, nước thải,… nếu không giải quyết khéo léo sẽ bức tử thành phố”.

 	“Cháu bé sinh vào “giờ vàng” - là công dân thứ 90 triệu của nước VN, được mọi người chào đón, đó là cái mốc tinh thần đáng quý

Hơn nữa, với số trẻ con sinh tăng hàng năm, Việt Nam sẽ phải tăng bao nhiêu trường mẫu giáo, bao nhiêu trường cấp một, bao nhiêu bệnh xá, đường xá, giao thông phải tăng như thế nào,... liệu chúng ta có thể tăng “năng suất” cải thiện chất lượng sống để đuổi kịp mức tăng dân số hay không?!

“Tôi lo là lo ở chỗ đó” – ông Vũ Quần Phương nói.

Tôi vẫn cảm thấy nước ta không nên phát triển dân số. Nên giảm bớt càng nhiều càng tốt hoặc giữ mức này thôi, nếu không, mọi mặt sản xuất vật chất không đuổi kịp thì đời sống sẽ phải eo hẹp dần, đến mức Việt Nam xuất cảng cả cô dâu, chú rể. Ở Hàn Quốc có tới 37.000 cô dâu Việt Nam – đó không phải là chuyện đáng tự hào. Nghĩ thật sâu thì chuyện đó buồn lắm!” - nguyên Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà Văn Việt Nam tâm sự.

Chính vì vậy, theo ông Phương, với việc chào đón công dân 90 triệu, chúng ta cần đặt ra một cách nghĩ dài hơi hơn, tầm vóc cao hơn. “Nước ta xuất phát từ một nước tiểu nông, mình hay thực dụng nên nghĩ ngắn. Với số lượng lớn 90 triệu dân, tôi sợ ta nếu mình không nghĩ xa, không nghĩ kỹ việc này, không đón đầu được đòi hỏi của thực tiễn thì sẽ luôn luôn phải đuổi theo giải quyết kiểu sự vụ. Hiện tại nhà thương quá tải, đang phải nằm 2 người, thậm chí nằm 4 người, giao thông ách tắc,… nếu dân số 90 triệu và tiếp tục tăng lên nữa thì sẽ như thế nào” – ông Phương trăn trở.

Hi vọng công dân thứ 90 triệu sẽ hưởng hạnh phúc

Sự kiện 90 triệu dân được đánh giá là một chỉ báo rất thành công của công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình tại Việt Nam, một dấu mốc quan trọng và ý nghĩa, tuy nhiên, theo nhà thơ Vũ Quần Phương, “cháu cũng sẽ phải nếm trải tất cả những thuận lợi, khó khăn của đứa bé thế hệ cháu”.

Nhà thơ này kể: Năm 1954, khi giải phóng Hà Nội, anh hùng Nguyễn Quốc Trị đã vào nhà hộ sinh đón được cháu bé sinh đầu tiên vào ngày giải phóng thủ đô 10/10. Nhưng khi lớn lên, đứa bé đó lại không phát huy được sức mạnh của một người sinh vào ngày giải phóng thủ đô.

Là cha đẻ của GS Vũ Hà Văn, nhà toán học Việt Nam xuất sắc hàng đầu thế giới, hi vọng: Công dân 90 triệu sẽ được hưởng hạnh phúc đời thường như bao đứa trẻ khác.

Là cha đẻ của GS Vũ Hà Văn, nhà toán học Việt Nam xuất sắc hàng đầu thế giới, nhà thơ Vũ Quần Phương hi vọng: Công dân 90 triệu sẽ được hưởng hạnh phúc đời thường như bao đứa trẻ khác.

Vì vậy, ông Vũ Quần Phương lưu ý: “Cháu bé sinh vào “giờ vàng” - là công dân thứ 90 triệu của nước Việt Nam, được mọi người chào đón, đó là cái mốc tinh thần đáng quý bởi chưa bao giờ VN có dân số như thế cả. Nhưng chỉ ở tinh thần thôi, còn cháu bé này cũng phải hưởng thụ những thuận lợi cũng như trải qua những thử thách như mọi đứa trẻ khác”.

Là cha đẻ của GS Vũ Hà Văn, nhà toán học Việt Nam xuất sắc hàng đầu thế giới, người đã vinh dự được nhận Giải thưởng Polya - một giải thưởng lớn của Hội Toán học Ứng dụng và Công nghiệp Hoa Kỳ (SIAM), ông Vũ Quần Phương kỳ vọng rất nhiều vào thế hệ trẻ trong tương lai.

Được sinh ra trong thời bình, không chịu nô lệ, bất công, “với mốc công dân 90 triệu này, với tình cảm cá nhân, tôi mong rằng cháu không phải gánh vác những tham nhũng, hối lộ. Mong sao cháu phát huy được những thuận lợi, gặp những số phận may mắn, để ít nhất cũng được hưởng một hạnh phúc đời thường như bao người khác, còn nếu trở thành nhân vật xuất sắc nào đó thì quá mừng vì ngẫu nhiên trở thành một biểu tượng… Mong sau sau 20 năm nữa, khi cháu trưởng thành, đất nước sẽ nhiều đổi thay…”, ông Phương hi vọng.

Đón công dân thứ 90 triệu, ông Phương nhắc lại: Trước hết là rất vui vì thêm một công dân tí hon chào đời nhưng về lâu, về dài, để cho những người sinh ra có đủ điều kiện để sống một cuộc sống hạnh phúc thì cần phải tính tới chuyện thu hẹp mức độ sinh sản ở từng gia đình, chỉ dừng lại ở 1 đến 2 con.

Ta có những lầm lẫn khi ca ngợi những gia đình 5 con nhưng đều được vào Đại học. Ca ngợi việc cha mẹ nuôi 5 con vào Đại học là tốt nhưng nhắc tới chuyện 5 con thì không được. Hơn nữa, thông thường những gia đình như vậy thường sống rất vất vả”, nhà thơ Vũ Quần Phương nhấn mạnh.

Do vậy, theo quan điểm của ông Phương, việc sinh ít con cũng thể hiện lòng yêu nước, tinh thần vì cộng đồng, vì trách nhiệm của mỗi công dân. Bởi có những gia đình đủ điều kiện nuôi 10 người con nhưng họ vẫn biết cách tiết chế. Trong khi đó, nhiều gia đình nghèo sinh nhiều con sẽ không chỉ gây bất hạnh cho những trẻ em đó mà còn tạo ra bất hạnh cho cả xã hội.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại