"Cảnh sát giao thông" già nhất Việt Nam

Bảo Nhàn |

(Soha.vn) - Ai ghé qua làng Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) sẽ khó quên được hình ảnh một cụ già năm nay đã 80 tuổi, tự nguyện điều khiển giao thông tại cổng làng.

Cụ ông đa tài

Vào một chiều mưa phùn, rét mướt của những ngày đầu đông, chúng tôi vừa bước đến cổng làng Lai Xá, đập vào mắt là hình ảnh một cụ già đang say sưa làm công việc điều tiết giao thông. Đó là ông Phạm Đình Chính (sinh năm 1934), hiện đang sinh sống tại làng Lai Xá. Nhìn bề ngoài, ông có vầng trán cao, mái tóc đã bạc phơ, miệng hay nói hay cười. Với thái độ niềm nở, gặp ai cũng “dạ dạ vâng vâng” và không ngần ngại vừa làm vừa tiếp chuyện chúng tôi ngay tại cổng làng.

Làng Lai Xá được biết đến là cái nôi của nghề ảnh Việt Nam, cho đến nay làng nghề truyền thống đó vẫn được lưu giữ và phát triển. Năm 20 tuổi (lúc này ông vừa lấy vợ), ông Chính đã mang cái nghề nhiếp ảnh của làng lên Thái Nguyên để sinh sống và lập nghiệp, ông mở hiệu ảnh tên là Đại Đồng ở huyện Phổ Yên. Năm 1992 ông trở về làng tiếp tục truyền lửa cho con cháu.

Trong quá trình làm nhiếp ảnh ở Thái Nguyên, ông tiếp xúc với người Pháp nhiều, ông đã tự học tiếng Pháp nên bây giờ mỗi khi có người Pháp đến Lai Xá tìm hiểu về nghề ảnh thì ông lại giao tiếp với họ một cách rành rọt khiến ai cũng ngạc nhiên.

Ngoài ra ông còn thuộc cả tập thơ dày như “Nhật kí trong tù” của Hồ Chí Minh, những vần thơ bất hủ của Chế Lan Viên, hay những bài thơ của “ông vua thơ tình” Xuân Diệu…

Ông còn có tài ngâm thơ, đánh đàn ghi-ta, vừa đàn vừa hát những lời ca của nhạc sĩ Canh Thân, Trịnh Công Sơn… Và ông cũng không ngần ngại đứng trước cổng làng mà hát mộc tặng chúng tôi một vài câu hát khỏe khoắn, đầy ý nghĩa…

Ông “cảnh sát giao thông làng” có tấm lòng nhân hậu

Cổng làng Lai Xá gồm 5 con ngõ hẹp chụm vào nên giờ cao điểm lượng học sinh, sinh viên, người đi làm qua lại khá đông đúc. Chứng kiến cảnh lộn xộn và không ít lần va chạm, cãi vã nên ông Chính đã tự nguyện đứng ở đây làm công việc này từ năm 2005, không lương bổng, không một nguồn trợ cấp nào.

 Khi được hỏi lý do ông làm việc này ông cười nhân hậu cho rằng “ Tôi là người cao niên trong làng nên tôi xem con cháu, người dân ở đây cũng như chính con cháu của mình vậy, nên tôi làm vì lòng yêu thương tất cả mọi người”.


	Ông Chính với nụ cười nhân hậu, nghĩa cử của ông khiến mọi người dân trong làng đều yêu mến, kính phục.

Ông Chính với nụ cười nhân hậu, nghĩa cử của ông khiến mọi người dân trong làng đều yêu mến, kính phục.

Ông cũng làm việc theo nguyên tắc mà ông tự đặt ra cho mình. Hằng ngày ông chia làm 3 ca, mỗi ca là 2 tiếng, ca sáng, ca trưa và ca chiều từ thứ 2 đến thứ 6. Đó là những khoảng thời gian cổng làng đông đúc người lại qua. Trong túi áo của ông lúc nào cũng có cây bút và một cuốn sổ tay nhỏ, thỉnh thoảng có việc cần hay ai đến hỏi thăm ông thì ông lại ghi tên tuổi của họ vào cho nhớ.

Thấy ông khoác một cái túi xách nhỏ trong cổ, tôi tò mò hỏi ông đựng thứ gì trong đó, rồi ông nhìn trước, nhìn sau xem có ai không rồi nói nhỏ với tôi cứ như là một bí mật lớn vậy.

Ông từ từ đưa ra một viên bida được làm bằng đá và một túi cát nhỏ rồi nói khe khẽ vào tai tôi rằng “đây là cát trộn lẫn ớt hạt để khi nào lỡ mà có người dân hô cướp chạy ngang qua thì tôi sẽ bốc nắm cát này vụt vào mắt tên cướp cho nó ngã quỵ xuống, hết đường chạy. Còn đây là viên bida bằng đá để đề phòng có tên ác ôn nào nó ghét mình, nó đứng gần giả vờ nói chuyện, nếu nó có làm gì mình thì chỉ cần vụt một quả vào mặt thì nó lăn quay ra đấy”. Nói xong ông nhẹ cười lấy làm hả hê nhưng trông  hiền lành lắm, chắc ông hài lòng với sáng kiến có một không hai của mình.

Cứ như thế, đã gần chục năm, hầu như hình ảnh của ông đều gắn bó với cổng làng Lai Xá, hiếm khi người ta thấy vắng mặt ông cho dù mùa đông hay mùa hè.

 Trưởng thôn và người dân ở đây đề nghị được trả lương cho ông nhưng ông không nhận, ông làm việc này xuất phát từ tấm lòng chứ không phải vì tiền. Thế là thỉnh thoảng người dân ở đây báo đáp ông bằng cách biếu ông túi thuốc bắc hay hoa quả, trái quà nhưng ông chỉ cảm ơn, và chỉ nhận một ít cho người ta vui lòng.

Con dâu của ông là chị Đinh Thị Thu Huyền làm nghề bán bánh cuốn chia sẻ: “Nhà ở cách cổng làng khoảng 500m thôi, tôi vừa bán bánh, vừa sớm lo cơm nước cho ông ăn để còn đi làm việc, ông ấy luôn đi đúng giờ, có bữa chưa kịp ăn ông cũng đi làm đã rồi về ăn sau”.

Cô Trần Thị Thường, là người bán tạp hóa ngay cạnh cổng làng cho biết: “Tôi ở đây nên tôi chứng kiến ông làm việc hằng ngày, cho dù mưa gió hay nắng gắt thì ông vẫn không nghỉ làm, ông còn đưa cái ghế nhựa ra để ngồi rồi trước khi về ông gửi lại ở nhà tôi cho tiện. Lần ảnh hưởng cơn bão Hải Yến vừa qua, gió mạnh, mưa lớn nhưng ông vẫn mặc áo mưa làm việc. Tôi bảo ông vào trong nhà tôi đứng nhưng ông vẫn nói không sao đâu”.

Mỗi  khi được gọi đi họp Hội người cao tuổi, ông lại cần mẫn đi bộ 2 cây số xuống huyện, tuổi cao ông không đi được xe máy hay xe đạp, may mà nhà cách UBND huyện cũng không xa lắm. Ông còn “khoe” với tôi rằng ông được Hội cấp cho cái vé đi xe buýt miễn phí, nên cứ mùng 1 hằng tháng ông được đi vào Trung tâm thành phố để tham quan các bảo tàng, các danh lam thắng cảnh.

Ngoài ra Hội còn tạo điều kiện cho ông được đi khám chữa bệnh miễn phí. Ngày 8/10 vừa qua, ông Phạm Đình Chính là 1 trong 5 người được trao danh hiệu “Người tốt việc tốt” cấp Thành phố.

                  

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại